Thế giới luôn có vô số loại người, dân chơi gaming gear cũng vậy. Sau đây là những kiểu dân chơi gaming gear mà theo mình thấy là điển hình nhất. Anh em thấy thiếu kiểu nào thì cho mình biết với nhé.
“Gaming gear master race”
Đây chính là kiểu dân chơi gaming gear thuần túy nhất. Mấy bác này có thường có điều kiện kinh tế rất tốt, đam mê gear mãnh liệt và sắm gear như đi chợ. Do mua nhiều, xài nhiều và trải nghiệm nhiều nên họ có nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Mấy bác này cũng rất thích được chia sẻ những gì mình biết cho người mới cũng như những anh em khác có cùng đam mê.
Mình thì mình rất thích nói chuyện với mấy anh em thuộc dạng này. Gaming gear thì đúng là mình dùng nhiều thật nhưng mình không trải nghiệm được lâu như họ, chỉ có những ai sử dụng lâu dài mới có thể kể ra được trọn vẹn nhất cái hay cái dở của một sản phẩm gaming gear thôi. Nói chuyện với họ luôn cho mình thêm kiến thức để nâng cao chuyên môn cũng như có thêm muối để dùng trong các trận chém gió.
“Fanboi”
Nếu anh em ngụp lặn nhiều trên các hội nhóm PC, gaming gear thì chắc chắn sẽ thấy ngay kiểu dân chơi này. Họ chỉ thích một số hãng nhất định, rất rành về hãng đó và rất ít hứng thú với hãng khác. Chơi gear theo kiểu này thì cũng có cái hay, nhất là về sự đồng bộ của hệ sinh thái. Bạn chỉ cần một phần mềm cho tất cả các món gaming gear, cho phép đồng bộ LED, thiết kế của gaming gear cũng đồng điệu với nhau.
Tuy nhiên có một điểm hạn chế đối với kiểu chơi này, đó là hãng nào cũng có điểm mạnh riêng, hãng này làm chuột tốt, hãng kia làm phím ngon, hãng nọ làm tai nghe đỉnh… Nếu mua đồ theo kiểu “Fanboi” này thì bạn sẽ khó mà tìm được một bộ gear mà món nào cũng vừa ý như mấy ông mua gear kiểu “thập cẩm” được.
Học sinh – Sinh viên
Đây chính là những “mầm non của ngành”. Mấy bạn còn đang đi học thường có điều kiện kinh tế không mấy dư dả nên sẽ nhắm đến các mẫu gaming gear bình dân. Đối với mấy anh em này thì lựa chọn hàng đầu sẽ là những món gear bình dân của các hãng nổi tiếng hoặc sản phẩm của các hãng gear bình dân như Fuhlen, Dare-U, Rapoo… Chúng sẽ là những điểm khởi đầu cho cuộc chơi sau này của những bạn đó. Đối với mấy anh em thuộc dạng này thì mình cũng có đôi lời nhắn nhủ.
Hồi xưa lúc chưa đi làm được thì mình cũng giống như mấy bạn vậy. Được sờ vào gaming gear xịn nó phê dã man lắm. Chỉ cần mua được con G102 hay con phím cơ giá rẻ thôi là đã mãn nguyện lắm rồi. Nhưng mà đừng vội hài lòng các bạn ạ. Các bạn còn phát triển nữa, khi kiếm được tiền rồi thì chúng ta sẽ được quyền hướng đến trải nghiệm tốt hơn, gaming gear xịn hơn. Việc hài lòng chỉ với những món gear bình dân sẽ ngáng đường cuộc chơi của bạn và ngăn bạn đến với những đẳng cấp “phê pha” hơn.
Sang tay lấy trải nghiệm
Trong các hội nhóm gaming gear lớn sẽ luôn có những thành viên cứ thỉnh thoảng lại đăng bài mua/bán gaming gear đã qua sử dụng. Họ sẽ mua đồ cũ, đồ lướt, đồ like new về dùng một thời gian rồi khi đã trải nghiệm đủ, họ sẽ bán lại cho người cần. Đối với mấy anh em điều kiện kinh tế không quá tốt nhưng có định hướng làm reviewer hoặc muốn trải nghiệm thật nhiều gaming gear thì anh em nên đi theo hướng này, vừa tiết kiệm, vừa không sợ mua phải món không hợp. Điểm hạn chế duy nhất của kiểu chơi này là anh em sẽ hơi khó mua được những món gear thế hệ mới nhất.
Mình có một anh bạn đồng nghiệp đã bắt đầu con đường vào “ngành” theo cách này. Kiến thức nền của mình, đặc biệt là về mảng gaming gear đã được bạn này hướng dẫn rất nhiều.
Thần gió
Đây chắc chắn là kiểu “dân chơi gaming gear” bị ghét nhiều nhất. Kiến thức với kinh nghiệm thực tế không có nhưng khi chém gió thì lại rất tự tin. Mấy thánh này thường hay dấu dốt và rất thích phô diễn “kiến thức” của mình cho người mới. Gặp ai gà hơn thì múa lửa còn gặp phải dân pro là “mấy thánh” tắt điện ngay.
Việc chém gió thì cũng không phải là xấu xa gì quá đáng nhưng vấn đề ở đây là nó đưa thông tin sai lệch cho người mới và góp phần gây war trên các hội nhóm chủ đề gaming gear.