Dòng game Grand Theft Auto đã không còn là một cái tên xa lạ với anh em game thủ. Chỉ cần nhắc đến những cái tên như Vice City hay San Andreas thôi là biết bao ký ức tuổi thơ tràn về. Nó không chỉ là các phần game kéo dài suốt 2 thập kỷ mà đây còn là một hiện tượng, đưa Rockstar và Take-Two Interactive lên một tầm cao mới, đồng thời giúp họ thu về khoảng 5 triệu USD mỗi ngày. Và cũng chính vì có bề dày lịch sử như thế nên GTA đã có không ít thăng trầm kể từ phiên bản đầu tiên dưới dạng đồ họa 2D. Tính đến thời điểm hiện tại thì GTA đã có rất nhiều phiên bản chính và kha khá phụ bản (spin-off). Sau đây là danh sách 10 phiên bản Grand Theft Auto xuất sắc nhất mọi thời đại.

Grand Theft Auto Online

Những game thủ nào mới chơi thì buộc phải dành kha khá thời gian để cày tiền (hoặc nạp tiền) trong GTA Online thì mới may ra tìm thấy được sự thích thú khi tham gia vào các hoạt động trong phần này. Tuy nhiên, xét về mặt thiết kế game thì GTA Online đã khiến không ít người cảm thấy vô cùng bất ngờ. Cơ bản thì đây là một game sandbox có rất nhiều cộng đồng, quyền lực, phe phái, kỹ năng nhân vật, và vô số thứ khác để người chơi tha hồ khám phá.

Bên cạnh đó, Rockstar cũng thường xuyên cập nhật nội dung mới, bổ sung DLC cho GTA Online, cho phép game thủ tổ chức các cuộc đua xe, đua thuyền, đua máy bay; hoặc tạo ra những cung đường đua với các khúc cua cực gắt. Ngoài ra thì anh em còn được lên kế hoạch cướp ngân hàng, sau đó lấy khoản tiền đó để đi… đầu tư. GTA Online có lẽ là thành tựu rực rỡ nhất của Rockstar, xét về mặt thiết kế game.

Grand Theft Auto: Episodes From Liberty City

Vì GTA IV không thực sự nổi bật nên nhiều game thủ cũng quên mất sự tồn tại của Episodes From Liberty City luôn. Đây là combo DLC bao gồm 2 bản mở rộng The Lost and Damned và The Ballad of Gay Tony với dàn nhân vật được đầu tư rất kỹ lưỡng, điều mà GTA IV đã thiếu sót. Trong khi GTA IV xoay quanh câu chuyện trả thù của Niko Bellic thì Lost & Damned tập trung vào nhân vật Johnny Klebitz – một người nói chuyện rất khó nghe nhưng sống rất tình nghĩa – cực kì phù hợp với motif nhân vật chính của series GTA, và đồng thời cốt truyện cũng thú vị hơn và nhiều màu sắc hơn.

Trong khi đó, The Ballad of Gay Tony là một biến thể của Vice City theo chiều hướng hiện đại hơn, mới mẻ hơn. Trong đó có nhiều đài radio hoàn toàn mới, mở lên nghe tới đâu là thấy cuốn hút tới đó; và đồng thời cốt truyện cũng đưa anh em đi đến nhiều nơi thú vị, từ các câu lạc bộ đêm với ánh đèn neon cho đến tầng thượng của các tòa nhà chọc trời (và sau đó nhảy dù xuống mặt đất). Nói chung là những gì mà anh em còn vương vấn từ thời Vice City và San Andreas thì nó đều hội tụ trong 2 bản DLC này.

Grand Theft Auto: Liberty City Stories

Đây là một trong những nước cờ thông minh nhất của Rockstar – tái dựng lại khung cảnh thành phố Liberty City trên chiếc máy PSP. Rockstar không chỉ tìm được cách gói gọn nguyên cả game GTA thành một phiên bản cầm tay mà họ còn bổ sung được nhiều thứ thú vị vào trong game. Xe 2 bánh chạy trên đường phố, cơ chế điều khiển và bắn súng được cải thiện, và đồng thời lượng xe cộ cũng rất là đa dạng.

Ngoài ra, với phiên bản này, Rockstar cũng có thêm một cơ hội để thử nghiệm tính năng chơi mạng (multiplayer). Anh em có thể tham gia vào chế độ deathmatch 6 người (Liberty City Survivor) để bắn giết nhau bằng bất cứ thủ đoạn nào, đâm sầm vào các cảnh vật 2 bên đường khi đang đua xe đường phố, phá hủy căn cứ, lái xe tăng, nói chung là cực kì vui nhộn anh em ạ. Có thể nói đây là tiền đề cho chế độ multiplayer trong GTA IV và V đó.

