Trong thế giới game có rất nhiều nhân vật phản diện cực kì ấn tượng, giúp tạo ra một phần hồn cho tựa game và đồng thời để lại những cảm xúc khó phai trong tâm trí game thủ.

Thậm chí, có khi nó còn thú vị hơn cả nhân vật chính, khiến game thủ cứ muốn quay lại để đối mặt với nhân vật này một lần nữa. Thậm chí, một số game còn làm cho người chơi đồng cảm với nhân vật phản diện, một nước đi mà không phải game nào cũng dám làm và làm được.

Và cũng chính vì vậy mà có khi chúng ta còn muốn nhân vật chính bị đánh bại dưới tay kẻ phản diện, hoặc chí ít thì được quyền lựa chọn tha mạng cho đối thủ của mình.

Sau đây là danh sách 10 nhân vật phản diện khiến game thủ phải xót thương tột cùng.


Cảnh báo: Có Spoiler!!


Marlene – The Last Of Us

Một trong những điều tuyệt vời nhất của The Last of Us là nó xoáy vào vấn đề về đạo đức, đặc biệt là phân cảnh cuối khiến chúng ta đặt nghi vấn đề hành động của nhân vật chính Joel cuối cùng là đúng hay sai.

Ở cuối game, trên đường đi cứu Ellie, người đứng giữa Joel và Ellie chỉ còn lại Marlene – thủ lĩnh của Fireflies. Cô ta chỉ muốn dùng Ellie để tìm ra phương thuốc cứu chữa cho căn bệnh zombie đang hoành hành, còn Joel thì lại ra tay sát hại Marlene để giải cứu Ellie.

Mặc dù chưa chắc việc hi sinh Ellie sẽ giúp Marlene tìm ra phương thuốc, chúng ta có thể thấy đây là một suy nghĩ thực dụng khi quyết định hi sinh 1 người để cứu cả nhân loại khỏi sự diệt vong.

Trong khi đó, Joel thì lại bị mù quáng khi chứng kiến cảnh con gái của mình bị chết trong vòng tay, và quyết định hạ gục Marlene để giải cứu Ellie.

Chúng ta có thể hiểu cho Joel, nhưng chúng ta cũng không thể nào không đồng cảm với hi vọng của Marlene – hi vọng cứu lấy mọi người.

Darth Traya – Star Wars: Knights of the Old Republic II – The Sith Lords

Trong Star Wars: Knights of the Old Republic II, người chơi sẽ được dạy dỗ bởi một Jedi tên là Kreia, nhưng về sau thì Kreia thực chất là nhân vật phản diện, một Sith Lord ẩn thân với cái tên Darth Traya.

Thật ra mà nói thì cũng rất khó để mà phản bác lý tưởng của Traya. Bà ta giải thích cho người chơi biết rằng mục đích tiêu diệt Thần lực (The Force) là để chấm dứt sự chết chóc và tàn bạo xảy ra do cuộc chiến giữa Jedi và Sith, và đồng thời cũng là để khôi phục lại ý chí tự do (free will) cho dải ngân hà.

Hậu quả của cuộc chiến đã được chứng minh xuyên suốt series Star Wars, và nếu kế hoạch của Traya thành công thì cô ấy sẽ cứu được rất nhiều người.

Tất nhiên, Traya cũng chẳng toàn vẹn: Bà ta giết người không gớm tay và đối đầu với người chơi vào cuối game. Nhưng thậm chí đến lúc Traya chết thì chúng ta cũng phải công nhận một điều rằng chung quy Traya cũng chỉ là muốn mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn chứ không phải là để trục lợi cho bản thân.

Solidus Snake – Metal Gear Solid 2: Sons Of Liberty

Giống như Traya, Solidus Snake cũng muốn giúp loài người thoát khỏi sự kiểm soát, nhưng cuối cùng lại sử dụng phương pháp bạo lực để thực hiện nó.

Chính xác hơn thì Solidus muốn loại bỏ thế lực thâu tóm thế giới tên là The Patriots, giúp người dân lấy lại quyền tự do vốn có.

Đồng ý rằng hắn ta đã giết cha mẹ của nhân vật chính Raiden và lợi dụng những đứa trẻ để làm binh lính. Nhưng vì thân phận của hắn ta cũng chỉ là bản sao thứ ba của Big Boss được tạo ra bởi The Patriots cho nên game thủ cũng hiểu được phần nào trong thâm tâm hắn đang nghĩ gì.

