Không biết anh em thấy sao chứ mình là mình thấy con này khá ngon đấy
Cách đây vài hôm mình có nhận được một lúc 2 chiếc bàn phím mới của Asus và ROG Strix Scope và ROG Strix PBT. Ban đầu thì mình chỉ hứng thú với bản PBT thôi, mình cũng đã làm bài review về mẫu bàn phím đó, nếu muốn thì bạn có thể truy cập để tham khảo trong đường link dưới đây.
Thực sự mà nói thì mình thường chỉ hứng thú với những chiếc bàn phím thiên về cảm giác gõ thôi. Những chiếc bàn phím gaming hầm hố và đẹp mắt thường chẳng bao giờ cho cảm giác gõ tốt như những chiếc bàn phím của Leopold, Filco, iKBC… Tuy nhiên sau khi trải nghiệm qua Scope PBT thì mình nghĩ có thể xem dòng phím cơ này như một ngoại lệ. Vì thế mà mình quyết định làm nốt chiếc còn lại là ROG Strix Scope. Và sau đây là những chia sẻ thật của mình sau một khoảng thời gian trải nghiệm
Thứ đầu tiên mà mình muốn nói đến khi review đồ ROG nói chung và chiếc bàn phím này nói riêng là nó đẹp các bạn ạ, đồ của ROG là vậy, chúng luôn có mã ngoài được hoàn thiện rất tốt. Các bạn có thể để ý rằng chiếc bàn phím này có kiểu thiết kế floating-switch, những chiếc switch nổi hẳn lên trên mặt phím, gộp chung mặt trên của case và plate lại thành một. Chúng làm cho chiếc bàn phím mỏng hơn và trông hiện đại hơn. Kiểu dáng tuy không quá cầu kỳ nhưng vẫn toát lên được ngôn ngữ thiết kế nhà ROG. Phần plate cũng được làm bằng kim loại và có hoa văn phay xước giúp tạo cho chiếc bàn phím một cái nhìn cao cấp hơn. Đến mặt đáy của chiếc bàn phím này cũng được Asus lưu ý. với những họa tiết sọc chéo mạnh mẽ, tránh cảm giác đơn điệu và nhàm chán. Các ký tự trên keycap cũng rất sắc nét, phông chữ ROG hầm hố dữ dằn đặc trưng.
Có một điểm mà mình đánh giá khá cao trên thiết kế bên ngoài của chiếc bàn phím này là phần Logo. Khi tắt LED, phần logo sẽ phản quang y hệt như một tấm gương vậy, sáng bóng và nhìn rất thích mắt. Khi bật LED thì “tấm gương này” lại biến thành một vùng tản sáng đẹp và dịu, chi tiết đó dù nhỏ thôi nhưng nó cũng làm mình thấy thú vị. Theo mình nhớ thì hình như cũng chỉ có Asus là làm logo kiểu này.
OK nói râu ria bên ngoài như thế là đủ, bây giờ mình sẽ nói đến trải nghiệm.
Khi mình dùng bản Scope PBT, mình đã khá hài lòng với chất lượng của case va plate, ở bản này cũng vậy. Phần case tuy không dày nhưng được làm rất chắc chắn, mình đã cầm lên và bẻ xoắn mạnh, phần case gần như không biến dạng và không phát ra tiếng rít. Phần plate được hoàn thiện bằng kim loại, có một góc được làm phay xước đúng phong cách ROG. Chất lượng hoàn thiện không thua kém so với những chiếc bàn phím thiên về cảm giác gõ.
Về switch thì chắc là mình không cần nói nữa. Cherry MX RGB thì anh em đã biết quá rõ rồi, nó gần như là một tiêu chuẩn dành cho những chiếc phím cơ cao cấp, nên đối với chiếc phím cơ này thì anh em khỏi lo về độ bền của switch nhé.
Về keycap, tuy không thể trông đợi quá nhiều vào một dàn keycap ABS nhưng nó vẫn là cần thiết để đánh giá một chiếc phím cơ. Về mảng này thì ROG Strix Scope không có gì nổi bật, vẫn là loại ABS như bạn thường thấy trên những chiếc bàn phím gaming có LED RGB. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì chúng cũng được làm tương đối tốt, mặt keycap khá bám tay chứ không quá trơn, tản sáng cũng khá đều và mịn nói chung là ổn đối với một dàn keycap ABS .
