Hiệu suất máy tính là một thứ khó mà định lượng thật rõ ràng anh em ạ. Một chiếc PC có thể hoạt động tốt ở một loại tác vụ này nhưng có thể sẽ không hoạt động tốt ở những tác vụ khác. Chính vì vậy mà người ta đã dùng các đơn vị như xung nhịp, số nhân, số luồng,… để so sánh sức mạnh phần cứng với nhau. Trong đó, anh em sẽ thấy một loại đơn vị lạ hơn là teraflops. Vậy teraflops là gì và chúng biểu thị cho điều gì, mới anh em cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Teraflops là gì?

Đầu tiên, thì flop là từ viết tắt của floating point operations per second, nếu dịch ra là số phép tính số phẩy động trong một giây. Đây là một phương pháp tính toán trong lĩnh vực tin học, anh em có thể hiểu đơn giản đây là các phép toán về số thập phân rất phức tạp và khó thực hiện nên được dùng để đo sức mạnh của một hệ thống máy tính. Còn teraflops được hiểu là “thực hiện bao nhiêu nghìn tỷ phép tính trong một giây”, giống như đơn vị terabyte đấy anh em.

Để các phép đo là chính xác và đồng đều thì người ta có tạo ra nhiều chuẩn số phẩy động khác nhau như độ chính xác một nửa (half-precision), độ chính xác đơn (single precision) và độ chính xác kép (double precision). Mỗi loại tác vụ sẽ được đo theo một chuẩn Flop khác nhau, chẳng hạn như chơi game thì sẽ đo theo độ chính xác đơn, các tác vụ về khoa học và AI thì sẽ đo theo độ chính xác kép.

Hồi năm 2008, AMD là bên đầu tiên tạo ra dòng card đồ họa chạm mức một teraflops và tự phá vỡ “kỷ lục” lên 2 teraflops ngay trong năm đó. Các loại card đồ họa và console hiện đại đã được nâng cấp lên rất nhiều so với các thế hệ cũ. Chẳng hạn như dòng card Nvidia RTX 3090 được công bố là đạt 36 teraflops khi xử lý các tác vụ đổ bóng. nhân đồ họa của PlayStation 5 thì đạt 10,28 teraflops và Xbox X Series thì có thể lên đến 12 teraflops.

Teraflops ảnh hưởng gì đến việc chơi game?

Về lý thuyết thì số teraflops có thể cho chúng ta biết khả năng vẽ hình khối của card đồ họa, số teraflops càng cao thì card càng vẽ được nhiều hình. Nếu anh em chưa biết thì hình ảnh trong game đều là những hình đa  giác có góc nhọn nhọn, giống như thân hình nhọn hoắc huyền thoại của Lara Croft trong Tomb Raider 1 ấy. Khi card đồ họa có số teraflops càng cao thì càng có khả năng vẽ nhiều hơn nên chúng ta sẽ không thấy những cạnh nhọn đó nữa mà chỉ thấy vật thể mượt mà hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế thì số teraflops chỉ dùng để biết card nào tính toán nhanh hơn thôi chứ không thể biết sức mạnh chơi ra sao. Lấy ví dụ về dòng card Nvidia GTX 1080 có 9 teraflops và AMD Radeon R9 Fury có 8,6 teraflops. Nếu chỉ nhìn vào số teraflops thì anh em sẽ kỳ vọng hiệu suất của hai dòng card này ngang ngửa nhau, còn sau khi test thì GTX 1080 mạnh hơn không phải một chút mà mạnh hơn rất nhiều anh em ạ. Anh em có thể lên Youtube tìm các video so sánh hiệu năng hoặc xem video bên dưới nhé.

Nói chung thì dù tăng khả năng tính toán và số teraflops cao lên thì hiệu suất của một dòng card nào đó vẫn có tăng nha anh em. Tuy nhiên, không phải cứ tăng số teraflops lên gấp đôi thì fps sẽ tăng gấp đôi nhé, còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu suất của card. Và anh em chỉ nên tham khảo số teraflops trên hai dòng card cùng kiến trúc thôi. Dù vậy, thường thì các dòng card của AMD có mức teraflops cao hơn nên có khả năng tính toán thô (raw computational) mạnh hơn Nvidia anh em ạ. Đây là một trong những lý do khiến người ta thường dùng card AMD làm “trâu” cày tiền ảo. 

Teraflops không thể giúp xác định hiệu suất của toàn bộ PC

Teraflops chỉ có thể giúp chúng ta xem xét hiệu suất của card đồ họa hoặc một dòng console nào đó. Con số này không tính đến xung nhịp, kiến trúc, số lượng nhân, số bóng bán dẫn, tốc độ đọc ghi của ổ cứng và nhiều cách đo hiệu năng khác nữa. Vì vậy, anh em chỉ nên xem teraflops là một khía cạnh khi cân nhắc mua máy hơn là một yếu tố chính giúp đánh giá tổng quan sức mạnh.

Đặc biết là khi chơi game, anh em không phải chỉ dựa vào sức mạnh của mỗi card đồ họa mà còn phải xem xét đến các linh kiện khác như CPU, RAM và ổ cứng. Nếu có một linh kiện nào đó yếu hơn các thành phần khác thì sẽ tạo ra một điểm nghẽn cổ chai. Lúc đó, dù có teraflops có cao nhưng hiệu suất tổng thể của dàn PC vẫn có hiệu suất tổng thể kém.

Ngoài ra, trải nghiệm chơi game cũng phụ thuộc vào mức thiết lập đồ họa trong game. Nếu anh em chỉ chơi ở độ phân giải Full HD thì dùng card có số teraflops cao chỉ lãng phí mà thôi, Anh em sẽ không thể tận dụng hết sức mạnh của card các loại card có số teraflops thấp hơn cũng có thể cho ra hình ảnh y như vậy thôi nhé.

Nói đi thì cũng phải nói lại, nếu các hãng đã cố gắng làm card đồ họa và console có số teraflops cao thì chắc chắn loại phần cứng đó đã được cải tiến rất nhiều. Chẳng hạn như các tính năng ray tracing và DLSS của Nvidia không được phổ thông cho lắm vì các dòng card ngày xưa không đủ sức mạnh để gánh (đây là một trong những nguyên nhân thôi nhé) nhưng với sức mạnh của các dòng card mới thì khả năng cao là anh em sẽ được tận hưởng sớm thôi.

Nguồn: Life Wire, Windows Central, Polygon