Cho dù là tuyệt phẩm hay phế phẩm đi chăng nữa thì các nhà phát triển cũng đã đổ rất nhiều công sức vào đứa con tinh thần của mình. Vì thế nên điều ít nhất mà game thủ có thể làm là ngồi xem đoạn credit cuối game với một danh sách dài ngằng các thành viên và các bên liên quan trong quá trình tạo ra tựa game đó. Nhưng mấy ai làm được điều này? Nói trắng ra là cũng chẳng ai muốn ngồi cả chục phút nhìn màn hình với một đống dòng chữ chi chít cả.

Vì thế nên có kha khá nhà phát triển quyết định đầu tư hẳn hoi vào đoạn credit cuối game này để lôi kéo người chơi phải ngồi lại xem cho bằng được chứ không bấm skip như những game khác. Nó có thể là một đoạn credit độc nhất vô nhị, mang tính giải trí cao, hoặc thậm chí là có khung cảnh hùng vĩ vô cùng hoành tráng. Sau đây là danh sách 10 đoạn credit cuối game khiến người chơi không thể rời mắt khỏi màn hình.


Cảnh báo: Spoiler!!!


Devil May Cry 3: Dante’s Awakening

Credit thường thì chỉ cho anh em ngồi xem thôi, nhưng trong DmC 3 thì nó lại cho phép anh em chém giết thoải mái, y như là đang trong màn chơi bình thường vậy. Khi đoạn credit này sắp xuất hiện thì cũng là lúc Dante phải đối mặt với một lũ quỷ. Bạn sẽ được quyền tiếp tục điều khiển nhân vật chính và cứ thế vừa chặt thịt mấy con quái, vừa xem đoạn credit cuộn đều trên màn hình thôi. Ngoài ra thì trên góc phải còn có con số báo hiệu anh em đã xả thịt được bao nhiêu con quái, và nếu tay anh em đủ to để giết được 100 con trong vòng 4 phút credit chạy thì sẽ được “thưởng” thêm một đoạn phim phụ nữa.

Shadow Of The Colossus

Shadow of the Colossus là một trong những tựa game có khung cảnh tuyệt đẹp, vì thế nên đoạn credit nhìn “nghệ” hơn những tựa game khác cũng là điều dễ hiểu. Khúc đầu thì nó sẽ hiện những khung cảnh đổ nát mà anh em đã từng đi qua; sau đó nhà phát triển cho bạn biết rằng nhân vật chính Wander đã được tái sinh dưới hình hài một em bé có sừng mọc trên đầu. Tiếp đến, người yêu của Wander là Momo tìm thấy đứa bé và bế nó trên tay, rồi cả 2 cưỡi con ngựa Agro tiến đến một khu vườn bí mật trong ngôi đền Shrine of Worship – nơi mà muôn thú đang sinh sôi nảy nở.

Red Dead Redemption 2

Mặc dù đoạn kết credit của Red Dead Redemption 2 dài đến tận… 35 phút, nhưng những ai đủ kiên nhẫn ngồi lại thì sẽ được thưởng thức bản nhạc tuyệt hay của Woody Jackson và đồng thời xem được một số cảnh giúp liên kết mạch truyện giữa phần này với phần RDR đầu tiên. Trong đó có các hình ảnh John Marston kết hôn với Abigail, những nhân vật còn sống sót của băng nhóm Van der Linde Gang và các công việc mà họ đang làm, Mary Linton ghé thăm mộ của Arthur Morgan, và Edgar Ross theo dõi John Marston (trước khi các sự kiện trong phần 1 diễn ra). Và sau khi đoạn credit chạy xong thì bạn sẽ được vào vai John Marston một lần nữa.

Guitar Hero III: Legends Of Rock

Sau khi bạn chơi xong cốt truyện trong Guitar Hero III, đánh bại Satan trong một trận đấu guitar thì đoạn credit sẽ hiện ra và đồng thời thông báo cho người chơi biết rằng bản nhạc dài 7 phút Through the Fire and Flames cực chất của DragonForce đã được mở khóa và bạn sẽ phải nhào vô chơi gảy đàn ngay và luôn. Tất nhiên, vì là bản nhạc cuối cùng nên nó cũng sẽ khó nhất game, nếu không muốn nói là một trong những bài nhạc khó chơi nhất của dòng game này.

