“Lành mạnh” là một từ rất rộng và cũng khá trừu tượng, tùy ý kiến cá nhân cá nhân mà một tựa game có thể được xem là lành mạnh hay không. Đối với nhiều người thì chơi game đã là không lành mạnh rồi. Tuy nhiên là game thủ thì chúng ta sẽ có một góc nhìn khác, chính xác hơn để đánh giá một tựa game. Sau đây mình sẽ chia sẻ một vài quan điểm của mình về việc đánh giá một tựa game có lành mạnh hay không. Và mình sẽ dựa trên 3 yếu tố mà mình thấy người ta mang ra bàn nhiều nhất, bao gồm: Bạo lực, gợi cảm và “hút máu”.
Vấn đề bạo lực
Từ xưa đến giờ xã hội vẫn luôn có định kiến với mấy dòng game có yếu tố bạo lực chém giết máu me, đặc biệt là mấy con game như God of War, Doom hay Mortal Kombat. Mà cũng không cần đến mấy con game nặng đô như vậy đâu, nhiều khi anh em mình đánh Liên Minh thôi là cũng đủ tạo tiền đề mấy kênh truyền thông bảo thủ cũng moi móc ra để nói rồi.
Tuy nhiên trên thực tế thì anh em có chơi cũng biết rồi đấy. Mấy cảnh máu me trong game cũng chủ yếu cũng giống như trong phim hành động vậy. Những cảnh cutscene máu me trong God of War, The Last of Us… chủ yếu là để nhấn mạnh cốt truyện của game và tạo ra những cảm xúc mãnh liệt cho game thủ. Những cảnh đánh đấm, bắn nhau, kết liễu như trong Doom hay Mortal Kombat chủ yếu cũng chỉ là để cho đã tay đã mắt thôi. Về cơ bản là nó không được mang vào game để thay đổi tính tình hay kích thích bạo lực ở game thủ, game chỉ là để giải trí mà thôi. Nếu một ai đó không phân biệt được thực và ảo hoặc trở nên bạo lực chỉ vì chơi game thì mình thường sẽ đặt vấn đề về đầu óc người đó trước khi xét về game.
Chúng ta không thể phủ nhận được rằng bạo lực không phải là thứ hay ho gì. Tuy nhiên theo mình nếu được sử dụng đúng mục đích thì nó lại chính là thứ gia vị làm cho game trở nên thú vị hơn, cũng giống như mấy cảnh bắn giết trong phim vậy. Mình cứ nhớ hoài cái cảnh dân thường bị giết một cách đau đớn bằng phốt-pho trắng trong Spec Ops: The Line. Đó là một cảnh cực kỳ khủng khiếp nhưng lại tố cáo tội ác chiến tranh, nó kinh dị đến nỗi khiến ai đã từng chơi game cũng phải ghi nhớ. Nhìn trên góc độ của người chơi thì cảnh đó còn mang yếu tố giáo dục nữa kìa.
Tùy nhận thức và tâm lý từng người mà yếu tố bạo lực trong game có thể tác động khác nhau. Thế nên mình nghĩ như vầy: Nếu anh em chơi con game nào đó mà thấy nó quá lệch lạc so với khái niệm đạo đức của mình thì nên dừng lại, đừng cố để rồi làm bản bị “vấy bẩn”. Còn nếu thấy bình thường thì cứ chơi thôi, dù sao anh em cũng đã vậy sẵn rồi. Mình thì mình chơi mấy con game bạo lực sẵn rồi, cả công ty mình nhìn đâu cũng thấy game thủ, ai cũng chơi game bắn giết tùm lum cả. nhưng trong suốt 2 năm làm việc mình chưa thấy ai đánh nhau bao giờ, nhiều ông còn không biết chửi thề cơ.
Yếu tố gợi cảm
Anh em có thích gái xinh mặc đồ sexy không? Nếu không thì chắc chẳng phải người nữa rồi. Và các nhà làm game hiểu rõ điều đó nên họ tận dụng nó cũng chẳng có gì là lạ cả. Nói thật với anh em luôn là nếu một tựa game không có mấy nhân vật nữ xinh tươi mát mẻ thì mình cũng ứ thèm chơi, chỉ trừ mấy con game như World of Tanks, War Thunder… thì xem như ngoại lệ thôi.
Rất nhiều tựa game bị lôi ra bàn tán vì các nhân vật trong game gợi cảm quá đà (nói trắng ra là hở hang đấy). Chủ yếu là vì người ta sợ nó có thể ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của các thanh thiếu niên chưa phát điển đầy đủ về mặt thể chất. Cái này thì mình đồng ý. Ranh giới giữa gợi cảm với phản cảm luôn rất mong manh.
