Sự phát triển của công nghệ chưa bao giờ dừng lại. Từng khoảnh khắc, chúng ta đều được chứng kiến những bước tiến, những cuộc cách mạng của công nghệ. Tất cả chúng đều góp phần mang lại những giá trị ngày một lớn lao, cho con người cuộc sống tiện lợi hơn, thông minh hơn, tiến bộ hơn.

Sau đây là 17 sản phẩm xứng đáng được vinh danh như là những bước đột phá lớn nhất của công nghệ bán dẫn dành cho người dùng phổ thông trong 10 năm của thập kỷ vừa qua.

AMD Ryzen 7 1800X 

Ra mắt vào năm 2017, Ryzen 7 1800X AMD đã làm thế giới sửng sốt với một con CPU 8 nhân 16 luồng với sức mạnh ngang ngửa Core i7-6900K cho nền tảng HEDT của Intel nhưng lại có mức giá bằng chưa đến một nửa so với đối thủ. Hơn nữa, con CPU này cũng đánh dấu cho sự ra mắt của kiến trúc Zen, mở đường cho cuộc trở lại đầy ngoạn mục của AMD, giúp họ từng bước giành lại thị trường đã mất khỏi bàn tay của Intel sau nhiều năm “nằm chiếu dưới”.

Raspberry Pi (2012) 

Raspberry Pi có thể không phải là một chiếc máy tính mạnh mẽ nhưng nó cực kỳ đặc biệt. Chỉ với 35 USD là bạn đã có thể sở hữu một chiếc máy tính hoàn chỉnh. Đây cũng là một trong những chiếc máy tính bán chạy nhất và quan trọng nhất trong thập kỷ qua. Mục đích ban đầu của chiếc máy tính bé nhỏ này là để giúp trẻ em Vương quốc Anh tìm hiểu về khoa học máy tính mà thôi. Tuy nhiên sau đó thì người dùng bắt đầu thấy được tiềm năng thực sự của nó và để nó làm được những chuyện thú vị hơn. Raspberry Pi bắt đầu được dùng trong lập trình, chế tạo robot, máy chủ web…

Sau 7 năm có mặt trên thị trường. Dòng máy tính này đã bán ra được đến 30 triệu chiếc và một nửa trong số đó được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp. Raspberry Pi cũng thúc đẩy sự sáng tạo của giới trẻ. Mang đến cho những người yêu sáng tạo một chiếc máy tính siêu gọn, siêu rẻ và cực kỳ đa năng.

Công nghệ chống xé hình

Năm 2013, Nvidia đã giới thiệu công nghệ chống xé hình G-Sync. Đây là lần đầu tiên mà chúng ta có thể đảm bảo màn hình sẽ xuất ra được những khung hình trọn vẹn và hoàn hảo. Tuy nhiên, công nghệ này lại khá đắt tiền do những chiếc màn hình có hỗ trợ đều phải trang bị module chuyên dụng của Nvidia. 1 năm sau một năm sau, VESA đã công bố tiêu chuẩn Adaptive-Sync (đồng bộ-thích ứng) dành cho các mẫu màn hình, giúp AMD cho ra mắt công nghệ FreeSync vào năm 2015. G-Sync và Adaptive-Sync được thêm vào chuẩn xuất hình DisplayPort 1.2a, giúp đồng bộ hóa tốc độ xuất hình của GPU và tần số quét của màn hình, khiến cho việc chơi game mang lại trải nghiệm tuyệt vời hơn.

Nhiều năm trôi qua, công nghệ chống xé hình đã trở thành một trong những yếu tố bắt buộc khi đi mua màn hình chơi game. Bây giờ thì đến những mẫu màn hình máy tính thuộc hạng bét nhất cũng đã có công nghệ chống xé hình rồi. Thậm chí ngày nay đến TV cũng đã bắt đầu trang bị chống xé hình luôn. Việc rách hình sẽ sớm chỉ còn là chuyện dĩ vãng.

Cổng USB Type-C (2014)

Không thể chối cãi rằng đây là một trong những cổng giao tiếp tốt nhất và đa năng nhất hiện nay, cả về hình dạng vật lý lẫn công dụng. Trong khi USB Type-A không thể cắm đảo chiều, không thể xuất hình và không thể cấp nguồn công suất lớn thì cổng USB Type-C xuất hiện như cơn mưa rào giữa ngày nắng hạn để giải quyết hết tất cả các vấn đề bên trên (cổng Thunderbolt 3 cũng sử dụng cổng kết nối dạng USB Type-C).

Chính vì những tính năng ưu việt đó mà loại cổng này ngày càng phổ biến hơn trên điện thoại thông minh, trên máy tính xách tay và hiện nay là cả các dòng mainboard nữa. Trong vài năm tới đây, khi loại cổng này trở thành một “ngôn ngữ chung” thực sự thì việc sử dụng đồ công nghệ sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Intel SSD 750 Series

Năm 2015, Intel đã cho ra mắt các dòng SSD thuộc 750 Series, đây là lần đầu tiên mà tốc độ của một ổ cứng lưu trữ có thể vượt qua được giới hạn của giao thức SATA. Để làm được điều này, Intel đã dùng một giao thức mới là NVMe, được thiết kế riêng cho nhu cầu lưu trữ dữ liệu trong SSD.

