Nếu anh em có kinh nghiệm sử dụng Windows lâu năm, thường cài chương trình hay cài game thì thỉnh thoảng sẽ thấy chương trình cài thêm .NET Framework. Đa phần anh em đều không biết nó là gì và để đó cho máy tự cài thôi. Trong bài viết này, mình sẽ giải thích về .NET Framework là gì và công dụng của nó.

.NET Framework là gì?

Về cơ bản, thì .NET Framework có hai chức năng nhé anh em. Trong lĩnh vực lập trình, framework là một tập hợp các API (giao diện lập trình ứng dụng) và chứa thư viện code dùng chung giúp các lập trình viên có thể dễ dàng phát triển ứng dụng mà không phải viết code lại từ đầu. Thư viện code dùng chung framework có tên là Framework Class Library chứa hàng nghìn đoạn code giúp tạo ra các tính năng cơ bản và phổ thông mà các chương trình nào cũng dùng. 

Khi đó, các lập trình viên chỉ cần tập trung viết code cho các tính năng độc đáo riêng của ứng dụng hoặc tạo giao diện người dùng (UI) đẹp, dễ sử dụng hơn cho chúng ta sử dụng. Việc sử dụng thư viện code chung cũng sẽ tạo ra một tiêu chuẩn chung cho các chương trình, các lập trình viên sẽ biết khi áp dụng code đó vào thì chương trình sẽ chạy ra sao, còn người dùng sẽ biết dùng tính năng đó ngay lập tức mà không cần phải tìm hiểu thao tác dùng. 

Chẳng hạn như lúc hầu hết ứng dụng đều sẽ có tính năng Open và Save As. Khi anh em bấm vào đây thì chương trình nào cũng mở thêm một cửa sổ để anh em chọn mở file hoặc chọn nơi lưu lại. 

Bên cạnh việc cung cấp thư viện code dùng chung thì .NET còn cung cấp runtime environment (tạm dịch: môi trường hoạt động) cho các ứng dụng. Để dễ hiểu thì anh em có thể  xem runtime environment là một dạng máy ảo, sandbox để ứng dụng hoạt động trong đó. Runtime environment trong .NET được gọi là CLR (Common Language Runtime). Khi người dùng mở một ứng dụng lên thì các dòng code của ứng dụng sẽ dịch thành thành ngôn ngữ máy tính có thể hiểu rồi chạy chương trình. Bên cạnh đó, CLR còn có nhiều tính năng khác như quản lý mức sử dụng RAM và CPU, quản lý chương trình đang chạy và quản lý bảo mật.

Lợi ích lớn nhất khi chạy một ứng dụng trong runtime environment là tính cơ động. Lập trình viên có thể thoải mái dùng nhiều loại ngôn ngữ lập trình nào họ biết dùng hoặc thích dùng như C#, C++, F#, Visual Basic cùng hàng tá loại ngôn ngữ khác nữa để viết chương trình mà không lo PC không chạy được. Miễn là .NET có hỗ trợ nền tảng phần cứng đó. Ngày trước thì .NET Framework được phát triển để hỗ trợ các phần cứng dùng hệ điều hành Windows nên chỉ được sử dụng cho các phần mềm dành cho Windows. 

Còn hiện nay thì Microsoft đã tạo ra nhiều phiên bản .NET khác để cải thiện số lượng nền tảng hỗ trợ.  Chẳng hạn như dự án mã nguồn mở, miễn phí Mono được tại ra để cải thiện độ tương thích của ứng dụng .NET với các nền tảng khác, đặc biệt là Linux. Còn bản .NET Core là một framework miễn phí, mở và nhẹ nhàng để thiết kế theo ứng dụng theo dạng mô đun trên nhiều nền tảng khác nhau như Mac OS X, Linux và tất nhiên là cả Windows. 

Tóm lại thì một framework như .NET là một công cụ hữu ích để các lập trình viên dễ dàng hơn, bảo đảm rằng phần code của họ có thể hoạt động trên những nền tảng framework hỗ trợ. Còn các chương trình khi tạo ra thì sẽ tính nhất quán nên anh em sẽ dễ dùng hơn.

Các phiên bản của .NET Framework

Thông thường, trong máy của anh em sẽ có hai phiên bản là .NET Framework 3.5 và 4. Còn ngày xưa thì có các bản 2.0 và 3.0 nữa. Các phiên bản mới của .NET Framework đều có khả năng tương thích ngược với các đời trước, dù chương trình có viết bằng code của bản 2.0 thì 3.5 vẫn dùng được. Dù không phải ứng dụng nào cũng chịu dùng NET Framework đời mới nhưng tình trạng này đã được cải thiện khá nhiều trên các đời Windows hiện đại. Kể từ Windows Vista thì Microsoft đã gộp hai phiên bản 2.0 và 2.0 vào bản 3.5 và bắt đầu phân phối các bản này kèm theo các bản cập nhật Windows luôn.

Đến khi Windows 8 xuất hiện thì Microsoft tạo ra phiên bản 4.0 được thiết kế lại. Vì vậy, từ bản .NET Framework 4.0 trở lên sẽ không tương thích với các bản cũ hơn và chạy song song với 3.5 nhé. Như vậy, chương trình nào dùng code của 3.5 trở xuống thì trong máy phải có .NET Framework 3.5 mới chạy được, còn dùng code của 4.0 trở lên thì phải cài .NET Framework 4 trở lên nhé. 

May mắn là các đời Windows 8 và hiện tại là Windows 10 đều đã tích hợp phiên bản 3.5 và bản 4.6.1 mới nhất rồi. Khi chương trình cần thì Windows sẽ tự động cài thêm cho anh em nên không cần phải lo thiếu nhé. Ngoài ra, nếu chương trình cần dùng .NET Framework cụ thể nào đó để chạy thì lập trình viên sẽ gộp phiên bản đó vào bộ cài của chương trình luôn.

Nếu anh em có nghi ngờ rằng PC đang bị thiếu .NET framework thì có thể bật lên bằng tay trong Control Panel hoặc có thể tải công cụ .NET Framework Repair Tool của Microsoft. Công cụ này hỗ trợ, sửa chữa và cập nhật tất cả các phiên bản của .NET Framework nhé.

Nguồn: How To Geek