Thế giới tự nhiên luôn mang đến những điều thú vị. Luôn có những thứ khiến chúng ta phải trầm trồ. Như tiêu đề bài viết thì đây sẽ là 15 điều có thể khiến bạn ngạc nhiên, hãy xem qua một lượt nhé, biết đâu bạn lại có vài thông tin thú vị để kể cho bạn bè thì sao?

Tim của tôm nằm trên đầu của nó

Cấu tạo cơ thể của tôm chia làm 2 phần chính là đầu ngực và đuôi, Toàn bộ những cơ quan quan trọng như hạch thần kinh trung ương, tim, mang… đều nằm trong phần đầu ngực hết. Đuôi của tôm chủ yếu bao gồm các bó cơ, hệ thống chân vây và khung xương ngoài để giúp chúng bơi trong nước mà thôi.

Một số loài ốc sên có thể “ngủ” đến 3 năm

Ngủ đông là một phương thức sinh tồn của nhiều loài sinh vật vùng khí hậu ôn đới và hàn đới để giúp chúng vượt qua giai đoạn có điều kiện sống khắc nghiệt. Ốc sên cũng vậy, chúng cũng tự phát triển cơ chế “ngủ” trong thời gian rất dài để vượt qua giai đoạn khó khăn. Khi môi trường trở nên bất lợi, chúng sẽ ẩn mình đi vào tự làm mình rơi vào trạng thái gần như đóng băng các hoạt động trao đổi chất. Khi đất đai màu mỡ và môi trường thuận lợi trở lại thì chúng sẽ thức giấc để tiếp tục vòng đời của mình.

Vân tay của gấu Koala cực kỳ giống con người

Vân tay của gấu Koala về mặt sinh trắc học gần như chẳng có mấy khác biệt so với con người. Thậm chí người ta còn ghi nhận tại một số hiện trường vụ án ở Úc, đã có một số trường hợp cảnh sát xem vân tay của Koala là dấu vết của nghi phạm.

Voi là loài thú duy nhất không thể nhảy

Cái này thì cũng dễ hiểu thôi. Như chúng ta đều biết thì voi là loài sinh vật trên cạn lớn nhất hành tinh. Một con voi đồng cỏ Châu Phi có thể đạt cân nặng trung bình lên đến 7,5 tấn. Để nâng được khối lượng khủng khiếp đó thì chân của voi phải chịu áp lực rất lớn. Nếu bạn treo một con voi trưởng thành lên cao để chân nó cách khoảng 1m so với mặt đất thì khả năng cao là nó sẽ bị gãy chân luôn do áp lực dồn xuống rất lớn. Thế nên không lạ gì khi chúng không thể nhảy. Thứ nhất là để không bị thương, thứ 2 là chúng nặng quá không thể nhảy và cuối cùng là cấu tạo cơ thể không cho phép chúng tạo ra sức bật đủ lớn để tung mình vào không trung.

Sừng tê giác chẳng khác tóc và móng tay của chúng ta là mấy

Sừng tê giác về bản chất cũng được cấu tạo từ Keratin giống như tóc, móng tay và lớp phủ ngoài cùng của da người. Thế nên nó cũng chẳng có tác dụng ghê gớm như mấy ông lang băm quảng cáo đâu, tiêu thụ sừng tê giác về bản chất cũng như việc bạn cắn móng tay vậy.

Bạn có thể thôi miên một con ếch bằng cách lật nó lên và vuốt bụng

Mình cũng không rõ lắm về cơ chế của việc này nhưng sự thật là bạn có thể lật ngửa một con ếch lên và vuốt bụng để làm cho nó vào trạng thái dạng như bị thôi miên. Nó cũng có tác dụng với cá sấu và một số loài bò sát khác nhưng cũng đừng có dại mà thử ở nhà nhé, nó cắn cho phát mình không chịu trách nhiệm đâu. Và ếch thì cũng phải tùy con nhé, mấy con hiền lành dạn người như ếch pacman thì được chứ ếch mua ngoài chợ về thấy người là vọt mất thì cũng bó tay.

