Không phải con khủng long nào cũng bự nhưng sự to lớn chính là một trong những điểm mà chúng ta thường nghĩ đến đầu tiên khi nhắc về khủng long. Lý do là vì nhiều loài khủng long có thể đạt đến kích thước khổng lồ, vượt xa những loài động vật có vú lớn nhất từng dạo bước trên trái đất. Những con khủng long to lớn nhất đã đạt đến kích thước của một tòa nhà 5 tầng trước khi chúng đột ngột biến mất trong sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng, lúc mà tổ tiên của chúng ta có kích thước bằng một con chuột đồng.

Thế thì tại sao chúng lại có thể to lớn đến thế, và vì lý do gì mà động vật có vú trên cạn như chúng ta không bao giờ có thể đạt kích thước to lớn như vậy? Mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Cùng là 2 nhóm động vật cực kỳ thành công nhưng kích thước tối đa của động vật có vú trên cạn và khủng long chênh lệch quá lớn

Khủng long không phải là động vật to lớn nhất từng được biết đến. Danh hiệu đó thuộc về một loài động vật có vú – cá voi xanh. Chúng có thể phát triển đến kích thước hơn 30m và nặng tầm 150 tấn, hơn 2 lần con khủng long to nhất từng được biết đến. Tuy nhiên sở dĩ cá voi có thể to như vậy là vì chúng sống trong môi trường nước và được nước nâng đỡ chứ không phải kháng lại trọng lực như những loài động vật trên đất liền.

Tuy nhiên khi nói đến động vật to lớn nhất trên cạn thì động vật có vú hoàn toàn không có cửa với khủng long. Loài khủng long có mẫu vật hoàn chỉnh lớn nhất là Patagotitan mayorum. Theo ước tính của các nhà cổ sinh vật học thì khi còn sống nó phải dài đến 36m rưỡi và nặng 64 tấn.

Trong khi đó thì động vật có vú lớn nhất từng được biết đến là loài tê giác không sừng Paraceratherium chỉ nặng 15 tấn, dài 8m và cao 5m ngang vai, xuất hiện rất lâu sau khi bọn khủng long khổng lồ tuyệt chủng.

Thế thì tại sao kích thước tối đa của động vật có vú và khủng long lại chênh lệch nhiều đến thế? Câu trả lời nằm ở cách mà chúng sinh con.

Khủng long đẻ trứng, và điều đó cho phép chúng đạt đến kích thước khổng lồ

Paraceratherium là động vật có nhau thai (Placentalia), chúng mang con trong cơ thể mình. Với một loài thú ngoại cỡ như Paraceratherium thì mang thai sẽ là gánh nặng rất lớn trong thời gian rất dài. Các loài động vật có vú lớn mà chúng ta vẫn biết ngày nay như voi, tê giác và hươu cao cổ mang thai rất lâu và thường chỉ sinh 1 con 1 lần. Ví dụ như voi có thể mang thai trong hơn 2 năm trời.

Khủng long thì không được trách nhiệm như những bà mẹ có vú, chúng để trứng và để con non tự phát triển trong trứng chứ chẳng cần mang đi khắp nơi. Ngay cả những con khủng long lớn nhất nặng hàng chục tấn cũng chỉ để trứng to bằng quả bóng đá là cùng. Trong khi động vật có vú phải cung cấp một lượng lớn dinh dưỡng cũng như thời gian cho con thì khủng long chỉ cần đẻ ra quả trứng là xong.

Động vật có vú càng lớn thì mang thai càng khó khăn, trong khi khủng long thì đơn giản là hoàn toàn không phải đối mặt với việc đó. Đương nhiên thì khủng long không chỉ có vậy, chúng còn một bí mật khác nữa.

Cơ thế khủng long có khoang khí khiến cho cấu trúc xương của chúng nhẹ nhàng và chắc chắn hơn

Nhiều loài khủng long có một hệ thống túi khí tinh vi, được kết nối với phổi trong cơ thể chúng. Đó là những mô mềm, xốp, thường nằm ở cổ, lưng, hông, với một số loài thì hệ thống túi khí này còn nằm len lỏi trong các cấu trúc xương nữa. Túi khí giúp khủng long có “bộ khung” nhẹ hơn mà không phải hy sinh sự chắc chắn.

Nếu bạn thắc mắc vì sao chúng ta biết khủng long có túi khí thì đó là vì đám hậu duệ của chúng chim – cũng có nó. Hệ thống túi khí của chim giúp chúng chúng hô hấp hiệu quả hơn động vật có vú rất nhiều. Ngoài ra hệ thống này còn giúp chúng giảm trọng lượng cơ thể nữa. Tuy khác biệt về kích thước nhưng túi khí của bọn khủng long khổng lồ về cơ bản cũng giống như các loài chim.

Điển hình như các loài khủng long chân thằn lằn (Sauropod), các đốt sống cổ và lưng của chúng cũng có các điểm gắn túi khí như những gì chúng ta thấy ở các loài chim hiện đại. Không phải loài khủng long nào cũng có được cấu trúc túi khí tiên tiến này. Chỉ nhóm khủng long hông thằn lằn (Saurischia), bao gồm khủng long chân thú (Theropod – một số loài sau này tiến hóa thành chim) và khủng long chân thằn lằn (Sauropod – bao gồm cả nhánh khủng long khổng lồ Titanosaurus) mới có. Tất cả các loài khủng long còn lại từ có sừng, mỏ vịt hay bọc giáp đều không có hệ thống túi khí.

Và tất nhiên, động vật có vú như chúng ta cũng không có túi khí luôn. Chúng ta có hệ thống xương đặc, mật độ cao, nặng nề và tạo ra giới hạn của kích thước tối đa. Và cấu trúc này sẽ vỡ dưới sức nặng của chính nó trước khi đạt đến được kích thước khổng lồ mà khủng long đã từng có.

Lý do gì khiến chúng to lớn đến như vậy?

Tất cả những điều mà chúng ta nói đến bên trên chỉ cho biết rằng tại sao khủng long có thể to lớn đến như vậy. Còn lý do vì sao chúng phải phát triển đến kích thước đó thì vẫn còn nhiều bí ẩn. Các nhà cổ sinh vật học đã đặt ra rất nhiều giả thuyết.

Nghe có vẻ hợp lý nhất là chúng trở nên to lớn để an toàn hơn trước những kẻ săn mồi hoặc vươn đến những tán lá cao hơn để ăn. Cũng có thể có một lý do đặc biệt nào khác mà cá nhà cổ sinh vật học chưa thể nghĩ đến.

Tuy nhiên thì thực tế đã chứng minh to hơn không phải lúc nào cũng tốt. Những loài khủng long khổng lồ đã biến mất hoàn toàn trong sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng. Chỉ có tổ tiên nhỏ bằng con chuột đồng của chúng ta cùng nhiều loài sinh vật bé nhỏ khác mới có thể vượt qua. Để rồi cuối cùng loài người mới là kẻ chiến thắng.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Eons


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360