SSD 750 tuy có kích thước khá cồng kềnh (nó to như một cái card đồ họa cỡ nhỏ vậy) nhưng lại cho tốc độ đọc lên đến 2400 MBps và ghi lên tới 1200MBps (riêng tốc độ đọc đã nhanh hơn gấp 4 lần giao thức SATA). Nửa năm sau, Samsung đã mang giao thức NVMe xuống một dạng ổ cứng nhỏ gọn hơn là dạng M.2 với các ổ SSD 950 Pro. Hiện nay các ổ cứng M.2 NVMe PCIe đã xuất hiện ở khắp mọi nơi. Có thể nói Intel đã đưa NVMe đến cho người dùng phổ thông, mang chúng ta vượt qua giới hạn của SATA để bước vào một thế giới mới, nơi mà tốc độ của những ổ cứng hiệu suất cao được tính bằng GB/s thay vì MB/s.

Nvidia Pascal (10 Series)

Đã được 4 năm kể từ khi ra mắt nhưng những ấn tượng về thế hệ kiến trúc Pascal vẫn sẽ ở lại mãi trong lòng những ai từng chứng kiến. Khi thế hệ kiến trúc này xuất hiện, nó như mở ra một thời đại mới vậy, chúng mạnh hơn những GPU đời Maxwell cùng phân khúc trước đó một cách tuyệt đối. Lúc đó thì người người, nhà nhà bắt đầu chuyển lên dùng Pascal, GTX 980, GTX 980 Ti và cả R9 Fury X của AMD đều không còn đất diễn.

Hiện nay các card đồ họa Pascal vẫn còn rất phổ biến, chiếm 40% số card đồ họa mà game thủ trên Steam sử dụng dựa trên khảo sát phần cứng của Steam. Nhược điểm duy nhất của các dòng card Pascal chỉ đơn giản là vì chúng ra đời ngay giữa thời bão giá do cơn sốt Bitcoin khiến giá bị đẩy lên cao mà thôi. Rất may là cái gì cũng có thời của nó và cơn sốt Bitcoin giờ cũng đã thoái trào, chúng ta cũng đã có thể mua được các dòng GPU Pascal với mức giá hợp lý.

Trong khi thế hệ kiến trúc Turing vẫn còn một số vấn đề liên quan đến giá thành và số lượng game hạn chế thì các dòng GeForce 10 series vẫn được tin dùng và mang đến sức mạnh cho hàng triệu máy tính chơi game trên toàn thế giới.

Apple MacBook Air (2011)

Không nghi ngờ gì nữa MacBook Air (2011) chính là một trong những mẫu laptop thành công nhất thế giới. Nó đánh thẳng vào những gì mà thị trường luôn khao khát. Trong khi các hãng khác tập trung chạy đua vũ trang về sức mạnh phần cứng thì Apple đã đi tiên phong trong thiết kế mỏng nhẹ. Chiếc laptop này có khung nhôm nhẹ và chắc chắn, ổ SSD tốc độ cao, có khe cắm thẻ nhớ, một cặp cổng USB,… và thời lượng pin tuyệt vời. Đến cái bản lề của nó cũng trở thành một biểu tượng và được xem là thước đo chuẩn mực cho một cái bản lề laptop ngon.

Về sau, khi các nhà sản xuất hướng đến các mẫu laptop siêu mỏng nhẹ như Dell XPS 13 và Acer Swift, thì MacBook Air sẽ là chuẩn mực để so sánh. Cho đến cuối thập kỷ này vẫn có rất ít mẫu laptop nào theo kịp thiết kế của nó.

Intel Core i7-2600K

Nếu như Ryzen 7 1800X là con chip khôi phục lại vinh quang cho AMD như những gì mà ngay lúc này bạn đang thấy thì Core i7-2600K chính là thứ đã làm cho người dùng tránh xa AMD khi build PC chơi game trong nhiều năm sau đó. Con CPU này tốt đến nỗi mà hiện tại vẫn có người băn khoăn là có nên nâng cấp lên hay không. Với 4 nhân thực vè có thể đẩy sung lên đến 4.6GHz, nó đem lại lợi thế tuyệt đối cho những dàn PC chơi game. Con CPU này chính là huyền thoại một thời đấy.

Dell XPS 13 (2015) 

Nếu đã từng có một máy tính Windows nào có thể cạnh tranh trực tiếp với MacBook Air thì đó chính là XPS 13. Vào năm 2015, Dell đã cho ra mắt mẫu laptop XPS 13 với 3 viền siêu mỏng. Thiết kế này đã tạo ra ảnh hưởng rất lớn đến các mẫu laptop mỏng nhẹ trong nửa thập kỷ sau.

