Bạn có gọi virus là “con” virus không? Thực chất thì chúng giống như đồ vật nhưng mang đặc tính sinh học nhiều hơn.
Trong những ngày mà dịch bệnh hoành hành thì chúng ta đều có thiên hướng quan tâm đến các tác nhân gây bệnh nhiều hơn, cụ thể là vi khuẩn và virus. Vi khuẩn và sinh vật đơn bào nói chung thì đã quá quen thuộc với chúng ta trong chương trình học phổ thông rồi nhưng virus thì lại không mấy nhắc tới. Thế nên hy vọng bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu thêm được một chút về những thực thể “sống lỗi” này.
Virus là một trong những dạng thực thể sinh học đa dạng nhất trong tự nhiên. Tuy nhiên cho đến hiện nay thì mặc dù vẫn còn hàng triệu dạng virus khác nhau nhưng chúng ta mới chỉ ghi nhận được có 5000 loại mà thôi. Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc nghiên cứu virus là do chúng quá bé nhỏ và hầu hết các chủng virus đều không thể nhìn thấy được bằng kính hiển vi quang học.
Virus có cấu tạo cực kỳ đơn giản, gồm 2 đến 3 phần chính như sau:
- Phần vật chất di truyền được tạo nên từ DNA hoặc RNA, là những phân tử dài có mang thông tin di truyền.
- Một lớp vỏ protein – được gọi với tên capsid – có chức năng bảo vệ hệ gen; và trong một số trường hợp còn có phần (3).
- Một lớp vỏ bọc bên ngoài làm từ lipid mà bao bọc bên ngoài lớp vỏ protein khi virus ở ngoài tế bào.
Có nhiều cuộc tranh cãi đã nảy ra giữa các nhà khoa học rằng liệu virus có thể được xem là một dạng sống hay không. Nó không có cấu trúc tế bào (đơn vị cơ bản nhất của sự sống) nhưng lại có khả năng di truyền, sinh sản và tiến hóa theo quá trình chọn lọc tự nhiên. Nó có một số đặc điểm cơ bản của sự sống nhưng lại không được đầy đủ. Vì thế mà chúng được xem là “những sinh vật ở bên lề của sự sống”. Căn bản là chúng không thực sự sống, chúng chỉ là một thực thể tồn tại cùng với sự sống mà thôi.
Như đã nói ở trên thì virus rất đa dạng, chúng có nhiều hình dạng lớn nhỏ khác nhau, từ dạng xoắn ốc, dạng hình cầu, dạng khối 20 mặt hay những hình dạng phức tạp hơn. Tuy nhiên về phương thức hoạt động thì giống nhau. Vì virus không phải là thực thể sống hoàn chỉnh nên chúng không thể tự trao đổi chất để lớn lên hay phân chia. Thay vào đó, chúng sẽ dùng bộ máy và hệ trao đổi chất của tế bào vật chủ để tạo ra nhiều bản sao của chính chúng, tự lắp ráp trong đó và tiếp tục phát tán đi. Virus không tự di chuyển để chủ động tấn công các tế bào vật chủ mà chúng tự phát tán trong môi trường, chờ đến khi gặp được vật chủ thích hợp để bám vào.
Chính vì sự đơn giản của mình nên virus hoạt động rất hiệu quả. Chúng nhân lên rất nhiều, đột biến nhiều dẫn đến tiến hóa và thích nghi nhanh chóng với những điều kiện mới. Đó chính là điều là cho virus trở nên nguy hiểm. Về cơ bản thì bọn này “sống” một cách rất “lỗi”. Bản thân chúng không thực sự sống nhưng lại kí sinh lên tế bào sống rồi lợi dụng tế bào đó để nhân lên và lại tiếp tục ký sinh lên nhiều tế bào hơn nữa. Sự ký sinh, tự sao chép và phát tán của virus thường giết chết các tế bào vật chủ, gây chết đối với sinh vật đơn bào và gây bệnh, làm hao hụt sức sống của các sinh vật đa bào.
Mỗi một loại virus sẽ có biên độ vật chủ nhất định, có nghĩ là mỗi loại sẽ chỉ có thể ký sinh lên một loại hoặc một nhóm vật chủ nhất định. Ví dụ như virus đậu mùa chỉ có thể gây hại cho con người, trong khi đó thì virus dại có biên độ vật chủ rộng hơn, có thể ký sinh ở nhiều loài động vật có vú khác nhau. Virus HIV thì chỉ tập trung đánh vào các tế bào quan trọng trong hệ miễn dịch ở người.
Mặt khác, mặt dù virus có cách “sống” rất lỗi là đi gây hại cho sinh vật nhưng chúng cũng đóng vai trò khá quan trọng trong lịch sử tiến hóa của sự sống. Chúng đóng vai trò là một phương tiện vận chuyển gen ngang, giúp cho các các thể sinh vật có thể chia sẻ gen trực tiếp cho nhau, góp phần làm đa dạng sinh học và thúc đẩy sự tiến hóa.
Tóm lại, mặc dù virus gây hại cho hầu hết mọi sinh vật sống trên trái đất nhưng chúng cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử sự sống. Nếu thiếu chúng thì thế giới mà ta vẫn biết sẽ khác đi rất nhiều. Mặc dù bọn này sống cũng chẳng ra gì nhưng trên một vài phương diện nhất định thì chúng vẫn có ích.
Nguồn: