Bản cập nhật 21H1 của Microsoft dành cho Windows 10 sẽ trình làng vào khoảng đầu năm 2021. Đây là một bản cập nhật lớn với nhiều tính năng mới vô cùng thú vị, đi kèm với đó là một số tinh chỉnh ở các tính năng cũ cũng như thay đổi về hệ thống Administrator. Trong bài viết này, mình sẽ tổng hợp lại 10 tính năng hay ho nhất trong bản cập nhật 21H1. Các bạn hãy cùng mình đi tìm hiểu xem các tính năng mới đó là gì nhé.

Lưu ý: Như thường lệ, Microsoft không khẳng định tất cả các tính năng dưới đây đều sẽ xuất hiện trong bản 21H1. Các tính năng này hiện chỉ mới xuất hiện trong bản “development build” trước khi đưa vào 21H1, và Microsoft có thể giữ lại một số tính năng để phát triển tiếp hoặc để nó qua một bên luôn.

Những ứng dụng khởi động cùng Windows sẽ được thông báo

Khi một ứng dụng tự động khởi động cùng Windows, bạn sẽ thấy ở góc dưới bên phải màn hình xuất hiện một thông báo để báo hiệu cho bạn biết rằng ứng dụng nào đang tự ý khởi động cùng Windows. Như các bạn có thể thấy trên hình thì Windows sẽ cho bạn biết luôn ứng dụng đó là ứng nào.

Để tắt quyền tự động khởi động cùng Windows, bạn vào Settings > Apps > Startup (hoặc sử dụng Task Manager) để vô hiệu hóa ứng dụng này. Ở thời điểm hiện tại, tính năng này chỉ có thể thông báo những ứng dụng nào xuất hiện trong mục Settings > Apps > Startup screen mà thôi, những ứng dụng tự khởi động theo các cách khác thì sẽ không hiện thông báo.

Thiết kế lại các biểu tượng Emoji

Microsoft đã thiết kế lại các biểu tượng Emoji mà các bạn thường sử dụng trong bảng Emoji được kích hoạt thông qua phím tắt Windows + . (dấu chấm). Ngoài việc thiết kế lại, các bạn cũng sẽ thấy trong bảng Emoji giờ đây được tích hợp thêm một số tính năng khác nữa như kết hợp với lịch sử Clipboard và tính năng ảnh GIF.

Icon của Microsoft sẽ có một giao diện chủ đề mới

Sẽ có rất nhiều icon Windows được cập nhật “ngoại hình” để nhìn hợp tông hơn với chủ đề giao diện mới của Microsoft, trong đó bao gồm các icon của Settings, Windows Security, Snip & Sketch và Sticky Note. Các icon mới này sẽ nhìn đẹp hơn rất nhiều trong giao diện Dark Mode và Light Mode của Start Menu tile đã được thêm vào trong bản cập nhật 20H1 trước đây. 

Theo dõi sức khỏe của ổ cứng

Window 10 bây giờ đã có tính năng Storage health monitoring giúp cảnh báo cho bạn biết khi một trong những ổ cứng mà bạn đang sử dụng có nguy cơ bị lỗi. Tính năng này được thiết kế để theo dõi các ổ cứng SSD NVMe. Nếu các bạn sử dụng SSD loại này này thì đây sẽ là một tính năng đáng mong chờ.

Tính năng Disk Management sẽ được thêm vào Settings

Microsoft giờ đây sẽ thêm tính năng Disk management vào ứng dụng Settings của Windows 10, bạn sẽ không phải truy cập nó thông qua tính năng Disk Management truyền thống nữa. Các bạn có thể truy cập tính năng Disk management mới trong Setting bằng cách Settings > System > Storage > Manage Disk and Volumes. 

Giao diện Disk Management mới này sẽ cho phép bạn xem thông tin ổ đĩa, tạo các volume mới, format chúng hay đổi ký tự chữ cái của các ổ đĩa. Ngoài ra, nó còn có thể tương thích tốt hơn với các tính năng của Windows như Storage Spaces, cho phép các bạn copy và kết hợp các ổ đĩa.

Thêm tính năng Dark Mode cho công cụ Search

Thông thường khi các bạn sử dụng Dark Mode cho Windows 10, công cụ tìm kiếm Search sẽ hiện màu đen, tuy nhiên khi bắt đầu gõ chữ vào thì giao diện lại trở về màu trắng. Giờ đây, sau khi thêm tính năng Dark Mode cho công cụ Search, các bạn sẽ thấy màu sắc của công cụ này sẽ được đồng bộ với nhau, không nửa đen, nửa trắng nữa.

Cải thiện hiệu năng đồ họa cho đa GPU

Nếu như bạn sở hữu một hệ thống sử dụng đa card đồ họa (GPU rời lẫn GPU tích hợp) thì phần Graphic Settings nằm trong Settings sẽ cung cấp thêm nhiều tính năng khác để các bạn có thể dễ dàng quản lý các card đồ họa này hơn. Các bạn có thể chọn mức hiệu năng cao (high performance) cho GPU làm mặc định, hoặc chọn cụ thể một GPU để chạy cùng một ứng dụng nào đó. 

Để sử dụng tính năng này, bạn vào Settings > System > Display > Graphics Settings.

Hiển thị kiến trúc ứng dụng trong Task Manager

Task Manager giờ đây có thêm một cột Architecture cho bạn biết được các tác vụ đang chạy có kiến trúc gì. Ví dụ như một tác vụ 64-bit chạy trên Windows 10 phiên bản 64-bit sẽ hiện là “x64”. Điều này đặc biệt hữu ích với phiên bản Windows 10 sử dụng kiến trúc ARM, bởi vì bạn sẽ biết được chính xác ứng dụng nào có kiến trúc ARM, ứng dụng nào chỉ là mô phỏng. 

Cải thiện các cài đặt của thiết bị âm thanh 

Microsoft cũng bắt đầu thêm các tính năng của Control Panel vào mục Sound Settings của ứng dụng Settings. Cụ thể là khi vào mục Settings > System > Sound > Manage Sound Devices, các bạn có thể biết được thiết bị âm thanh nào đang là thiết bị mặc định cũng như thay đổi chúng.

Windows sẽ cho bạn biết có gì mới trong bản cập nhật tiếp theo

Windows 10 sẽ có một tính năng “Post-update experience” cho bạn biết được những tính năng đặc sắc nhất cũng như các thay đổi mới sẽ xuất hiện trong các bản cập nhật lớn định kỳ 6 tháng 1 lần của Windows 10. Tính năng này khá là hữu ích bởi vì các bạn sẽ không cần phải ngồi đợi tải bản cập nhật xong xuôi để biết bản cập có cái gì mới. 

Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!

Nguồn: howtogeek