Grand Theft Auto: Vice City Stories

Sau khi lắng nghe game thủ phàn nàn rằng vì sao họ không thể bơi trong Liberty City Stories, Rockstar đã bổ sung tính năng này vào trong Vice City Stories cùng với hàng loạt thứ mới mẻ khác. Nhạc nền trong phần này nghe cũng rất bắt tai, nhưng cái ăn tiền trong Vice City Stories là cơ chế Empire Building. Nhân vật Vic trong game phải biết cách quản lý nhiều khu nhà đất khác nhau, đồng thời nâng cấp nó và phân bố một vài tên lính để canh gác chỗ đó.

Khi anh em tương tác với đội của mình thì sẽ có thêm nhiệm vụ để nâng cấp các khu nhà, trong lúc đó thì anh em có thể đi ra ngoài và chiếm thêm nhiều mảnh đất khác, tăng thu nhập cho bản thân. Ngoài ra thì anh em sẽ có thêm các bộ đồ và vũ khí xịn sò hơn nếu biết quản lý đúng cách. Đây cũng là một trong số ít lần mà Rockstar bổ sung cơ chế này vào trong game. Cũng khá tiếc anh em nhỉ.

Grand Theft Auto: Chinatown Wars

Chinatown Wars là nỗ lực thứ nhì của Rockstar nhằm đem series GTA lên nền tảng với sức mạnh phần cứng bị hạn chế. Phần này đưa game thủ trở lại Liberty City nhưng khác cái là với góc nhìn từ trên xuống và đồng thời có thêm nhiều minigame giúp nội dung game trở nên phong phú và sống động hơn. Rockstar hiểu được rằng sau Vice City, San Andreas, và GTA IV thì khó thể nào mà quay lại theo kiểu truyền thống, nên họ đã thiết kế Chinatown Wars theo hướng “Nintendo”.

Bạn sẽ được tự tay châm nhiên liệu cho mấy quả bom xăng, ráp súng tỉa, phá khóa, và nhiều hơn thế nữa. Tất nhiên, hướng đi mới này đã khiến không ít fan GTA quay lưng ngoảnh mặt, nhưng nếu anh em biết rõ là mình có thể mong đợi điều gì từ phiên bản này thì Chinatown Wars sẽ là một làn gió mới, phá vỡ sự rập khuôn truyền thống của dòng game GTA.

Grand Theft Auto IV

Thay vì tạo ra một tựa game GTA với màu sắc giống các phần trước, GTA IV lại remake thành phố Liberty City với một bầu không khí xám xịt và ảm đạm. Niko Bellic là một nhân vật sắc sảo, nhưng thái độ của anh ta đối với cuộc sống tội phạm lại trái ngược với những gì mà game thủ mong đợi. Đây cũng là lý do vì sao phần này không được nhiều game thủ ủng hộ cho lắm.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đây là phần GTA đầu tiên sử dụng RAGE engine, và nó đã phô diễn khả năng tái dựng các hiệu ứng vật lý khá là chính xác. Kết hợp với những màn rượt đuổi lạng lách trong game, nó đem đến cho người chơi cảm giác như là đang cầm cái vô-lăng trước mặt mình vậy. Ngoài ra thì cũng phải công nhận rằng Rockstar đã làm rất tốt cơ chế bắn súng trong phần này. Chỉ tiếc một điều là phần này không tạo được mối liên kết với game thủ như Rockstar đã mong đợi.

Grand Theft Auto V

GTA V là phiên bản “sửa lỗi” của GTA IV. Bên cạnh cốt truyện và yếu tố gameplay hoành tráng thì game thủ còn được chơi với chế độ góc nhìn thứ nhất, mang đến cảm giác cực kì mới lạ cho dòng game đã kéo dài hơn 1 thập kỷ. Xét riêng về gameplay thì nó rất là xuất sắc nhờ cơ chế chuyển đổi qua lại giữa 3 nhân vật chính khác nhau. Riêng nhân vật Trevor là rất đáng chú ý vì hắn ta có tính cách cực kì quái dị, đặc biệt là màn tra khảo – khi anh em được điều khiển Trevor làm đủ trò tra tấn để moi được thông tin mà mình muốn. Và màn chơi này đã dấy lên nhiều câu hỏi và khiến cộng đồng fan bàn tán sôi nổi vì nó vừa độc đáo vừa quá… bạo lực một cách không cần thiết.

