Call of Duty: Warzone là một tựa game battle royale được phát hành miễn phí, với bản đồ cực rộng đủ để 150 game thủ cùng nhau đọ súng. Ngay từ hôm ra mắt nó đã thu hút được rất nhiều game thủ tải về và trải nghiệm những gì mà dòng game FPS đình đám này có thể mang lại.
Vì là game battle royale nên nó cũng có những cơ chế sinh tồn giống như những game khác. Tuy nhiên, Warzone cũng có những “chiêu bài” của riêng mình, giúp nó trở nên hấp dẫn hơn, đặc sắc hơn, thu hút nhiều người chơi hơn. Do đó, ngay cả những “tay to” trong thể loại này cũng nên chú ý một số điều khi tham chiến tại Verdansk.
Sau đây là danh sách 9 điều cần biết giúp game thủ Warzone tăng cơ hội sống sót qua con trăng này.
Đừng bao giờ đầu hàng số phận
Thường thì game battle royale sẽ có công thức là chạy, loot, bắn, rồi chuyển sang màn mới chơi tiếp. Nhưng trong Warzone thì có hệ thống nhà tù (Gulag) và các trạm mua đồ (Buy Station) giúp đội của bạn có một màn “comeback” thật ngoạn mục.
Nếu đồng đội của bạn bị bắn chết, bạn vẫn có thể dùng tiền (nếu đủ giàu) để hồi sinh người đồng đội của mình. Mấu chốt ở đây là bạn phải giữ bình tĩnh, tập trung tìm cách chiến thắng cuộc đọ súng hoặc là lẩn trốn đi chỗ khác thì mới có cơ may hồi sinh được đồng đội. Chứ nếu bạn mà chết luôn thì cũng bằng không. Nhìn chung thì bạn sẽ dễ hồi sinh đồng đội hơn so với các tựa game battle royale khác, nhưng cũng đừng vì vậy mà khinh suất nhé.
Với nhà tù Gulag, chết chưa phải là hết
Gulag mà một cơ chế mới mẻ, chỉ có trong Warzone. Lần đầu tiên khi bạn bị bắn chết thì sẽ bị lôi vào nhà tù, và sau vài phút thì game sẽ cho bạn đọ súng solo 1vs1 với người chơi khác cũng bị tử nạn trên chiến trường. 2 người chơi sẽ được nhận ngẫu nhiên một bộ loadout súng ống giống nhau. Nếu gạ gục được đối thủ thì bạn sẽ được “thả” và nhảy dù xuống bản đồ Verdansk tiếp tục chiến đấu. Còn nếu bạn thua thì phải chờ đồng đội hồi sinh thông qua các trạm Buy Station.
Cơ bản mà nói thì Gulag như là “cơ hội thứ hai” để cho bạn chuộc lại lỗi lầm của mình. Đây như là một trận đấu sinh tử, quyết định là bạn sẽ được tiếp tục cầm súng, hay là… trở về vị trí “phù hộ” cho đồng đội. Ngoài ra, bầu không khí và nhịp độ của trận solo này cũng khác hẳn so với các cuộc đọ súng ngoài kia, cho nên bạn cần phải sử dụng chiến thuật khác nhau để đánh lừa, bọc hậu, và siết cò kết liễu đối phương. Nói chung là bạn phải chứng tỏ rằng bạn xứng đáng để có được cơ hội làm lại cuộc đời.
Chỉ điểm với tính năng “Ping”
Giống như Apex Legends, Fornite, Warzone cũng có cơ chế ping giúp bạn đánh dấu địa điểm, đồ vật, hoặc chỉ điểm kẻ địch cho đồng đội biết một cách nhanh chóng và chính xác. Thậm chí cho dù bạn không có chat voice thì dùng hệ thống ping này cũng giúp ích được rất nhiều rồi. Còn khi kết hợp với chat voice thì nó còn lợi hại hơn nữa. Chỉ cần bấm nút ping một phát là cả đội đều biết ở trong ngôi nhà đó có địch. Quá tuyệt vời và tiện lợi đúng không nào?
Kê súng giảm giật, tăng độ chính xác
Trong phần chơi tutorial thì game cũng đã hướng dẫn bạn cách kê cây súng lên thành (mount) giúp giảm độ giật của súng, lia theo kẻ địch dễ hơn. Vì đây là một cơ chế cũng khá là mới lạ nên có thể nhiều anh em sẽ quên, hoặc là khi di chuyển giữa đồng không mông quạnh thì cũng không có chỗ để mà gác cây súng lên.
Tuy nhiên, lợi ích mà cơ chế này mang lại là rất lớn, mang tính quyết định đến sự sống còn của bạn nên hãy tập sử dụng cơ chế này như là một thói quen. Cứ đến bờ tường hoặc một chỗ núp nào đó là bấm nút kê vũ khí, vừa giúp giảm độ giật, vừa giúp che chắn một phần cơ thể của bạn, từ đó tăng cơ hội sống sót cũng kha khá đấy anh em ạ.
Làm nhiệm vụ phụ, lợi dụng hợp đồng để xác định vị trí kẻ địch
Hợp đồng là những nhiệm vụ phụ trong game giúp đội của bạn loot thêm nhiều đồ và tiền bạc. Tuy ngắn nhưng những nhiệm vụ này cũng khá là thú vị. Mặt khác, bạn cũng đừng quá lao tâm khổ lực để hoàn thành nó, vì có khi bạn sẽ vô tình biến mình thành miếng mồi ngon cho kẻ địch, hoặc là bị chết bởi khói độc vùng ngoài bo.
