Top 10 tựa game thảm họa đã giúp hãng thức tỉnh và giải cứu cả dòng game!

Không thể phủ nhận một điều rằng một tựa game tệ thường sẽ khiến cả dòng game đó lao xuống vực thẳm luôn, hay như 2 phần mới nhất của series Mass Effect đã khiến dòng game này bị “đóng băng” cũng được 3 năm rồi. Tuy nhiên, đối với một số dòng game thì một tựa game tệ sẽ có chức năng như là đòn bẩy, giúp nó có một màn “come back” ngoạn mục hơn.

Mặc dù những game phía dưới đây là những nốt trầm to tướng trong cả series của nó, việc fan phản ánh quá dữ dội đã buộc nhà phát triển phải lắng nghe, ghi chú, và đảm bảo rằng họ không phạm phải sai lầm này lần thứ 2. Kết quả là chúng đều được hồi sinh, quay trở về với vị trí vốn thuộc về nó (sau khi đã có một màn lao dốc không phanh). Dưới đây là danh sách 10 tựa game thất bại thảm hại nhưng đã vô tình hồi sinh nguyên cả dòng game.

Tomb Raider: The Angel Of Darkness

Tomb Raider: The Angel of Darkness là phần thứ 6 trong series Tomb Raider đình đám, với mục đích là để “hồi sinh” Lara và dòng game này sau lần chết giả ở trong The Last Revelation. Tuy nhiên, nhiều người trong đội phát triển ở Core Design đã tỏ ra khá là mệt mỏi với series này, và những người phát triển các phần trước đã bỏ đi gần hết, chỉ còn lại vài người bám trụ cho tới phần này mà thôi.

Ngoài ra, do việc quản lý dự án không được hiệu quả nên The Angel Of Darkness đã từng bị bỏ đi làm lại từ đầu, đó là chưa kể việc thiết kế game phù hợp với phần cứng PS2 cũng khá là gian nan, càng làm chậm tiến độ của dự án này. Kết quả là thành phẩm dở như hạch, vừa bị dính lỗi tùm lum vừa chẳng có vẻ gì gọi là một tựa game hoàn chỉnh cả. Được biết Core Design đã nộp game này lên Sony đến 8 lần trước khi nó được phê duyệt, và nhiều nhân viên nhận xét rằng nó cần thêm khoảng 2 tháng nữa mới thực sự gọi là hoàn tất.

Angel of Darkness không chỉ mang cái mác là phần đã giết chết series game Tomb Raider mà nó còn được cho là nguyên nhân khiến phim Tomb Raider do Angelina Jolie thủ vai không đạt được doanh thu như kì vọng, dẫn đến việc người đứng đầu Core Design là Jeremy Heath-Smith đã phải từ chức. Tất cả phần game tiếp theo đều bị hủy, Eidos Interactive đã tước quyền phát triển dòng game này của Core Design để trao cho Crystal Dynamics, và họ đã không phụ lòng mong đợi của game thủ với 3 phần Tomb Raider ra mắt vào những năm gần đây.

Đáng chú ý là Crystal Dynamics đã xây dựng hình ảnh Lara Croft can trường, gan dạ trong bản reboot đình đám vào năm 2013. Việc Core Design tan rã với The Angel of Darkness là một điều vô cùng có lợi cho series này, bởi vì nó đã cho phép Crystal Dynamics có một góc nhìn mới, một hướng đi mới để Lara Croft lấy lại niềm tin của game thủ.

Assassin’s Creed Unity

Assassin’s Creed Unity bị nhiều game thủ cho rằng đây là phiên bản tệ nhất trong series vì nó ra mắt trong tình trạng dở dở ương ương, mặc dù nó có mục đích cao cả hơn đó là thổi một luồng gió mới cho series Assassin’s Creed trứ danh. Unity dính nhiều lỗi (bug, glitch) đến mức Ubisoft phải gửi lời xin lổi và đền bù cho game thủ, và ngoài ra thì họ cũng bị chỉ trích vì không cho chọn giới tính nhân vật trong phần chơi co-op dù trước đó họ khẳng định là đã đầu tư rất nhiều vào mục này. Chính nhờ sự phản ánh gay gắt này mà Ubisoft mới chợt tỉnh ra.

