Từ trước đến nay, mỗi khi PC bắt đầu có triệu chứng giật lag thì đa số anh em sẽ nghĩ đến việc cài lại Windows. Đối với những bạn đã có thâm niên cài ‘“Win dạo” thì chắc là không gặp vấn đề gì cả, nhưng thực tế là đa số người dùng thông thường sẽ không biết cách cài một bản Windows mới. Vì vậy Microsoft đã tạo ra tính năng Reset this PC để giúp F5 hệ điều hành một cách dễ dàng hơn.
Tác dụng của tính năng Reset this PC
Về cơ bản thì Reset this PC có công dụng chính là cài lại Windows cho chúng ta. Trong quá trình cài thì anh em sẽ có thêm hai lựa chọn là xóa sạch sẽ toàn bộ dữ liệu trong máy hoặc giữ lại các file cá nhân, driver và các phần mềm cài sẵn. Nếu anh em muốn bán hoặc cho PC đi thì nên chọn xóa sạch sẽ vì toàn bộ dữ liệu sẽ không thể khôi phục lại, nếu muốn cài lại Windows để máy bớt giật lag thì có thể chọn giữ lại file cá nhân.
Ngày xưa, Microsoft đã trang bị cho các đời Windows cũ hơn những tính năng gần giống với Reset this PC, chẳng hạn như Windows XP, Vista và Windows 7 sẽ tự tạo các phân vùng ổ đĩa ẩn chứa một bản sao đã được nén của Windows, nếu muốn cài lại Windows thì chỉ cần khởi động lại và boot vào phân vùng đó. Đến thời Windows 8 thì không còn tạo một phân vùng ẩn nữa mà Windows sẽ copy ra thêm một bản Windows mới rồi mới dùng bản copy để thay thế bản Windows cũ. Về cơ bản thì hai kiểu “cài lại” này sẽ tốn dung lượng của ổ cứng vì phải copy ra thêm một bản Windows.
Còn tính năng Reset this PC của Windows 10 sẽ gom những file cần thiết của bản Windows hiện tại rồi dùng những file này để tạo ra một bản Windows mới nên không chiếm thêm dung lượng của ổ cứng, kiểu như tái chế rác vậy anh em. Ngoài ra, tính năng này cũng sẽ giữ lại các bản cập nhật bảo mật anh em đã từng cài nên Reset xong là có thể dùng bình thường luôn. Nói chung là sau khi anh em dùng Reset this PC thì sẽ có một bản Windows mới hoàn toàn mà không cần phải nghiên cứu tạo USB boot, chọn MBR hay GBT,… hoặc phải đợi Windows cập nhật thêm nhiều thứ linh tinh như cách cài Windows truyền thống.
Xóa các phần mềm cài sẵn của hãng
Khi anh em mua máy tính, đặc biệt là laptop thì sẽ thấy các phần mềm của hãng hay còn được gọi là bloatware cài sẵn vào máy. Dù một số có thể sẽ hữu ích nhưng đa số trường hợp anh em sẽ không dùng nhưng các chương trình đó vẫn chạy ngầm.
Trước đây, Microsoft có tạo ra tính năng Fresh Start trong Windows Security (tên mới của Windows Defender) để giúp chúng ta xóa các phần mềm phiền phức này đi. Tuy nhiên, vì tính năng này bị giấu hơi sâu nên không ai biết đến nó cả. Hiện nay, Microsoft đã tích hợp tính năng này vào Reset this PC luôn nên mỗi khi anh em chỉ cần chọn No khi Window hỏi Restore preinstalled apps là sẽ có một bản Windows sạch sẽ.
Dù chỉ là một tính năng phụ nhưng đây cũng là một nâng cấp đáng chú ý cho Reset this PC vì bloatware cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến có thể làm máy bị lag anh em ạ. Hiện nay, Microsoft vẫn còn đang giữ tính năng Fresh Start này trong mục Device Performance & Health, nếu muốn dùng thì anh em cứ chọn vào dòng Additional Info rồi click vào nút Get Started. Tuy nhiên, theo thông tin từ Microsoft thì có khả năng là họ sẽ bỏ tính năng này ra khỏi Windows Security vì cất trong này nên không ai dùng cả.
