Theo trang MIT Technology Review thì các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP – Internet service providers) và các công ty công nghệ lớn như Netflix đang hợp tác với nhau để cải thiện chất lượng đường truyền Internet trong bối cảnh lượng người dùng tăng cao do dịch COVID-19 đang diễn biến căng thẳng. Hãng Cloudflare cho biết hoạt động Internet (Internet activity) trong thời gian gần đây đã tăng lên khoảng ¼ tại các thành phố lớn vì nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà.

Gọi thoại bằng video cũng tăng đột biến, điển hình là ứng dụng Zoom có lượng người dùng trong 2 tháng đầu tiên của năm 2020 còn cao hơn cả năm 2019 cộng lại. Steam cũng vừa mới phá kỷ lục với gần 25 triệu game thủ online cùng lúc. Ngoài ra thì Cloudflare còn ghi nhận lượng người dùng Internet tăng 40% tại Ý. Vì người dùng bây giờ xài mạng riêng lẻ tại nhà thay vì tập trung lại 1 chỗ như ở công ty, nhiều hãng đã gặp ít nhiều khó khăn trong việc quản lý lưu lượng truy cập trong thời điểm này. YouTube và Netflix đã áp dụng biện pháp hạ chất lượng video xuống để không bị “vỡ trận”, còn Valve và Sony thì điều chỉnh thời gian tung ra các bản cập nhật để tránh các giờ cao điểm.

Tuy nhiên, theo CEO của Cloudflare thì đây không hẳn là tin xấu mà nó cho thấy rằng các công ty đang ứng phó hợp lý và kịp thời, có khả năng tiên lượng trường hợp xấu xảy ra nên đã hành động trước một bước để ngăn chặn. Một điểm tích cực khác nữa là dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc nâng cấp cở sở hạ tầng mạng diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết. Nhiều công ty như Equinox và Netflix đã tức tốc nâng cấp 200 trung tâm dữ liệu của họ trên toàn cầu, và Zoom cũng đang hợp tác với các nhà mạng tại nhiều quốc gia giúp cải thiện chất lượng cuộc gọi.

Về phía các nhà cung cấp dịch vụ mạng thì họ cũng gỡ bỏ các giới hạn băng thông cho người dùng, chẳng hạn như ở Việt Nam thì nhà mạng Viettel Telecom đã hoàn thành việc tăng gấp đôi băng thông cho tất cả khách hàng sử dụng dịch vụ Internet cáp quang với giá không đổi nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập và làm việc tại nhà. Trang MIT Technology Review hi vọng rằng thậm chí sau khi hết dịch COVID-19 thì những nâng cấp, cải thiện này vẫn sẽ được sử dụng tiếp.

Nguồn: tom’s HARDWARE