Dù vậy, tầm nhìn của Solidus là rất đáng để xem xét và tán dương, và tất cả những gì mà hắn ta lo sợ cuối cùng cũng đã xảy ra, cho nên gọi Solidus là kẻ bị hoang tưởng cũng chả phải.

Handsome Jack – Borderlands 2

Không thể phủ nhận rằng chủ tịch Handsome Jack của tập đoàn Hyperion Corporation là một tên bạo chúa, cai trị hành tinh Pandora với những chính sách vĩ mô và thậm chí là sát hại luôn cả con gái Angel của mình.

Tuy nhiên, Jack lại là một trong những nhân vật phản diện có sức hút nhất trong thập kỷ vừa qua. Hắn thường xuyên xuất hiện trong game để bới móc, chọc quê người chơi. Kết quả là tạo ra một bầu không khí khá là vui tươi và náo nhiệt trong game, khác hẳn với những kẻ phản diện ngoài kia.

Jack là một gã sát nhân bị khùng, điều này không thể bàn cãi. Nhưng Jack cũng là người đã tạo ra hai khu vực trên hành tinh Pandora mà tương đối là bình yên, Lynchwood và Opportunity, trong khi những nơi khác vô cùng nguy hiểm và có thể mất mạng như chơi.

Nhưng cuối cùng thì chúng ta vẫn muốn Jack chiến thắng bởi vì có hắn ta xung quanh thì đời mới vui, nhất là trong một tựa game “hoạt hình” như là Borderlands 2.

Ganondorf – The Legend Of Zelda: The Wind Waker

Ganondorf là một nhân vật phản diện trong series The Legend of Zelda, nhưng riêng trong phần The Wind Waker thì hắn ta có nhiều sắc thái hơn và dễ đồng cảm hơn.

Trong những game khác thì Ganon là một kẻ có dã tâm chiếm đóng vùng đất Hyrule. Nhưng trong The Wind Waker thì hắn có tương tác với game thủ nhiều hơn, và giải thích cho người chơi biết rằng kế hoạch của hắn ta không phải là vì mục đích cá nhân mà là để hồi phục sự sinh sôi nảy nở cho vùng đất cằn cỗi của hắn ta.

Ganon còn nói rằng hắn chả muốn giết Link hay Zelda, và những cuộc độc thoại đầy chất thơ và sầu muộn trong game đã biến Ganon thành một nhân vật bị dằn vặt bởi những nỗi đau khổ triền miên.

Điều này không có nghĩa là Ganon trong The Wind Waker là một người tốt, nhưng xét một cách toàn diện trong cả series Zelda thì lần này, câu chuyện sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu Ganon chiến thắng được Link.

Saren – Mass Effect

Con đường đi đến địa ngục thì luôn được lát đầy bằng những ý tốt, và điều đó ít nhiều đã miêu tả cho sự hiện diện của Saren, nhân vật phản diện trong phần đầu tiên của series Mass Effect.

Saren là một thành viên của hội Spectres, một nhóm người ưu tú được lập ra với mục tiêu bằng mọi giá phải giữ được sự cân bằng cho ngân hà dưới lệnh của Hội Đồng Citadel.

Saren sau đó trở thành thủ lĩnh tối cao của Reaper, hắn tin rằng nguồn gốc của ngân hà nên được truyền giáo tư tưởng và phục vụ cho Reaper thay vì tự hủy hoại chính mình.

Cứ tưởng rằng Saren đã bị đầu độc bởi chính tư tưởng của Reaper, thế nhưng ở cuối game, người chơi hoàn toàn có thể khiến Seran nhận ra tội lỗi của bản thân và tự sát trước khi mở ra sự trở lại của Citadel

Thế nhưng cho dù bạn có đưa ra quyết định nào đi nữa, thì những lý lẻ của Saren cũng không phải là vô lý: Sự trở lại của Reaper là một điều hiển nhiên như mặt trời mọc, và nếu sự hiện hữu “tự do” là diệt chủng, thì con đường đi theo Reaper là một hướng thay thế hợp lý.

The Colossi – Shadow Of The Colossus

Thật khó để gọi những “sinh vật” này là kẻ xấu, thế nhưng ở những phân cảnh đầu tiên của tựa game Shadow of the Colossus thì 16 con quái vật cổ đại khổng lồ này chắc chắn cũng đôi phần khiến người chơi khiếp sợ.

