Anh em nghĩ một chiếc bàn phím như thế nào thì thích hợp để chơi Tết? Theo mình dịp Tết nhất thì mọi chuyện phải thật suôn sẻ thì nó mới vui. Cho nên mình nghĩ một chiếc bàn phím mà thích hợp để chơi Tết thì nó phải được hoàn thiện tốt và thật đáng tin cậy để anh em còn yên tâm quẩy hết kỳ nghỉ. Sau đây là 10 mẫu bàn phím phù hợp nhất với tiêu chí trên, mời anh em xem qua nhé.

*Mình cho chèn link sản phẩm trong mỗi đầu mục cho anh em tiện tham khảo rồi nhé!

Leopold FC750R series

Gõ cực ngon, keycap siêu xịn, giá thành hợp lý

Cho anh em nào thích một con phím không màu mè hoa lá hẹ, build siêu chắc và gõ siêu ngon thì mình xin được đề xuất Leopold FC750 series. Dòng này có giá trung bình tầm hơn 3 củ, nghe thì có vẻ cao nhưng nếu xét đến những thứ mà nó có thể mang lại cho anh em thì bao nhiêu đó thực sự không đắt chút nào. Mà phím Leopold thì anh em biết rồi đấy, cảm giác gõ và độ hoàn thiện của nó phải gọi là không có đối thủ trong tầm giá luôn. Chỉ riêng cái bộ keycap PBT double shot dày 1.5mm cực kỳ tinh xảo của nó thì anh em mua lẻ bên ngoài cũng đã không rẻ rồi. Thêm nữa thì phần khung phím từ case tới plate đều được làm rất dày dặn chắc chắn, đặc như cục gạch luôn. Nói chung là ngoài vụ không có RGB ra thì nó thuộc hàng vô địch thiên hạ rồi. Sở dĩ mình chọn dòng 750 cho anh em có layout TKL gọn gàng nhưng vẫn đầy đủ tính năng cho game thủ.

Với một con phím như thế này, anh em có thể yên tâm chơi Tết, cày game thoải mái mà không lo hỏng vặt, miễn đừng đó mang nó ra đập là được.

Akko Designer Studio MOD001

Chất build chắc như phím custom, thiết kế độc đáo

Nếu anh em vẫn còn đang tự hỏi một con phím hãng bán đại trà mà được đầu tư như phím custom sẽ trông như thế nào thì anh em đã thấy rồi đấy. Về cơ bản thì Akko Designer Studio MOD001 là một khối nhôm được tiện CNC, sau đó gắn thêm switch, plate, keycap, mạch, stab… trở thành một cái bàn phím. Kết quả là chúng ta có một con phím siêu cứng, siêu nặng và sờ cực kỳ mát tay, cảm giác gõ chạm đáy thì phê khỏi bàn. Do Akko cũng là một nhà sản xuất keycap lớn nên chất lượng keycap của chiếc bàn phím này anh em hoàn toàn có thể yên tâm, đảm bảo sang xịn mịn, sờ bao sướng. Ngoài ra thì chiếc bàn phím này cũng có nhiều phiên bản màu khác nhau và chúng đều cực kỳ bắt mắt. Giá có thể hơi chát nhưng những gì anh em nhận lại sẽ đáng từng đồng xu, 4 củ cho một con phím chất lượng như phím custom thật sự cũng không đắt chút nào.

Mình nghĩ điểm yếu duy nhất của con này là nó nặng dã man. Nếu anh em cần mang bàn phím đi đây đi đó thì con này không thật sự lý tưởng cho lắm. Tuy nhiên nếu chỉ để ở nhà chơi hết nguyên đợt Tết thì nó sẽ mang đến những trải nghiệm cực kỳ thú vị đấy.

