Trong thập kỷ vừa qua, vũ trụ điện ảnh Marvel (Marvel Cinematic Universe – MCU) có một sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến nền điện ảnh thế giới. Theo đạo diễn Martin Scorsese nỗi tiếng với tựa phim The Irishman, nó còn thay đổi cả ý nghĩa của cụm từ “cinema”.

Với doanh thu 22,6 tỷ đô toàn cầu, bao gồm cả tiền vé rạp, tiền bán sản phẩm liên quan (merchandise), tiền vé tham quan công viên giải trí, và cả câu nói “I love you, 3000” nổi tiếng khắp nơi trên thế giới, nói không ngoa thì MCU có thể được xem như là một tôn giáo luôn rồi. Và mặc dù theo lý thuyết thì nó mở đầu bằng Iron Man (2008), MCU chỉ thực sự “tồn tại” kể từ lúc Avengers (2012) được công chiếu tại các rạp cinê.

Từ Iron Man đến Avengers

MCU được khởi đầu vào năm 2008 với Iron Man được thủ vai bởi Robert Downey Jr. Và nhờ tài năng cùng với phong thái của Robert, tựa phim này đã thành công tốt đẹp với doanh thu phòng vé đạt 585 triệu đô.

Dưới sự dẫn dắt của Kevin Feige, người đứng đầu bộ phận sản xuất của Marvel Studios kể từ năm 2007, Iron Man đã tạo tiền đề không chỉ cho phần tiếp theo mà còn cho tựa phim Avengers ra mắt vào 4 năm sau. Avengers cũng tiếp tục được nhắc đến trong The Incredible Hulk ra mắt không lâu sau Iron Man.

Vào năm 2009, Walt Disney Company mua lại Marvel Entertainment với giá 4 tỷ đô. Mặc dù Disney không chính thức phát hành những tựa phim Marvel tiếp theo (trước The Avengers), công ty này vẫn hỗ trợ tối đa cho Marvel Entertainment trong chăng đường dài. Cụ thể là Disney đã giúp hiện thực hóa kế hoạch của Feige, kết nối các tựa phim siêu anh hùng thành một vũ trụ điện ảnh, trong đó bao gồm thêm 3 phim tiếp theo là Iron Man 2, Captain America: The First Avenger, và Thor, chuẩn bị cho sự ra đời của The Avengers.

3 năm sau, The Avengers được công chiếu, và nó thực sự là một quả bom tấn trên màn ảnh rộng. Cứ ngỡ rằng đây cũng chỉ là một tựa phim siêu anh hùng như những phần trước đó, chỉ là có nhiều… siêu anh hùng hơn thôi. Nhưng nó thật ra là cả một chân trời mới dành cho fan của thể loại siêu anh hùng nói chung và fan Marvel nói riêng. Trong phim là đủ mọi thể loại kẻ địch ngoài hành tinh, năng lực siêu nhiên, cảnh hành động choáng ngợp, và nhất là khúc Captain America Steve Rogers ra lệnh mọi người hãy “suit up” (chuẩn bị sẵn sàng). Đối với hàng triệu fan, The Avengers là một tựa phim siêu anh hùng bước ra từ chính những trang truyện tranh gắn liền với tuổi thơ của họ.

Và đoạn cuối của The Avengers cũng là cách mà Marvel đã thiết lập ra bối cảnh cho vũ trụ MCU 7 năm sau đó. Không giống như Spider-Man, X-Men, hay The Fantastic Four, The Avengers tượng trưng cho cả một vũ trụ mà trong đó không chỉ là một, hai tựa phim đơn lẻ. Nếu không có những phần phim trước đó giới thiệu về các nhân vật trong The Avengers thì chắc có lẽ nó đã không tạo được tiếng vang lớn như vậy.

Vực dậy từ đống tro tàn

Đến thời điểm này, Disney đã lèo lái “con tàu” Marvel và biến nó trở thành một “cỗ máy in tiền” theo đúng nghĩa đen. Hãng nghiên cứu License Global ước tính chỉ riêng các sản phẩm merchandise đã đem về cho họ 41 tỷ đô, còn nhiều hơn cả doanh thu của tất cả các phim Marvel gộp lại. Cũng như Star Wars và Harry Potter, Disney đã nằm bắt thời cơ này và liên tục ra mắt các sản phẩm liên quan đến Marvel cũng như các siêu anh hùng trong MCU.

