Khởi nguồn cho việc này chính là chuyện “tam sao thất bản” anh em ạ. Người này nói người kia trong cùng ngôn ngữ nó còn trật tới trật lui được chứ đừng nói là dịch từ tiếng nước ngoài về. Bây giờ mà anh em lên Google translate mà gõ chữ “kính cường lực” thì kiểu gì nó cũng dịch ra thành “tempered glass” cho xem, còn có dấu shield nữa mới ghê chứ. Cái này là do nhiều người gọi quá nên không đúng nó cũng thành đúng luôn rồi, chẳng thể nào thay đổi được nữa. Việt Nam ham lớn, cứ cái gì trông có vẻ hay ho hoành tráng là người Việt Nam mình khoái à. Gọi “kính cường lực” cho nó ngầu chứ mà gọi là kính xử lý nhiệt nó lại khó hiểu.

Về cơ bản thì cái từ tempered glass không có nghĩa là “kính cường lực”.

  • Tempered là từ chỉ quá trình tôi nhiệt kính bao gồm các quá trình nung nóng, làm lạnh nhanh để tạo ứng suất trên bề mặt kính.
  • Glass là kính.

Thế nên tempered glass nếu dịch là “kính xử lý nhiệt” hoặc “kính tôi nhiệt” thì sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên do cách gọi kính cường lực đã quá phổ biến nên mình vẫn sẽ dùng cách gọi này luôn. 

Kính cường lực sau quá trình xử lý nhiệt thì các phân tử của lớp kính trên bề mặt kính sẽ có sức căng lớn hơn rất nhiều so với kính thông thường nên sẽ có sức chịu lực tốt hơn. Chính sức căng bề mặt này cũng là thứ giúp cho tempered glass khi vỡ sẽ nát thành những mảnh nhỏ và nhuyễn, khó gây sát thương và an toàn hơn so với kính thường. 

Tuy nhiên kính cường lực lại có một nhược điểm là không thể khoan, cắt, mài một khi đã xử lý nhiệt xong. Một tấm kính cường lực phải được gia công xong xuôi trước khi xử lý nhiệt. Đặc biệt là dù có sức chịu lực tốt nhưng một khi nó vỡ là sẽ vỡ hết nguyên tấm kính chứ không có chuyện mẻ góc như kính thông thường. Thế nên mới có chuyện nhiều anh em khi vặn ốc trên kính cường lực mà vặn mạnh tay một chút, hoặc để chạm sàn nhà hơi mạnh một chút là nó vỡ nát nguyên tấm luôn.

Những tấm kính cường lực trên case không được thiết kế với mục đích chịu lực va đập lớn nên không dày, thường chỉ khoảng 3-4mm, các dòng cao cấp thì cũng chỉ 5-8mm mà thôi nên chuyện nó vỡ khi va chạm mạnh cũng là điều dễ hiểu. Nếu làm dày hơn thì chẳng những gây tăng giá case mà còn làm cho tấm kính trở nên nặng nề, khó thao tác. Đúng là nó bền hơn một chút khi anh em tháo ra lắp vào nhưng chủ yếu là để an toàn hơn khi chẳng may nó bị vỡ thôi, không có nghĩa là kính này bất tử. 

Về ưu và nhược điểm của kính cường lực thì anh em chỉ cần nhớ những điểm cơ bản như sau:

Ưu

  • Chịu lực tốt hơn kính thông thường.
  • Khi vỡ sẽ tạo thành những mảnh nhỏ, nhuyễn, tù cạnh và ít khả năng sát thương.

Nhược

  • Mẻ cạnh, cấn góc là vỡ nhuyễn luôn nguyên tấm.
  • Không gia công được sau khi đã xử lý nhiệt.

Thế nên anh em đừng có nhìn vào 2 chữ “cường lực” mà nghĩ đây là kính siêu bền nhé, có tháo lắp thì cũng làm thật nâng niu thôi!