ASUS luôn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu dành cho anh em dân công nghệ, và màn hình là một trong những mảng nổi bật nhất của họ. Những chiếc màn hình ASUS lúc nào cũng thể hiện được sự thấu hiểu người dùng của một hãng công nghệ hàng đầu qua cái cách mà họ tạo ra sản phẩm của mình. Nếu anh em là một fan của ASUS hay chỉ đơn giản là đang tìm kiếm một chiếc màn hình tốt cho mình thì cũng đường quên ghé qua cái list này, biết đâu anh em sẽ rước về được 1 con màn ưng ý đấy. Mình sẽ liệt kê ra 7 mẫu màn hình gaming, 1 mẫu đa dụng và 2 mẫu chuyên đồ họa. Anh em tham khảo nhé.
*Link tham khảo mình đã đính vào mỗi đầu mục rồi nha
Màn hình Gaming
TUF VG249Q – Tiêu chuẩn eSport với mức đầu tư hợp lý (giá tham khảo: 6 triệu 2)
- Kích thước tấm nền: 24inch
- Công nghệ tấm nền: IPS
- Độ cong: Không
- Độ phân giải: 1920×1080
- Tần số quét tối đa: 144Hz
- Tốc độ phản hồi: 1ms MPRT
- Độ sáng: 250nit
- Độ phủ màu: 72% NTSC
- Chuẩn HDR: Không
- Công nghệ chống xé hình: FreeSync
Để mà nói về con màn này thì thật sự mình cũng không có nhiều ý lắm, chỉ đơn giản là nó quá tiêu chuẩn cho eSport luôn rồi nên không còn cái gì cần phải bàn cãi nữa. Kích thước tấm nền 24inch không to không nhỏ, vừa đủ để tập trung tối đa. Tần số quét 144Hz giúp anh em theo dõi các chuyển động trong game tốt hơn, mượt mà hơn, liền lạc hơn. Tốc độ phản hồi cũng vừa đủ để hạn chế tối thiểu hiện tượng bóng ma.
Nói chung là nếu muốn đầu tư một con màn với giá thành hợp lý để tryhard game eSport thì đây sẽ là một trong những sự lựa chọn hàng đầu mà anh em nên hướng tới. Còn một điểm sáng nữa mà chúng ta có thể nói đến là con màn này nó dùng tấm nền IPS cho góc nhìn rất thoải mái và rất ít bị biến màu theo góc nhìn. Độ phủ màu 72% NTSC cũng khá ổn cho anh em xem phim, mlem ảnh gái các kiểu. Do nó còn xoay dọc được nên sẽ rất tối ưu cho mấy bác nào thích đọc hent**.
TUF VG259QM – Dành cho mấy bác vừa thích tryhard vừa thích xem phim (giá tham khảo: 9 triệu rưỡi)
- Kích thước tấm nền: 24.5inch
- Công nghệ tấm nền: IPS
- Độ cong: Không
- Độ phân giải: 1920×1080
- Tần số quét tối đa: IPS 280Hz
- Tốc độ phản hồi: 1ms GtG
- Độ sáng: 400nit
- Độ phủ màu: 99% sRGB, 72% NTSC
- Chuẩn HDR: HDR 400
- Công nghệ chống xé hình: G-Sync Compatible, FreeSync
Một con màn dành cho mấy bác vừa thực dụng vừa khó ăn ở. Anh em có thể xem con màn này là một minh chứng cho cái sự thích chơi trội và thích đi trước thời đại của mấy ông Asus, màn hình chuyên dụng cho tuyển thủ mà chất lượng hình ảnh thì đạt chuẩn HDR 400 của VESA đấy anh em ạ. Mình sẽ sẽ chia phần miêu tả em nó ra làm 2 phần là tối ưu cho game và chất lượng hình ảnh rồi phân tích từng phần cho anh em nghe.
