Theo tư tưởng chung của anh em hiện nay mỗi khi quyết định mua SSD để nâng cấp PC, hay laptop gaming đó là mua những chiếc SSD có tốc độ đọc/ghi càng cao càng tốt. Mình cũng từng nghĩ như thế cho đến khi cầm trên tay KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB), chiếc SSD mà tốc độ không phải là tất cả, điều quan trọng hơn đó chính là sự an tâm về lâu về dài. Mặc dù thời gian trải nghiệm chưa được lâu nhưng nhiêu đó cũng đã đủ khiến cho mình có một cái nhìn khác hơn nếu có nhu cầu lựa chọn tìm mua SSD sau này.
Thông số kỹ thuật của SSD KLEVV CRAS C710 M.2
- Tùy chọn dung lượng: 256GB
- Bộ điều khiển: SMI SM2263XT
- Chip nhớ Flash: 3D TLC NAND Flash
- Tốc độ đọc/ghi tuần tự: 1950/1250 MB/s (hiệu năng có thể thay đổi tùy vào cấu hình máy, phần mềm và hệ điều hành khác nhau)
- Cổng giao tiếp: NVMe PCIe Gen3x4
- Kích thước: 80 x 22 x 2,2mm
- Cân nặng: 7g
- Bảo hành: 3 năm
- Giá tham khảo: 1.029.000 VND
KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) bền bỉ từ thiết kế với nhiều tính năng bảo vệ khác nhau
Từ bền bỉ trong thiết kế mà mình nói đến ở đây không phải là vẻ bề ngoài hầm hố hay giáp trụ đầy mình tạo cảm giác chắc chắn, sự bền bỉ mà mình muốn ám chỉ ở đây đó chính là việc KLEVV đã lựa chọn những linh kiện hợp lý cho CRAS C710 M.2 để giữ cho tuổi thọ của chiếc SSD này kéo dài lâu hơn nhưng vẫn giữ được hiệu năng và mức giá dễ chịu.
Thú thật, lần đầu mình cầm trên tay CRAS C710 M.2 thì ngoài việc để ý tới tốc độ đọc/ghi ra sao, hiệu năng như thế nào, mình hầu như không trông mong gì nhiều về độ bền của em nó. Bởi một chiếc SSD NVMe giá mềm thì thường sẽ được các hãng tập trung chủ yếu “buff” về tốc độ chứ độ bền lâu dài thì cũng “sương sương” mà thôi. Ấy thế mà KLEVV CRAS C710 M.2 như muốn sút một phát đâm thẳng, xuyên thủng cái khung thành định kiến của mình khi trưng ra một loạt biện pháp bảo vệ đi kèm như muốn khẳng định một điều rằng SSD tốc độ cao giá mềm vẫn rất bền nhé.
Trong số các tính năng KLEVV đã trang bị bên trong CRAS C710 thì mình khá là thích việc họ sử dụng bộ nhớ đệm SLC thay vì là DRAM để phân chia dòng dữ liệu đi từ bộ điều khiển vào các chip nhớ. Mặc dù SLC không cho lại tốc độ và hiệu năng cao như DRAM nhưng bộ nhớ đệm này có một yếu tố mà DRAM dù có tốc độ nhanh hơn bao nhiêu lần đi nữa cũng sẽ không có được, đó là chính tấm “bùa hộ mệnh”. Một tính năng mà phải nói là sự cứu vãn thật sự cần thiết đối với công việc của mình khi công ty hay có những pha cúp điện trái gió trở trời khiến mình xỉu lên xỉu xuống không biết nhiêu lần. Đơn giản là bởi vì bộ nhớ đệm SLC vẫn sẽ giữ lại dữ liệu của mình khi mất điện chứ không bị bốc hơi sạch sẽ như DRAM. Nếu các bạn cũng có một môi trường làm việc hay giải trí có “thời tiết khắc nghiệt” như mình thì KLEVV CRAS C710 M.2 sẽ là một sự lựa chọn đáng cân nhắc vì em nó sẽ không để các bạn phải than trời khi ông ấy nổi hứng cúp điện đột xuất đâu.