Đầu tiên, những phần game sau đó đều ra mắt trong tình trạng chỉn chu, hoàn hảo hơn, và không hấp tấp mỗi năm ra 1 bản nữa, thay vào đó là cách khoảng 2 năm mới làm tiếp phần sau. Điều này ít nhiều cũng đã giúp 2 phần mới nhất là Origins và Odyssey nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ game thủ lẫn giới phê bình, xếp hàng top trong series Assassin’s Creed. Ngoài ra, Odyssey còn cho phép người chơi chọn giới tính cho nhân vật và hứa hẹn rằng tính năng này sẽ tiếp tục có mặt trong các phần sau. Dù Ubisoft đôi lúc có khó ưa một chút, nhưng sau vụ Unity kia thì họ cũng đã nhận ra được một vài điều mấu chốt, và kết quả là series Assassin’s Creed đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Mortal Kombat: Special Forces

Đây là phần kế tiếp của Mortal Kombat 4, ra mắt độc quyền trên PlayStation vào năm 2000. Special Forces là một nước đi táo bạo (nếu không muốn nói là sai lầm) với mục tiêu đa dạng hóa series này bằng cách thay gameplay đánh lộn beat ‘em up truyền thống bằng cơ chế hành động góc nhìn thứ 3 với Jax là nhân vật chính duy nhất mà người chơi có thể điều khiển. Tất nhiên, fan vô cùng phẫn nộ về sự thay đổi này.

Nhiều trang đã phê bình Special Forces có gameplay cồng kềnh, đồ họa xấu tệ, và trải nghiệm của nó chả giống một tựa game Mortal Kombat một chút nào, đẩy nguyên series này xuống vực thẳm luôn. Việc Special Forces thất bại thảm hại đã khiến Midway Games phải suy nghĩ lại, tìm hiểu xem fan yêu thích Mortal Kombat là vì cái gì, để rồi có một cú lội ngược dòng ngoạn mục với Mortal Kombat: Deadly Alliance vào năm (2002).

Deadly Alliance được nhiều người công nhận là phần game hay nhất của series trong khoảng 10 năm, và trở thành bệ phóng vững chắc cho những phần sau này. Tất nhiên công thức của Mortal Kombat có được “xào nấu” chút đỉnh trong thời gian sau này dưới sự dẫn dắt của NetherRealm Studios, nhưng nó không hề từ bỏ gốc rễ của mình như Special Forces đã từng. Tựa game thảm họa đó đã cho nhà phát triển thấy rằng game thủ không muốn tựa game mà mình yêu thích bị thay đổi quá nhiều, nhất là phần gameplay.

Devil May Cry 2

Devil May Cry 2 là một trong những nỗi thất vọng ê chề nhất trong làng game từ trước đến nay. Cả fan lẫn nhà phê bình đều nhận xét rằng game bỗng dưng thành game cho… con nít vì độ khó đã bị hạ xuống so với phiên bản tiền nhiệm, cơ chế combat và màn đầu trùm cũng khá là “ngu học”, môi trường trong game thì nhạt nhẽo, và Dante thì lại trở thành một người cam chịu, chả giống gì so với phần đầu. Và chính vì cộng đồng fan phẫn nộ như thế mà Capcom đã có cơ hội hiểu được rằng giá trị của series Devil May Cry là nằm ở đâu.

Điều này đã dẫn đến sự ra đời của Devil May Cry 3 khắc phục mọi sai lầm của phần 2, nhất là cái vụ độ khó kia, và nhờ đó mà nó đã trở thành một trong những phần Devil May Cry được game thủ yêu thích nhất. Bản Devil May Cry reboot hồi năm 2013 tuy có làm fan thất vọng đôi chút nhưng cái chính là nó vẫn giữ được yếu tố combat dồn dập, các đòn combo đã tay đẹp mắt của những phần trước. Và đến Devil May Cry 5 (2019) thì game thủ đã rất vui mừng vì cuối cùng series này cũng đi về đúng quỹ đạo của nó.

