Mỗi năm, Hiệp hội Hàng không Mỹ (FAA) ghi nhận hơn 10.000 vụ va chạm giữa máy bay và động vật hoang dã, đa số là chim. Chúng có thể gây ra những thiệt hại đến hàng triệu đô và khiến những chiếc máy bay có giá hàng trăm triệu đô phải hạ cánh khẩn cấp, thậm chí là đe dọa tính mạng của phi hành đoàn luôn. Tại sao lũ chim trời nhỏ bé có thể nguy hiểm đến thế nhỉ? Nếu có hứng thú thì mời các bạn cùng mình tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé.
Máy bay di chuyển với vận tốc rất lớn nên va phải chim là cả một vấn đề
Máy bay ngày nay, đặc là các loại trang bị động cơ phản lực thường có tốc độ rất cao. Các mẫu máy bay phản lực thương mại thường có tốc độ hành trình khoảng 8xx-9xx km/h, máy bay chiến đấu thì còn nhanh hơn thế nữa. Ở vận tốc khoảng 900km/h thì lực va chạm của một con chim nặng tầm 1kg sẽ tương đương với động năng từ viên đạn 30mm của pháo chống thiết giáp GAU-8 Avenger.
Mà cái đó là với chim tầm 1kg thôi nhé, bọn thiên nga có thể nặng đến cả chục kg cơ. Những va chạm với chim trời cỡ lớn thường khiến máy bay rách vỏ, vỡ mũi, hỏng radar hoặc rạn nứt hay thậm chí là vỡ kính chắn gió luôn.
Đa số những trường hợp va chạm với chim xảy ra ở độ cao thấp, khoảng vài trăm mét khi máy bay cất hoặc hạ cánh. Tuy nhiên một số loài chim như vịt trời, thiên nga lớn, ngỗng Ấn Độ có thể bay cao 6-8km khiến cho việc va chạm ở độ cao lớn tuy hiếm nhưng vẫn có xảy ra.
Đặc biệt sếu cổ trắng có thể vươn đến độ cao trên 10km. Ở độ cao lớn và không khí loãng, máy bay sẽ bay ở tốc độ cao hơn nhiều so với lúc cất hạ cánh khiến cho những cú va chạm với chim trở nên nghiêm trọng hơn.
Động cơ phản lực mà để chim lọt vào thì xem như toang
Các cánh quạt trong động cơ phản lực quay với tốc độ rất cao. Chậm thì vài nghìn RPM (round per minute – vòng quay mỗi phút), còn nhanh thì có thể lên đến cả trăm nghìn RPM. Thế nên chúng được làm từ những vật liệu nhẹ và siêu bền để kháng lại lực ly tâm. Điển hình như các động cơ của máy bay phản lực thương mại có cánh quạt hút khí làm bằng sợi carbon, các cánh nén khí và cánh turbine thì được làm bằng hợp kim titan.
Tuy nhiên những vật liệu siêu bền đó cũng không thể giúp động cơ phản lực sống sót nếu đang hoạt động mà lại có con chim chui tọt vào trong. Nếu một con chim to cỡ con vịt nhà mà lọt vào khoang nén của động cơ phản lực thì nó sẽ cuốn phăng mấy cánh quạt của máy nén làm hỏng động cơ ngay lập tức. Đồng thời việc này cũng sẽ gây mất cân bằng lực ly tâm khiến khối động cơ vẫn đang quay rung lắc dữ dội. Lúc này thì phi công thường bắt buộc phải hạ cánh khẩn cấp để giữ an toàn cả cho người và máy bay.
Vì sao người ta không làm lưới chống chim cho động cơ phản lực?
Đúng là những tấm lưới có thể ngăn chim bị hút vào động cơ phản lực. Nhiều mẫu trực thăng có các tấm lướt như thế để bảo vệ động cơ turboshaft của chúng khỏi chim. Tuy nhiên cái giá phải trả là hiệu suất của động cơ. Lưới sẽ gây cản khí khiến động cơ nóng hơn và tốn nhiên liệu hơn. Ngoài ra thì nếu chẳng may tấm lưới này bung ra và bị hút vào động cơ thì có khi nó còn nguy hiểm hơn là chim nữa.
Mình có biết một số mẫu máy bay Nga, điển hình như MiG-29 có cửa hút khí phụ bên trên cửa hút khí chính với các thanh chắn có thể chống chim hiệu quả. Lúc cất hạ cánh thì các cửa hút khí chính sẽ đóng lại và các cửa phụ mở ra, chỉ khi lên đến độ cao tiêu chuẩn thì cửa hút khí chính mới được mở. Tuy nhiên kiểu thiết kế này chỉ thích hợp với các máy bay dùng động cơ dạng turbojet, có ống hút khí dài chứ khó mà áp dụng cho động cơ turbofan tiết kiệm nhiên liệu của máy bay thương mại được.
Một số cách đuổi chim của các sân bay
Thật ra thì cách đuổi chim của ngành hàng không cũng không có tiêu chuẩn chung, vì mỗi một sân bay lại có những loài chim khác nhau với những tập tính khác nhau.
Ví dụ như sân bay Tarbes Lourdes Pyrénées ở Pháp thì dùng các màn hình hiển thị hình ảnh đáng sợ để hù dọa chim; sân bay quốc gia Ronald Reagan Washington thì dùng pháo hoa điện tử và phát tiếng chim săn mồi; Một số sân bay khác chiếu tia laser để làm chim khó chịu và đuổi chúng đi; cũng có sân bay sử dụng chó nghiệp vụ để xua đuổi chúng. Ngoài ra thì một số sân bay cũng tìm cách cải tạo khu vực xung quanh sao cho chim không thích, chẳng hạn như đốn sạch cây cỏ và trải đá lên để chúng không có lý do gì để lảng vảng gần khu vực sân bay nữa.
Tuy nhiên dù là dùng biện pháp gì đi nữa thì chúng vẫn tiếp tục gây ra thiệt hại cho ngành hàng không, dù rất hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Cuộc chiến giữa chim và ngành hàng không chắc chắn sẽ còn rất dài.
- Điều gì đã giúp các loài cá vùng biển sâu chịu được áp lực nước lên đến hàng ngàn tấn trên mỗi mét vuông?
- Top 10 loài khủng long nguy hiểm nhất thời tiền sử, khủng long bạo chúa vẫn còn hiền chán
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!