Nếu anh em thuộc thế hệ cuối 8x, đầu 9x chắc hẳn sẽ nhớ những tựa game trên hệ máy NES ngày xưa khó kinh khủng. Mình thậm chí đã làm hư vài cái tay cầm vì chơi đi chơi lại hoài mà vẫn không thắng được. Vậy điều gì làm nên độ khó của các game ngày xưa, và tại sao người ta lại làm ra nhiều game gây ức chế như vậy, các bạn cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Điều gì đã làm nên độ khó của các tựa game ngày xưa
Khó điều khiển
Các tay cầm đời đầu có thiết kế khiến cho chúng ta có cảm giác không chắc chắn, lỏng lẻo và thiếu chính xác khi các bạn điều khiển nhân vật trong game. Chắc hẳn bạn nào từng chơi cũng đã gặp rất nhiều trường hợp dùng nhấn phím nhảy nhưng nhân vật trong game không nhảy làm té xuống hố. Bên cạnh đó, vì phần lập trình của các game chưa tốt nên hitbox của game có khi không khớp với hình ảnh hiện lên màn hình các bạn ạ. Vì vậy, nhiều khi chơi các game bắn súng, dù bạn có thấy đã bắn trúng nhưng thật ra là chưa.
Dễ bị oneshot vì bất cứ lý do gì
Thường thì các bạn chỉ có một thanh máu duy nhất để hoàn thành từ đầu đến cuối game, hoặc game nào hào phóng hơn thì sẽ cho các bạn 3 mạng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà một số con quái nhỏ trong game ngày xưa lại rất mạnh, chỉ cần bạn lỡ tay đứng lại gần là bị nó “đấm phát chết luôn”.
Không thể save game
Sau khi bạn bị một con lính “củ hành” thì sẽ phải chơi lại từ đầu vì các game ngày xưa không hề có tính năng save game, không có điểm hồi sinh và cũng không thể lưu lại những lúc bạn đang chơi giữa chừng. Cách duy nhất để bạn phá đảo một tựa game nào đó là phải chơi toàn bộ game từ đầu đến cuối và không ngừng nghỉ. Không những vậy, nhiều anh em còn phải nơm nớp lo sợ bố mẹ tắt TV hoặc nhấn nguồn là chỉ biết “ôm hận” và đợi lần sau chơi lại thôi.
Không thể lưu trang bị
Bên cạnh việc “chết là hết”, mỗi lần các bạn chết thì sẽ bị đưa về cấp (level) đầu tiên khi mới vào game, nếu không có cấp thì cũng sẽ mất hết trang bị, vật phẩm trong suốt quá trình chơi. Có một phiên bản “ác” hơn là không bị tuột cấp nhưng sẽ mất trang bị, những trường hợp như thế này thì chỉ muốn đập máy vì lên cấp cao mà không có đồ thì thế nào cũng bị quái đánh chết.
Không thể chỉnh độ khó
Có lẽ Các bạn đã quen với việc chọn mức khó dễ khi chơi các tựa game hiện đại để phù hợp với sở thích và kỹ năng đúng không nào. Nếu bạn muốn thử thách trình độ và đánh nhau với những con trùm khủng thì cứ bật chế độ Siêu khó lên và chơi. Nếu bạn chỉ muốn cưỡi ngựa xem hoa, thưởng thức cốt truyện và đồ họa của game thì chọn chế độ Dễ.
Tuy nhiên, trong các tựa game ngày xưa không hề có chức năng chọn mức độ khó. Bạn bật game lên và chơi thôi. Nếu bạn thấy game khó quá, chơi hoài không qua được màn đầu tiên thì không có cách nào khác là bỏ game đó đi và tìm một game khác phù hợp hơn.
Quá nhiều bẫy
Các tựa game cũ không không có cốt truyện quá hay ho hay đồ họa siêu chân thật nên phải dùng những cách khác nhau để tạo “ấn tượng” cho game thủ. Trong đó, cách thường thấy nhất là tạo ra nhiều loại bẫy từ bàn chông, các hố không đáy, tượng biết phun lửa hay cho rìu bay lung tung và tất nhiên trúng phải là “Game Over”
Mặc dù các tựa game ngày nay vẫn có rất nhiều loại bẫy gây ức chế cho người chơi nhưng khi kết hợp với các yếu tố chết phải chơi lại từ đầu, không thể save game, khó điều khiển nhân vật và dính bẫy là chết luôn thì đây phải nói là một cơn ác mộng. Bạn cần phải tập trung cao độ và giữ cho mình một cái đầu lạnh thì mới có thể hoàn thành game.
Tại sao các game ngày xưa đều khó như vậy?
Mặc dù công nghệ chưa phát triển nhưng thật ra các nhà phát triển cố tình làm ra các game khó như vậy đó các bạn ạ.
Ngày xưa, giá bán băng game và các máy console khá là đắt nên người chơi muốn thỏa mãn với số tiền mà họ đã bỏ ra để mua game về. Nếu chỉ ngồi chơi có 5 phút là phá đảo game thì chúng ta sẽ có cảm giác bị lừa. Thêm vào đó, công nghệ lưu trữ thời đó chưa đủ phát triển nên không thể có các tựa game không có cốt truyện siêu dài hay bản đồ cực rộng để game thủ khám phá, cày cuốc nên các nhà phát triển nghĩ ra cách làm game càng khó càng tốt để người chơi phải chơi lại từ đầu. Như vậy, dù game có ngắn nhưng game thủ vẫn phải bỏ nhiều thời gian luyện tập thì mới phá đảo được nên sẽ không thấy phí tiền mua game. Bên cạnh đó, nếu bạn hoàn thành một tựa game siêu khó thì sẽ có cảm giác thỏa mãn hơn là chỉ thắng những game quá dễ.
Ngoài ra, các tựa game ngày xưa sau khi ra mắt trên console thì cũng có mặt trên “nền tảng” điện tử thùng. Về cơ bản thì mỗi lần bạn chơi game trên máy điện tử thùng thì cần phải tốn tiền mua xu nên các game càng khó thì sẽ làm bạn càng tức và bỏ xu ra chơi tiếp. Nếu bạn muốn phá đảo một game điện tử thùng nào đó thì chắc chắn bỏ ra số tiền không nhỏ đề luyện tập nên việc thiết kế game khó là điều dễ hiểu.
Đến cuối cùng, các nhà phát triển game đã quen với phong cách thiết kế này và áp dụng cho hầu hết các tựa game. Dù không phải các game của dành cho máy NES và điện tử thùng thì vẫn cực ký khó. Nếu các bạn muốn thử tính kiên nhẫn và rèn luyện tinh thần thép cho bản thân thì có thể lên Steam tìm lại các game ngày xưa hoặc có thể thử sức với một số game mới hơn như Super Meat Boy, Shovel Knight, 1001 Spikes nhé.
Nguồn: How To Geek