Sonic Boom: Rise Of Lyric

Mặc dù Sonic the Hedgehog là một nhân vật hư cấu nổi tiếng nhưng chất lượng của những tựa game Sonic thì phải nói là chẳng đồng đều chút nào, nhất là đối với những phần game 3D trong những năm gần đây. Lần mà chú nhím xanh này chạm đáy là với tựa game Sonic Boom: Rise of Lyric được phát hành độc quyền trên hệ máy Wii U vào năm 2014. Phần này vì game thủ phỉ báng vì có cơ chế combat rất nghèo nàn, các câu đố thì tẻ nhạt, góc quay camera thì tệ hơn cả vợ thằng Đậu, đó là chưa muốn nói đến khâu thiết kế màn chơi nhìn vô cùng chán đời đấy nhé.

Thậm chí, nó còn khiến cho game thủ cảm thấy phần Sonic the Hedgehog (2006) còn tốt hơn nhiều, dù đây cũng là một trong những màn té dập mặt của chú nhím xanh Sonic. Do đó, Sega đã phải xuống nước và cho phép một nhóm fan và modder tạo ra phần tiếp theo của series mang tên Sonic Mania (2018). Và đây cũng chính là tựa game Sonic được nhận nhiều lời khen ngợi nhất trong gần 20 năm nay, và tất nhiên doanh thu của nó cũng cao ngút trời luôn nhé. Mặc dù vẫn chưa có phần tiếp theo nhưng đây cũng là bài học nhắc nhở rằng nếu một tựa game được phát triển bởi những người có đam mê thì chất lượng của nó sẽ không làm bạn thất vọng.

Call Of Duty: Infinite Warfare

Khi Call of Duty: Infinite Warfare mở bán vào năm 2016 thì chúng ta đều có thể thấy rõ dòng game FPS nổi tiếng này đang lâm vào thời kì cạn kiệt ý tưởng và không biết được giá trị cốt lõi của mình nằm ở đâu. Hai phần trước, Advanced Warfare và Black Ops III, nhận được nhiều ý kiến đối nghịch nhau, và nhiều game thủ cho rằng việc tập trung quá nhiều vào bối cảnh tương lai đã khiến series này “đi xa quá”, và đến phần Infinite Warfare thì mọi chuyện bị đẩy lên tới đỉnh điểm.

Mặc dù đồ họa trong game rất là hoành tráng, phần chơi chiến dịch của Infinite Warfare lại rất là lố bịch và tẻ nhạt, còn phần chơi mạng (multiplayer) thì bêu xấu vì có tiết tấu không đồng nhất và thêm vào đó là cơ chế hòm vật phẩm (loot box) hút máu game thủ. Đã thế, Activision còn bị fan chỉ trích nặng nề vì chỉ bán Call of Duty 4: Modern Warfare Remastered kèm theo những phiên bản Infinite Warfare đặc biệt chứ không bán lẻ.

Doanh thu quá thảm hại đã khiến Activision thừa nhận rằng Infinite Warfare không phải là tựa game mà fan đã từng mong đợi, và mọi chuyện bắt đầu khởi sắc từ đây. Phần tiếp sau đó, Call of Duty: WWII, đã quay về đúng với giá trị cốt lõi của series, chân chạy trên mặt đất chứ không còn chạy tường bật cao như những phần trước nữa. Đến phần Black Ops 4 thì bổ sung chế độ battle royale Blackout khá là hot vào thời điểm đó. Và phần Modern Warfare reboot mới đây thì vừa có cốt truyện đậm chất điện ảnh, vừa có chế độ chơi mạng 32vs32 với bản đồ rộng lớn như trong series Battlefield – một điều mà trước đây chưa từng xuất hiện đối với dòng game này.

Mặc dù không phải phần Call of Duty mới nào cũng thỏa mãn được tất cả game thủ, nhưng một điều đáng mừng là mỗi game đều mang một màu sắc, một nét riêng chứ không phải là cứ copy & paste đề tài bắn súng tương lai hết phần này sang phần nọ.

