Mời các bạn cùng xem qua top 10 phát minh vĩ đại nhất được sáng tạo bởi phụ nữ nhé.

Có thể nhiều bạn chưa biết, nhưng có kha khá phát minh mà chúng ta sử dụng ngày nay là được tạo ra bởi phụ nữ đó nha. Họ không chỉ là những người tiên phong, bứt phá giới hạn để sáng tạo ra những thứ góp phần làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, mà còn là những tượng đài, những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Mời các bạn cùng GVN 360 nhìn lại top 10 phát minh vĩ đại nhất được sáng tạo bởi phụ nữ nhé.

Grace Murray Hopper – Ngôn ngữ lập trình Cobol

Vào những năm 1950, máy tính bắt đầu được ứng dụng trong quân sự, nhưng vấn đề là có rất nhiều mẫu không tương thích với nhau do chúng hoạt động bằng những ngôn ngữ lập trình khác nhau.

Hopper là một sinh viên tốt nghiệp trường Yale và là một nhà toán học kỳ cựu, đồng thời những đóng góp của bà cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thời kỳ sơ khai của máy tính. Vào năm 1955, bà đã tạo ra một trong những trình biên dịch (compiler) đầu tiên. Trình biên dịch là một công cụ giúp chuyển đổi những từ tiếng Anh sang ngôn ngữ máy để hệ thống có thể hiểu được.

Khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ biết về nghiên cứu của bà thì họ đã thành lập một đội với mục đích tạo ra Common Business-Oriented Language, hay còn gọi là COBOL language. COBOL được xây dựng hầu hết là dựa trên những ý tưởng của Grace Hopper, và cho đến tận ngày nay thì nó vẫn cực kỳ phổ biến.

Stephanie Kwolek – Kevlar

Vào năm 1960, công ty hóa chất DuPont bắt đầu tìm một loại vật liệu mới nhẹ hơn thép để gia cố cho bánh xe hơi. Bà Kwolek bắt đầu làm việc với một đội tại DuPont, thử nghiệm trên các nhóm chuỗi phân tử với cấu trúc cứng cáp, gọi là aromatic polyimides.

Trong một số điều kiện nhất định, bà phát hiện những polyimides này hình thành nên những pha lê dạng lỏng trong dung dịch. Trong khi hầu hết dung dịch polymer đều đặc quánh, dung dịch mà bà đang nghiên cứu lại lỏng le và có màu đục. Khi đưa chất lỏng này qua ống quay thì các sợi được tạo ra có đặc tính cứng hơn và khỏe hơn so với bất kỳ chất liệu mà nhóm nghiên cứu từng biết đến. Sau quá trình thử nghiệm thì sợi này chống được nửa, ít bị hao mòn, và cứng hơn thép gần gấp 5 lần.

Đây chính là Kevlar mà ngày nay chúng ta vẫn đang sử dụng đó các bạn. Vào năm 1971, DuPont đăng ký bản quyền và bắt đầu nghiên cứu những ứng dụng khác của nó. Và thế là họ đã tìm được hàng trăm ứng dụng khác nhau: từ gia cố giày cho đến xây cầu đều có đủ hết. DuPont đã thu về hàng tỷ USD nhờ phát minh của Kwolek.

DuPont Kevlar Survivors Club được thành lập vào năm 1987 bởi các cảnh sát viên là bằng chứng cho thấy phát minh của Kwolek đã cứu sống rất nhiều người. Sau khi nghỉ hưu, Kwolek tiếp tục làm việc trong phòng thí nghiệm tại nhà và qua đời vào năm 2014.

Margaret Knight – Máy làm túi giấy

Margaret Knight có đến trường đi học nhưng sau đó bà đã phải nghỉ sớm để làm việc tại một nhà máy sợi (cotton mill). Có một điều bất ngờ là bà bắt đầu sự nghiệp phát minh của mình khi mới 12 tuổi thôi các bạn ạ. Lúc đó, bà đã chứng kiến một sự cố tại nhà máy khi có một công nhân bị một mảnh máy móc từ khung dệt đâm trúng. Thế là Knight đã phát minh ra một thiết bị an toàn mà sau này các nhà máy sợi khác trong khu vực cũng bắt đầu sử dụng.

Mặc dù vấn đề về sức khỏe khiến bà không thể tiếp tục làm việc lại nhà máy sợi, khi Knight chuyển đến Massachusetts vào năm 1867, bà lại được công ty Columbia Paper Bag Company chiêu mộ.

Trong năm tiếp theo, bà đã phát minh ra thiết bị giúp gấp và dán giấy để tạo thành một chiếc túi màu nâu có phần đáy hình vuông, các cạnh bên hông thì được gấp nếp. Dù phát minh của bà bị đánh cắp nhưng Knight đã tìm cách đâm đơn kiện và giành lại được bằng sáng chế về mình vào năm 1871.