Mình cũng chưa vừa ý lắm về dàn stabilizer, tuy có độ rơ ít nhưng vì không được lube switch sẵn nên khi gõ mạnh cách phím dài thì vẫn nghe tiếng stab khá rõ. Như những bài review phím trước đây, nếu bạn là người khó tính thì mình vẫn khuyên bạn nên mua một ống dầu lube về để châm vào dàn stab, việc đó sẽ làm dàn stab êm và trơn tru hơn.
Khi viết bài này, mình đã dùng chuyển qua chuyển lại giữa Scope và Scope PBT để xem chúng có khác nhau gì không. Nói chung là ngoài dàn keycap và hệ thống LED RGB ra thì 2 chiếc bàn phím này không có gì khác biệt về độ hoàn thiện. Về phần ROG Strix Scope, mặc dù có keycap bằng ABS nhưng với một “bộ khung” tốt chiếc bàn phím này vẫn cho cảm giác gõ khá ổn. Tiếng gõ khá đanh và không bị rè, cảm giác gõ chạm đáy chắc chắn, cảm giác tiếp xúc trên bề mặt keycap cũng không tệ. Nhìn chung thì ROG Strix Scope được hoàn thiện khá tốt về chất lượng gõ, ít nhất là đối với bàn phím gaming.
Về hệ thống LED RGB thì chắc là không cần phải nói nhiều. thiết kế floating switch cộng với dàn LED nhà Asus là một sự kết hợp tuyệt vời. Những chiếc switch tản sáng đều, dịu và đẹp mắt. Phần mềm … cho phép tùy chỉnh nhiều chế độ LED khác nhau và độ tùy biến cao. Bạn có thể làm khá nhiều trò hay với nó đấy.
Những chiếc nút thú vị
Ngoài ra, điểm đặc biệt nhất của chiếc bàn phím này chính là nút Control và keymap dị mà nãy giờ mình vẫn còn chưa nói đến. Nút Control dài hơn bình thường rất nhiều, nó còn có cả stabilizer hẳn hoi. Chơi game bắn súng mà có cái nút dài như thế này phải nói là cực kỳ yên tâm luôn, muốn bấm trật cũng trật không nổi. Keymap cũng rất dị, mặc dù vẫn là layout full size nhưng hàng phím từ F5 đến F12 được thay bằng cụm phím media, mang đến trải nghiệm tiện lợi hơn cho bạn khi giải trí đa phương tiện, nếu muốn sử dụng các phím F này thì bạn sẽ cần dùng để phím Fn.
Vị trí nút F12 trong keymap chuẩn được thay thế bằng một phím có biểu tượng một người bí ẩn với chiếc mũ trùm. Mình thường gọi phím này là Phím Ninja vì nó cho phép bạn ẩn tất cả các cửa sổ trong nháy mắt, nhanh hơn cả tốc độ phi chổi lông gà của mẹ và cú sờ gáy của sếp, cực kỳ tiện lợi cho anh em nào hay “nghiên cứu tài liệu học tập”. Nếu bạn cũng là người như vậy thì chắc chắn là chiếc bàn phím này sẽ cực kỳ phù hợp dành cho bạn.
Kết
Nhìn chung, đây là một chiếc bàn phím có thiết kế đẹp, cảm giác gõ tốt đối với bàn phím gaming, LED RGB đỉnh và nhiều tính năng thú vị. Với mức giá đâu đó khoảng 3,5 triệu đồng thì đây có thể xem là một trong những chiếc bàn phím gaming đáng mua trong thời điểm hiện tại. Và nếu bạn cũng đang định bỏ ra khoảng tầm đó thì đây sẽ là một chiếc bàn phím hay ho và đáng trải nghiệm.
P/s: Cảm ơn bạn “gì đó” đã chụp hình giúp mình con phím này nhé, chứ mình chụp thì không được vậy đâu!
Axium Fox