Có bao giờ anh em tự hỏi rằng với trong hàng triệu tựa game từ xưa đến nay thì đâu là video game xuất hiện đầu tiên trên thế giới chưa? Nếu anh em lên Google thì sẽ thấy có rất nhiều câu trả lời khác nhau như Tennis for Two (1958), Spacewar! (1961) hoặc Pong (1972). Tuy nhiên, có một tựa game vừa lạ vừa quen được tạo ra từ tận năm 1952 nhưng đã bị đa số game thủ lãng quên mới chính là video game đầu tiên được tạo ra.

Vào năm 1952, một sinh viên của trường Đại học Cambridge có tên Alexander Sandy Douglas đang cố gắng lấy bằng Tiến sĩ với đề tài về sự tương tác của con người với máy tính. Để hoành thành luận văn thì anh này cần một ví dụ thực tế để chứng minh lập luận của mình là đúng. Vào thời điểm đó, Đại học Cambridge là nơi có dòng máy tính đầu tiên có thể lưu trữ chương trình, to bằng cả một căn phòng được gọi là EDSAC (Electronic Delay Storage Automatic Calculator). Đây là điều kiện thuận lợi để Douglas tự lập trình game đơn giản để con người có thể chơi game với máy tính và chứng minh lập luận.

EDSAC

Cuối cùng Douglas đã lập trình thành công và mô phỏng tựa game đánh cờ caro 3×3 Tic Tac Toe quen thuộc thành game OXO lên máy EDSAC. Vì công nghệ lúc này chưa phát triển nên tựa game này được lập trình trên các cuộn giấy có đục lỗ (Punched Tape) để đưa vào cho máy tính đọc code vài chuyển thành hình ảnh hiện trên màn hình CRT. Về cách chơi thì game cũng khá là đơn giản thôi anh em, chúng ta sẽ là người đánh dấu X, còn máy tính sẽ đánh dấu O. Để chọn đánh và ô nào thì chúng ta sẽ chọn số tương ứng với bàn quay số điện thoại của EDSAC rồi máy sẽ đánh dấu X vào vị trí tương ứng trên màn hình.

Tựa game đánh cờ caro của Douglas cũng được xem là “ông tổ” của trí thông minh nhân tạo (AI) vì sau khi được lập trình, máy tính phản ứng với nước đi của người chơi không theo một quy luật định sẵn hay đánh ngẫu nhiên mà là theo ý muốn của nó. Tuy nhiên, vào thời điểm này chưa có ai định nghĩa về trí thông minh nhân tạo và công trình nghiên cứu của Douglas cũng chỉ là một phần nhỏ trong luận văn Tiến sĩ nên nó chỉ được trình diện cho sinh viên và giáo viên ở trường xem mà thôi. Và dù là tựa game đầu tiên nhưng do chỉ có một cỗ máy EDSAC duy nhất trên thế giới nên OXO chưa bao giờ được công bố rộng rãi.

Cuối cùng thì Douglas cũng lấy được bằng Tiến sĩ nhưng anh này đã không bao giờ chơi lại tựa game cho mình tự làm ra. Còn phần code của OXO thì được trường Cambridge giữ lại và làm bản demo để thể hiện “sức mạnh” của máy EDSAC.

Nguồn: Life Wire, Wikipedia