Bên cạnh đó thì mình cũng phát hiện ra một thứ khá là hay ho đó là bộ nhớ đệm SLC còn được trang bị một thuật toán giúp quản lý các dòng dữ liệu được ghi vào các chip nhớ là tối thiểu nhất, đồng thời cũng hạn chế được cả các dữ liệu thừa. Như các bạn cũng biết rồi đấy, tuổi thọ hay còn gọi là độ bền của SSD phụ thuộc vào dung lượng được ghi vào các chip nhớ, ghi càng nhiều thì tuổi thọ càng giảm nên việc trang bị thuật toán như vậy sẽ giúp kéo dài thêm tuổi thọ cho KLEVV CRAS C710 M.2. Và giá như chiếc SSD xấu số của mình cũng có thuật toán này thì hay biết mấy.
Một điểm cộng nữa cho KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) mà mình nghĩ rằng những bạn nào đang tìm mua những chiếc SSD sử dụng chip nhớ QLC để tiết kiệm chi phí sẽ khá là thích. Đúng là chip nhớ QLC thường sẽ có mức giá thành rẻ hơn kha khá so với chip nhớ TLC, thế nhưng một khi mình đã cầm trên tay KLEVV CRAS C710 M.2 thì mình lại cảm thấy chiếc SSD này đáng đồng tiền bát gạo hơn các bạn ạ.
Hãy thử nghĩ mà xem, trên thị trường hiện giờ các bạn hầu như chỉ kiếm được những chiếc SSD QLC có dung lượng ít nhất là từ 512GB trở lên và mức giá cũng rơi vào đâu đó tầm trên 2 triệu khá là chua. Còn đối với SSD chip QLC mà có mức dung lượng là 256GB thì nói thật là tìm khó như đánh trùm trong Dark Souls vậy. Trong khi đó, KLEVV CRAS C710 M.2 tuy sử dụng chip nhớ TLC có giá thành cao hơn nhưng đổi lại thì nó bền bỉ hơn và có tốc độ cao hơn so với chip QLC. Hơn nữa, do có mức dung lượng là 256GB nên giá thành của ổ SSD này cũng chỉ rơi vào khoảng 1 triệu đồng mà thôi. Điều đó càng khiến cho sự cân nhắc KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) của mình vẫn hợp lý và mang tính chất lượng trên giá thành nhiều hơn so với các ổ SSD sử dụng chip QLC ở phân khúc phổ thông.
KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) một tay đua giá mềm hiệu năng tốt cho game thủ
Đương nhiên, chẳng ai đi mua một chiếc SSD NVMe về chỉ để thi xem ai sẽ thắng trên đường đua về độ bền, mà cái anh em game thủ cần đó chính là chinh phục đường đua về tốc độ. KLEVV CRAS C710 M.2 phiên bản 256GB mà mình trên tay có hiệu năng khá là ấn tượng với tốc độ đọc/ghi tuần tự là 1950/1250 MB/s. Tuy nhiên, chỉ có số liệu ngon mắt không thôi thì chưa đủ nên mình quyết định test thử “động cơ xe” của KLEVV CRAS C710 M.2 với cấu hình và các bài benchmark phổ biến sau:
- CPU: AMD Ryzen 5-5600X
- GPU: AMD Radeon RX 5600XT
- Bo mạch chủ: MSI MEG X570 GODLIKE
- RAM: 2x8GB GIGABYTE DDR4-2666
- Nguồn: FSP Hydro G Pro 750W 80Plus Bronze
CrystalDiskMark
AS SSD
ATTO DiskBenchmark
Sau khi “kéo tẹt ga” chạy vài vòng đua thì KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) cho lại kết quả khiến mình khá là hài lòng. Mặc dù tốc đọc/ghi qua cả 3 bài bench đều có phần hơi lệch so với mức công bố của nhà sản xuất nhưng khoảng cách ở đây là không nhiều, vả lại các con số 1950/1250 MB/s ở đây cũng được KLEVV cẩn thận ghi rõ là con số đạt ngưỡng. Chính vì thế nên khi kết quả của các bài bench không cách biệt quá lớn so với tốc độ ngưỡng đối với mình lại là một tin đáng mừng. Đó là còn chưa kể trong bài CrystalDiskMark thì tốc độ đọc của KLEVV lên tới 1964 MB/s, chạy vượt hơn cả mức ngưỡng là 1950 MB/s nhưng điều này lại rất được khuyến khích chứ không bị “tuýt còi dừng xe” vì tội vượt quá tốc độ.
