Một trong những điều khiến chúng ta vui khi chơi game là lúc “phá đảo”, hoặc tiêu diệt được một con trùm khó, hay vượt qua màn chơi thử thách chẳng hạn. Và để có được những phút giây chiến thắng kia thì trước đó chúng ta cũng phải trải qua biết bao lần thua cuộc, hay nôm na gọi là mất mạng trong game ấy.
Và không phải cái chết nào cũng như cái chết nào. Có cái thì chết trong vinh quang, tư thế ngẩng cao đầu, có cái thì lại rất tủi nhục, xấu hổ. Thường thì đó là do người chơi khinh suất nên mới thành ra nông nỗi như vậy.
Sau đây là danh sách 10 pha chết ngớ ngẩn khiến game thủ dở khóc dở cười.
Quick Time Event bất ngờ – Resident Evil 4
Anh em chắc cũng đã từng được “trải nghiệm” cảm giác sau khi vượt qua một màn khó, hoặc đánh bại con trùm nào đó, xong rồi đoạn cutscene xuất hiện và anh em có thể thả lỏng tay, cầm lon nước lên uống một ngụm. Bỗng từ đâu ra trên màn hình hiện lên câu lệnh kêu người chơi bấm lẹ một nút nào đó (QTE), và anh em chưa kịp định thần gì cả là nhân vật chính đã lăn ra chết queo, phải chơi lại cả đoạn checkpoint trước đó.
Hồi khoảng năm 2005 thì đây là một xu hướng khá là phổ biến: nhà phát triển game muốn tạo ra một sản phẩm vừa mang tính điện ảnh, giải trí, vừa muốn khiến game thủ chú tâm vào màn chơi. Nhưng chẳng may nó lại phản tác dụng, và các đoạn cutscene thường chả có gì thú vị cả. Game thủ cứ nhìn thẳng vào màn hình, chờ no kêu bấm nút thì bấm thôi, và sau đó thì khung cảnh bắt đầu mờ dần.
Nhất là phân cảnh đối đầu với Krauser trong Resident Evil 4. Cảm giác như đây là đoạn cutscene QTE dài cả tiếng đồng hồ, những người khác xem bạn chơi thì sẽ thấy đoạn cutscene này đấm đá rất hoành tráng, nhưng còn bạn thì cứ nhìn chằm chằm vào ngay giữa màn hình trước mặt.
Hết giờ vì cái thùng màu đỏ – Sonic The Hedgehog 3
Game thủ có thể rất thích, hoặc là rất ghét những game mà có thời gian đếm ngược (time limit). Trong một số tình huống thì nó sẽ tăng thêm phần kịch tính, căng thẳng cho màn chơi, khiến game thủ phải tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất có thể. Nhưng còn trong trường hợp khác thì nó khá là phiền phức, chỉ hiện một góc ở đó rồi đếm ngược cho đến khi bạn chết rồi thôi.
Thậm chí, trong một số game, time limit nó còn nguy hiểm và đáng sợ hơn cả những kẻ địch khác, và ví dụ điển hình là trò Sonic the Hedgehog 3. Trong màn Carnival Night Zone, người chơi sẽ phải “đụng độ” với cái thùng phuy màu đỏ Red Spinning Barrel, một chướng ngại vật mà trước đây chưa từng xuất hiện trong dòng game Sonic.
Đại đa số game thủ khi gặp cái thùng này sẽ làm đủ mọi cách: nhảy lên nó, chạy xoay vòng (spin dash), chạy tới chạy lui, hay thậm chí là đập luôn tay cầm nhưng rồi cũng chẳng có gì xảy ra cả. Tất nhiên, time limit trong game thì vẫn cứ giảm dần, gần chạm đến ngưỡng Time Out 10 phút. Và sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn với nó thì bạn chợt biết được rằng chỉ cần bấm lên xuống là vượt qua được chướng ngại vật này. Quá trí tuệ!
Nhảy tự do xuống nền gạch – Tomb Raider
Lara Croft là một trong những nữ nhân vật chính ấn tượng nhất trong làng game, tất cả là nhờ Lara có một ý chí, nghị lực, sức mạnh, sự tự tin, và trí thông minh đáng nể. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì nhà thám hiểm này cũng có những “chiêu” chỉ để múa là chính chứ chả có tác dụng gì mấy. Trong đó có chiêu nhảy tự do y như Leap of Faith trong Assassin’s Creed.
Vì nhảy kiểu này nhìn rất là nghệ, cho nên hầu hết những pha nào Lara có thể nhảy tự do là game thủ đều làm hết. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những cái chết vô cùng buồn cười. Trong những lần đầu thì bạn có thể chết vì tính toán sai khoảng cách nhảy, nhưng những lần sau thì “khiếu hài hước” của bạn trỗi dậy, và cứ lần nào nhảy cũng cố tình bấm nút cho Lara nhảy tự do để nhìn cho nó “nghệ nghệ” xíu. Và kết quả là Lara bay dập mặt xuống sàn nhà phía dưới, thành một mớ bẹp dúm.