Dragon Age II

Dragon Age: Origins (2009) là một tựa game thành công vang dội trên cả 2 mặt trận: doanh số và phản hồi từ cộng đồng gaming. Nhưng đến Dragon Age II thì chất lượng của nó lại giảm sút rõ rệt, khiến fan có cảm giác như là game đã ra mắt quá vội vàng để “hút máu” game thủ. Thật vậy, EA chỉ cho BioWare vỏn vẹn khoảng 16 tháng để hoàn thành game này, do đó nhân viên phải làm việc thâu đêm suốt sáng và phải tái sử dụng một số thứ của phần trước.

Fan đã tỏ ra rất chán nản với phong cách đồ họa mới, nhân vật thì thiếu chiều sâu, game thì lại tập trung quá nhiều vào yếu tố combat, cốt truyện thì mờ nhạt, và nhìn chung thì quy mô của nó không bằng phiên bản đầu tiên. May mắn thay, sau đó BioWare đã có gần 4 năm để phát hành phần 3 mang tên Dragon Age: Inquisition. Kết quả là Inquisition là sự dung hợp hài hòa giữ những gì mà game thủ yêu thích trong phần đầu tiên với những thứ tốt đẹp (còn sót lại) trong phần 2, nâng tầm series này lên một bậc và tất nhiên là game được phát hành trong tình trạng hoàn thành xong xuôi, mọi thứ đều đã sẵn sàng. Giới phê bình đáng giá rất cao Inquisition, và nó thậm chí còn thắng giải Game of the Year tại sự kiện Game Awards hồi năm 2014.

Doom 3

Nói một cách chính xác thì Doom 3 không phải là một tựa game tệ, nó chỉ là một tựa game Doom tệ mà thôi. Doom 3 ra mắt vào năm 2004 và mục đích của nó như là để reboot lại dòng game này, thay vì giữ lại những yếu tố hardcore, bắn súng nhịp độ nhanh trứ danh của dòng game Doom thì nó lại chuyển sang một tiết tấu chậm hơn, tập trung vào yếu tố sinh tồn – kinh dị. Yếu tố sinh tồn trong game còn được nhấn mạnh đến mức bạn chỉ được quyền chọn hoặc là cầm đèn rọi hoặc là cầm súng mà thôi (cho đến khi phiên bản BFG Edition chỉnh lại cơ chế này). Như một lẽ thường tình, fan cảm thấy vô cùng bực tức.

Mặc dù đồ họa trong Doom 3 phải nói là rất ấn tượng và bầu không khí trong game rất chân thực, nó nhanh chóng rơi vào tình trạng lặp đi lặp lại và game thủ chỉ có cảm giác là chơi để hoàn thành nhiệm vụ được giao thôi chứ cũng chả cảm thấy hứng thú gì với nó cả. Việc loại bỏ các yếu tố thú vị ra khỏi game, thay vào đó là gameplay rùng rợn một cách nghiêm túc, cộng với các màn chơi vừa tù túng vừa thiếu sáng tạo đã khiến hầu hết fan quay lưng ngoảnh mặt với tựa game này.

Mặt khác, Doom 3 vẫn bán khá là chạy, đủ để cho iD Software ra mắt hậu bản chỉ trong vòng 1-2 năm sau đó, nhưng họ đã quyết định ngồi xuống lắng nghe tâm tư nguyện vọng của game thủ, sau đó họ còn thẳng tay xóa bỏ hết những ý tưởng đã có sẵn cho Doom 4 dù đã nung nấu được 6 năm trời và qua nhiều giai đoạn cải thiện khác nhau, làm lại phần 4 từ đầu luôn. Với “bước đệm” của Doom 3, iD Software đã trở lại với phiên bản Doom reboot vào năm 2016, và lần này họ đã bám sát với yếu tố cốt lõi của series Doom. Kết quả là fan đã tỏ ra rất thích thú và đây có thể nói là một trong những bản hay nhất của dòng game này. Một điều tuyệt vời hơn nữa là họ đã thừa thắng xông lên với Doom Eternal (2020), giành được rất nhiều lời khen ngợi và đứng đầu bảng xếp hạng Steam với hơn 700.000 bản chỉ sau 1 tuần mở bán.