SteelSeries Apex PRO TKL

Switch siêu mượt, công nghệ tối tân, thiết kế thanh lịch

Nếu mình nói switch từ trên Apex Pro còn mượt hơn cả red switch của Cherry thì anh em có tin không? Apex Pro là chiếc bàn phím đầu tiên trên thế giới có khả năng thay đổi điểm nhận phím cho từng phím để phù hợp với từng tác vụ sử dụng. Khi chơi game, người dùng có thể đặt điểm nhận phím thật ngắn để phản ứng một cách nhanh nhất, còn khi gõ văn bản, anh em cũng có thể hạ điểm nhận phím xuống thật sâu để hạn chế tình trạng nhấn nhầm phím. Ngoài ra thì loại switch Omnipoint trên Apex Pro cũng cho cảm giác nhấn mượt mà rõ rệt so với red switch của cherry do loại bỏ được phần lá đồng trong switch cơ truyền thống. Tin mình đi, anh em không thể tìm ra con phím bình thường nào có switch mượt hơn được Omni Point trên dòng Apex PRO đâu, ít nhất là cho đến hiện tại.

Hiện tại thì đây là dòng bàn phím xịn nhất và đắt nhất của SteelSeries nên về chất lượng thì anh em không cần phải băn khoăn nữa, vấn đề chỉ nằm ở việc anh em có đủ chịu chi để nó hay không mà thôi. Con này mà chơi Tết thì sướng thôi rồi nhé.

Razer Huntsman Elite

Công nghệ tối tân, thiết kế cực ngầu, switch Opto-mechanical bản clicky kêu siêu sướng

Nếu anh em đang tìm kiếm một dòng phím có thể cho phép anh em spam nút thoải mái thì Razer Huntsman nên là một trong những sự lựa chọn đầu tiên mà anh em nên cân nhắc. Mấu chốt là nằm ở loại switch mà nó đang sử dụng, Opto-Mechanical. Đây là một loại switch quang học hoạt động theo nguyên lý chặn sáng do chính Razer nghiên cứu và phát triển. Thay vì nhận tín hiệu bằng các lá đồng như switch cơ truyền thống thì nó sử dụng cảm biến ánh sáng để nhận tín hiệu. Do loại bỏ được bộ phận nhận tín hiệu vật lý nên loại switch này cực kỳ đáng tin cậy. Tha hồ cho anh em quẩy cả chục mùa URF mà không cần lo ngại. Về cảm giác gõ thì mình cũng đánh giá rất cao loại switch này.

Razer Huntsman có nhiều dòng để phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau chứ cũng không nhất thiết anh em phải mua bản Elite như đề xuất của mình. Chúng ta sẽ có 2 lựa chọn là switch linear trơn mượt và switch clicky kêu lách cách vui tai. Loại linear thì không có gì để nói rồi nhưng loại clicky thì khá hay ho, nó kêu “sạch” hơn nhiều và không có tiếng lọc xọc như Cherry Blue, tương tự như Kailh Box White nhưng nhẹ hơn.

iKBC CD87 PD

Giá mềm, hoàn hiện tốt

iKBC trước giờ luôn nổi tiếng với những mẫu bàn phím chày cối và có độ hoàn thiện cao. Theo kinh nghiệm của mình thì nếu thấy vài con phím cùng phân khúc và nhìn na ná nhau thì con nặng nhất chính là hàng iKBC. iKBC CD87 PD là một con phím trông như cái thớt vậy, nó dày, nạc, tin cậy và chắc chắn. Nó không có gì ngoài một bộ keycap PBT siêu mịn siêu sướng, một tấm plate siêu dày, switch Cherry siêu bền và một bộ khung case siêu cứng. Với mức giá chỉ hơn 1,7 triệu đồng, chúng có một chiếc bàn phím được hoàn thiện cực tốt đến từng chi tiết hoàn toàn có tư cách để cạnh tranh với những đối thủ từ phân khúc cao hơn. Điểm duy nhất khiến mình chưa được ưng ở con phím này là keycap của nó không được đúc double shot mà các ký tự chỉ được in lên thôi. Các ký tự này có thể mờ đi theo thời gian, mặc dù không đến nỗi dùng 1-2 năm là bay hết sạch đâu nhưng nếu anh em là kiểu người khó tính thì vẫn nên cân nhắc đến điểm này nhé.