Đầu tiên chúng ta hãy nói về việc tối ưu cho game trước đi. Ngày xửa ngày xưa cách đây tầm 1-2 năm thì màn hình 240Hz đã là khét lắm rồi, tấm nền IPS 240Hz lại càng hiếm hơn (do IPS khó làm tần số quét và tốc độ phản hồi cao). Thế mà con này chơi đến tận 280Hz trên tấm nền IPS anh em ạ. Tốc độ phản hồi 1ms GtG ngang với mấy con màn TN mới ghê chứ. Con này cũng tích hợp các công nghệ chống xé hình như G-Sync Compatible và FreeSync, giúp anh em có trải nghiệm trọn vẹn trong từng khung ảnh. Nói chung nó chắc chắn sẽ là bảo bối cho mọi game thủ eSport, đặc biệt là mấy ông chơi FPS.
Về phần hình ảnh thì màn hình gaming mấy năm gần đây đang có chiều hướng cải thiện (chứ hồi xưa màn hình gaming cho màu thấy gớm lắm). Thế nhưng mà lên đến chuẩn HDR 400 VESA trong tầm giá này thì nó phải là đỉnh. Anh em sẽ có những trải nghiệm xem phim cực kỳ ngon lành với màu sắc rực rỡ, thu vào tầm mắt những khung cảnh tuyệt đẹp trong game AAA…
Nói chung là VG259QM sẽ đem đến nhiều hơn những gì mà một game thủ bình thường có thể cần, và những điều đó đều sẽ làm cho anh em sung sướng hơn
VG32VQ – Dành cho mấy bác chơi game để chill (giá tham khảo: 12 triệu)
- Kích thước tấm nền: 31.5 inch
- Công nghệ tấm nền: VA
- Độ cong: 1800R
- Độ phân giải: 2560×1440
- Tần số quét tối đa: 144Hz
- Tốc độ phản hồi: 1ms MPRT
- Độ sáng: 400nit
- Độ phủ màu: 92% sRGB, 72% Adobe RGB
- Chuẩn HDR: HDR10
- Công nghệ chống xé hình: FreeSync
Màn hình gaming không phải lúc nào cũng được sinh ra để mang lại lợi thế lớn nhất cho game thủ đâu anh em ạ. Điển hình là con VG32VQ này. Với mức chi phí gần 12 của, anh em sẽ có một con màn hình cong to đùng như TV. Tần số quét lên đến 144Hz. Tấm nền VA cho màu nịnh mắt và độ tương phản lớn. Độ sáng 400 nit giúp màu sắc luôn rực rỡ trong mọi điều kiện ánh sáng. Khả năng thể hiện màu đạt chuẩn HDR10 giúp anh em có những trải nghiệm hình ảnh phê pha rực rỡ sắc màu.
Nói chung là cái màn này hội đủ những yếu tố để cho anh em những trải nghiệm tốt nhất khi tận hưởng game. Nhưng mà nói thế không phải ý là con màn này chơi game không ngon đâu nhé. Có thể nó không tối ưu bằng màn hình dùng để try hard nhưng mấy con màn bình dân cũng chẳng có cửa nào để so với nó. Anh em có console thì lôi ra cắm vào màn cũng sướng nữa.
ROG Strix XG258Q – Màn hình ROG giá yêu thương cho dân eSport (Giá tham khảo: 10 triệu 8)
- Kích thước tấm nền: 24.5inch
- Công nghệ tấm nền: TN
- Độ cong: Không
- Độ phân giải: 1920×1080
- Tần số quét tối đa: 240Hz
- Tốc độ phản hồi: 1ms GtG
- Độ sáng: 400nit
- Độ phủ màu: 72% NTSC
- Chuẩn HDR: Không
- Công nghệ chống xé hình: FreeSync
- Loa tích hợp: Không
Nhắc đến màn hình ROG là nhắc đến dòng màn hình chơi game cao cấp nhất, mang theo cả niềm tự hào của ASUS. Anh em nào có một con màn ROG để chơi game thì nó lại ngầu vờ lờ ra. Vì thế nên màn hình ROG thường có giá rất chát cũng là chuyện đương nhiên. Với XG258Q cũng vậy, thật ra giá của nó cũng không dễ xơi lắm đâu nhưng được cái trong đám màn hình ROG sang chảnh đắt đỏ thì giá của nó vẫn là mềm nhất, game thủ tầm trung cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Mình nói “giá yêu thương” là vì vậy đấy.
