Vừa rồi ASUS đã chính thức cho ra mắt dòng màn hình ProArt tại thị trường Việt Nam, trong đó có mẫu PA248QV hướng đến những nhà sáng tạo sáng tạo bán chuyên với mức giá vô cùng dễ tiếp cận. Bên cạnh việc đảm bảo độ chính xác của màu sắc thì ASUS còn trang bị thêm cho chiếc màn hình này rất nhiều tính năng cực kì hữu ích, hỗ trợ và tạo sự thuận tiện trong những công việc liên quan đến đồ họa. Cụ thể nó có những tính năng gì hay ho thì anh em tham khảo chi tiết ngay phía dưới nhé.
Thông số kỹ thuật màn hình ProArt PA248QV
- Kích thước: 24,1-inch
- Độ phân giải: 1920 x 1200 (WUXGA)
- Tấm nền: IPS
- Tần số quét: 75Hz
- Độ sâu màu: 8bit
- Độ sáng tối đa: 300 cd/m2
- Độ phủ màu: 100% sRGB, 100% Rec.709
- Độ chính xác màu: △E< 2
- Cổng kết nối: 1x HDMI, 1x DisplayPort, 1x D-Sub, 1x PC audio input 3,5mm, 1x earphone 3,5mm, 4x USB 3.0
- Loa tích hợp: 2 loa 2W
- Tính năng: Calman Verified, ProArt Preset, ProArt Palette, QuickFit, Low Blue Light
- Giá tham khảo: 5.290.000 VNĐ (Tham khảo tại đây)
Khác với những chiếc màn hình gaming nổi bật với tần số quét cao và tốc độ phản hồi nhanh, vì là màn hình phục vụ cho dân đồ họa nên anh em có thể thấy ngay PA248QV tập trung vào việc tái tạo màu sắc sao cho chính xác nhất có thể, và đồng thời đi kèm là một loạt tính năng hữu dụng khác hỗ trợ cho công việc thiết kế với mức giá 5,3 triệu đồng – một con số hợp lý đối với đại đa số người dùng.
ASUS ProArt PA248QV sở hữu thiết kế cực kì tinh tế
Vì là màn hình dành cho dân thiết kế nên bên cạnh “tốt gỗ” thì “nước sơn” cũng phải toát lên được sự thanh lịch, tinh giản. Khác với những chiếc màn hình gaming hầm hố đen từ đầu tới chân thì với dòng ProArt nói chung và PA248QV nói riêng, đập vào mắt anh em sẽ là phần màn hình viền mỏng kết hợp với chân đế phay xước và phần thân trụ màu bạc vô cùng tinh tế.
Thiết kế này có phần khá giống với dòng TUF Gaming của ASUS – vốn đề cao sự bền bỉ, chắc chắn. Chính vì lẽ đó mà phần chân đế của PA248QV được làm thành dạng bề mặt phẳng giúp màn hình vững chãi hơn. Mục đích là để nó bám chắc vào mặt bàn, cho phép anh em dễ dàng xoay chuyển màn hình một cách linh hoạt. Vì màn hình có thể xoay quanh trục đứng và quay ngang/dọc đến 180o nên ASUS đã trang bị luôn cho anh em một cây thước đo với các vạch chia ở phần chân đế và ở khớp nối phía sau lưng màn hình, bảo đảm muốn quay góc bao nhiêu là có góc bấy nhiêu, chính xác tuyệt đối. Anh em thích setup góc làm việc theo combo màn hình ngang/dọc gì thì PA248QV cũng đều đáp ứng được hết nhé.
Các nút bấm thay vì giấu phía cạnh dưới hoặc phía sau màn hình thì giờ đây đã được đem lên phía trước để nhìn trực quan, dễ thao tác hơn. Và đặc biệt là anh em sẽ thấy có một thanh thước được khắc ngay trên cạnh đáy với đơn vị là cm (tỷ lệ 1:1), dùng để đo đạc trực tiếp.
Nhằm hỗ trợ tối đa cho dân thiết kế, bên cạnh việc chọn độ phân giải 1920 x 1200 (16:10) để có không gian hiển thị rộng hơn thì ASUS còn trang bị cho chiếc màn hình này rất nhiều công nghệ và tính năng hỗ trợ cho PA248QV. Nhưng trước hết vẫn là phần quan trọng nhất đối với một chiếc màn hình cho dân đồ họa: kiểm tra chất lượng hiển thị. Trong bài test này thì GearVN News sử dụng bộ cân màu Spyder 5 Elite để lấy kết quả chi tiết, giúp anh em dễ đưa ra nhận xét về chất lượng màu sắc của PA248QV.