Thế nhưng khi càng vượt qua những “kẻ xấu” này thì chúng ta càng nhận ra rằng có lẽ những con Colossi chẳng làm hại đến ai cả, và việc giết chết chúng chỉ để đem lại lợi ích cho nhân vật chính là hồi sinh Momo. Chinh xác thì cảm giác như mình mới là kẻ xấu ở đây.

Và cuối cùng thì game cũng tiết lộ rằng việc giết hại những Colossi này chỉ để thu nhập những tàn dư của Bạo Chúa Dormin, kẻ phản diện thật sự của game, trong khi Colossi chỉ là những sinh vật tự bảo vệ bản thân trước Wander. 

Nếu chơi lại tựa game một lần nữa, anh em sẽ cảm thấy khá ray rứt và ước gì Colossi có thể chiến thắng và sống vui vẻ mãi mãi. Mặc dù những con quái vật này cũng không hiền lành gì mấy nhưng chúng cũng xứng đáng cho Wander một quả đấm thật đau.

Letho – The Witcher 2: Assassins Of Kings

Letho của xứ Gulet là nhân vật phản diện chính trong tựa game The Witcher 2, mặc dù trông hắn chẳng hơn một gì kẻ to con bắt nạt kẻ yếu, nhưng Letho lại là một trong những tên ranh mãnh và ấn tượng nhất của cả series The Witcher.

Letho vốn là đồng minh của Đế Chế Nilfgaardian, hắn phải tiêu diệt những người đang thống trị phương Bắc đổi lại Nilfgaard sẽ hồi sinh Trường Rắn Độc của bọn Witchers.

Trong những diễn biến của tựa game thì có thể khẳng định Letho là một kẻ khôn lỏi, vậy nên mặc dù anh em có quyết định giết hay tha cho hắn ở cuối game, thì hắn vẫn có thể thực hiện kế hoạch của mình một cách dễ dàng.

Letho đã từng có tiền sử với Geralt, vậy nên khi đi đến quyết định cuối cùng ấy, nhiều người chơi thường chọn sự vị tha.

Mặc dù giết người là sai dù kết cục có như thế nào, thế nhưng cũng không khó để hiểu vì sao Letho lại bị Đế Chế dụ dỗ một cách dễ dàng đến như vậy.

Pagan Min – Far Cry 4

Mặc dù Vass Montenegro ở Far Cry 3 chắc chắn là tượng đài của nhân vật phản diện của series này, thế nhưng Pagan Min lại hơn Vass ở sự đáng tin cậy và lòng thương cảm.

Thật ra thì đất nước Kyrat là một đất nước của tội lỗi, vậy nên cuộc đời của Min vốn đã gắn liền với bạo lực từ khi vừa sinh ra, vì thế cũng chẳng có gì bất ngờ với tính cách của hắn ở hiện tại.

Kryat vốn đã thối rữa trước khi Min lên nắm quyền, và thật sự thì cả hai phiên bản thay thế dành cho Min là Golden Path’s Amita và Sabal đều là những dấu chấm hỏi, vậy nên cứ giữ nguyên hiện trạng có lẽ là một cách tiếp cận ít gây hại hơn.

Buồn cười thay là người chơi có thể cho Min thắng ở một cái kết bí mật của tựa game, điều có thể làm được bằng cách ngồi yên 15 phút ở khúc đầu game đến khi hắn trở lại và giúp bạn rải tro của người mẹ.

Shadowlord – Nier

Quả “plot twist” ở đoạn cuối của phần game đầu tiên của Nier chính là kẻ phản diện Shadowlord lại chính là phiên bản Gestalt của Nier, nhân vật mà chúng ta có thể điều khiển ở đầu game, và nhân vật mà những người chơi Nier đang điều khiển là một Nhân Bản.

Điều trớ trêu ở đây là cả hai phiên bản của Nier đều có chung một mục đích, đó là cứu lấy con gái và cả nhân loại, thế nhưng loại xuất phát từ hai góc nhìn rất khác.

Có thể thấy Nhân Bản Nier đã tiêu diệt rất nhiều người trên con đường đến Shades mặc dù biết rằng họ chỉ là những người bình thường cố gắng chống trả, vậy nên có thể nói anh không phải là một “anh hùng” đáng ngưỡng mộ cho lắm.

Vì thế, tựa game hoàn toàn có thể biến đổi nhân vật phản diện thành nhân vật chính, mặc dù thật sự rất khó để có thể đánh bại Shadowlord.

Nguồn: What Culture