Không phải ai cũng có vài ba triệu trở lên để mua bàn phím chơi Tết. Nếu điều kiện chưa cho phép đú bàn phím quá nhiều tiền thì anh em có thể ngắm đến con phím này nhé. Giá tuy mềm nhưng chất lượng hoàn thiện thì không đùa được đâu.

Logitech G913 TKL Lightspeed Wireless

Build chắc, thiết kế độc, cảm giác gõ mới lạ

Chiếc bàn phím này có thiết kế rất độc đáo so với phần còn lại của thế giới. Nó có rất mỏng, cuốn hút và mang một hơi thở hiện đại đúng chất dòng sản phẩm gaming G của Logitech. Loại switch GL mới mà logitech dùng trên mẫu bàn phím này tuy có hành trình khá ngắn nhưng cũng cho cảm giác gõ rất tốt, đặc biệt là GL Clicky, nếu anh em thích loại switch Kailh Box White thì chắc chắn cũng sẽ thích nó, tiếng đanh, thanh và không một chút lọc xọc nào. Công nghệ Lightspeed Wireless giúp kết nối ổn định không thua gì có dây cũng như kích thước TKL gọn gàng cũng sẽ giúp anh em có cảm giác cực kỳ tự do khi chơi game. Ngoài ra thì chiếc bàn phím cũng được build kim loại, mát lạnh và chắc chắn, anh em sờ đã thấy sướng rồi chứ đừng nói xài nhé.

Với kích thước siêu nhỏ gọn và kết nối không dây, con phím này sẽ cực kỳ tiện lợi cho anh em nào xài thích đi đó đi đây. Tết này nếu anh em đã có sẵn dự định về quê hay đi quẩy game cùng bạn bè mà cần có bàn phím cơ mang theo thì đây chắc chắn sẽ là con phím này sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời, vừa để xài vừa để lòe thiên hạ luôn.

Corsair K63 Wireless

Không dây, kháng nước

Corsair luôn là cái tên được rất nhiều anh em game thủ ưa chuộng. Sản phẩm của Corsair luôn được đánh giá cao về chất lượng, thiết kế cũng như độ hoàn thiện. Với mức giá khoảng 2,6 triệu đồng thì anh em sẽ có một chiếc bàn phím có thiết kế khá hài hòa cân bằng giữa sự cứng cáp và vẻ sexy. Với layout TKL và các phím đặc biệt, K63 tuy nhỏ gọn nhưng vẫn có thể đáp ứng đầy đủ các chức năng mà một game thủ cần. Nó có LED, có switch Cherry, có LED, có cụm phím media cực kỳ đầy đủ và được hỗ trợ đầy đủ với các chức năng như cài macro, lập keymap… từ bộ phần mềm iCUE thần thánh của Corsair. Nếu anh em thích hàng Corsair và muốn một chiếc bàn phím vừa nhỏ gọn, vừa cho cảm giác sử dụng do nhưng cũng phải đầy đủ chức năng ăn chơi các kiểu thì chẳng có lý do gì để bỏ qua K63 Wireless trong tầm giá đó cả.

Con phím này nó hay ở chỗ vừa không dây, vừa chống tràn, thích hợp cho một lối sống “buông thả” trong ngày Tết. Ví dụ anh em có thể ngả lưng xem phim và đặt cái bàn phím kế bên cho tiện thao tác này, có uống nước ngọt đổ vào chút cũng không phải lo này, dùng với smartTV để nhập chữ search phim cho tiện này…

Asus ROG Strix Scope PBT

Độc đáo, ngầu, keycap xịn

Strix Scope PBT đi theo một phong cách mới, nằm ngoài lối tư duy truyền thống của các nhà sản xuất bàn phím gaming. Nó có thiết kế cực kỳ hầm hố đậm chất ROG nhưng lại không có đèn LED RGB mà thay vào đó là một dàn keycap PBT dày dặn và có độ hoàn thiện cao. Về cơ bản thì dòng bàn phím này đã có sẵn một cái “xác” tốt và chắc chắn rồi, thế nên với dàn keycap đó thì nó sẽ mang đến cho anh em cảm giác gõ không thua gì bàn phím cổ điển cả. Một chiếc bàn phím cân bằng giữa sự hầm hố của ROG và cảm giác gõ ngon lành, nghe được quá chứ nhỉ? Nhìn chung đây sẽ là chiếc bàn phím khá ổn cho những ai muốn có một chiếc bàn phím đậm chất gaming nhưng vẫn phải cho cảm giác gõ thật tốt, kèm theo một số tính năng đặc biệt, nó giống như một sự đổi gió từ Asus nhằm chiều chuộng những khách hàng khó tính của họ vậy.