Ăn một con cá – NieR: Automata
Cá hồi có nhiều Omega-3, là một axít béo rất tốt cho bữa ăn và cho cơ thể của bạn. Thế nên thường thì bạn sẽ muốn bổ sung nhiều dầu Omega-3 những khi có thể, bổ sung sức khỏe, trí lực để còn đi chiến đấu nữa chứ. Nhưng đối với NieR: Automata, những nhân vật trong game đều là người máy (android) nên khi bạn cho chúng nốc Omega-3 thì… sẽ không có kết cục tốt đẹp cho lắm.
Vì thế, khi bạn đi câu cá trong NieR: Automata thì phải thật sự cẩn trọng, vì nếu bất cẩn ăn trúng con cá là nhân vật chính có thể lăn đùng ra chết như chơi. Tất nhiên, bạn vẫn có thể ép con android ăn nguyên một con cá thu dù biết trước kết quả sẽ như thế nào. Nhưng trước khi ăn con cá, game sẽ hiện ra một bảng thông báo pop-up cảnh báo rằng “android không thể ăn cá, đồ ngu. Xác nhận chứ?”, và nếu bạn vẫn cứ cố chấp bấm nút thì nhân vật chính cứ thế mà thăng thiên thôi.
Pháo bông trong nhà, hồ bơi không cầu thang, phòng không cửa – The Sims
The Sims như là một ngôi nhà búp bê vậy. Nó cho phép bạn thiết kế một ngôi nhà, tạo ra một gia đình như bạn hằng mong ước, và mọi người sống chan hòa, hòa thuận với nhau…. cho đến khi bạn bắt đầu chuyển sang phe ác, muốn hành hạ những nhân vật trong The Sims.
Sớm muộn gì thì bạn cũng sẽ nghĩ cách biến phòng đánh bi-da thành một căn phòng tra tấn, và thế là cả dãy phố nơi bạn ở từ từ biến thành khung cảnh y như trong phim kinh dị Saw. Ban đầu thì còn “nhân đạo”, chỉ mới rút thang để không cho người dưới hồ bơi trèo lên, hoặc là đặt pháo bông dưới tầng hầm, bên cạnh những tấm chăn ga gối đệm dễ cháy. Nhưng sau đó là bạn tiếp tục tạo ra một căn phòng vừa đủ cho một người, và cũng chẳng có cửa thoát ra.
Hồi những năm 2000, nếu chẳng may phụ huynh của bạn đi vào phòng và bắt gặp bạn làm như thế trong game thì khả năng là sẽ có xe cứu thương đến chở bạn đi vô bệnh viện khám đầu óc xem xem có bình thường không đó.
Giữ nút X để bắn tên lửa – Halo: Reach
Việc thống nhất các nút chơi game mục đích cũng chỉ là để giúp người chơi dễ dàng quen với cơ chế điều khiển khi chuyển từ game này qua game nọ có cùng thể loại. Chẳng hạn như trên Xbox console, trong các game FPS, nút cò phải là bắn, A là nhảy, B là quỳ xuống, X là gài đạn. Nhưng đôi lúc, nhà phát triển cũng thay đổi layout chút đỉnh, và thay đổi một cách ngẫu nhiên là đằng khác. Ai đời lại gán nút Y thành nút nhảy bao giờ?
Vì thế cho nên trong trận combat căng thẳng tột độ, bạn quen tay bấm nút gài đạn nhưng thật ra đó là nút quăng lựu đạn, bay trúng tường rồi dội ngược lại ngay dưới chân, và thế là bạn bị nổ banh xác. Game khác thì gài đạn chứ game này là thảy lựu đạn nhé.
Nhưng đôi khi, nó cũng có thể được dùng kiểu như “troll” người chơi. Chẳng hạn như trong trò Halo: Reach, khi bạn đang bay trong chiếc trực thăng Falcon và có người đi chung trong chiếc trực thăng. Thường thì nút X sẽ là bắn tên lửa nên theo quán tính bạn cũng sẽ nói những người đang ngồi phía sau như thế. Và khi họ bấm nút đó thì lại bị… rơi xuống vực sâu phía bên dưới, vì nút X trong game này là leo ra khỏi trực thăng chứ chả phải bắn tên lửa gì cả. Thế là cả đám đồng đội sẽ đè đầu bạn ra mà chửi thôi.