Cứ mỗi khi có phần mới ra mắt là Rockstar lại phải tìm cách làm hài lòng game thủ. Và rất may là với phần này thì có thể nói Rockstar đã “hạ cánh” an toàn, bằng chứng là nó đã giúp họ thu về được một số tiền khổng lồ, và đặc biệt là cho đến giờ này vẫn còn một số lượng lớn game thủ đăng nhập vào game mỗi ngày để vui chơi thỏa thích trong game.

Grand Theft Auto III

GTA III là một quyết định táo bạo của Rockstar vào thời bấy giờ. Nếu bây giờ mà anh em vào game chơi thì sẽ thấy nó có một vài nhược điểm khá nhức nhối như cơ chế khóa mục tiêu (lock-on) cồng kềnh và chẳng hề có tính năng checkpoint gì cả, nhưng ngoại trừ những lỗi vụn vặt đó ra thì game hoàn toàn rất đáng để chơi thử. Thế giới mở trong GTA III được đầu tư rất tỉ mỉ với nhiều bí mật chực chờ anh em khám phá.

Thành phố Liberty City với thiết kế 3 hòn đảo phải nói là thuộc hàng trứ danh luôn rồi. Nó không chỉ khiến game thủ cảm thấy choáng ngợp mà còn đem đến những phút giây hồi hộp, u tối với lớp sương mù dày đặc và ánh đèn chớp nháy trong đêm. Để góp phần tạo nên sức sống cho game, các nhân vật trong phần này cũng rất là thú vị và có chiều sâu, đài phát thanh thì nghe hoài mà không cảm thấy chán. Nói chung là rất đáng để trải nghiệm anh em ạ.

Grand Theft Auto: San Andreas

Sau GTA III, Rockstar lại tiếp tục thừa thắng xông lên với San Andreas. Cũng giống như phần III, San Andreas cũng được phát triển đúng hướng và mở rộng ra thêm mà vẫn giữ được trọn vẹn cái hồn của dòng game này. San Andreas tập trung vào yếu tố nhập vai nhiều hơn, cho phép anh em chọn nhiều dạng thân hình và các bộ đồ khác nhau cho nhân vật chính CJ. Vũ khí, xe cộ, vật dụng trong game cũng đa dạng hơn, và thế giới mở cũng cực kì rộng lớn.

Không dừng lại ở đó, San Andreas còn có nhiều khu rừng và vùng ngoại ô cho anh em tha hồ khám phá những bí mật chưa được Rockstar bật mí. Tuy nhiên, cốt truyện trong phần này khá là buồn cười. Nó vui nhộn và đáng nhớ, nhưng lại yêu cầu CJ phải đi tùm lum chỗ, từ vùng ngoại ô, đình núi, cho đến phòng thí nghiệm và thậm chí là vào tới sòng bạc luôn. Với San Andreas, cứ như thể là Rockstar cố gắng nhồi nhét mọi thứ vào trong game này càng nhiều càng tốt. Nhìn chung thì San Andreas vẫn rất cuốn hút, nhưng vẫn còn một phần GTA khác hoàn thiện hơn hẳn…

Grand Theft Auto: Vice City

… Và không phần nào khác ngoài Vice City trứ danh. Với bối cảnh thành phố Vice City (dựa trên Miami) vào thập niên 80, anh em sẽ vào vai một kẻ cướp Tommy Vercetti vừa được toại ngoại. Sau khi bị vướng vào một cuộc buôn lậu thì anh ta đã quyết định tìm ra kẻ chủ mưu, đồng thời xây dựng một đế chế cho riêng mình và hạ bệ những băng nhóm khác trong thành phố.

Vào lúc ra mắt, Vice City đã giành được vô số lời khen ngợi từ giới phê bình nhờ có cốt truyện cực kì cuốn hút; nhất là phần âm nhạc và gameplay được đánh giá rất cao. Thiết kế thế giới mở cũng chứa nhiều chi tiết và mang lại cảm giác tràn đầy nhựa sống đối với game thủ. Vào năm 2002 thì đây chính là tựa game bán chạy nhất năm và tính đến thời điểm hiện tại nó đã bán được hơn 17,5 triệu bản. Đã có nhiều trang công nhận đây là Game of The Year và là một trong những tựa game có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại.

Nguồn: What Culture