Nếu sử dụng máy tính thì chắc hẳn anh em đã từng nghe về driver rồi đúng không nào. Trong bài viết này, mình sẽ giải thích công dụng của driver và tạo sao mỗi lần driver bị lỗi thì máy tính sẽ “đơ đơ”.

Driver là phiên dịch viên của máy tính

Chắc hẳn các bạn cũng đã biết máy tính thì sẽ có hai thành phần cơ bản là phần cứng và phần mềm đúng không nào. Phần cứng là những thiết bị mà chúng ta có thể cầm nắm bằng tay như chuột, bàn phím, tai nghe,… Còn phần mềm là hệ điều hành, các chương trình, game bạn cài vào máy. Tuy nhiên, nếu không có ai phiên dịch cho phần mềm sẽ không hiểu phần cứng đang muốn gì và ngược lại. Driver sẽ là người đứng ra giúp hai thành phần này hiểu nhau và giúp máy tính hoạt động trơn tru.

Driver do ai tạo ra?

Về cơ bản thì chúng ta sẽ có hai loại driver: một loại driver riêng do mỗi hãng phần cứng tự làm ra hoặc loại driver universal có thể dùng chung cho nhiều hãng. Đa số các hãng phần cứng sẽ dùng driver riêng cho thiết bị họ làm ra để đảm bảo sự ổn định. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp họ sẽ dùng driver universal của Microsoft hoặc một số nhà sản xuất khác để tiết kiệm thời gian và chi phí nghiên cứu mà thiết bị của họ vẫn hoạt động bình thường. Những driver dùng chung thường đã được kiểm tra và đạt các chứng nhận an toàn cần thiết. Các bạn có thể thấy một số loại chuột, bàn phím cứ cắm vào máy là sử dụng bình thường là do dùng driver universal.

Một số loại phần cứng có thể dùng cả hai loại driver luôn. Chẳng hạn như các loại card màn hình có thể dùng driver chung để xuất hình lên màn hình bình thường. Nhưng nếu chơi game thì các bạn phải tải driver của các hãng sản xuất như Nvidia, AMD hoặc Intel để có thể tối ưu hiệu suất khi chơi các game 3D.

Tác dụng của driver

Các hãng làm phần mềm sẽ là người tận dụng driver của phần cứng các bạn ạ. Chẳng hạn như các chương trình nhập văn bản sẽ dùng driver của bàn phím để biết bạn đang nhấn phím nào, rồi dùng driver card màn hình sẽ hiện chữ lên màn hình, nếu bạn muốn in thì phải dùng driver của máy in để điều khiển. Họ không cần phải tìm hiểu cơ chế hoạt động của các loại phần cứng từ đầu nữa, chỉ cần dùng các driver có sẵn là có thể dễ dàng điều khiển phần cứng hoạt động theo ý muốn.

Ngoài ra, một số phần mềm sẽ dùng nhiều driver khác nhau để “nói chuyện” với phần cứng. Để dễ hiểu thì các bạn có thể tưởng tượng mình muốn nói chuyện với một bạn Nhật, nhưng phiên dịch viên của mình chỉ biết nói tiếng Việt và tiếng Anh, thế là mình tìm thêm một người nữa biết tiếng Anh và Nhật để dịch thêm một lần nữa.

Tại sao driver lỗi có thể làm máy tính “đơ đơ”?

Bởi vì driver đóng vai trò phiên dịch viên giúp máy phần cứng và phần mềm hiểu nhau nên driver lỗi thì hai phần này cũng không thể hoạt động cho chính xác. Lấy lại ví dụ mình muốn nói chuyện với bạn Nhật, nếu các phiên dịch viên của mình chỉ giỏi một thứ tiếng, tiếng còn lại chỉ biết sơ sơ thì lúc dịch xong có thể sẽ bị “tam sao thất bản”.

Về cơ bản là như vậy, đến khi driver bị lỗi thì sẽ còn phức tạp hơn các bạn ạ. Lỗi có thể không chỉ xuất phát từ driver mà còn có thể từ phần cứng và cả phần mềm. Nếu từ đầu đã sai thì dù driver phiên dịch như thế nào cũng cho ra kết quả sai và bạn sẽ thấy máy tính đang bị lỗi.

Nếu chỉ có phần mềm bị lỗi thì khả năng máy vẫn tự động còn sửa được. Nhưng nếu hệ điều hành và driver không tương thích thì còn có thể làm máy bị sập, đứng. Chẳng hạn nếu hệ điều hành yêu cầu driver card màn hình tắt quạt tản nhiệt thì driver sẽ làm theo và không thắc mắc gì cả. Đến lúc bạn dùng lâu quá thì card quá nóng rồi máy tự tắt luôn.

Nếu driver bị lỗi thì nên làm gì?

Thật ra, driver rất ít khi bị lỗi và chúng ta không cần phải thường xuyên cập nhật driver. Nếu máy đang hoạt động ổn định, trơn tru thì bạn cứ để như vậy thôi. Nếu có phần mềm nào bảo rằng driver đang bị lỗi cần cập nhật các thứ thì bạn cứ phớt lờ, vì cập nhật xong thì chưa chắc sẽ sửa lỗi mà có khi còn dính lỗi nặng hơn.

Chỉ có đúng một trường hợp bạn nên cập nhật driver thường xuyên là driver của card màn hình. Thường thì các hãng card sẽ cập nhật các tính năng mới, cải thiện và tối ưu hiệu suất để bạn chơi game mượt mà hơn. Còn các loại phần cứng khác thì không cần cập nhật nhé.

Tuy nhiên, khi máy bị màn hình xanh và hiện một danh sách lỗi thì bạn có thể tìm và tra xem đó là lỗi gì. Nếu là vì driver thì bạn có thể cập nhật driver bằng Windows Update. Nếu trong Windows Update vẫn không tìm được driver thì bạn mở Device Manager để so sánh phiên bản driver mới nhất trong trang web của các hãng phần cứng rồi tài và cài vào máy.

Tóm lại, máy bị đơ lag thì cũng chưa phải là do driver, bạn nên kiểm tra phần cứng và phần mềm trước. Driver thường sẽ âm thầm chạy ngầm, không cần cập nhật và thường là Windows sẽ tự động “chăm sóc” giúp chúng ta.

Nguồn: How To Geek