Microsoft Surface (2012)

Mẫu Surface đầu tiên tuy không thực sự thành công do những hạn chế với các ứng dụng trong cửa hàng Windows và hệ điều hành Windows RT. Tuy nhiên nó đã đánh dấu bước ngoặt khi Microsoft chính thức trở thành một nhà sản xuất máy tính bảng.

Vào thời điểm Surface Pro 3 ra mắt vào năm 2014, Microsoft được cho là đã đi đúng hướng. Các mẫu Ipad của Apple cũng đã bắt đầu học hỏi thiết kế bàn phím vật lý rời của Surface. Và đó là lúc mà cuộc “chạy đua vũ trang” về máy tính bảng chính thức bắt đầu.

Oculus Rift (2012)

Kết quả hình ảnh cho Oculus Rift (2012)"

Oculus Rift là chiếc kính VR đầu tiên, mở ra một thời đại mới cho trải nghiệm thực tế ảo và làm cho trải nghiệm chơi game trên PC trở nên phong phú hơn rất nhiều. Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ HTC nhưng Oculus Rift vẫn trụ vững như là một trong những dòng kính VR thành công nhất.

Nintendo Switch (2017)

Sau khi cha đẻ của Mario “tự bắn vào chân mình” với sự thất bại thảm hại của Wii U thì họ đã tận dụng được kinh nghiệm đó để cho ra mắt Nintendo Switch cực kỳ thành công. Trong khi việc cắm một chiếc console vào TV vốn đã không còn gì mới thì Nintendo Switch mang trải nghiệm chơi game console của bạn đi khắp mọi nơi. Thiết kế của nó cũng rất thông minh, cho phép tách rời 2 bộ controller khỏi thân máy để bạn có thể chơi cùng bạn bè.

Apple iPad (2010) 

Máy tính không nhất thiết phải mạnh, nhất là với những ai không cần nhiều sức mạnh từ chúng. Đối với những việc đơn giản như check email, xem phim, đọc báo, đọc sách điện tử và chơi game di động thì iPad đã là quá đủ cho hàng triệu người. Mặc dù không thể thay thế được các mẫu Ultrabook nhưng nó đã mở ra một khung trời mới cho dành cho người dùng máy tính phổ thông.

Microsoft Azure (2010)

Azure (Microsoft cloud) là giải pháp đám mây lai đánh dấu bước chuyển đổi trong phát triển phần mềm, trong chiến lược và trong cách thức phân phối sản phẩm của Microsoft. Nó tập trung vào điện toán, lưu trữ, nhắn tin, học máy và AI. Đánh dấu bước chuyển biến lớn của công nghệ thông tin trong lĩnh vực điện toán đám mây.

Chromebook (2011)

Chromebook lần đầu tiên được phát hành vào năm 2011, sản xuất bởi Samsung và Acer. Kể từ đó, chúng ta đã thấy Lenovo, Dell, HP, Asus và thậm chí Google tự sản xuất những mẫu Chromebook của riêng mình. Chúng có giá cả phải chăng và có thể làm những gì mà phần lớn người dùng cần trong trình duyệt web. Đó là lý do tại sao Chromebook đã “cắn” được một chút thị phần của Windows. Đến nay thì các mẫu Chromebook đã có nhiều chức năng hơn, bao gồm cả ứng dụng Android. Có thể nó không hướng đến đối tượng game thủ hay người dùng cần hiệu năng cao, nhưng trong giáo dục và với những người cần một chiếc laptop giá rẻ thì nó thực sự tuyệt vời.

Apple iPhone 4 (2010)

Có rất nhiều mẫu điện thoại đỉnh trong năm 2010, tuy nhiên iPhone 4 mới là mẫu nổi bật nhất. Đây là iPhone đầu tiên hỗ trợ các mạng khác ngoài AT & T tại Hoa Kỳ, và đây là lần đầu tiên Apple sử dụng hệ thống của riêng mình trên chip với Apple A4.

Ngoài ra nó cũng là chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị màn hình Retina, bao quanh bởi khung kim loại và mặt lưng bằng kính. Thiết kế này đã đặt ra một tiêu chuẩn mẫu mực cho smartphone trong suốt cả thập kỷ qua và gần như còn nguyên sức ảnh hưởng cho đến tận hôm nay.

SSD Samsung 840 

SSD SSD của Samsung đã đánh dấu sự ra mắt của bộ nhớ flash TLC, hứa hẹn giá thành rẻ hơn và dung lượng cao hơn. Việc nhét 3-bit dữ liệu vào một cell nhớ khi đó đã dấy lên lo ngại về độ bền. Tuy nhiên ngay sau đó thì công nghệ 3D TLC NAND đã sớm được áp dụng giúp giải quyết được nhiều vấn đề. Hiện nay, chúng ta đã có QLC (4-bit mỗi cell) và sắp tới đây sẽ có PLC (5-bit). Samsung chính là hãng đầu tiên bước qua TLC để mở đến những giới hạn cao hơn.