Cùng với một người đối tác làm ăn khác, Knight đã thành lập công ty riêng của bà với tên gọi Eastern Paper Bag Co. và tiếp tục phát minh ra nhiều thứ khác trước khi qua đời vào năm 1914.

Mary Anderson – Cần gạt cho xe ôtô

Mary Anderson là một nhà phát triển bất động sản và chủ trang trại. Vào một ngày ngồi trên chiếc xe đẩy trên đường phố New York, Anderson để ý thấy một người lái xe ôtô đang gặp khó khăn do mưa tuyết bám chặt vào kính chắn gió đến mức anh ta phải mở cửa sổ để lái xe.

Thế là bà đã thuê một nhà thiết kế và yêu cầu một công ty địa phương sản xuất một thiết bị hoạt động bằng tay. Đây là một cái đòn bẩy bên trong xe có chức năng điều khiển một lưỡi cao su có lò xo đối trọng ở bên ngoài kính chắn gió, giúp nó di chuyển qua lại. Trước đó đã từng có những thiết bị tương tự như vậy rồi, nhưng phiên bản của Anderson mới là cái cần gạt hữu dụng đầu tiên cho xe ôtô. Bà được cấp bằng sáng chế 17 năm cho phát minh của mình vào năm 1905.

Barbara S. Askins – Phóng xạ tự chụp

Barbara S. Askins bắt đầu sự nghiệp của mình sau khi lập gia đình. Sau khi lấy bằng thạc sĩ khoa học tại Đại học Alabama, Askins được NASA chiêu mộ và bắt đầu tìm cách giúp cải thiện chất lượng âm bản của những bức ảnh thiếu sáng bằng cách dùng phóng xạ.

Kết quả là một bức hình gọi là autoradiograph (phóng xạ tự chụp) với mật độ và độ tương phản được cải thiện rõ rệt, từ đó cho phép người xem thấy được những vị trí bị thiếu sáng mà trước đó không thể thấy được.

Phát minh của Askins còn là một bước tiến lớn trong y học vì nó đã giúp những tấm hình chụp X-ray nhìn rõ hơn. Ngoài ra nó còn giúp các nhà thiên văn học tận dụng được các hình ảnh không gian chụp bị thiếu sáng.

Askins đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm cả giải National Inventor of the Year Award vào năm 1978. Ngoài việc giúp cứu sống hàng triệu người, bà còn giúp các nhà khoa học có thể thấy được những bức hình chụp rõ nét về Sao Hỏa và Sao Kim vào những năm 70.

Marion Donovan – Tã dùng một lần

Marion O’Brien Donovan từng là biên tập viên tạp chí Harper’s Bazaar và Vogue, và bà cũng là một nhà phát minh nữa đó nha. Sau khi cô con gái chào đời, bà nhận ra rằng tã vải có nhiều vấn đề, đặc biệt là nó có thể là hỏng cả một mẻ giặt.

Bằng cách dùng rèm tắm và máy may, bà đã tạo ra một tấm bọc chống nước cho tã dùng một lần đầu tiên. Nó không chỉ giúp ngăn ngừa nứt nẻ và phát ban tốt hơn mà còn loại bỏ được mối lo ngại so với tã vải lúc đem đi giặt.

Sau khi có được một số bằng sáng chế cho phát minh của mình, bà đã tìm cách bán nó cho các công ty khác trên thị trường. Khi việc này thất bại, bà đã mở một cửa hàng tại Fifth Avenue ở New York để tự quảng bá cho tã của mình. Đến năm 1951 thì phát minh của bà đã được mua với giá 1 triệu USD.

Temple Grandin — Hug Box

Temple Grandin là một trong những người đầu tiên trong phổ tự kỷ (autistic spectrum) chia sẻ công khai kinh nghiệm cá nhân của mình về chứng tự kỷ, nhưng phải đến độ tuổi 64 thì bà mới chính thức được chẩn đoán là mắc chứng tự kỷ.

Người mắc chứng tự kỷ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn khác nhau, nhưng đồng thời chứng tự kỷ cũng đã giúp Grandin đạt được thành công vang dội với “hug box” – một thiết bị dùng để trấn an những ai trong phổ tự kỷ. Grandin gọi đây là “squeeze machine” và nó được sử dụng rộng rãi tại nhiều phòng khám trên thế giới.

Sau khi tốt nghiệp trường Mountain Country vào năm 1966, Grandin đã nghiên cứu tâm lý con người và khoa học động vật, sau đó tiếp tục cải tổ toàn bộ hệ thống nông nghiệp của Hoa Kỳ. Bà đã tạo ra thiết bị xử lý động vật và hình thành các phương pháp giết mổ ít đau đớn hơn cho các động vật ở nông trại, từ đó khiến các lò mổ ngày nay trở nên nhân đạo hơn nhiều.

Những đóng góp của bà trong việc nâng cao hiểu biết về tâm thần và chứng tự kỷ đã giúp hàng triệu người hiểu rõ hơn về chứng tự kỷ. Năm 2010, Time 100 đã liệt kê bà vào danh sách “Heroes”.

Sally Fox — Thuốc nhuộm hữu cơ

Sally Fox đã cách mạng hóa ngành công nghiệp dệt may thế giới vào cuối những năm 1980. Sau khi đọc Silent Spring – một bài thuyết minh về tác hại của thuốc trừ sâu – Fox lúc này chỉ mới 12 tuổi nhưng đã quyết tâm cống hiến hết mình để giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu. Vào năm 1982, bà làm việc cho một nhà trồng bông gòn ở California.

Trong lúc tìm cách phát triển các loại cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, bà tình cờ phát hiện ra một túi hạt bông gòn màu nâu. Sau đó, bà phát hiện ra một số cây mọc từ hạt thụ phấn chéo (cross-pollinated) bắt đầu tạo ra bông gòn màu xanh lá cây. Thế là bà bắt đầu trồng một số giống bông gòn màu nâu và xanh lá cây, và chọn những hạt dài nhất để trồng lại mỗi năm.

Sau khi tổng hợp các kết quả, Fox bắt đầu có được bông có màu tự nhiên 100% mà không cần phải nhuộm bằng hóa chất. Nhờ vào thành tựu nông nghiệp của bà mà ngày nay, chúng ta có thể sản xuất quần áo cotton với hầu hết đủ mọi màu sắc một cách hoàn toàn tự nhiên.

Mary Phelps Jacob — Áo ngực hiện đại

Mary Phelps Jacob (hay còn được gọi là Mrs. Caresse Crosby) là một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, biên tập viên, nhà văn, và đặc biệt bà là người đã phát minh ra áo ngực mà các chị em phụ nữ vẫn đang mặc ngày nay.

Ở tuổi 19, Jacob tham dự một vũ hội nhưng phát hiện ra rằng phần cổ của chiếc váy mà mình chuẩn bị mặc sẽ để khiến cho chiếc áo nịt ngực (corset) bị lộ ra bên ngoài khá nhiều. Chỉ với hai chiếc khăn tay, một cây kim, một vài sợi chỉ và một vài chiếc ghim, bà đã may được một chiếc “áo ngực” để “chữa cháy”.

Những người phụ nữ tại buổi khiêu vũ đều ghen tị với Jacob vì bà có thể tự do di chuyển một cách thoải mái (vì thời điểm đó ai ai cũng mặc corset) và hỏi bà rằng họ có thể mua 1 cái giống vậy ở đâu. Ngay lập tức, bà chớp lấy cơ hội kinh doanh này và được cấp bằng sáng chế vào năm 1914. Sau này, bà đã bán bằng sáng chế chiếc áo lót cho một công ty ở Connecticut với giá 1500 USD, tương đương khoảng 22.000 USD ngày nay.

Hedy Lamarr – Giao tiếp không dây

Hedy Lamarr được biết đến nhiều thông qua các vai diễn trong những bộ phim như “Algiers” hay “Sampson and Delilah” vào thập niên 40, ít ai biết được rằng bà còn là một nhà phát minh.

Lamarr thường đi cùng chồng – một nhà sản xuất đạn dược giàu có của Áo – để dự các cuộc họp kinh doanh với các nhà khoa học và các chuyên gia khác trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Đây cũng là lúc bà bắt đầu bước chân vào mảng khoa học ứng dụng và nuôi dưỡng đam mê kể từ đó.

Mặc dù đang là diễn viên, Lamarr vẫn sử dụng thời gian rảnh của mình để mày mò và sáng chế. Trong Thế chiến II, Lamarr biết rằng ngư lôi điều khiển bằng sóng vô tuyến có thể dễ dàng bị gây nhiễu và làm chệch hướng. Thế là bà đã nghĩ ra một loại tín hiệu nhảy tần (frequency-hopping) không thể theo dõi và không thể bị nhiễu có thể giúp ích trong chuyện này.

Cùng với người bạn George Antheil (là một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm), Lamarr đã phát triển một thiết bị giúp đồng bộ cơ chế máy chơi đàn piano thu nhỏ với tín hiệu radio. Mặc dù phương pháp này ban đầu chỉ được dùng trong quân sự, tín hiệu nhảy tần (được cấp bằng sáng chế bởi Lamarr và Antheil) lại được ứng dụng rất nhiều vào cuộc sống ngày nay. WiFi, Bluetooth, GPS, tất cả đều nhờ Lamarr mà ra đó.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Business Insider


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360