Để tiếp tục giữ đà này, Marvel đã quyết định “chơi lớn” dưới sự dẫn dắt của Feige. Guardians of the Galaxy đã mở rộng MCU đến những hành tinh khác ngoài Trái đất, Doctor Strange thì có khả năng thay đổi dòng thời gian, còn Black Panther thì bổ sung thêm yếu tố văn hóa vào trong vũ trụ MCU. Mặt khác, Marvel vẫn luôn giữ hình ảnh của mình sao cho phù hợp với công ty mẹ là Disney. Bằng chứng là họ chưa bao giờ làm phim siêu anh hùng nào mang màu sắc ảm đạm, u tối như bên DC Comics của đạo diễn Zack Snyder, hoặc làm theo kiểu hài hước siêu bựa siêu tục như Deadpool (20th Century Fox). Thậm chí khi các nhà làm phim khác nhau thêm những gia vị riêng vào các tựa phim Marvel thì phần cốt lõi của “món ăn” vẫn được giữ nguyên để khớp với hình tượng của một tựa phim được sản xuất bởi Disney.

Thay vào đó, giai đoạn 2 và 3 của MCU đã đào sâu vào khía cạnh drama. Cụ thể, Captain America (Steve Rogers) và Iron Man (Tony Stark), hai nhân vật chủ chốt của Avengers, đã trở thành kì phùng địch thủ trong phần Captain America: Civil War. Cuộc chiến của 2 nhân vật này xoay quanh vấn đề về đạo đức của những người siêu anh hùng sau sự kiện trong Avengers: Age of Ultron. Hậu quả là Avengers tan rã, và hàng triệu con tim của người hâm mộ cũng vì thế mà tan vỡ theo.

Nhưng sự tan rã này là cần thiết, cả về mặt sáng tạo lẫn mặt kinh doanh. Trận đấu giữa Steve và Tony là một cú đấm chí mạng đối với những fan hâm mộ MCU trong chặng đường suốt 8 năm qua. Civil War đã khiến các siêu anh hùng phải “tha phương cầu thực”: Iron Man thì xuất hiện “ké” trong Spider-Man: Far From Home, còn Thor thì “cặp kè” với Hulk trong Thor: Ragnarok. Chủ đích của Marvel trong giai đoạn 3 này là để chừa “đất” cho việc phát triển các tuyến nhân vật mới.

Spider-Man, Black Panther, và Captain Marvel đều được làm hẳn tựa phim riêng, giúp người hâm mộ hiểu thêm cũng như cho họ thời gian để “yêu mến” những siêu anh hùng này, trước khi bước vào chương cuối mà Feige gọi là “Infinity Saga”. Những bộ phim này đều thành công tốt đẹp, hứa hẹn một tương lai MCU mới đầy triển vọng, khi mà Iron Man và Captain America đều “hết hạn hợp đồng” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Infinity War và Avengers: Endgame là cột mốc đánh dấu hồi kết của chặng đường hơn 10 năm mà Feige, Robert Downey Jr, Christ Evans, và một số người khác trong đội ngũ làm phim đã dự tính vào năm 2008.

Kể từ lúc The Avengers được công chiếu thì không có một tựa phim siêu anh hùng nào mang tầm ảnh hưởng về mặt văn hóa lớn như vậy, cho đến khi Infinity War và Endgame ra mắt trước công chúng. Nhiều câu thoại của Thanos đã được nhiều người lấy ra bàn luận sôi nổi, và nhân vật Tony Stark – người đã tạo nền móng cho vũ trụ MCU – đã trở thành một hình tượng bất tử trong lòng người hâm mộ. Mặc dù Endgame không chiếm được cảm tình của giới phê bình điện ảnh cho lắm, nhưng với doanh thu phòng vé đạt 2,8 tỷ đô và hàng triệu fan trung thành thì chắc hẳn Feige và công ty Disney cũng không bận tâm lắm về vấn đề này.

Vũ trụ điện ảnh sau đó

Sau Endgame, Marvel tiến đến giai đoạn 4, mở rộng phát triển các phần phim tiếp theo lên trên màn ảnh nhỏ. Vì thế, song song với các bộ phim của Thor, Spider-Man, Doctor Strange trên màn ảnh rộng thì bên cạnh đó còn có các tập phim nhỏ của Hawkeye, Falcon, Loki, Scarlet Witch trên màn ảnh nhỏ được chiếu độc quyền trên nền tảng dịch vụ streaming Disney+.

Bên cạnh Marvel thì Disney vẫn còn có những “quân bài” khác như Star Wars, Avatar 2, và phim hoạt hình của Pixar. Nhưng tính đến hiện tại thì con át chủ bài vẫn là Marvel. Đối với một lượng người nhất định thì Marvel như một phần cuộc sống và tâm hồn của họ, và nếu không có điều gì thay đổi trong tương lai thì nó sẽ tiếp tục lan rộng và tác động đến nhiều người hơn nữa.

Nguồn: The Verge