Nếu như không thắc mắc về câu hỏi trên thì có lẽ bạn sẽ không click vào đây để nghe mình nói nhảm rồi đúng không nào? OK, hôm nay chúng ta sẽ bàn về 1 chủ đề hơi xàm chút nhưng cũng là thắc mắc của khá nhiều anh em. Build PC đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để mua những linh kiện cấu thành một dàn PC, trong đó có bộ nguồn. Đây là linh kiện PC duy nhất mà bạn sẽ không thể thấy rõ ràng được tác dụng của nó với điều kiện sử dụng thông thường, một bộ nguồn dù xịn cỡ nào cũng sẽ không làm cho máy bạn mạnh lên nhưng lại bắt bạn trả thêm tiền cho nó.

Sau đây là những lý do khiến cho các kỹ sư không thiết kế để chúng ta có thể cắm điện trực tiếp vào mainboard mà bắt buộc phải thông qua nguồn.

Bản chất dòng điện (AC/DC)

Như chúng ta đều biết thì nguồn điện được sử dụng trong lưới điện hạ thế là điện xoay chiều. Sở dĩ người ta sử dụng điện xoay chiều AC là do nó có thể dễ dàng tăng hiệu điện thế để giảm hao phí khi truyền đi xa cũng như dễ dàng hạ thế để sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Cái này thì bạn đã có học trong chương trình phổ thông rồi nên mình sẽ không nhắc đến nữa.

Điện AC tuyệt vời là thế nhưng bạn không thể nào bắt đồ điện tử như mainboard và các linh kiện phần cứng khác chạy điện AC được. Do đó chúng ta sẽ cần đến một thiết bị để chuyển đổi từ điện xoay chiều (AC) thành điện một chiều (DC). Nhiệm vụ của một bộ nguồn tốt là nhận điện AC và chuyển nó thành dòng điện DC với hiệu suất cao nhất, công suất hao phí thấp nhất và cho dòng điện có điện áp ổn định nhất.

Trong nhiều trường hợp, nguồn có thể “chết thế” cho main

Sự cố của mạng điện thì không ai có thể đoán trước được cả, thời tiết cũng vậy. Biết đâu một ngày đẹp trời nào đó đột nhiên đánh xuống gần nhà bạn và ảnh hưởng trực tiếp đến các thiết bị điện trong nhà thì sao? Những lúc như thế này thì cục nguồn sẽ chết đầu tiên. Đó cũng là một phần trong nhiệm vụ của nó, nó không chỉ cung cấp năng lượng cho dàn linh kiện của bạn mà còn bảo vệ chúng trước các tác nhân bên ngoài.

Nếu như bạn không có những thiết bị chuyên dụng để hạn chế thiệt hại do sét thì cục nguồn chính là phòng tuyến cuối cùng bảo vệ cho main của bạn. Giả sử bạn có thể cắm nguồn trực tiếp vào main đi, nếu có sét thì main sẽ khét đầu tiên, tiếp đến là CPU vốn gắn sẵn trên đó, kế đến nữa là những thứ như GPU và SSD M.2… đúng là không dám nghĩ luôn.

Bộ nguồn mang đến khả năng tùy biến cho người dùng

Giả sử nếu người ta gắn nguồn lại thành một phần của mainboard thì sao nhỉ?

Lúc này thì do main cũng có khả năng tự biến đổi dòng điện từ AC sang DC cũng như khả năng bảo vệ các linh kiện khác trước các mối nguy từ dòng điện, tuy nhiên nó sẽ sinh ra hàng tá vấn đề khác. Để mình lấy một số ví dụ cho anh em dễ hình dung nhé:

  • Nếu như có sét đánh thì cùng lắm bạn sẽ chỉ cần đi thay bộ nguồn thôi. Nhưng trong trường hợp này thì bạn sẽ phải đi thay cái main, mà main thì chắc chắn lúc nào cũng đắt hơn nguồn. Chưa kể là một cái main như thế sẽ đắt hơn main thường nữa.
  • Các bộ nguồn có nhiều mức công suất khác nhau để phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Nếu main có dính luôn cái nguồn vào đó thì bạn sẽ chỉ có một mức để lựa chọn thôi.
  • Bình thường khi nâng cấp PC mà thiếu công suất nguồn thì bạn sẽ phải thay nguồn. Còn đối với trường hợp này thì bạn sẽ phải thay cả cái main luôn.

Từ đó các bạn có thể thấy một điều rõ ràng rằng các kỹ sư làm gì cũng luôn có lý do của họ. Có thể ý tưởng của họ không phải lúc nào cũng đúng nhưng chắc chắn là nó không sai trong trường hợp này. Hy vọng đã mang đến được cho anh em những thông tin thú vị.