Radeon Pro W6400 hướng đến người dùng chuyên nghiệp với ưu tiên về độ ổn định đặt lên hàng đầu.
Vừa qua thì GVN 360 mượn được một chiếc Radeon Pro W6400, dòng card đồ hoạ chuyên dụng mới toanh mà AMD trình làng tại Việt Nam. Bài viết này về cơ bản là trên tay vui vẻ thôi, vì bọn mình thật ra cũng là chỉ những người yêu game/công nghệ chứ không phải là đối tượng thật sự của sản phẩm này. Dù vậy thì việc tìm hiểu về Radeon Pro cũng mở ra rất nhiều điều thú vị, nhất là khi so với card gaming mà chúng ta đã quá quen thuộc.
Thông số kỹ thuật AMD Radeon Pro W6400
- Kiến trúc: AMD RDNA 2
- Tiến trình sản xuất: 6 nm
- Bộ xử lý dòng (stream processor): 768
- Hiệu năng đỉnh FP16: 7,07 TFLOPs
- Hiệu năng đỉnh FP32: 3,6 TFOPs
- Hỗ trợ ray tracing: Có
- Bộ nhớ đồ hoạ: 4 GB GDDR6 64 bit
- Băng thông bộ nhớ: 128 GB/s
- Giao tiếp: PCIe 4.0 x4
- TGP: 50 W
- Nguồn phụ: không cần
- Cổng xuất hình: 2 x DisplayPort 1.4 hỗ trợ DSC và Audio
- Chuẩn card: 1 slot, bo thấp, dài 168 mm
- Giá bán lẻ: 229 USD
AMD Radeon Pro W6400 là card đồ hoạ giá mềm dành cho các tác vụ chuyên dụng
AMD Radeon Pro W6400 về bản chất sử dụng cùng nhân với card Radeon RX 6400. Điểm khác biệt lớn nhất là phần cứng được thiết kế hoàn toàn bởi AMD (thay vì kết hợp với đối tác thứ ba như ASUS, GIGABYTE hay MSI), đồng thời được tối ưu phần mềm để đạt được sự ổn định cao nhất. Bạn cũng lưu ý là dòng Radeon Pro cũng sử dụng driver riêng, khác với các dòng RX. Theo công bố của AMD, các card đồ hoạ dòng Radeon Pro nói chung và Radeon Pro W6400 nói riêng có thể hoạt động liên tục 24/7 trong các môi trường máy trạm chuyên dụng.
Đối với các tác vụ thông thường như chỉnh sửa hình ảnh, edit video, video call thì hiệu suất của W6400 về cơ bản vẫn sẽ tương đương card Radeon RX, tuy nhiên với mức ổn định cao hơn.
AMD Radeon Pro W6400 có thiết kế chuyên nghiệp, đậm chất thực dụng
Là dòng card đồ hoạ hướng đến người dùng chuyên nghiệp, Radeon Pro W6400 có thiết kế tối giản nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất.
AMD cho biết theo khảo sát của họ thì đối tượng người dùng chuyên nghiệp mà Radeon Pro hướng tới thường chỉ sử dụng 1 đến 2 màn hình mà thôi. Do đó W6400 được tích hợp 2 cổng DisplayPort chuẩn 1.3 mới nhất, hỗ trợ truyền tải âm thanh và chế độ DSC (tối ưu băng thông để hỗ trợ màn hình tần số quét cao mà vẫn đảm bảo màu sắc hiển thị).
Về tổng thể thì Radeon Pro W6400 có thiết kế khá tối giản, thể hiện tính thực dụng mà các đối tượng người dùng chuyên nghiệp hướng tới. Tuy vậy độ hoàn thiện của các chi tiết là rất cao, phản ánh được mục tiêu mà AMD hướng đến là hoạt động bền bỉ 24/7 (về phương diện phần cứng).
Sử dụng Adobe Photoshop/Premiere, Office 360 hay những ứng dụng phổ thông thì có nên cân nhắc card Radeon Pro?
Tại thời điểm bài viết này thì bão giá vẫn hoành hành nên chúng ta rất khó xác định được chênh lệch về giá giữa Radeon Pro W6400 và Radeon RX 6400. Tuy nhiên, nếu dựa trên giá công bố thì Radeon Pro W6400 (229 USD) đắt hơn khá nhiều so với RX 6400 (150 USD). Xét về phương diện người dùng phổ thông, đặc biệt là ít nhiều có chơi game thì Radeon RX 6400 dĩ nhiên là sự lựa chọn hợp lý hơn.
Trên thực tế thì những rủi ro về lỗi, crash phần mềm trong quá trình làm việc luôn có thể khiến bạn không chỉ mất tiền mà còn cả uy tín nữa. Với sự tối ưu cả phần cứng lẫn phần mềm thì Radeon Pro W6400 có được sự ổn định cao hơn rất nhiều so với Radeon RX 6400, và nếu ráp một dàn workstation phục vụ thuần cho công việc thì bọn mình nghĩ số tiền bỏ thêm là xứng đáng.
Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- ASUS trình làng ROG Strix SCAR 17 – Laptop gaming trang bị RTX 3080Ti đầu tiên tại Việt Nam
- Cầm 13 triệu đồng đi sắm laptop 14-inch mỏng nhẹ? MSI Modern 14 có lẽ hợp với bạn đấy
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!