Thời mới ra công nghệ Dual-Channel thì nhiều mẫu mainboard có các khe RAM 2 màu xen kẽ lắm. Đến những năm gần đây thì chủ yếu do vấn đề thẩm mỹ, nên các hãng cũng làm các khe RAM cùng màu nhiều rồi. Tuy nhiên những mẫu mainboard mới có khe ram màu xen kẽ. Tại sao vậy?

Thật ra câu trả lời rất đơn giản. Bạn nào biết về công nghệ Dual-Channel thì cũng sẽ tự hiểu thôi. bạn cứ tưởng tượng như thanh RAM là một cái kho dữ liệu và nó chuyển dữ liệu qua lại với CPU bằng một kênh truyền dữ liệu. Nếu như là đối với mấy cái main từ thời “đồ đá” thì cho dù bạn cắm bao nhiêu thanh RAM đi chăng nữa thì nó vẫn sẽ chỉ có một con đường duy nhất mà thôi, cắm nhiều RAM chỉ làm tăng kích thước của cái kho dữ liệu chứ không làm tăng tốc độ truyền tải dữ liệu giữa RAM và CPU.

Sau này thì người ta mới mang công nghệ Dual-Channel lên các dòng main phổ thông để giúp bạn tăng tốc độ dẫn truyền dữ liệu khi bạn cắm thêm RAM. Nếu bạn dùng 1 thanh RAM thì thanh RAM đó sẽ dùng một kênh, cắm 2 thanh thì 2 thanh RAM đó sẽ sử dụng 2 kênh dữ liệu độc lập và làm tăng gấp đôi tốc độ truyền tải dữ liệu.

Thế nên nhiều mẫu mainboard đã tô màu khác nhau cho các thanh RAM cùng channel và cùng màu cho các khe ram khác channel. Người dùng chỉ cần cắm RAM vào các khe có cùng màu thì chắc chắn RAM sẽ nằm trên 2 channel khác nhau và chạy được Dual-Channel. Rõ ràng là việc tô màu các khe RAM như thế sẽ dễ dàng cho người dùng hơn. Đó là trường hợp đối với mainboard 2 thanh và bạn có 4 khe RAM, còn nếu bạn có 4 thanh cho 4 khe RAM thì khỏi cần quan tâm làm gì cả, cứ cắm hết vào là xong.

*Những năm gần đây, từ khi việc sử dụng case có mặt kính để show ra “bộ đồ lòng” của PC trở thành một xu thế của thời đại, cũng như việc người dùng đã dần quen với Dual-Channel thì các hãng cũng đã bỏ dần việc tô màu xen kẽ này rồi. Mặc dù vẫn còn một số mẫu mainboard có 2 màu khe RAM xen kẽ nhưng nó đã không còn cần thiết như xưa nữa.

Mình biết vẫn sẽ có một vài bạn thắc mắc là tại sao các màu hầu như luôn luôn xen kẽ? Vì sao các khe RAM liền kề thường không có chung màu? Cái này cũng dễ hiểu luôn.

Ví dụ ta có 4 khe RAM được đánh số theo thứ tự A1/A2/B1/B2. Khe A1 và khe A2 sát nhau sẽ nằm trên cùng một channel, khe B1 và khe B2 sẽ nằm trên cùng một channel còn lại. Các khe trên cùng channel thì khác màu, khe A1 sẽ khác màu khe A2, khe B1 sẽ khác màu khe B2. Kết quả cuối cùng là chúng ta sẽ có 4 khe RAM với 2 màu xen kẽ.

*Anh em lưu ý là vẫn có một số mẫu mainboard tô cùng màu cho các slot RAM cùng kênh là vẫn có nhé, chỉ là bây giờ nó không còn phổ biến thôi.

Vậy nếu cắm 2 thanh RAM vào khe A2 và B1 hoặc A1 và B2  thì nó có chạy được Dual-Channel không?

Trên lý thuyết là được miễn là A đi với B thì đều chạy được Dual-Channel hết. Tuy nhiên do không có hãng nào khuyến khích làm vậy nên mình nghĩ anh em không nên vọc phá làm gì, trừ khi thực sự muốn tìm hiểu và biết rõ việc mình đang làm. Lý thuyết là một chuyện nhưng nhiều khi hãng họ biến tấu thứ gì đó trên sản phẩm thì lại là chuyện khác. Nếu anh em làm đúng mà bị lỗi thì là lỗi của hãng, còn nếu anh em biết họ không khuyến khích mà cứ cố làm rồi xảy ra lỗi thì anh em ráng chịu.

Câu hỏi cuối cùng: Vậy đối với các dòng main có các khe RAM cùng màu thì sao?

Mainboard mới bây giờ hầu hết là khe RAM cùng màu nên anh em cứ nhớ cắm 2 thanh RAM vào 2 khe xen kẽ hoặc cách nhau 1 khe là được, auto Dual-Channel nhé. Và hầu hết các mẫu mainboard cũng có phần ghi chú nho nhỏ được in thẳng trên đó luôn, nhìn vào là thấy. Còn nếu sợ tìm không ra thì giữ lại tờ hướng dẫn nhé, kiểu gì nó cũng chỉ.