Mỗi khi nghe tin dòng game nào đó sắp được chuyển thể thành phim thì fan lại vô cùng tò mò, không biết trò mình yêu thích khi lên màn ảnh nhỏ sẽ hoành tráng đến mức nào. Dĩ nhiên không phải là phim nào cũng được game thủ đón nhận, nhưng xét riêng về mảng phim truyền hình thì chất lượng của nó khá khẩm hơn so với những loại hình phim khác. Để điểm qua những cái tên nổi bật, sau đây là top 10 phim truyền hình hay nhất được chuyển từ game, mời các bạn cùng tham khảo nhé.
Carmen Sandiego
Netflix đã chuyển thể rất nhiều tựa game hay thành những bộ phim truyền hình xuất sắc trong những năm gần đây. Và Carmen Sandiego chắc chắn là một trong những bộ phim chuyển thể từ game đỉnh nhất. Thật ra tựa game không chỉ có Netflix chuyển thể Carmen Sandiego, tuy nhiên chắc chắn một điều là họ đã làm tốt nhất. Series phim năm 2019 đã trở nên thành công hơn bất cứ bản chuyển thể nào trước đó.
Với phong cách đồ họa mượt mà bắt mắt, bộ phim đã đưa khán giả đi khắp thế giới cùng cô nàng siêu trộm, siêu điệp viên xinh đẹp Carmen Sandiego. Bộ phim đã ra được 4 season trong 2 năm, và chắc chắn nó sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt khi trở lại trong season tiếp theo.
Persona
Hầu hết những bộ phim trong danh sách này kể những câu chuyện hoàn toàn mới chứ, tuy nhiên điều này không đúng với Persona 4 và Persona 5. Về cơ bản thì nó kể lại câu chuyện chính xác như trong game, nhưng chi tiết hơn rất nhiều.
Nghe có vẻ như hơi thừa và nhàm chán nhỉ? Nhưng mà trên thực tế thì nó mang lại nhiều thứ hay ho để xem, khi mà cốt truyện giờ đây liền lạc hơn rất nhiều. Cách làm phim truyền hình này còn hay ở chỗ là nó giúp nhân vật chính thể hiện được cá tính của mình tốt hơn, khi mà giờ đây họ không còn do bạn điều khiển nữa. Có thể nó sẽ làm cho câu chuyện trở nên thú vị hơn khi diễn biến khác đi so với cách mà bạn chơi game đấy.
The Witcher
Series phim truyền hình siêu hay, siêu chất The Witcher của Netflix thì quá hot dạo gần đây rồi. Nó đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho live-action chuyển thể từ game, thứ thường chẳng mấy thành công. Mọi thứ trong phim đều được xây dựng công phu và hoàn hảo, đặc biệt là nam chính Henry Cavill cứ như bước ra từ game vậy. Đương nhiên do game và phim khác biệt nên cũng có một vài điểm được làm khác đi nhưng nhìn chung thì nó vẫn không phụ mong đợi từ game thủ The Witcher.
Khi bộ phim ra mắt, nó không chỉ là một thành công lớn của Netflix mà còn giúp cho Studio CD Projekt RED hốt bạc vì siêu phẩm The Witcher 3: Wild Hunt lại hot lên một lần nữa. Có thể nói đây là bộ phim đã lấy lại niềm tin của công chúng về những bộ phim live-action chuyển thể từ game, khiến cho fan của nhiều dòng game khác cũng mong rằng dòng game yêu quý của họ cũng sẽ được chuyển thể một cách tử tế như vậy.
Castlevania
Nói về series hoạt hình trên Netflix thì Castlevania sẽ là cái tên nổi bật, tận dụng những yếu tố hành động – kinh dị của dòng game này và kết hợp với phong cách anime để tạo thành một trong những bộ phim truyền hình siêu hay các bạn ạ. Có một điều khá bất ngờ là mặc dù bản game gốc và phong cách hình ảnh có nguồn gốc từ Nhật Bản, dòng phim này lại được sản xuất bởi studio animation tại Mỹ là Frederator và Powerhouse Animation Studios. Trong đó, một vài người đã từng có kinh nghiệm sản xuất anime Nhật Bản.
Nhìn chung thì series này tuyệt cú mèo các bạn ạ. Nó kéo dài 4 mùa và khai thác một số yếu tố có trong cốt truyện của dòng game Castlevania. Fan của Castlevania: Symphony of the Night và thậm chí là Castlevania 3 sẽ cực kì hào hứng với phim truyền hình này. Đặc biệt hơn cả là hình ảnh trong phim mang màu sắc u ám, khá là rợn người mà những bộ phim truyền hình chuyển thể từ game khác lại không làm được. Có thể thấy thẩm mỹ trong series phim Castlevania được chú trọng rất nhiều, giúp nó trở nên độc nhất vô nhị trên thị trường.
Megaman Battle Network
Dòng game Mega Man dành cho hệ máy NES và SNES không có nhiều phiên bản phim truyền hình cho lắm. Chỉ có 1 phim hồi thập niên 90 là được nhiều người nhớ đến nhờ có cảnh Proto Man tìm cách phá hủy Nhà tưởng niệm Lincoln. Sau này, đến dòng game Battle Network trên Game Boy Advance thì Mega Man mới được khác lên mình một chiếc áo mới hoàn toàn, cùng với đó là bộ phim truyền hình cực hay mang tên Mega Man NT Warrior.
