Hiện nay, vẫn còn khá nhiều anh em than rằng Windows 10 nặng quá, máy yếu, ít RAM là không chạy nổi, dùng Windows 7 sướng hơn. Tuy nhiên, anh em có biết rằng Windows 10 có tính năng memory compression rất “xịn sò”, có thể nén dữ liệu lại và giúp RAM lưu trữ được nhiều hơn so với dung lượng thực tế. Trong bài viết này, mình sẽ giải thích tính năng này có gì hay mà có thể giúp máy tính hoạt động ổn định dù không có nhiều RAM.

Memory Compression là gì?

Tính năng memory compression chỉ có trên Windows 10 chứ không có trên các đời Windows 7, 8 cũ hơn nhé. Ngày xưa, nếu anh em chỉ có 8GB RAM mà các chương trình, ứng dụng cần đến 9GB thì Windows sẽ chuyển 1GB dữ liệu vào RAM ảo – pagefile trên ổ cứng. Vì tốc độ đọc, ghi của ổ cứng chậm hơn RAM rất nhiều nên các bạn sẽ cảm nhận được độ lag ngay lập tức. Còn đối với Windows 10, một phần dữ liệu trong 9GB sẽ được nén lại, giống như các bạn nén dữ liệu bằng WinRar ấy, để thu nhỏ dung lượng ở trong RAM lại.

Ví dụ nếu các máy anh em chỉ có 8GB RAM, trong đó, có 6GB dữ liệu không thể nén và 3GB dữ liệu có thể nén thì Windows sẽ nén phần dữ liệu 3GB xuống còn 1,5GB. Như vậy, dù lượng dữ liệu ban đầu là 9GB, vượt quá lượng RAM trong máy nhưng sau khi nén lại thì chỉ còn 7,5 GB và anh em có thể tiếp tục dùng máy mà không lo bị lag như thời Windows còn dùng đến RAM ảo. Nói chung thì đây là một tính năng rất hữu ích giúp những bạn dùng PC không có quá nhiều RAM vẫn có trải nghiệm mượt mà.

Memory compression có nhược điểm không?

Chắc hẳn anh em sau khi đọc xong sẽ nghĩ rằng tính năng “thần thánh” như vậy thì tại sao Windows không nén hết dữ liệu trong RAM cho chúng ta. Thực tế thì việc nén và giải nén dữ liệu trong RAM sẽ tiêu tốn một phần sức mạnh của CPU nên Windows mới không nén toàn bộ dữ liệu có trong RAM. Nếu muốn nén dữ liệu và không dùng đến RAM ảo thì phải đánh đổi một phần hiệu năng và cần thời gian để CPU nén dữ liệu nhé.

Bên cạnh đó, Windows cũng hoàn toàn tự động nén thêm dữ liệu khi PC sắp hết RAM và các bạn sẽ không thể điều chỉnh gì cả. Như vậy, nếu anh em thấy trong máy có nhiều compressed memory (bộ nhớ bị nén) và “cảm thấy” máy chậm đi một chút thì có khả năng là CPU đang phải gánh thêm một lượng công việc mới. Khi đó, anh em chỉ có thể gắn thêm RAM thì mới khắc phục được chứ không thể điều chỉnh mức độ nén được.

Cách xem có bao nhiêu compressed memory trong PC

Các bạn chỉ cần mở Task Manager bằng cách click chuột phải vào thanh taskbar để xem có bao nhiêu dung lượng RAM đang bị nén. Trong các bản Windows 10 đầu tiên, Microsoft gộp chung phần chung phần dữ liệu bị nén này vào tác vụ System chạy ngầm. Nếu anh em nào vẫn còn dùng các bản Windows 10 siêu cũ từ 1703 trở về trước thì sẽ thấy tác vụ System “ngốn” khá nhiều RAM. Sau này, thì Microsoft đã tách riêng phần bộ nhớ bị nén ra để người dùng khỏi phải hoang mang nữa.

Hiện nay, nếu các bạn muốn xem phần dữ liệu đang bị nén thì cần mở tab Performance lên, rồi chọn mục Memory. Ở dòng thông tin In use (Compressed), các bạn sẽ thấy lượng RAM đang bị nén ở trong phần ngoặc đơn. Ví dụ như máy của mình đang hiện 5.6 GB (417MB) thì có nghĩa là có 417MB trong 5,6GB là dữ liệu bị nén.

Nếu các bạn chỉ con trỏ chuột vào phần màu xanh bên trái trong thanh Memory composition thì sẽ thấy thông tin chi tiết hơn. Trong đó, In use là lượng RAM mà PC đang dùng, In use compressed là lượng RAM đang bị nén và dòng bên dưới sẽ mô tả nếu không bị nén thì đáng lẽ phần dữ liệu đó sẽ tốn bao nhiêu RAM. Chẳng hạn nếu máy mình không bị nén thì sẽ tốn 1647MB (1,6GB) và sau khi nén xong thì tiết kiệm được 1220MB (1,2GB) dung lượng RAM.

Như vậy, anh em có thể thấy rằng thật ra Windows 10 có rất nhiều tính năng “xịn sò” mà các đời Windows trước không có. Nếu anh em vẫn còn đang dùng Windows 7,8 và lo ngại máy yếu, RAM ít thì cứ tự tin mà nâng cấp nhé.

Nguồn: How To Geek