Logo Apple thì đi đâu cũng thấy rồi đó, nhưng tại sao nó lại bị cắn mất một miếng như thế? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm câu trả lời nhé.
Logo Apple thì quá đỗi quen thuộc luôn rồi, nhưng hẳn sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng vì sao nó lại bị cắn mất một miếng như thế? Trong bài viết này, mời các bạn cùng GVN 360 bọn mình tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa đằng sau miếng cắn này nhé.
Nó giúp hình trái táo hiện rõ hơn
Để tạo ra logo đầu tiên của công ty, Apple Computer, Inc. đã thuê công ty quảng cáo Regis McKenna vào năm 1977. McKenna đã giao nhiệm vụ thiết kế logo của Apple cho Rob Janoff – một nhà thiết kế đồ họa trong công ty.
Theo bài phỏng vấn với tờ Forbes vào năm 2018, Janoff đã miêu tả ý tưởng về việc tận dụng sự tương phản giữa một chiếc máy và một loại trái cây. Ông muốn biến chiếc máy tính thành một thiết bị thú vị và mang lại sự thích thú khi sử dụng, thế nên việc sử dụng hình ảnh trái táo thân thuộc là điều mà ông tin rằng cần phải làm.
Khi thiết kế logo Apple, Janoff đã tạo ra cái bóng (silhouette) trứ danh của trái táo nhìn khá là giống với logo trái táo mà chúng ta đang thấy ngày nay. Trong quá trình tạo ra logo, ông đã vẽ thêm “miếng cắn” để hình ảnh trái táo trong logo nhìn giống trái táo hơn, tránh trường hợp nhìn giống trái khác cũng có cái bóng với hình dáng tương tự, chẳng hạn như trái cherry.
Miếng cắn không chỉ khiến chúng ta dễ mường tượng đến loại trái cây mà mình thường hay ăn (do táo là một trong những loại trái cây phổ biến nhất) mà còn giúp cho người xem dễ hình dung được kích cỡ của trái táo. Nếu bạn cho rằng miếng cắn đó là của một người lớn thì lúc này ráp hình ảnh của trái cherry vô sẽ thấy bất hợp lý vì tỷ lệ không đúng.
Janoff cho biết miếng cắn đó không có ý nghĩa sâu xa nào cả, và lúc thiết kế logo ông cũng không hề có ý định chơi chữ “byte” gì cả.
Tận dụng chỗ bị cắn đó, Janoff đã đặt chữ “a” thường trong từ “apple” vào đúng ngay phần cong của chỗ bị cắn mất. Bây giờ thì chữ “apple” đó đã bị loại bỏ rồi, nhưng miếng cắn kia thì vẫn còn.
Về dải 6 màu trong logo gốc biểu trưng cho khả năng hiển thị màu sắc của chiếc máy Apple II – vốn là một chiếc máy độc đáo trong tầm giá của nó vào thời bấy giờ. Apple thay logo 6 màu này bằng logo đơn sắc vào năm 1998.
Thông tin vui vẻ về kích thước của quả táo trong logo Apple
Trang HowToGeek có làm một bài toán vui để ước chừng trái táo của Apple có kích thước là bao nhiêu. Giả sử miếng cắn là của một người lớn thì trung bình nó sẽ có bề ngang là 36,55 mm. Dựa theo đó, bề ngang của trái táo Apple sẽ là khoảng 77,56 mm. Trái táo ngoài thực tế thường có bề ngang từ 69,85 mm đến 94,99 mm (do người tiêu dùng ưa chuộng kích cỡ này nên các nhà vườn cũng trồng táo với kích cỡ đó), thế nên con số 77,56 mm kia vẫn hợp lý.
Tuy đây chỉ là một phép tính vui, nhưng nó cho thấy trong lúc vẽ ra logo Apple thì Janoff có lẽ đã cân nhắc đến vụ tỷ lệ miếng cắn để nhìn sao cho thuyết phục nhất. Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao Windows được gọi tên là Windows? Đây là câu trả lời cho bạn
- Giải mã nguồn gốc biểu tượng Command đầy bí ẩn trên bàn phím của Apple
- Giải mã logo “Energy Star” đầy bí ẩn thường thấy trên laptop
- Giải mã từ “bug” máy tính và nguồn gốc của con “côn trùng” đã hành game thủ PC lên bờ xuống ruộng
Nguồn: HowToGeek
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!