Với một tốc độ đọc/ghi nhanh gấp 4 lần so với một ổ HDD 1TB, mặc dù dung lượng chỉ bằng ¼ nhưng giá cả thì lại xêm xêm nhau càng khiến cho KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) trở thành một ứng cử viên sáng giá cho combo vàng 1 SSD và 1 HDD mà anh game thủ thường nhắm tới khi build PC gaming. Quả thật, nếu bây giờ mua PC thì mình sẽ cân nhắc KLEVV C710 M.2 cho vị trí SSD cài Windows do tốc độ cao giúp load hệ điều hành nhanh hơn, đó là chưa kể mình vẫn còn dư ra một trăm mấy chục GB để cài từ 1 tới 2 con game mình thường chơi nhất để nó vào game nhanh hơn, còn lại bao nhiêu thì đẩy hết qua ổ HDD là xong.
Nhìn chung thì KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) xứng đáng là một trong những chiếc SSD mà bạn nên “bỏ túi” trong danh sách khi đi mua sắm. Đơn giản là vì khi mọi thứ load nhanh hơn từ Windows cho tới game luôn luôn mang lại cho chúng ta một cảm giác “sướng”. Đối với anh em game thủ thì chắc cũng chẳng cần nói đâu xa, khi chơi các tựa game Online như CS:GO hay PUBG chẳng hạn, mặc dù việc load vào sảnh chờ nhanh hơn các đối thủ khác không khiến cho chúng ta có lợi thế hơn nhưng nó vẫn sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy phê hơn.
Nhiệt độ vẫn là một đối thủ đáng gờm mà KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) phải dè chừng
Trong quá trình benchmark, mình có để ý rằng lúc mới bắt đầu bài test thì nhiệt độ của CRAS C710 M.2 dậm chân ở 31 độ C. Khi quá trình test diễn ra lâu hơn thì nhiệt độ có tăng lên nhưng cũng chỉ loanh quanh ở 42-47 độ C, một mức nhiệt độ có thể nói là vô cùng mát mẻ. Mình nghĩ đây có thể là do thuật toán điều chỉnh nhiệt độ mà KLEVV đã tích hợp bên trong, cùng với việc mình áp miếng giáp tản nhiệt khe M.2 của bo mạch chủ MSI MEG X570 GODLIKE đã hỗ trợ trong việc làm mát cho chiếc SSD này.
Vì đã chơi thì phải chơi cho tới nên mình quyết định test luôn cả nhiệt độ của KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) khi không áp miếng tản nhiệt vào. Sau khi thực hiện lại cả 3 bài test trên, nhiệt độ đã tăng chạm mức 58 độ C. Tuy đây vẫn được coi là một con số khá cao đối với một chiếc SSD nhưng mình nghĩ các bo mạch chủ hiện nay hầu như đều có trang bị giáp tản nhiệt khe M.2 cả rồi nên đây cũng không phải là vấn đề đáng lo ngại cho lắm.
KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) sự lựa chọn cân bằng về hiệu năng, độ bền bỉ và giá thành mà game thủ nên cân nhắc
Có thể hiệu năng tốt vẫn là chưa đủ để làm nổi bật hoàn toàn KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) hơn so với các sản phẩm khác trong cùng phân khúc. Tuy nhiên, tốc độ không nói lên tất cả bởi đây không phải là tâm điểm của sự chú ý duy nhất mà chiếc SSD này có được.
Với mức giá mềm rơi vào khoảng 1 triệu đồng, KLEVV không chỉ là ứng cử viên sáng giá cho combo vàng 1 SSD và 1 HDD giúp các bạn load game hay Windows nhanh và mượt mà, mà còn cung cấp những tính năng và thiết kế cần thiết để bảo vệ độ bền, cùng với chế độ bảo hành 3 năm nhằm đảm bảo rằng sự an tâm của các bạn đã được đặt đúng chỗ. Nếu vẫn còn đang phân vân khi tìm mua cho mình một chiếc SSD cân bằng giữa hiệu năng, tính bền bỉ và giá thành thì KLEVV CRAS C710 M.2 (256GB) sẽ một sự lựa chọn đáng cân nhắc cho các bạn.