Tốc độ ngon như lời đồn, thêm bo mạch chủ ngon có tản nhiệt cho SSD M.2 là đẹp đôi.
Plextor là cái tên khá quen thuộc trong giới chơi SSD, với dải sản phẩm hiệu năng ngon mà giá cả hợp lý. Mới đây hãng đã tung ra dòng M9P Plus hướng đến đối tượng là game thủ, với phiên bản MP9GN+ mà GearVN News trải nghiệm trong bài này là giá mềm nhất với chỉ 100 đô là bạn ôm về được 1 cây 512 GB. Chưa biết về Việt Nam thế nào nhưng gần chắc chắn đây sẽ là một trong những dòng SSD NVMe giá mềm nhất mà vẫn sử dụng chip nhớ TLC, tốc độ đọc ghi tuần tự đến 3400/2200 MB/s.
Thông số kỹ thuật Plextor M9P Plus – M9PGN+
- Tuỳ chọn dung lượng: 256 GB, 512 GB, 1 TB
- Bộ điều khiển: Marvell 88SS1092
- Chip nhớ: KIOXIA BiCS4 3D TLC
- Bộ nhớ đệm: LPDDR3 256 MB (256 GB), 512 MB (512 GB), 1 GB (1 TB)
- Tốc độ đọc ghi tuần tự: 3400/2200 MB/s
- Tốc độ đọc ghi ngẫu nhiên: 340.000/320.000 IOPS
- MTBF: hơn 1.500.000 giờ
- TBW: 160 (256 GB), 320 (512 GB), 640 (1 TB)
- Bảo hành: 5 năm
Series SSD Plextor M9P Plus về cơ bản là bao gồm 3 dòng: M9PGN+ (M.2 không tản nhiệt), MP9G+ (M.2 có tản nhiệt) và M9PY (PCIe 4x có tản nhiệt và đèn LED RGB). Tất cả các dòng đều sử dụng bộ điều khiển Marvell 88SS1092 kết hợp với chip nhớ KIOXIA BiCS4 3D TLC, chính vì vậy mà hiệu năng gần như không khác biệt chỉ là bạn thích bổ sung thêm tính năng như thế nào. Phiên bản mà GearVN News chia sẻ trong bài viết này là M9PGN+ 512 GB, đây là dòng giá mềm nhất nhờ cắt giảm tản nhiệt cũng như không có đèn LED RGB như 2 người anh em đắt tiền. Mà thế thì cũng có cái hay các bạn ạ.
Plextor M9P Plus – M9PGN+ có hiệu năng ấn tượng nhưng nhiệt độ hoạt động cao, nên có thêm tản nhiệt
GearVN News sử dụng cấu hình test như sau: CPU AMD Ryzen 5 3500, bo mạch chủ GIGABYTE AORUS X570 Master, card đồ hoạ Sapphire RX 5600 XT, 2 x 8 GB Corsair Dominator Platinum RGB DDR4-3000, PSU Thermaltake ToughPower 850W. Đây là kết quả của Plextor M9P Plus khi thử qua các bài benchmark phổ biến:
CrystalDiskMark
AS SSD
ATTO Diskbenchmark
Plextor M9P Plus cho kết quả benchmark phải nói là rất ấn tượng. Ở bài thử CrystalDiskMark dù tốc độ ghi tuần tự “hụt” đôi chút với 3228 MB/s (công bố 3400 MB/s), chiếc ổ cứng mới của Plextor bù lại bằng tốc độ đọc tuần tự 2266 MB/s vượt ngưỡng công bố 2200 MB/s. Trong khi đó ATTO và AS đều đưa ra kết quả thấp hơn so với công bố nhưng nhìn chung là “đẹp” đối với một chiếc SSD giá mềm như MP9 Plus.