Mấy con game như Blade and Soul hay Black Desert Online có phần tạo hình nhân vật nữ được đánh giá rất cao về sự tinh tế trong thiết kế trang phục của nhân vật nữ, gợi cảm mà không dung tục. Đối với anh em nào đã đủ tuổi và chín chắn thì đây là một thứ gia vị không thể thiếu. Thậm chí một số tựa game như Catherine còn khai thác cả yếu tố tình dục nữa cơ, và đương nhiên là nó vẫn được đánh giá là một tựa game hay. Tuy nhiên nếu anh em để mấy cậu nhóc cấp 1, cấp 2 chơi mấy con game này, suốt ngày nhìn mông ngực nẩy nẩy thì kiểu gì cũng có chuyện cho xem.
Nói chung là một con game bình thường có chút yếu tố gợi cảm cũng có thể trở nên không lành mạnh nếu để đối tượng không phù hợp chơi. Đó chính là lý do vì sao chúng ta có các nhãn giới hạn độ tuổi. Bên cạnh đó, mình cũng không phủ nhận ngoài kia có một số tựa game (mà mình không tiện nói tên) khai thác yếu tố gợi cảm, tình dục một cách vô tội vạ để lôi kéo người chơi. Đối với những ai có tâm lý vững (ví dụ như mình ahihi) thì không nói nhưng nó vẫn có thể gây tâm lý lệch lạc cho nhiều người khác. Thế nên theo mình thì những tựa game như vậy là không lành mạnh về mặt tình dục.
Cách “hút máu” của game
Game nào cũng phải hút máu mới sống được, vấn đề là hút bằng cách nào cho nó văn minh thôi. “Hút máu văn minh” là như thế nào thì mình cũng không thể nói được vì mình sợ kể thiếu. Tuy nhiên mình có thể chỉ ra một số điểm chung của những tựa game “hút máu kém văn minh”. Ví dụ như:
- Game không cập nhật nội dung mới, map mới, tái cân bằng… mà toàn ra sự kiện bắt nạp tiền
- Càng nạp càng mạnh, pay là auto win
- Cái gì cũng bán bằng tiền thật
- Lạm dụng quay may mắn, quay gacha, mở loot box
Tác động của game đến đời sống game thủ
Cái gì cũng có 2 mặt của nó, mấy thứ tiêu cực mà mình vừa nêu thì đa số mấy con game không dính cái này cũng dính cái kia (trừ game dành riêng cho trẻ em). Quan trọng là chúng ta nhìn nhận vấn đề như thế nào và tiếp thu có chọn lọc. Tùy theo mỗi người mà một tựa game có thể xem là lành mạnh hay không. Chứ nếu mà anh em chơi một tựa game không dính bất kỳ yếu tố nào mà mình nói trên này nhưng anh em cày 1 ngày 16 tiếng hoặc nạp đến tán gia bại sản thì nó cũng là game đồi bại thôi!
Trên đây là những quan điểm của mình việc việc nhìn nhận một tựa game có lành mạnh hay không. Còn anh em thì sao? Theo anh em thì game thế nào là lành mạnh? Nếu anh em có thời gian thì mình rất mong chờ được lắng nghe những chia sẻ từ anh em đấy. Cảm ơn anh em vì đã lắng nghe quan điểm của mình.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Giải mã sự đắt đỏ của giẻ lau Apple: 2 lớp vải, tỉ mỉ đến từng chi tiết, có logo táo
- Giải mã ý nghĩa các màu sắc của cổng USB
- Giải mã sự diệu kỳ của USB-C, một lỗ 2 chiều lật kiểu nào cũng nhận
- Giải mã S.M.A.R.T. – Công nghệ giúp ổ cứng trở nên “thông minh” hơn
- Giải mã từ “bug” máy tính và nguồn gốc của con “côn trùng” đã hành game thủ PC lên bờ xuống ruộng
- Giải mã cách đặt tên “Lake” của Intel đối với các dòng CPU
- Giải mã việc CPU x64 sử dụng tập lệnh 64-bit trong khi CPU x86 lại dùng tập lệnh 32-bit
- Giải mã biểu tượng “chiếc lá” trong task manager của Windows 10
- Giải mã ý nghĩa và sự khác biệt giữa Program Files (x86) và Program Files trong Windows
- Giải mã hai thư mục $Windows.~BT và $Windows.~WS, liệu chúng ta có nên xoá?
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!