Resident Evil 6

Vào lúc Resident Evil 6 ra mắt thì series này đang đi xa dần so với quỹ đạo của nó, và đỉnh điểm là phần 6 này khi rũ bỏ hình tượng game sinh tồn kinh dị mà thay vào đó là các yếu tố y hệt như trong phim của đạo diễn Michael Bay, đã thế game còn dài lê thê lướt thướt và 4 phần chơi chiến dịch của 4 nhân vật trong game có chất lượng không đồng đều một chút nào.

Thay vì giữ lại những yếu tố hồi hộp nghẹt thở, căng thẳng tột độ thì Resident Evil 6 lại lấp vào những khoảng trống đó những đoạn hành động rỗng tuếch, chả có tí gì gọi là căng não hay khiến tim đập thình thịch cả. Mặc dù game vẫn thành công về mặt doanh thu nhưng hoan nghênh một điều là Capcom vẫn biết cách lắng nghe ý kiến của những game thủ gạo cội. Và thế là ý tưởng ban đầu của Resident Evil 7, tập trung vào yếu tố gameplay hành động đã bị gạt bỏ, thay vào đó là một phần 7 tập trung vào yếu tố sinh tồn – kinh dị góc nhìn thứ nhất và hỗ trợ cả kính VR trên nền tảng PS4.

Resident Evil 7 nhanh chóng nhận được vô số lời tán dương, cảm ơn Capcom vì cuối cùng cũng đưa series này về lại thời hoàng kim của nó. Trong lúc chờ đợi phần 8 ra mắt thì có nhiều nguồn tin cho rằng nó sẽ nối gót Resident Evil 7, và bên cạnh đó thì chúng ta cũng có những phần Resident Evil 2 Remake và Resident Evil 3 Remake rất đáng để chơi thử. Có thể nói cái tên Resident Evil chưa bao giờ vững vàng như những năm gần đây, và tất cả là nhờ Resident Evil 6.

Final Fantasy XIII

Đây có thể nói là một trong những game Final Fantasy gây ra nhiều tranh cãi nhất từ trước đến nay. Công nhận là nó có đồ họa đẹp thật nhưng Final Fantasy XIII bị nhiều fan chỉ trích vì có lối chơi tuyến tính, phần lớn ép buộc người chơi phải đi theo đúng 1 con đường được chỉ định sẵn chứ không thể nào “rẽ lối đi riêng” được. Đã thế, cả cốt truyện và nhân vật đều không để lại bất kì ấn tượng nào trong tâm trí người chơi, nhất là khi so sánh với những tựa game Final Fantasy trước đây.

Cái chất của Final Fantasy không xuất hiện trong phần này. Kết quả là “nước sơn” thì vô cùng tốt nhưng phần “gỗ” thì lại rất tệ, khiến fan vô cùng uất ức. May mắn thay, khi Final Fantasy XV ra mắt vào năm 2016 thì nó đã giải quyết được những vấn đề trên: thế giới trong game vô cùng rộng rãi và tráng lệ, bộ tứ nhân vật chính với tính cách được khắc họa vô cùng rõ nét và ấn tượng, và quan trọng nhất là cốt truyện của phần này rất cuốn hút và hấp dẫn (dù có rối rắm đôi chút).

Final Fantasy XV vẫn có những nhược điểm của nó chứ không phải là không, như Chương 13 oan nghiệt chẳng hạn, nhưng nhìn chung thì nó cho thấy đây là một tựa game được đầu tư kỹ lưỡng và Square Enix biết cách tiếp thu những góp ý của người chơi về Final Fantasy XIII và cải thiện nó trong phần XV. Với Final Fantasy VII Remake đang làm mưa làm gió và Final Fantasy XVI ắt hẳn đang trong quá trình phát triển, có thể nói dòng game nhập vai huyền thoại này đã vượt qua được giai đoạn chông gai và đang bước trên con đường vinh quang mà nó đã từng đi.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360