Sau trận đấu guitar với con trùm cuối muốn gãy ngón tay, tưởng được buông đàn xuống rồi nhưng không, bạn phải cầm đàn lên và lại tiếp tục chơi thêm một bài nhạc còn khó hơn gấp bội. May thay, riêng lần này thì game sẽ không thể bị fail (thất bại), và song song với đoạn credit thì một số hình ảnh của đội ngũ làm game cũng xuất hiện trên màn hình.

Resident Evil 4

Trong những phần Resident Evil trước thì nhà phát triển thường chêm những đoạn phim hài hước vào cho game thủ xem, nhưng với Resident Evil 4 thì họ lại kể cho người chơi biết thêm về nguồn gốc của các sự kiện diễn ra trong phần này. Cụ thể, đoạn credit sẽ cho anh em xem những bức họa vẽ tay của ngôi làng nông thôn tại Tây Ban Nha – nơi mà kí sinh trùng Las Plagas xuất hiện và bắt đầu lây nhiễm. Những loạt hình đầu tiên được chạy trên phần nhạc nền khá là lắng dịu, cho thấy khung cảnh trầm lắng của vùng tỉnh lẻ.

Nhưng đến khúc giữa thì cả hình ảnh lẫn nhạc nền đều chuyển sang màu sắc và giai điệu rùng rợn hơn, khi mà tổ chức Los Iluminados xuất hiện tại ngôi làng và khiến cuộc sống nơi đây bị đảo lộn. Cuộc sống người dân nơi đây từ trạng thái yên bình chuyển sang hỗn loạn vì dịch bệnh. Và phần còn lại đã thuộc về lịch sử.

Metal Gear Solid

Những phần game Metal Gear Solid thường sẽ có “tình trạng” là phần credit hay bị kẹp giữa những đoạn cắt cảnh (cutscene) dài ngoằng. Tuy nhiên trong bản Metal Gear Solid đầu tiên thì lại khác đôi chút. Sau khi game kết thúc với hình ảnh nhân vật chính Snake cùng với Meryl (hoặc là Otacon nếu trước đó bạn không thể chịu đựng được màn tra tấn của Revolver Ocelot) tiến dần về phía hoàng hôn, đoạn credit sẽ hiện ra trên phần nhạc nền trứ danh The Best is Yet To Come. Song song đó, bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng những thước phim về vẻ đẹp thiên nhiên của Alaska ngoài thực tế. Và khi đoạn credit kết thúc thì người chơi sẽ được đọc một đoạn tin nhắn cực kì đau lòng của Dr. Naomi Hunter – một người luôn tìm cách sống trọn cuộc đời của mình thay vì phó mặc cho số phận.

Đặc biệt hơn nữa, với một nước đi phải nói là “vượt thời đại” vào lúc bấy giờ, Hideo Kojima đã “nhá hàng” phần Metal Gear Solid tiếp theo với cảnh Ocelot tiết lộ rằng từ trước đến giờ anh ta vẫn luôn tuân theo mệnh lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ. Mặc dù nó không hoành tráng như những đoạn credit sau này nhưng những yếu tố trên gộp lại đã góp phần tạo nên một cảnh credit tạo dấu ấn sâu đậm trong tâm trí game thủ.

Doom (2016)

Đoạn credit của Doom (2016) có thể không mang tính tương tác và khiến game thủ phải chiêm nghiệm nhiều, nhưng chắc chắn là nó nhìn cực chất và bao ngầu. Đoạn credit này dài 4 phút và trong 4 phút này bạn sẽ được xem các đoạn cinematic đầy mãn nhãn, cắt ra từng một số trường đoạn gay cấn và kịch tính trong game, đan xen vào đó là các thông tin credit được lồng ghép tài tình vào khung hình. Tất nhiên, để tăng tính “ép-phê” của credit thì đoạn nhạc nền là do chính tay nhà soạn nhạc tài ba Mick Gordon tạo ra, khiến nó càng trở nên sôi động và máu lửa hơn bao giờ hết. Bảo đảm xem đoạn credit này anh em khó thể nào mà ngồi yên trên ghế được lắm.