Trong những trường hợp nhất định, chẳng hạn như đang thiếu đồ, bạn có thể nhặt hợp đồng Scavenger để tìm tới những chiếc hòm đồ và loot thêm vật phẩm. Tương tự, hợp đồng Bounty sẽ chọn ra 1 kẻ địch để bạn tiêu diệt. Nếu thành công thì bạn sẽ được nhận một món tiền thưởng kếch xù. Và cho dù bạn không muốn làm hợp đồng Bounty đi chăng nữa thì việc biết được vị trí của kẻ địch cũng là một yếu tố quan trọng cho việc sinh tồn, giúp bạn né những pha combat không cần thiết.
Ưu tiên mua hòm Loadout để có vũ khí và perk đúng theo chiến thuật của mình
Nếu bạn đang rủng rỉnh thì nên mua hòm loadout tại Buy Station ngay khi có thể. Nói một cách nôm na thì đây là một thùng thính “cá nhân”, cho phép bạn chọn bộ súng súng và vật dụng theo đúng ý của mình, khỏi phải chạy lòng vòng loot đồ nữa. Bạn có thể chỉnh loadout này tùy ý, nên nếu bạn đã cày đủ lâu để mở khóa được nhiều vũ khí, trang bị, vật dụng, thì bạn hoàn toàn có thể moi ra từ hòm loadout 2 cây súng được lắp đầy đủ phụ kiện, trang bị tận răng, sẵn sàng nhả “kẹo đồng” cho những ai dám ngáng đường.
Quan trọng hơn hết là các “perk” trong các loadout. Khi bạn mới nhảy dù xuống thì sẽ không có các perk này, nhưng khi đã chọn loadout xong xuôi thì bạn sẽ có thêm perk. 1 loadout sẽ được chọn 3 perks tùy ý, nó có thể giúp bạn chạy nhanh hơn, hồi sinh đồng đội nhanh hơn, hạn chế sát thương từ bom mìn, hoặc giảm giá vật phẩm trong Buy Station.
Lưu ý một điều là khi hòm Loadout rơi xuống thì những người xung quanh khu vực đó sẽ biết đấy nhé. Cho nên hãy cẩn thận khi gọi thả hòm loadout xuống (hoặc khi đi cướp hòm của đội khác).
Vị trí pháo sáng báo hiệu hồi sinh là cơ hội để xử lý kẻ địch
Có nhiều cách để hồi sinh đồng đội như đã nói ở trên, nhưng khi một chiến sĩ được hồi sinh là sẽ có một cục pháo sáng bắn lên trời, tỏa sáng muôn nơi y như đêm 30. Thường thì pháo sáng sẽ bắn lên ngay tại trạm Buy Station, và đó cũng sẽ là nơi mà quần hùng (có thể) hội ngộ để “hôi của”. Sẽ có một “free kill” trên trời rơi xuống, và dưới đất thì đang có một đội đang bị thiếu người, còn gì “béo bở” hơn đúng không nào?
Vì thế, việc lựa chọn thời gian và địa điểm để hồi sinh đồng đội là một yếu tố cũng quan trọng không kém. Nó có thể khiến trận đấu của bạn khó khăn hơn, nhưng nếu bạn biết cách chuyển hóa bàn thua thành bàn thắng, đặt bẫy chờ đội khác mò đến và… úm ba la, ra 3 cái xác “shipper” cho bạn tha hồ loot đồ, khỏi phải đi đâu xa.
Tiền không chỉ để mua đồ, gom đủ thì bạn có thể hồi sinh cả đồng đội
Số tiền mà bạn có được trong trận đấu sẽ được dùng để mua vật phẩm tại các trạm Buy Station. Những vật phẩm này có thể mang tính quyết định đến kết quả chung cuộc. Tuy nhiên, bạn nên dành dụm tiền cho đến khi thật sự cần thiết. Vả lại, hồi sinh đồng đội tốn khá nhiều tiền, nên nếu bạn tiêu xài hoang phí rồi đến lúc cần hồi sinh đồng đội lại không đủ tiền thì khó mà xoay sở lắm.
Cho dù người đồng đội đó có thắng trận solo trong nhà tù, rồi lại chết lần nữa, thì bạn vẫn có thể dùng tiền của mình để đổi lấy mạng sống cho người bạn xấu số đó. Vì vậy, hãy là một người tiêu xài thông minh, đừng vung tay quá trán để rồi khi cần lại phải hối hận.
Trở thành đồng đội thiện lành & chia tiền cho nhau
Đồng ý rằng việc bạn loot đồ, mua trang bị để tăng tỷ lệ sống sót là một điều quan trọng trong game. Nhưng vì đây là một game mang tính đồng đội nên bạn cũng cần đảm bảo rằng 2 người đồng đội kia không bị “suy dinh dưỡng”. Mỗi người sẽ có túi tiền riêng biệt, nhưng khi hùn tiền lại thì bạn có thể dễ dàng mua một món đồ có giá trị cao tại Buy Station, chẳng hạn như hòm loadout hoặc là hồi sinh người đồng đội đã tử nạn nơi sa trường.
Ngoài ra thì bạn còn có thể mua các mảnh giáp giúp tăng khả năng sống sót trong các cuộc đọ súng. Bạn có thể gắn 3 miếng giáp lên người (mỗi miếng tăng 50HP) và đem theo trong balô thêm 5 miếng nữa. Vì thế nên nếu đồng đội đang gặp nguy thì bạn hãy san sẻ bớt vài mảnh giáp để giúp họ vượt qua con trăng. Nhất là khi người đồng đội này vừa hồi sinh thì sẽ rất cần những miếng giáp này đấy.
Chúc anh em chơi game vui vẻ nhé.
Nguồn: GameSpot