Xe tăng và động cơ phản lực, nghe thì không liên quan cho lắm nhưng chúng lại là một sự kết hợp khá thú vị đấy đấy các bạn ạ. Không nói đâu xa, dòng xe tăng chiến đấu chủ lực siêu nổi tiếng M1 Abrams của lục quân Mỹ chính là ví dụ điển hình. Mình dám cá là mấy bạn mê vũ khí quân sự đều biết đến nó, nhưng việc nó chạy bằng sức mạnh của một khối động cơ phản lực tương tự như của máy bay thì vẫn là thông tin mới mẻ với nhiều người. 

Trong bài viết này chúng ta sẽ bàn đến nó. Hy vọng mang đến cho các bạn những thông tin thú vị.

Động cơ phản lực hoạt động thế nào trong một chiếc xe tăng?

Động cơ Honeywell AGT1500 của xe tăng M1 Abrams không không được xếp vào loại động cơ phản lực, tuy nhiên cấu tạo của nó nó bao gồm 1 khối động cơ phản lực dạng turbojet, và sức mạnh của nó đến từ khối động cơ đó.

Mặt cắt động cơ turbojet Pratt & Whitney F119 trên mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F22 của Không lực Hoa Kỳ
Sơ đồ động cơ gas turbine Honeywell AGT1500 trên dòng xe tăng M1 Abrams, bạn có thể thấy rõ nó có khoang nén khí, turbine và buồng đốt y hệt động cơ turbojet thông thường, chỉ khác là nó có hệ thống trích khí xả đặc biệt.

Nói về phương thức hoạt động của động cơ Honeywell AGT1500 thì chúng ta phải nói về khối động cơ phản lực trước. Đầu tiên nó sẽ hút không khí vào, nén lại qua nhiều lớp cánh quạt nén, sau đó trộn không khí với nhiên liệu rồi đốt cháy. Không khí nóng lên và giãn nở đột ngột sẽ phụt thẳng ra phía sau với tốc độ rất lớn và làm quay các cánh turbine của động cơ phản lực. Lực lấy được từ các cánh turbine này sẽ dùng để quay các quạt hút và quạt nén trong động cơ phản lực, giữ nó tiếp tục chạy. 

Toàn cảnh khối động cơ

Luồng khí phản lực sau khi đi qua các cánh turbine của động cơ phản lực vẫn còn rất mạnh. Nếu là trên máy bay thì luồng khí này sẽ xả về phía sau để tạo lực đẩy cho máy bay. Còn với xe tăng thì phải dùng nó theo cách khác. 

Luồng khí xả phản lực này sẽ được dùng để xoay thêm các lá turbine khác, truyền động với trục động cơ. Trục động cơ sẽ thông qua hộp số để làm quay các bánh truyền động của xe tăng. Các bánh truyền động này sẽ kéo xích và làm xe tăng di chuyển.

Ảnh chụp cận cảnh phần turbine của khối động cơ phản lực, turbine để chạy xe tăng, hệ thống trích khí xả và buồng đốt

Chưa hết, do là động cơ xe tăng nên khối động cơ này phải hoạt động được trong điều kiện nhiều cát bụi dưới mặt đất. Để hạn chế cát bụi mài mòn các lá máy nén và turbine thì không khí phải đi qua một lớp lọc khí mới vào động cơ được. 

Do động cơ cần rất nhiều không khí để hoạt động mà khả năng của bộ lọc khí có hạn nên luồng khí thải cũng không được xả hết. Khối động cơ sẽ trích 1 phần khí thải để đưa vào động cơ phản lực và đốt tiếp. Việc này giúp giảm áp lực cho bộ lọc khí và sử dụng triệt để nguồn oxy trong không khí.

Ưu thế và nhược điểm

Mẫu động cơ turbine khí Honeywell AGT1500 mang đến cho xe tăng M1 Abrams lợi thế lớn. Khối động cơ cho công suất tối đa đến 1500 mã lực ở 3000 vòng/phút (tính trên trục đầu ra), momen xoắn cực đại đạt 5.360 Nm ở tốc độ 1000 vòng/phút. Nó giúp chiếc M1 Abrams nặng 55 tấn có thể tăng tốc từ 0 lên 32 km/h trong 7 giây, đi với tốc độ tối đa 72km trên đường bằng và trung bình 48km trên đường hỗn hợp. Thậm chí nếu loại bỏ bộ kiểm soát động cơ thì nó còn có thể “bay” với tốc độ tối đa 97km/h – Một con số không tưởng với xe tăng. Khả năng cơ động giúp M1 Abrams có thể di chuyển đến chiến trường và rút lui chiến thuật cực kỳ nhanh chóng, tạo ưu thế lớn cho lục quân Mỹ. 

Chưa hết, nó còn có thể dùng rất nhiều loại nhiên liệu khác nhau bao gồm dầu diesel, dầu hỏa, bất kỳ loại xăng động cơ nào và nhiên liệu máy bay (chẳng hạn như JP-4 hoặc JP-8 ). Ngoài ra thì do không có một cái piston nào nên nó tăng tốc cực kỳ êm, gần như là xe tay ga vậy.

Tuy nhiên loại động cơ cũng tồn tại một số vấn đề không thể khắc phục. Đầu tiên là nó uống xăng rất khủng khiếp, tốn tận 34 lít xăng JP-8 chỉ để khởi động. Trên đường bằng thì cứ 1km đường bằng nó lại uống 3,8 lít xăng, nếu đường gồ ghề thì sẽ còn ghê hơn nữa. Việc này làm cho nó có tầm hoạt động hạn chế chỉ 350–410km, thua xa mức 700-800km của xe tăng Nga. Nó cũng gây ra áp lực rất lớn cho công tác hậu cần. Nói dễ hiểu hơn là việc chở xăng đến cho nó uống là cả vấn đề.

Thêm một nhược điểm chí mạng nữa là mẫu xe tăng này chỉ có thể lội nước nông tầm 1,3m đổ lại mà thôi. Trong khi đó thì xe tăng Nga sau khi gắn ống lặn có thể vượt sông sâu 3,5m. Nguyên nhân là vì động cơ Honeywell AGT1500 cần quá nhiều không khí nên cửa hút khí của nó thì to như máy bay, nước ngập qua chỗ đó là toang ngay.

Mà nói gì thì nói, dù nhiều nhược điểm nhưng lợi thế mà khối động cơ Honeywell AGT1500 mang lại cho M1 Abrams vẫn rất đáng kể. Các biến thể M1 Abrams sau này có khối lượng lên đến trên 70 tấn do được nâng cấp nhiều loại vũ khí và giáp, tuy chậm chạp hơn mẫu nguyên bản nhưng vẫn đủ khả năng cơ động để đáp ứng điều kiện của chiến trường hiện đại. 


Trên đây là bài viết về khối động cơ đặc biệt của dòng xe tăng nổi tiếng M1 Abrams, dùng luồng khí xả phản lực để chạy xe tăng. Hy vọng đã mang đến cho các bạn những thông tin thú vị và cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi. 

Tham khảo: Wikipedia M1 Abrams, MilitaryLeak


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360