Tự động xóa các bản cập nhật Windows bị lỗi
Kể từ phiên bản Windows 10 1809, Microsoft tạo ra hai tính năng giúp gỡ các bản cập nhật Windows nếu chúng gây ra lỗi và làm PC không thể boot vào Windows. Trong đó tính năng Uninstall latest quality update sẽ xóa bản cập nhật mới cài gần nhất, còn Uninstall latest feature update thì sẽ tháo hẳn các bản cập nhật lớn, chẳng hạn như bản Windows 10 2004, 1909 hoăc 1809 luôn.
Dù đa số anh em ít gặp phải lỗi Windows nặng cỡ này và cũng hiếm khi phải dùng đến biện pháp mạnh như vậy nhưng Microsoft cũng tích hợp cho Reset this PC hai tính năng trên. Nếu anh em dùng đến Reset this PC thì Windows sẽ tự động kiểm tra xem các bản cập nhật có gây ra lỗi không và tự động chuyển về bản Windows cũ hơn nhưng ổn định hơn kha khá.
Trước đây, nếu muốn dùng hai tính năng này thì anh em phải tự mò mẫm trong Safe Mode các thứ khá là phiền phức chứ không được tích hợp tự động như thế này. Nói chung thì Microsoft đã buff cho Reset this PC khá mạnh tay nên anh em có thể tin tưởng rằng cài lại Windows kiểu này vừa khỏe bản thân vừa khỏe cho máy luôn nhé.
Tính năng mới xuất hiện: Cloud Download
Như mình đã đề cập ở trên, Reset this PC gom các file của bản Windows đang có trong máy để tạo ra bản Windows mới. Nhưng nếu các file cũ bị hư hỏng nhiều quá thì sẽ không cứu Windows được mà phải cài lại theo cách truyền thống. Và thế là Microsoft đã bổ sung tính năng mới có tên là Cloud Download giúp anh em cài lại Windows từ đám mây chứ không dùng các file có trong máy nữa.
Theo như Microsoft giải thích thì cách hoạt động của tính năng này là Windows sẽ tự động tải các file cần thiết từ máy chủ của họ, tạo các thư mục “gốc rễ” mới, chuyển các file cũ còn dùng được vào, rồi bỏ các thư mục của Windows cũ đi và chuyển sang dùng các thư mục mới.
Về bản chất thì tính năng này cũng gần giống như cách cài Windows truyền thống, sẽ tải file mới về cài cho máy bạn nhưng có một ưu điểm là anh em không cần phải tải Windows về USB các thứ phiền phức mà chỉ cần một click và ngồi đợi có Windows mới sử dụng thôi. Tuy nhiên, anh em lưu ý là Cloud Download chỉ có trên bản Windows 2004 trở đi thôi nhé. Các đời Windows cũ hơn sẽ không có tính năng này. Nếu anh em có mạnh nhanh và ổn định thì còn ít tốn thời gian hơn cả dùng file có sẵn trong máy (Local reinstall).
Tương lai của Reset this PC
Trong tương lai, Microsoft dự định sẽ làm lại giao diện cũng như tiếp tục nâng cấp Reset this PC lên. Chẳng hạn như tính năng Cloud Download có thể tự động tìm và tải driver mới cho anh em hoặc xa hơn nữa là cho phép anh em chọn nâng hay hạ cấp Windows luôn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự tính thôi chứ chưa biết là họ có thật sự làm hay không nhé. Dù sao thì Reset this PC đã có nhiều cải tiến, nâng cấp đáng chú ý để giúp người dùng không quá am hiểu về công nghệ có thể cài lại Windows dễ dàng hơn. Và nếu anh em đang muốn dùng tính năng này thì có thể tham khảo cách thực hiện trong bài viết Hướng dẫn reset Windows 10 về trạng thái ban đầu nhé.
Nguồn: How To Geek