Với mức giá đâu đó khoảng 3,5 triệu đồng thì đây có thể xem là một trong những chiếc bàn phím gaming đáng mua trong thời điểm hiện tại. Có thể bàn phím Asus không nổi tiếng về độ bền như Leopold với iKBC nhưng chiếc bàn phím này cũng được cấu thành từ những linh kiện tốt nhất nên anh em hoàn toàn có thể yên tâm mà chơi với nó trong mùa Tết năm nay.

Razer Tartarus Pro

Cực hầm hố, công thái học, công nghệ tối tân

Thật ra cái này cũng không hẳn là bàn phím nữa, chính xác thì nó gọi là gaming keypad nhưng vì nó cũng có chức năng như một chiếc bàn phím gaming nên mình lôi vào list luôn. Mà nếu không đưa vào trong list này thì mình cũng chẳng nghĩ ra cái list gì để mang thứ hay ho này vào nữa. Về bản chất thì nó là một cái bàn phím gaming 1 tay với thiết kế cực ngầu một đống nút cho anh em gán macro, có cả con lăn và cần analog luôn cho anh em muốn làm gì thì làm. Nó còn có thiết kế công thái học cực kỳ tốt giúp anh em có thể thao tác dễ dàng hơn và chơi game thoải mái hơn rất nhiều khi đã làm quen được với nó. Razer Tartarus Pro là mẫu gaming keypad đầu tiên trên thế giới có switch quang học, có khả năng thay đổi được điểm nhận phím trong khoảng từ 1,5 đến 3,6mm. Cảm cảm giác nhấn mà nó mang lại cực kỳ mượt mà do switch không có lá đồng. Về vụ đèn đóm thì anh em khỏi lo luôn, đồ Razer luôn nổi tiếng trong khoản đó.

Có thể anh em sẽ thấy hơi thắc mắc “con này thì có gì mà đáng tin cậy để chơi Tết?” thì mình có thể giải thích như sau: Đầu tiên là anh em chỉ dùng nó để chơi game thôi chứ không đánh chữ, tức là mặc định anh em sẽ cào phím trên một con phím khác và chỉ khi chơi game mới lôi nó ra thôi, ít xài thì nó sẽ bền. Thứ 2 là nó sử dụng switch quang học, không có lá đồng nên thường sẽ bền hơn switch cơ. Ngoài ra thì nó cũng rất đẹp mắt, chơi Tết thì đúng bài rồi chứ còn gì nữa.

HyperX Alloy Origins Core

Case kim loại, LED RGB

Đây là một con phím khá dị, toàn bộ phần vỏ phím được làm bằng hợp kim nhôm nên cực kỳ chắc chắn. Đây là chi tiết khiến HyperX Alloy Origins Core trở nên đặc biệt, anh em sẽ chẳng thể nào tìm ra được con phím hãng nào có case cứng đến vậy ngoại trừ một số mẫu có case nhôm nguyên khối CNC của iKBC và Akko đâu. Điều này làm những phát gõ chạm đáy của bạn cho lại cảm giác cực kỳ đanh và chắc. Thiết kế kiểu floating switch vừa mang lại sự thanh thoát, vừa làm cho ánh sáng từ đèn LED trở nên đẹp và dịu mắt hơn. Nhìn sướng mắt, gõ sướng tay.

Trong tầm giá 2 triệu mà vừa có LED RGB từng phím, vừa có case kim loại, vừa có switch Cherry thì phải gọi là quá ngon rồi. Đó cũng là cái giá dễ chịu cho một con phím ngon lành, xứng đáng để tậu về chơi Tết.


Mời anh em theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360