ASUS ProArt PA248QV có tấm nền được tối ưu cho tác vụ đồ họa
Có thể nói sRGB là không gian màu được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay, nhất là cho việc hiển thị nội dung trên nền web. Sau khi test bằng Spyder 5 Elite thì bọn mình ghi nhận kết quả là màn hình ProArt PA248QV có độ phủ 100% sRGB nên anh em cứ chắc cú là những thứ trên web đều được hiển thị đúng với màu gốc của nó.
AdobeRGB thì quan trọng hơn, phục vụ cho các công việc chỉnh sửa hình ảnh, dựng phim, thiết kế đồ họa. Và PA248QV cho ra con số là 80%. Tiếp đến là DCI-P3 – chuẩn màu dành cho điện ảnh. Với màn hình này thì độ phủ màu sẽ là 83%. Nhìn chung thì tương đối ổn trong tầm giá.
Tuy nhiên, điểm mạnh của chiếc màn hình này chính là ở thông số Delta-E. Cụ thể thì nó có Delta-E là 1,38, đạt chuẩn Delta-E <2 mà ASUS đã công bố khi tung ra con màn này. Delta-E là con số chỉ độ lệch màu giữa màu đang hiển thị trên màn hình và màu gốc mà màn hình được ra lệnh để hiển thị. Con số này càng thấp nghĩa là độ lệch màu càng ít, đồng nghĩa với việc màn hình càng có độ chính xác cao về màu sắc. Cơ bản là nếu nó <2 thì mắt người bình thường sẽ rất khó thể nào mà phân biệt được, do đó với con số 1,38 kia thì anh em cứ yên tâm làm việc với màu sắc nhé.
Nhìn chung thì PA248QV đạt số điểm tổng thể là 4 trên 5 theo đánh giá của Spyder 5 Elite. Trong đó, độ phủ màu gamut và độ tương phản đạt con số 5 tuyệt đối. Đồng thời, độ đồng đều màu trên màn hình (color uniformity) và độ chính xác màu (color accuracy) đều chạm ngưỡng 4,5 điểm. Qua đây thì anh em có thể thấy rằng tuy PA248QV chỉ là một chiếc màn hình đồ họa thuộc phân khúc “nhập môn” nhưng chất lượng hiển thị của nó thì chẳng hề kém cạnh gì cả.
Chứng nhận Calman Verified – Vũ khí tối thượng của ASUS ProArt PA248QV
Để đạt được độ chính xác màu chuẩn chỉnh như thế thì phải gửi lời cảm ơn đến chứng nhận Calman Verified của PA248QV. Nhiều anh em ắt hẳn vẫn còn cảm thấy lạ lẫm khi nghe qua cái tên Calman. Nói một cách nôm na thì Calman là một phần mềm cân chỉnh màu sắc của công ty Portrait Displays, và nó chính là tiêu chuẩn của các colorist tại Hollywood. Đây là giải pháp được tin dùng bởi hầu hết những ai làm nghề cân chỉnh video, những chuyên gia trong mảng phát sóng (broadcast), sản xuất, và hậu kì. Ngoài ra thì đây còn là một sự lựa chọn phổ biến đối với những chuyên gia lắp đặt rạp chiếu phim tại nhà (home theater) nữa anh em ạ.
Hiểu được sự chuyên nghiệp của Calman cũng như tầm quan trọng của màu sắc đối với dân thiết kế, ASUS đã bắt tay với Portrait Displays để đem chứng nhận Calman Ready và Calman Verified lên dòng màn hình ProArt. Trong đó, PA248QV đạt chứng nhận Calman Verified – nghĩa là nó đã được cân chỉnh màu sắc và các thông số liên quan bằng những công cụ chuyên dụng của Calman ngay tại nhà máy. Nghe hầm hố là thế, còn hiểu đơn giản là anh em chỉ việc mua về đập thùng rồi xài thôi, không nhất thiết phải cân chỉnh thêm gì nữa cả, tiết kiệm được thời gian lẫn tiền bạc.
Và chính nhờ đạt chuẩn Calman Verified này, ProArt PA248QV đã đạt được số điểm rất thuyết phục trong bài kiểm tra bên trên, đem đến chất lượng hiển thị tốt nhất có thể cho những nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, hoặc nhà làm phim.