Về đặc tính kỹ thuật thì anh em nào rành một chút khi nhìn vào đều sẽ biết ngay con XG258Q này được sinh ra dành cho mấy ông chơi để thắng. Nó có độ phân giải FullHD đúng chuẩn eSport, nếu anh em cần một khung nhìn tối ưu nhất cho phản xạ thì độ phân giải này là lý tưởng nhất, nếu độ phân giải lớn hơn như 2K, 4K thì card của anh em sẽ phải rất ghê gớm mới đảm bảo kéo mượt được. Độ sáng của em nó thì lên đến 400nit, để anh em dễ hình dung thì mấy con laptop có độ sáng đâu đó tầm 270nit là anh em đã xài ngoài nắng tẹt ga rồi. Cơ mà thật ra cũng chẳng có ai dùng con này ngoài nắng cả, chỉ đơn giản là nó đảm bảo cho anh em xài được ngon lành trong mọi điều kiện thôi. Đó là cái đặc quyền của anh em khi chọn mua đồ cao cấp, anh em sẽ nhận được nhiều hơn những gì mình thực sự cần. Ngoài ra thì tần số quét đạt 240Hz và tốc độ phản hồi lên đến 1ms, đảm bảo chuyển động siêu mượt mà và không có bóng ma bóng quỷ gì được phép xuất hiện trên màn hình của anh em hết, màn xịn mà.
Về mức hiệu năng trên giá thành thì mình mình nói thẳng luôn là mình không đánh giá cao màn hình ROG tầm giá này so với đám TUF gaming vốn cực kỳ “bổ dưỡng” dành cho game thủ tầm trung, một số con TUF sẽ có màu sắc tốt hơn trong cùng tầm giá. Nhưng mà đối với một con màn ROG thì anh em sẽ có thiết kế ngầu lòi, LED gầm, LED lưng RGB các kiểu. Nói chung là có con ROG để trên bàn kiểu gì nhìn nó cũng thích hơn là con TUF, bạn bè mà đến nhà chơi thì con ROG cũng có giá trị khoe mẽ hơn.
ROG Strix XG27UQ – Cái giá tương đối hời để cân cả thế giới (Giá tham khảo: 26 triệu rưỡi)
- Kích thước tấm nền: 27inch
- Công nghệ tấm nền: IPS
- Độ cong: Không
- Độ phân giải: 3840×2160
- Tần số quét tối đa: 144Hz
- Tốc độ phản hồi: 1ms MPRT
- Độ sáng: 350nit
- Độ phủ màu: 125% sRGB, 90% DCI-P3
- Chuẩn HDR: HDR 400
- Công nghệ chống xé hình: G-Sync Compatible, FreeSync
- Loa tích hợp:
Nếu anh em nghĩ màn hình ROG chỉ được cái đẹp mã và xịn sò chứ không thơm so với giá tiền thì anh em bậy rồi nhé, tùy con thôi, riêng con này thì khác. 26 củ có thể là một cái giá không nhỏ nhưng với những gì mà con màn này có thể làm được thì chắc chắn là nó cực kỳ đáng tiền. Anh em nào muốn màn hình ROG mà p/p phải thật ngon lành thì cứ xoáy vào con này mà mua nhé.
Người ta 2K 144Hz là đã thấy khá ghê rồi, con này chơi tới tận 4K 144Hz cơ. Với số điểm ảnh gấp 4 lần FullHD được thu vào khung nhìn 27inch, chất lượng hiển thị trên XG27UQ cực kỳ sắc nét và mịn mắt, không thấy điểm ảnh luôn. Có thể nó không tối ưu cho việc chơi game như màn hình FullHD với tần số quét cao hơn, nhưng mà ai cần chứ, khi mà trải nghiệm của anh em trên con màn này chắc chắn là phê hơn? Anh em nào chơi để thắng như kiểu hardcore gamer hay tuyển thủ chuyên nghiệp thì cứ việc FullHD, 240/280Hz mà triển. Nhưng mà nếu muốn phê thì phải chơi mấy con màn như thế này này.
Ngoài ra thì chất lượng màu sắc trên chiếc màn hình này cũng rất tốt, tấm nền IPS với độ phủ màu 90% chuẩn màu điện ảnh DCI P3, đạt chuẩn HDR 400 của VESA, cho dù là . Nó còn có công nghệ FRC giúp các mảng màu chuyển tiếp mượt mắt hơn. Nó cũng hỗ trợ công nghệ chống xé hình G-Sync Compatible của Nvidia cho anh em những khung hình trọn vẹn đẹp mắt. Thêm vào đó nữa nó là một con màn ROG xịn hẳn hoi. Ngoài việc phê pha với cái màn hình siêu xịn sò, thông số cực khủng thì anh em còn có thể đi khoe khắp nơi, lên mạng gạ show góc gaming các kiểu, được quyền sống ảo, được quyền phách lối!
Tất cả những điều đó khiến nó trở thành một trong những mẫu màn hình đáng mua nhất thời điểm hiện tại. Sợ là sợ anh em mình không đủ máu để mua nó và sắm thêm cả dàn PC cực mạnh để cân được nó mà thôi.
ROG Strix XG438Q – TV gaming (Giá tham khảo 29 triệu)
- Kích thước tấm nền: 43inch
- Công nghệ tấm nền: IPS
- Độ cong: Không
- Độ phân giải: 3840×1080
- Tần số quét tối đa: 120Hz
- Tốc độ phản hồi: 4ms GtG
- Độ sáng: 450nit
- Độ phủ màu: 125% sRGB, 90% DCI-P3
- Chuẩn HDR: HDR 600
- Công nghệ chống xé hình: FreeSync 2
- Loa tích hợp: Có
Màn hình gaming trước nay thường không to, tầm 35inch là bự lắm rồi. Nhưng mà thời thế luôn đổi thay và người dùng thì ngày càng có những nhu cầu dị hơn, thú vị hơn. Ví dụ như một con màn to như TV chẳng hạn. Nếu anh em cần kiếm thứ gì đó thú vị, đặc biệt và to đến muốn ngộp thở thì bơi vào đây, chúng ta không chỉ có màn hình gaming đâu, con XG438Q này thì phải gọi là “TV gaming” luôn. Với kích thước lên đến 43inch, chắc chắn anh em sẽ có những trải nghiệm rất khác so với màn hình gaming thông thường.
Nhìn vào thông số thì anh em thấy rồi đấy, nó hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành một con màn gaming ngon lành như tần số quét cao và tốc độ phản hồi thấp, thêm vào đó là đạt chuẩn HDR 600 về khả năng hiển thị màu sắc nữa, xem phim là bá cháy con bọ chét luôn. Tấm nền IPS cũng cho góc nhìn rộng và ít biến màu theo góc nhìn. Nhưng điều đó không đủ làm nó trở nên đặc biệt. Điều khiến anh em phải mua nó là do nó có thể cho anh em một khung nhìn bự vờ lờ luôn. Cho dù là chơi game hay xem phim hoặc làm cái gì đi nữa thì một cái màn hình 43 inch độ phân giải 4K chắc chắn sẽ đem lại trải nghiệm đặc biệt. Anh em cũng có thể cắm console vào chơi ngon lành như TV.
Nhiều anh em sẽ thắc mắc là vậy sao không lấy TV chơi luôn thì đó là do TV có độ trễ (input lag) rất lớn và thường thì tần số quét chỉ đạt đến 60Hz thôi. Tốc độ phản hồi của điểm ảnh cũng không thể nào tốt như màn hình gaming được nên chơi cho vui thì được chứ muốn tryhard thì thôi thua.
Asus ROG Swift PG35VQ – Có con này thì thiên hạ phải khiếp sợ anh em (Giá tham khảo: 80 triệu)
- Kích thước tấm nền: 35inch
- Công nghệ tấm nền: VA
- Độ cong: 1800R
- Độ phân giải: 3440×1440
- Tần số quét tối đa: 200Hz
- Tốc độ phản hồi: 2ms GtG
- Độ sáng: 500nit
- Độ phủ màu: 120% sRGB, 90% DCI-p3
- Chuẩn HDR: HDR 1000
- Công nghệ chống xé hình: G-Sync Ultimate
- Loa tích hợp: Có
Màn hình ROG không chỉ đẹp và ngầu thôi đâu. Nó còn là nơi để ASUS phô diễn những công nghệ hiển thị tối tân. Và con ROG Swift PG35VQ này chính là một ví dụ, nó sẽ chứng minh cho anh em thấy rằng không chỉ có bú cần cắn thuốc mới phê đâu. Màn hình xịn cũng gây phê được đấy. Mà một khi đã xài con này xong thì mình khá sure kèo là anh em sẽ không còn thèm sờ vào mấy con màn bình thường được nữa, mất đường quay đầu luôn. Màn hình ROG Strix đã đỉnh lắm rồi, nhưng con này là ROG Swift cơ, và mấy con Strix vẫn chưa có tuổi với nó đâu. Với mức giá cực kỳ chua chát, tương đương với một con laptop gaming hạng nặng thì đối lại anh em sẽ có một trong những con màn gaming đỉnh nhất lịch sử loài người. Cho dù anh em chơi game theo cái kiểu chơi để thắng hay chơi để phê thì nó đều đáp ứng được.
Khả năng hiển thị hình ảnh của PG35VQ sẽ làm anh em sốc đấy. Chuẩn HDR trên PG35VQ không phải là HDR 400 trên nhiều mẫu màn hình có cộp mác HDR khác hay chuẩn HDR10 thường thấy trên mấy cái TV mà là HDR 1000 – Tiêu chuẩn HDR đỉnh nhất của VESA. Công nghệ G-Sync trên chiếc màn hình này cũng không phải chuẩn G-sync thông thường mà là G-sync Ultimate, được cấp cho những chiếc màn hình đỉnh nhất có tương thích G-Sync và cũng là một thước đo cho khả năng hiển thị hình ảnh. Con quái vật này còn có khả năng kiểm soát đèn nền cục bộ (local dimming) để giúp chiếc màn hình đạt độ tương phản lớn hơn, cho màu đen sâu hơn nữa, đại khái là thay vì đèn nền luôn sáng ở mọi chỗ như màn hình thường thì nó sẽ chia làm 512 vùng có thể tăng giảm độ sáng độc lập. Kết hợp với hệ thống đèn nền cục bộ là công nghệ chấm lượng tử (quantum dot) giúp tấm nền đạt độ tương phản động (dynamic contrast) lên đến 10 triệu/1 và khả năng trình diễn màu sắc đẹp đến mức phi thực tế.
Anh em có thể thắc mắc vì sao con màn này đỉnh như thế mà độ phân giải lại chỉ có 2K. Thật ra thì ASUS họ cũng đã tính cả rồi. Thứ đem lại cho anh em độ sung sướng khi dùng con màn này là chất lượng hình ảnh chứ không phải mấy con số. Nó được sinh ra để đem lại trải nghiệm chơi game tốt nhất chứ không phải để đọ số với mấy con màn tầm giá thấp hơn. Vả lại tuy nó 2K nhưng là 2k 200Hz đấy, không phải dạng vừa đâu.
Màn hình đồ họa
Asus ProArt PA248QV – Màn hình đồ họa lý tưởng dành cho người mới bắt đầu (Giá tham khảo: 5 triệu 3)
- Kích thước tấm nền: 24.1inch
- Công nghệ tấm nền: IPS
- Độ cong: Không
- Độ phân giải: 1920×1200
- Tần số quét tối đa: 75Hz
- Tốc độ phản hồi: 5ms GtG
- Độ sáng: 300nit
- Độ phủ màu: 100% sRGB
- Chuẩn HDR: Không
- Độ chính xác màu: △E< 2
- Công nghệ chống xé hình: Adaptive-Sync
- Loa tích hợp: Có
Nếu anh em mới bắt đầu tập tành làm đồ họa và mong muốn tìm được một mẫu màn hình tốt, tối ưu cho sở thích/ công việc làm đồ họa thì mình nghĩ con màn này sẽ là điểm xuất phát hoàn hảo dành cho anh em. Thông số của nó cũng không có gì gọi là quá nổi bật đâu nhưng nhìn chung là đáng mua trong mức giá của nó.
Điều đầu tiên mà mình muốn nói đến ở đây chính là độ chính xác màu. Độ chính xác màu của con này là ΔE < 2, đây là mức mắt người không thể nhìn thấy được, đủ chuẩn đồ họa. Anh em có thể yên tâm mà dùng để chỉnh ảnh, hoàn toàn không sợ khách hàng phàn nàn vụ màu sắc. Tấm nền thì đương nhiên là IPS, không có gì phải bàn. Độ phủ màu đạt 100% gam màu sRGB giúp anh em yên tâm về độ rộng màu mà màn hình có khả năng thể hiện. Mình thấy một thứ cũng khá hay là con em nó có khả năng thay đổi tần số quét trong dải 48-75 Hz, giúp anh em đồng bộ tần số quét với GPU ngay cả khi mức FPS bị giảm xuống dưới tần số quét tối đa. Nó rất hữu ích khi anh em chơi game hoặc dựng hình 3D mà bị drop nhẹ, hạn chế tối đa độ giật hình khi drop. Ngoài ra còn một điểm thú vị nữa là nó có tỉ lệ 16/10 khá dị, giúp anh em hiển thị các phần của giao diện phần mềm tối ưu hơn khi chỉnh ảnh kích thước chuẩn 16/9.
Với hơn 5 củ bỏ ra, anh em sẽ nhận được một con màn tối ưu theo hướng dành cho dân đồ họa mới bắt đầu, đồng thời anh em cũng có thể tận dụng những thông số kỹ thuật của của nó để chơi game, xem phim cực ổn.
Asus ProArt PA34VC – Bảo vật trấn bang của dân editor (Giá tham khảo: 29 triệu)
- Kích thước tấm nền: 34inch
- Công nghệ tấm nền: IPS
- Độ cong: 1900R
- Độ phân giải: 3440×1440
- Tần số quét tối đa: 100Hz
- Tốc độ phản hồi: 5ms GtG
- Độ sáng: 300nit
- Độ phủ màu: 100% sRGB
- Chuẩn HDR: HDR-10
- Độ chính xác màu: △E< 2
- Công nghệ chống xé hình: Adaptive-Sync
- Loa tích hợp: Có
Màn hình đồ họa xưa giờ chẳng được mấy cái cong đâu. Thế nên một con màn cong như ProArt PA34VC mới trở nên đặc biệt. Với độ phân giải cao 3440×1440, độ cong lớn 1900R và tỉ lệ màn hình 21.5/9 khá dị, con màn này chắc chắn sẽ là món bảo bối trong mơ của rất nhiều anh em dân editor.
Những phần mềm dựng phim, chỉnh sửa âm thanh luôn cần anh em phải thao tác với timeline. Thế nên màn hình càng dài, độ phân giải càng cao thì anh em sẽ càng dễ dàng scale cái thanh timeline đó ra để thao tác cho tiện. Tỉ lệ dài, dị cũng giúp anh em hiển thị giao diện phần mềm tốt hơn, tối ưu cho công việc hơn. Do kích thước màn hình khá lớn, đến tận 34 inch cho nên ASUS đã làm chiếc màn hình này cong lại để bo sát vào tầm mắt của anh em, giúp triệt tiêu đáng kể độ biến màu pixel theo góc nhìn. Ngoài ra thì những thông số khác của chiếc màn hình này cũng tối ưu cho đồ họa như độ phủ màu 100% sRGB, độ chính xác màu ΔE < 2… Các tính năng hỗ trợ khác thì có Thunderbolt™ 3 USB-C, Công nghệ cân chỉnh ASUS ProArt™ với bảng trang cứu 14 bit (LUT), tính năng bù đồng nhất và khả năng lưu profile màu trên màn hình, chuẩn HDR-10… Nó còn tích hợp cả loa ngoài để anh em chống cháy nữa.
Một điểm khá hay nữa mà mình tìm thấy ở con màn này là tần số quét của nó lên đến 100Hz và thay đổi linh hoạt trong khoảng 40-100Hz, tức là chiếc màn hình này cũng tối ưu cho dựng hình 3D nữa, nó giúp anh em có trải nghiệm mượt mà hơn kể cả khi bị drop FPS. Và đặc biệt là chơi mấy con game Action-RPG hay đua xe nữa là hết bài luôn nhé.
Màn hình đa dụng
ASUS VA24EHE – Màn hình cho mọi nhà (Giá tham khảo 3 triệu rưỡi)
- Kích thước tấm nền: 23,8inch
- Công nghệ tấm nền: IPS
- Độ cong: Không
- Độ phân giải: 1920×1080
- Tần số quét tối đa: 75Hz
- Tốc độ phản hồi: 5ms GtG
- Độ sáng: 250nit
- Độ phủ màu: 72% NTSC
- Chuẩn HDR: Không
- Công nghệ chống xé hình: FreeSync
Nếu anh em đang tìm một con màn có thể cân được mọi nhu cầu cơ bản như chơi game, xem phim, ngắm gái, chế cháo hình ảnh nhẹ nhàng… một cách tương đối thì đây sẽ là con màn lý tưởng dành cho anh em. Độ phủ màu của nó tuy không cao nhưng là đủ cho anh em có trải nghiệm màu sắc tốt. Tấm nền IPS bao anh em nhìn góc nào cũng đẹp, độ sáng 250nit vừa đủ dùng và tần số quét 75Hz để anh em chơi game mượt mà hơn một chút so với chuẩn 60Hz. Nó cũng có khả năng thay đổi tần số quét linh động trong dải từ 48 đến 75Hz để giúp anh em có những trải nghiệm mượt mà hơn ngay cả khi chơi game bị drop hình xuống dưới tần số quét.
Ngoài ra thì chiếc màn hình này cũng có thiết kế rất sexy, độ dày tại chỗ mỏng nhất đạt 7mm. Nó cũng có viền siêu mỏng ở 3 cạnh giúp khung nhìn trong thông thoáng hơn. Anh em nếu có mua về làm việc cũng dễ ghép nhiều màn hình với nhau nữa. Với mức giá tầm 3 triệu rưỡi mà gần như ai cũng có thể mua mà chỉ cần tiết kiệm trong 1-2 tháng thì mình nghĩ đây là con màn vừa dễ mua, vừa đáng tiền. Anh em vẫn có thể tìm thấy mấy con giá mềm hơn nhưng tính năng sẽ không bằng