Chọc giận lộn người (NPC) – South Park: The Fractured But Whole
Nhân vật NPC (non-player character) trong game có những người rất thông minh và uyên thâm. Nhưng cũng có rất nhiều NPC bị “thiếu muối”, đi chung với người chơi cũng chỉ khiến ta rước bực vào thân chứ chả để làm gì. Thậm chí, có khi họ còn cản đường và nói năng chả hiểu gì, lại còn nói đi nói lại những câu thoại chán òm nữa chứ. Do đó, mỗi khi có cơ hội, bạn thường hay xả stress lên người họ, đấm NPC mấy cái mới chịu dù biết những nhân vật này thường sẽ bất tử.
Nhưng một khi bạn đấm lộn nhân vật NPC thì hậu quả sẽ rất khó mà lường trước được, và cụ thể trong South Park: The Fractured But Whole, NPC này là Morgan Freeman. Đây là một thế lực đáng gờm mà đội của bạn phải khá là mạnh mới có cơ hội đánh thắng được người này. Thay vì là một người hiền lành với giọng nói dễ nghe mà mọi người yêu mến thì Morgan sẽ dùng mọi thứ để đập bạn không thương tiếc nếu bạn chọc tức ông ta.
Bài học rút ra là đừng gây hấn với bất kì ai mà không vì một lý do nào cả, còn nếu có muốn gây hấn thì phải chắc chắn rằng người này thấp kém và yếu thế hơn bạn thì mới hãy ra tay.
Chết khi đang ân ái – Mass Effect 2
Phải công nhận một điều rằng Mass Effect 2 là một game nhập vai được đầu tư và thiết kế rất chỉn chu và tỉ mỉ, nhất là những cảnh ân ái với màn dạo đầu đầy khoái cảm, gợi tình được tái hiện khá là chi tiết và chính xác. Trong đó bao gồm cả Morinth, một người Ardat-Yakshi thuộc tộc Asari hiếm có khó tìm, và nhân vật chính Shepard được quyền lựa chọn để ân ái với nhân vật này.
Duy chỉ riêng một điều cần lưu ý là cô ta sẽ giết bất kì “bạn tình” nào sau khi hành sự xong xuôi, và phi hành đoàn trên con tàu Normandy cũng đã liên tục nhắc nhở Shepard về vấn đề này. Tuy vậy, game thủ hoàn toàn có quyền lên giường cùng Morinth, và kết quả tất nhiên là cái chết đã được báo trước. Báo rất nhiều lần là đằng khác.
Chết vì không biết bơi – Nhiều game khác nhau
Bằng một lý do nào đó mà một sát thủ đại tài có thân pháp nhanh nhẹn, uyển chuyển như Altair trong Assassin’s Creed lại có thể lăn đùng ra chết khi bước xuống một ao nước chỉ mới ngập tới đầu gối, mặc dù anh ta có thể leo trèo thoăn thoắt dễ như trở bàn tay.
Ngoài ra thì còn có Tommy Vercetti trong GTA: Vice City. Mặc dù đây là những năm 80 của thế kỉ 20 rồi mà nhân vật này vẫn không được đi học bơi. Hoặc như Cole MacGrath trong InFamous, đường đường là một siêu anh hùng có khả năng vừa bay vừa bắn plasma từ đôi bàn tay, nhưng ngặt cái là… không biết bơi. Thậm chí, nhím Sonic – một nhân vật được cho là “nhanh nhất hành tinh”, có khả năng đi trên mặt nước và hấp thụ năng lượng từ các viên ngọc phép thuật – lại có thể chết chỉ vì không thể bơi được.
Bị xe cứu thương đâm chết – Grand Theft Auto
Một trong những cái chết dở khóc dở cười nhất là bị xe cứu thương đâm chết, mà đáng lẽ ra đó chính là xe dùng để cứu mạng mình. Những pha như thế này thường thấy nhất là trong series Grand Theft Auto, điển hình là trong phần GTA IV. Trong game, nhân vật chính Niko Bellic sẽ có màn đấu tay đôi với một người đi bộ trên đường nhìn khá là thô lỗ và có phần quê mùa.
Sau khi giành chiến thắng thì xe cứu thương sẽ đến để chở nạn nhân đi, nhưng không may là nó đụng phải người bạn của nạn nhân. Thế là người này bực tức, lôi tài xế xe cứu thương ra dạy cho một bài học nhớ đời, đấm người này bị ngất xỉu luôn. Và thế là một xe cứu thương khác lại được gọi đến hiện trường và tông trúng xe đầu tiên, giết chết Niko lẫn nhân vật kia.
Nói chung là xe cứu thương trong game này rất là “50/50”: hoặc là nó sẽ cứu người, hoặc là nó sẽ gây ra thêm án mạng và khiến hiện trường thêm hỗn loạn. Nói không ngoa thì đây là cách ngu ngốc nhất để chết trong game.
Nguồn: What Culture