Trong thập kỷ vừa qua, bên cạnh những phát minh công nghệ mang tính đột phá như CPU AMD Ryzen, USB-C, GPU NVIDIA Pascal, Dell XPS, Apple iPad, thì chúng ta cũng không thiếu những sản phẩm công nghệ fail toàn tập.
Sau đây là danh sách 10 sản phẩm công nghệ tệ nhất trong thập kỷ qua.
AMD Bulldozer
AMD Bulldozer ra mắt vào năm 2011 và bị nhiều người đánh giá là có hiệu năng rất tệ. Trong khi đó Intel đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường mobile (di động), desktop, máy chủ với Sandy Bridge hiệu năng vượt trội hơn hẳn so với Bulldozer. Dòng CPU này của AMD đã khiến desktop PC dậm chân tại chỗ ở con số 4 nhân trong 6 năm liền, cho đến khi AMD ra mắt Ryzen (Zen) vào năm 2017.
Cách đặt tên của USB 3.0
Khi USB 3.0 xuất hiện thì mọi người đều rất vui mừng vì tốc độ truyền dữ liệu giờ đây đã được cải thiện từ 480Mbps của USB 2.0 lên mức 5Gbps, và sau đó là USB 3.1 ra đời với tốc độ 10 Gbps khiến nhà nhà lại càng vui. Tuy nhiên, đến phần đặt tên thì nó lại muốn làm người dùng nổi máu vì quá rối rắm. Nào là USB 3.1 Gen1, USB 3.1 Gen2, rồi lại đến USB 3.2 Gen2 và mới đây nhất là USB 3.2 Gen2x2 nữa. Nếu bạn nào thấy rối quá thì mình có viết một bài gỡ rối tại đây nhé.
Overpowered Gaming Desktop (2019)
Đây là một sản phẩm của hãng bán lẽ nổi tiếng tại Mỹ tên là Walmart. Về mặt ý tưởng thì không sao, nhưng cách thực hiện thì nó quá là sai trái luôn. Mặc dù có tên là Overpowered nhưng Walmart lại sử dụng nguồn PSU kém chất lượng, đi dây rất rườm rà, lưới lọc bụi dỏm, và nhất là nó nhìn rất xấu. Thậm chí Walmart còn dùng súng bắn keo để cố định một số bộ phận trong máy. Hết nói nổi!
Samsung Galaxy Note 7 (2016)
Lúc mới ra mắt thì nó đã giành được thiện cảm của rất nhiều người nhờ vào vẻ bề ngoài mỹ miều, bút S pen đa dụng, và pin trâu. Tuy nhiên, có một vấn đề “nho nhỏ” là nó hay bị… phát nổ. Sau khi Samsung đổi lại bằng điện thoại mới thì nó cũng phát nổ luôn. Vấn đề là do pin bị lỗi, và Samsung đã phải thu hồi tất cả Galaxy Note 7 bằng cách gửi hộp chống cháy đến người dùng. Thậm chí, trong nhiều năm sau đó thì các hãng bay đã cấm hành khách đem theo smartphone này.
Ouya (2013)
Đây là một dự án quyên góp vốn Kickstarter, và là chiếc máy console được thiết kế dựa trên nền tảng Android, và nó fail toàn tập khi xuất hiện ngoài đời thực. Tay cầm thì tệ, lại còn bị vướng nhiều lỗi, kho game hỗ trợ cũng chả được bao nhiêu, và quan trọng nhất là Android ngay từ ban đầu đã không phù hợp để làm nền tảng cho console. Bây giờ thì Ouya chẳng khác gì một cục chặn giấy đắt tiền.
Steam Machines (2015)
Đã có rất nhiều ý tưởng biến gaming PC thành một chiếc console phòng khách, nhưng Steam Machines của Valve lại không được may mắn cho lắm. Hệ điều hành SteamOS (xây dựng trên nền tảng Linux) của máy không được tối ưu tốt cho lắm nên thậm chí nhiều nơi đã chuyển sang xài Windows. Còn bản thân chiếc máy thì sau 7 tháng chỉ bán được 500.000 chiếc, một phần vì nhiều game AAA không tương thích với Linux. Tay cầm Steam controller thì sống lâu hơn một chút, nhưng đến đầu tháng 12/2019 thì cũng bị Steam khai tử luôn.
Magic Leap (2018)
Khi mới ra mắt, chiếc kính này có một mức giá không tưởng là 2295USD (khoảng 53.200.000VNĐ) và thậm chí còn không bán tại thị trường nước Mỹ. Nó mắc hon nhiều so với các headset VR trên thị trường và chủ yếu hướng đến đối tượng là doanh nghiệp và nhà phát triển, còn phiên bản dành cho người dùng cuối thì vẫn chưa thấy đâu.
SATA Express (2014)
Được tạo ra với mục đích vượt qua giới hạn của cổng SATA bằng cách gộp nó chung với băng thông của 2 làn PCIe. Vấn đề ở đây là chả có công ty nào sản xuất ổ cứng sử dụng chuẩn SATA Express dành cho phân khúc người dùng phổ thông, mặc dù trên các bo mạch chủ ở phân khúc này vẫn được tích hợp cổng SATA Express. Một điểm sáng của cổng này đó là nó cho phép bạn cắm dây SATA vào xài như bình thường, và chỉ có vậy thôi.
Apple Butterfly Keyboard (2015)
Đây là một bước đi thụt lùi vĩ đại nhất của Apple trong thập kỷ vừa qua. Ra mắt lần đầu trên chiếc MacBook 2015, bàn phím cánh bướm này đã nhanh chóng khiến người dùng ghét cay ghét đắng vì những lỗi như nút không hoạt động, lỗi double-typing (nhấn 1 thành 2), và những lỗi khác được cho là do bị vướng bụi và do switch quá mỏng. Sau 3 đời thì bàn phím có êm hơn và phản hồi xúc giác tốt hơn, nhưng nó vẫn bị lỗi y như đời đầu. Hoan hô Apple!
Windows RT/Windows on ARM (2012/2017)
Lý dó chính khiến tablet Surface không đạt được doanh số như kỳ vọng là do hệ điều hành này. Windows RT được thiết kế dành cho kiến trúc tập lệnh ARM chứ không phải là x86, vì thế nên hầu hết phần mềm Windows đều không chạy được tên chiếc hệ điều hành này. Và Microsoft cũng không thể thuyết phục đủ nhà phát triển tạo ra nhiều phần mềm cho Windows RT.
Với sự trợ giúp từ Qualcomm, trong năm 2017 Microsoft đã giới thiệu thiết bị mới chạy chip Snapdragon cùng với hệ điều hành Windows on ARM. Lần này thì nó có hỗ trợ phần mềm x86, nhưng mà là trong môi trường… giả lập. Hiện tại thì chưa ai có thể đưa ra kết luận xác đáng về Windows on ARM, nhưng trước mắt thì kho ứng dụng ARM vẫn rất nghèo nàn, và phần mềm x86 chạy trong môi trường giả lập thì thường hay bị lag. Nền tảng này vẫn đang được hoàn thiện dần, và hi vọng rằng trong tương lai sẽ có những cải thiện đáng kể, giúp nó trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng.
Nguồn: tom’s HARDWARE