ASUS ProArt PA248QV tồn tại là để phục vụ tận răng cho dân đồ họa
Màu chuẩn thôi chưa đủ, ASUS còn muốn tích hợp thêm cho PA248QV vô vàn tính năng khác giúp cuộc sống của các designer nhẹ nhàng và dễ thở hơn. Đầu tiên là ProArt Preset, bao gồm các thiết lập màu sắc tương tự như những tùy chọn Game Mode, Photo Mode, hay Movie Mode mà anh em thường hay thấy trên những màn hình khác. Tuy nhiên, vì là màn hình cho dân đồ họa nên những Mode này tập trung chủ yếu vào các tình huống mà dân đồ họa thường gặp phải. Chẳng hạn như bên cạnh các Mode quen thuộc là Standard và sRGB thì nó còn có Rec. 709 Mode để tương thích với không gian màu Rec. 709, Scenery Mode để chỉnh ảnh phong cảnh, còn Darkroom Mode là để làm việc trong phòng tối.
Tiếp đến là ProArt Palette chứa đầy đủ các công cụ để người dùng tùy ý thiết lập thông số theo ý thích, chẳng hạn như là thông số về độ sáng, độ tương phản, độ bão hòa màu sắc, nhiệt độ màu, gamma. Đặc biệt, mục Color còn cho phép anh em can thiệp sâu vào từng kênh màu riêng lẻ (6-axis adjustment) bao gồm R, G, B, C, M, Y để điều chỉnh theo ý đồ của mình – một tính năng hiếm có khó tìm trên những màn hình thông thường khác.
ASUS cũng đã rất chu đáo khi tích hợp luôn cho màn hình này tính năng lọc ánh sáng xanh (blue light filter) với 5 mức độ khác nhau giúp mắt đỡ mỏi, giữ gìn “cửa sổ của tâm hồn” khi anh em phải làm việc với cường độ cao trong thời gian dài. Tất nhiên, khi bật lên thì màu sắc sẽ không còn chuẩn nữa nên anh em lưu ý điều này nhé. Mỏi mắt thì giải pháp tốt nhất vẫn là rời mắt khỏi màn hình, nhưng trong những trường hợp như cần chạy deadline thâu đêm suốt sáng chẳng hạn thì đây sẽ là vị cứu tinh cho anh em đó.
Ngoài ra, PA248QV còn một tính năng hay ho khác là QuickFit, hiển thị một số overlay để anh em xem trước layout mà không cần phải đem đi in thử. Cụ thể thì nó có chức năng Alignment chia màn hình thành 9 phần bằng nhau để áp dụng quy tắc một phần ba (rule of third). Tiếp đó là hiện chức năng hiện khung viền khổ giấy A4 hoặc B5 để canh mọi thứ thật chuẩn chỉnh trước khi in. Đặc biệt, chức năng Ruler giúp hiển thị thêm 2 thanh thước bên cạnh trái và cạnh trên màn hình (đơn vị cm hoặc inch). Và mình đánh giá cao sự thấu đáo của ASUS trong khoản này.
Anh em có thể thắc mắc rằng vì sao có cây thước được khắc ở cạnh dưới màn hình rồi, cần chi thêm 2 cây này nữa cho rối rắm vậy? Đúng là nó hơi dư thừa thật, nhưng mình thấy anh em làm thiết kế thường hay chọn môi trường khá là tối tăm, hoặc thậm chí là tối hù luôn để hạn chế ánh sáng từ môi trường bên ngoài làm ảnh hưởng đến màu sắc hiển thị trên màn hình. Và điều này vô tình khiến thanh thước ở cạnh dưới trở nên… tàng hình luôn. Do đó, ASUS đã tích hợp thêm 2 thanh thước hiển thị ngay trên màn hình, bảo đảm dù trong tình huống nào thì anh em cũng có cây thước ngay trước mặt.
ASUS ProArt PA248QV là chiếc màn hình dành cho dân đồ họa bán chuyên với mức giá phải chăng
Đối với những tác vụ về đồ họa, phim ảnh không quá chuyên sâu thì PA248QV nói riêng và dòng ProArt của ASUS nói chung đều đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của anh em. Tuy thuộc dòng bình dân với mức giá chỉ 5,3 triệu nhưng PA248QV vẫn là một sản phẩm hoàn toàn phù hợp dành cho anh em bán chuyên, cần tìm một chiếc màn hình phục vụ cho công việc thiết kế với mức giá mềm mà vẫn đảm bảo về mặt màu sắc cũng như các tính năng hỗ trợ đi kèm.