Skies Of Arcadia

Tựa game nhập vai Skies of Arcadia là một trong những tuyệt tác vào thời hoàng kim của hệ máy Dreamcast (sau này có được chuyển hệ lên GameCube). Nhưng sự tuyệt tác này không chỉ dừng lại ở mục chơi chính mà nó còn kéo sang tận phần credit cuối game. Cơ bản thì trong đoạn credit này bạn sẽ được xem những trang sách giải thích về số phận của các nhân vật chính, nhưng thú vị ở chỗ là số trang mà bạn được xem sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào những nhân vật mà bạn đã chiêu mộ vào trong đội hình của mình trong mục chơi chính.

Vì thế, nếu bạn bỏ lỡ mất một vài nhân vật thì đây có thể là một trong những động lực để cho bạn quay lại và bổ sung đội hình. Một điều đặc biệt nữa là phần nhạc nền có giai điệu cực hay, được soạn bởi Yutaka Minobe và Tatsuyuki Maeda, vì thế nên có thể xem đoạn credit này như một tuyệt tác mini cũng không sai một chút nào đâu.

Portal

Sau khi Portal có một màn kết thúc vô cùng bất ngờ thì đoạn credit sẽ hiện lên dưới dạng giao diện máy tính, và nhân vật phản diện – con trùm AI đằng đằng sát khí GLaDOS – sẽ đánh giá tình hình một lần cuối cùng bằng một bài nhạc nền khá là kì dị. Nó xác nhận rằng đợt thử nghiệm này đã thành công và GLaDOS vẫn chưa chết hẳn đâu. Về mặt hình ảnh thì nó khá là nhàm và cũng chẳng có gì đặc sắc, tuy nhiên yếu tố “sốc hàng” và giai điệu hóm hỉnh của bài nhạc đã khiến phần credit này in sâu vào tiềm thức của game thủ và không thể nào dứt ra được.

Nier: Automata

https://youtu.be/bwe-2uzVEYc

Nier: Automata có tới hơn 20 kết thúc khác nhau, nhưng 1 trong số đó sẽ kích hoạt đoạn credit độc nhất vô nhị mà trước nay anh em chưa thấy bao giờ. Sau khi bạn đã mở khóa được kết thúc C và D, game sẽ cho phép bạn tiếp tục mở khóa kết thúc E, và nó sẽ biến đoạn credit thành một màn mini-game bắn phi thuyền càng đã tay đã mắt bao nhiêu thì lại càng khó bấy nhiêu. Để miêu tả một cách đơn giản thì tất cả nhân viên trong đội ngũ làm game sẽ biến thành kẻ địch để bạn bắn hạ, và vì chỉ cần dính một vài phát đạn là bạn sẽ tiêu đời nên game sẽ hỏi rằng bạn có muốn nhận sự trợ giúp hay không.

Nếu bạn đồng ý thì sẽ có chi viện xuất hiện, thực chất đây là dữ liệu được lấy từ những người chơi khác đã “phá đảo” màn này. Còn nếu anh em không có nối mạng khi chơi đến đoạn này thì rất tiếc đành phải nói lời chia tay từ đây. Sau khi chiến thắng màn này (dài khoảng 15 phút) thì bạn sẽ được quyền cung cấp save game của mình để tiếp tục giúp đỡ những người chơi khác, nhưng bù lại save game của bạn sẽ biến mất vĩnh viễn. Thậm chí, game còn chứng minh cho bạn thấy là save game đã bị xóa thật, xem như là ghi nhận công lao đóng góp của bạn cho những người chơi khác.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture

Creadit ảnh cover: https://www.deviantart.com/cleverboi/art/2B-NieR-Automata-760783691?fbclid=IwAR2D0VGm-7cwm-LTgj1n0NiyGxN-kYDQN2nbmmDQdBuptEmYy8UklsLF5g8


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360