Kết quả này phản ánh được thực tế là dù mang tiếng SSD giá mềm, Plextor vẫn sử dụng những linh kiện thuộc hàng ngon cho dòng M9P Plus của mình. Cụ thể hơn, Marvell 88SS1093 là bộ điều khiển SSD vốn đã khẳng định được sự ổn định trong các trung tâm dữ liệu chuyên nghiệp trong khi KIOXIA BiCS4 3D TLC là thế hệ chip nhớ flash NAND đời mới. Cái tên KIOXIA có lẽ khá xa lạ với nhiều người nhưng thực chất đây mảng sản xuất chip nhớ của Toshiba tách ra thành công ty riêng, sở hữu tất cả những công nghệ đỉnh đã tạo nên tên tuổi của hãng điện tử Nhật Bản.
Plextor M9P cũng có một lợi thế so với những dòng SSD giá mềm khác, chẳng hạn như Intel 660p, là sử dụng chip nhớ flash TLC chứ không phải QLC. Chính điều này cho phép ngay cả khi vượt qua hạn mức của bộ nhớ đệm thì SSD vẫn có tốc độ tốt, chứ không đến mức tuột đến “đáy xã hội” như chip nhớ QLC. Mình chưa có điều kiện để thử khả năng ghi chép vượt hạn mức bộ nhớ đệm của M9P Plus, nhưng phải thừa nhận rằng việc hãng sử dụng RAM LPDDR3 làm bộ nhớ đệm giúp cho việc đọc ghi các file dung lượng nhỏ cực kỳ nhanh. Điều này cũng giúp cho việc load Windows, game cực kỳ mượt mà đánh đúng vào yêu cầu của các bạn game thủ.
Dĩ nhiên không có bất kỳ sản phẩm nào có thể gọi là hoàn hảo, và M9P Plus cũng không ngoại lệ. Để đạt mức giá mềm nhất thì phiên bản M9PGN+ cắt giảm phần tản nhiệt, điều này khiến nhiệt độ hoạt động trung bình của nó đến 60 độ. Mặc dù phải đến ngưỡng 65 – 70 độ thì SSD mới bị bóp hiệu năng nhưng con số 60 độ vẫn khá là cao, tốt nhất là bạn nên sử dụng tản nhiệt cho SSD. Trên thực tế thì cả phiên bản M9PG+ và M9PY+ được trang bị tản nhiệt đều không gặp vấn đề về nhiệt độ, chỉ dao động trong khoảng 30-40 độ mà thôi.
Chuyện không tích hợp tản nhiệt nhìn ở góc độ tích cực thì cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng quá, vì hầu hết các bo mạch chủ trung cấp trở lên hiện nay đều tích hợp sẵn tản nhiệt cho SSD M.2. Điển hình như bo mạch chủ AORUS X570 Master của mình có đến 3 thanh tản nhiệt, gắn thoải mái. Tản nhiệt kèm theo bo thậm chí còn to hơn cả tản nhiệt mặc định của M9PG+, nên nếu bạn đã có sẵn thì M9PGN+ không tản nhiệt vừa tiện mà lại tiết kiệm tiền.
Plextor M9P Plus – M9PGN+ phù hợp với ai?
Với hiệu năng ấn tượng, mình đánh giá M9P Plus (M9PGN+) sẽ là sự lựa chọn rất tuyệt vời dành cho các bạn game thủ muốn sắm SSD hiệu năng cao giá mềm để cài game. Việc không tích hợp sẵn tản nhiệt cho phép bạn có thể tận dụng tản nhiệt SSD M.2 trên các bo mạch chủ trung cấp trở lên, vừa tiết kiệm tiền vừa đảm bảo tối ưu hiệu năng. Tuy vậy bạn cần lưu ý là nhiệt độ hoạt động của Plextor M9P Plus hơi cao, dù không đến mức bị bóp hiệu năng nhưng nên cân nhắc kỹ nếu có ý định dùng không tản nhiệt.
Ẩn số cuối cùng có lẽ là giá. Mình thấy ở nước ngoài 100 đô mà gom được bản 512 GB là kèo khá thơm, liệu Plexor M9P Plus có tái lập được tại Việt Nam hay không thì chúng ta đành phải chờ đến khi hãng đưa ra mức giá chính thức thôi