Phim cũng dễ xem dễ hiểu, và fan Mega Man cũng rất thích thú khi xem vì nó biến tấu những con trùm khét tiếng trong game thành các phiên bản mới lạ hơn. Ngoài ra, bối cảnh trong phim cũng được thay đổi thành kiểu khoa học viễn tưởng (sci-fi) thay vì là phong cách cyberpunk trứ danh, giúp Mega Man NT Warrior tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng game thủ.
Sonic The Hedgehog
Có một sự thật là dòng game Sonic The Hedgehog có rất nhiều phim truyền hình, và may mắn là nó có những bộ rất hay. Một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như phiên bản phim hoạt hình vào thập niên 90 với những phân đoạn Sonic Says đưa ra các cảnh báo an toàn cho trẻ nhỏ, phiên bản Sonic Underground với phong cách cyberpunk khá là dị, series anime Sonic X nhiều tập, thậm chí còn có cả series dựa theo thảm họa Sonic Boom thường hay được đem ra để chế ảnh meme.
Nói chung là chú nhím xanh này có nhiều bộ phim truyền hình lắm các bạn ạ, và nó cũng tạo ấn tượng khó phai trong lòng người xem. Sonic nhìn vừa ngầu vừa thu hút không chỉ trong game mà nó còn giúp nhân vật này trở nên vui nhộn và thân thuộc trong những series phim truyền hình.
Kirby
Kirby: Right Back At Ya là bộ phim truyền hình hay nhất dành cho fan của nhân vật đáng yêu này. Tuy phim chỉ có 4 mùa được chiếu vào đầu những năm 2000, nhưng game thủ rất lấy làm vui mừng vì hiếm khi nào được thấy Kirby xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Bên cạnh khuôn mặt đáng yêu là một giọng nói cũng dễ thương không kém, với bối cảnh trong một thành phố vô cùng dễ mến.
Cho đến bây giờ, fan vẫn rất yêu thích Kirby: Right Back At Ya, và có 1 tập trong đó được làm lại bởi một nhóm gồm các nhà làm phim hoạt hình vốn đã từng rất yêu thích bộ phim này. Kirby: Right Back At Ya còn xuất hiện dưới dạng nội dung bổ sung trong tựa game Kirby’s Dream Collection trên hệ máy Wii. Điều này cho thấy bản thân Nintendo cũng biết được rằng Kirby có rất nhiều fan hâm mộ.
Rabbids
Sau khi tách khỏi series Rayma, thương hiệu Rabbids của Ubisoft càng trở nên phù hợp hơn với phim truyền hình so với bất kỳ tựa game nào khác thuộc series này. Những trò hề kỳ quặc của Rabbids được tạo ra chỉ để góp một phần nhỏ cho game giờ đây lại trở thành một phim truyền hình hay dành cho trẻ em.
Chất lượng hình ảnh của phim truyền hình Rabbids được làm không thua gì chất lượng đồ họa của game, thậm chí những tình huống oái oăm mà chương trình truyền hình tại ra còn khiến cho nội dung càng trở nên thú vị hơn. Rabbids trở thành một series phim truyền hình dài tập nhưng lại không hề có lời thoại, tất cả đều được diễn tả bằng ngôn ngữ tay chân và vì thế nó càng phù hợp hơn với trẻ em.
Digimon
Thêm Pokemon vào danh sách này thì dễ rồi, nhất là khi series này vẫn còn đang được chiếu ở thời điểm hiện tại dù đã ra mắt được hơn chục năm. Tuy nhiên, đối với những ai không phải fan của Pokemon thì series phim truyền hình này lại không có gì đặc sắc cho lắm. Thế nên đây cũng là cơ hội cho Digimon tỏa sáng hơn cả Pokemon, xét theo phương diện phim truyền hình được chuyển thể từ game.
Các chương trình truyền hình về Digimon ít khi sử dụng nội dung trong game như Pokemon. Cũng chính vì thế mà khi series phim truyền hình này thành công rực rỡ, nhiều tựa game Digimon phổ biến đã phải sử dụng nội dung của series phim anime này để làm nội dung cho game, một hiện tượng hiếm thấy trong ngành công nghiệp game.
Viva Pinata
Một chương trình truyền hình có thể nói là kỳ lạ nhất trong danh sách phim truyền hình được chuyển thể từ game này. Tuy nhiên, series phim Viva Pinata lại nổi tiếng đến mức mà một số fan hâm mộ không không biết rằng game có trước rồi mới tới sự xuất hiện của series phim truyền hình. Dù vậy, bản thân phim truyền hình cũng có sự khác biệt đáng kể so với game, Viva Pinata được giảm tải nội dung phiêu lưu của game và tăng mức độ hài hước và thân thiện với trẻ em hơn.
Có rất ít series phim truyền hình và game nào tạo được sự nhầm lẫn với người xem lớn như Viva Pinata. Thông thường, chúng ta rất dễ nhận biết đâu là game, đâu là phim, và đâu là phim được làm từ game. Thế nhưng, series phim truyền hình Viva Pinata dành cho trẻ em lại dễ dàng khiến cho nhiều người, kể cả fan hâm mộ nghĩ rằng game là “người tới sau”.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 6 bộ phim được chuyển thể từ game đáng xem nhất
- Top 10 tựa game cực hay được lấy ý tưởng từ những bộ phim đình đám
- Top 10 tựa game hay được sinh ra từ những bộ phim dở
Nguồn: The Gamer
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!