Con lười sẽ mất đến 2 tuần để tiêu hóa một bữa ăn của nó

Lười là một trong những loài động vật chậm chạp nhất hành tinh. Chúng di chuyển chậm, phản ứng chậm và trao đổi chất cũng chậm luôn. Thời gian trung bình để một con lười có thể tiêu hóa được hết chỗ thức ăn trong 1 bữa ăn của nó có thể lên đến 2 tuần. Nếu chúng ta mà cũng tiết kiệm năng lượng được như chúng thì chắc là đỡ tốn tiền trà sữa lắm đây.

Một con bò sữa có thể cho đến cả chục ngàn lít sữa mỗi năm

Bò sữa đã được được con người thuần hóa và lai tạo từ lâu để tối ưu cho việc sản xuất sữa. Một con bò sữa tốt có thể dễ dàng cho hơn 10.000 lít sữa mỗi năm, lớn hơn cả khối lượng của một con voi đồng cỏ Châu Phi đực trưởng thành.

Dơi luôn rẽ trái khi rời hang

Đây là một bản năng của loài dơi. Mỗi khi rời nơi trú ẩn theo đàn, chúng sẽ luôn luôn rẽ về bên trái. Việc này là để hạn chế tối đa khả năng chúng va chạm vào nhau và gây “tai nạn đáng tiếc” trên không. Dám cá là mấy con dơi này phân biệt trái phải tốt hơn rất nhiều người đấy.

Hươu cao cổ bị “câm”

Hươu cao cổ có dây thanh đới nhưng chúng không thể tạo ra được luồng khí đủ mạnh qua khí quản dài đến 4 m để làm rung các nếp gấp dây thanh đới với tần số đủ nhanh để phát ra âm thanh rõ ràng. Chúng cũng không phải câm hoàn toàn, chỉ là tiếng của chúng rất trầm và chúng gần như chẳng bao giờ kêu mà thôi.

Mắt của đà điểu to hơn cả não của chúng

Đà điểu có thị lực rất mạnh, giác quan này của chúng đặc biệt hiệu quả trong việc cảnh giới thú săn mồi. Những con mắt thậm chí còn to hơn cả não của chúng. Thật ra điểm này cũng không phải chỉ có mỗi đà điểu là có, nó cũng xuất hiện trên một số loài chim săn mồi và nhiều loài khác nữa, mấy con cá vàng mà bạn nuôi cũng vậy đấy.

Khoảng 50% đười ươi đã từng bị gãy xương do té ngã

Đười ươi là một loài linh trưởng có kích thước và khối lượng lớn. Chúng dành rất nhiều thời gian để sống trên cây, thế nên việc chúng té ngã khi bay nhảy tung tăng cũng là điều khó tránh khỏi. Và với kích thước có thể lên đến cả trăm kg thì việc gãy xương cũng là lẽ thường tình. Trèo cao thì té đau mà, đúng nghĩa đen luôn đấy chứ.

Ếch có thể lộn dạ dày ra khỏi miệng

Ếch không có hệ thống cơ chế phức tạp để đẩy mấy thứ có hại ra bên ngoài như chúng ta. Thay vào đó, mỗi khi ăn phải thứ gì bậy bạ, chúng sẽ lộn luôn cả dạ dày ra bên ngoài và lau nó bằng chi trước, đến khi nào cảm thấy sạch rồi thì chúng sẽ lộn lại vào trong. Nghe có vẻ ghê ghê và dơ nhưng được cái là cũng khá hiệu quả đấy chứ.

Bọ cạp và nhện không phải là côn trùng

Cái này thì chúng ta đều đã được học từ hồi cấp 2 rồi nhưng nhiều bạn sẽ quên nên sẵn tiện mình nhắc lại luôn. Thân côn trùng sẽ có đủ 3 phần gồm đầu chứa hàm và các giác quan quan trọng, ngực là nơi tập trung của các chi, bụng sẽ chứa cơ quan sinh sản và tiêu hóa. Côn trùng có 6 chi.

Bọ cạp và nhện thì khác, chúng chỉ có 2 phần, trong đó phần đầu liền với phần ngực. Chúng cũng có đến 8 thay vì chỉ 6 chi. Họ nhà này nằm trong một lớp khác là lớp hình nhện chứ không thuộc lớp côn trùng và cũng không có họ hàng thân thích gì mấy với bọn này.

Bài tham khảo: thedodo