Nhiều mẫu chiếc xe tăng hiện đại nặng đến trên 40 tấn, cá biệt có một số biến thể của xe tăng M1 Abrams của Mỹ có thể nặng đến trên 70 tấn. Tuy to và nặng như thế nhưng bánh xích xe tăng lại có thể vượt qua những nền đất yếu như sình lầy và cát mà không gặp nhiều khó khăn, và đó là điều mà nhiều mẫu xe hơi vốn chỉ nặng tầm hơn 1 tấn không thể. Chuyện gì đã xảy ra thế nhỉ? Mời các bạn giải đáp cùng GVN 360 nhé.
Xe tăng tuy nặng nhưng sức nặng của nó được trải đều trên diện tích rất lớn
Một trong những điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của xe tăng và xe hơi thông thường là xe tăng dùng bánh xích chứ không phải bằng bánh lốp thông thường. Diện tích tiếp xúc với mặt đất của hệ thống xích lớn hơn bánh lốp rất nhiều lần. Và đây chính là bí quyết giúp xe tăng có thể đi trên nền đất mềm mà xe hơi không thể.
Để mình lấy ví dụ là xe tăng T90 của Liên Bang Nga nhé, (*thông số là mình đo và nhân chia tỉ lệ từ bản vẽ chứ mình không có thông số chính xác nha). Mẫu xe tăng này có bản xích rộng khoảng 65cm mỗi bên và phần xích tiếp xúc mặt đất dài khoảng 425cm. Suy ra thì mẫu xe tăng này có diện tích tiếp xúc mặt đất là 58.500cm. Nếu chia cho khối lượng 45 tấn của nó thì mỗi một cm vuông mà T90 cán qua chỉ phải chịu khối lượng tầm 0.77kg mà thôi.
Tương tự, chúng ta có một chiếc xe hơi có tổng diện tích 4 bánh xe tiếp xúc mặt đất là 400cm vuông. Nếu chiếc xe nặng 1,5 tấn như chiếc Honda Accord trên hình thì mỗi cm vuông mặt đường trung bình sẽ chịu sức nặng đến 3,75kg, tức là lớn hơn chiếc xe tăng T90 đến 4,78 lần.
Nhờ hệ thống xích có diện tích rất lớn để phân tán trọng lượng mà xe tăng có thể đè lên mặt đường với một áp lực rất nhỏ so với xe bánh lốp. Vì thế mà xe tăng có thể vượt qua những nền đất mềm như đất nhão sau mưa hay cát sa mạc một cách dễ dàng mà xe hơi không thể. Xe hơi tuy nhẹ hơn xe tăng rất nhiều nhưng khối lượng của nó lại tập trung tại 4 điểm mà bánh xe tiếp xúc mặt đất, khiến nó dễ lún hơn.
Trên thực tế thì xe tăng vẫn sa lầy chứ không phải bất bại
Nói đi rồi nên giờ phải nói lại. Mấy bạn cũng đừng nghĩ là xe tăng có không thể sa lầy hay lún cát nhé, chỉ là nó đỡ bị hơn xe hơi, xe máy thông thường thôi. Trên thực tế thì nếu nền đất quá yếu mà xe tăng vẫn ráng đi qua thì có khi nó vẫn lún như thường, đặc biệt là những chiếc xe tăng to nặng. Trong thế chiến thứ II, những chiếc xe tăng nặng trên 50 tấn của Đức như Tiger, Tiger II hay pháo tự hành diệt tăng Elefant… dễ sa lầy so với các mẫu nhẹ hơn của Mỹ và Liên Xô.
Từ xưa đến nay thì xe tăng vẫn thường hành quân theo đoàn từ vài chiếc trở lên, đồng thời trang bị cáp để chúng cũng có dây cáp để lôi nhau ra khỏi sình lầy nếu chẳng may gặp rắc rối. Bạn nào mà có chơi những tựa game như World of Tanks hay War Thunder là sẽ rất dễ bắt gặp mấy cọng dây cáp to đùng này treo sẵn trên xe tăng. Riêng War Thunder thì xe tăng có thể kéo nhau cho nó giống thực tế luôn.
Nhiều loại xe khác cũng ứng dụng bánh xích để đi trên đất mềm
Bánh xích không chỉ có xe tăng là có. Nhiều loại xe khác, miễn là cần đi trên nền đất mềm, cát, sình lầy hay tuyết xốp cũng có thể được trang bị bánh xích để di chuyển dễ dàng. Chúng ta có thể kể đến như là máy xúc, máy ủi, xe trượt tuyết, xe tải bánh xích, máy cày… Chúng hoạt động tốt trên những địa hình “nghiệt ngã” mà xe bánh lốp không thể, cùng đóng góp để giúp cuộc sống con người tốt hơn.
Trên đây là bài viết về lý do vì sao xe tăng tuy nặng hàng chục tấn lại có thể dễ dàng vượt qua những nền đất mềm mà xe bánh lốp không thể. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và hy vọng các bạn thích những bài viết như thế này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Cục u trên nòng pháo có tác dụng gì mà hầu như xe tăng hiện đại nào cũng có?
- Những dàn ống trên tháp pháo xe tăng dùng để làm gì?
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!