Ngày xưa, chúng ta muốn chơi game thì phải tìm đĩa rồi cài game vào máy. Còn hiện nay, vì Internet đã quá phát triển nên anh em không cần phải đi tìm mua đĩa nữa mà chỉ cần vào Steam, Epic Store hoặc các cửa hàng bán game trực tuyến khác là có thể mua, tải game về rồi chơi rất dễ dàng. Đi đôi với sự phát triển đó thì các nhà phát hành cũng tận dụng cơ hội để tiếp tục bán thêm vật phẩm trong game hay còn gọi là microtransaction.

Việc nhà phát hành bán vật phẩm đã là điều phổ biến, xuất hiện trong mọi game, mọi nền tảng, từ các game miễn phí trên điện thoại cho đến các tựa game bom tấn. Các bạn có thể thấy rất nhiều game bán thêm lootbox, gói trang phục, tính năng cao cấp,… bằng cách nạp tiền thật vào mua.

Vì sao đã biết là “hút máu” nhưng vẫn có nhiều người lao vào?

Bởi vì chúng ta rất dễ bị cuốn vào các trò chơi mang tính “đỏ đen” các bạn ạ. Những cách hút máu dạng mở vật phẩm ngẫu nhiên sẽ tạo cảm giác sắp chiến thắng, sắp có được vật phẩm “xịn” nên bạn càng muốn mở thêm nhiều hộp nữa. Và để có nhiều hộp để mở thì thường sẽ có hai cách, bạn có thể cày cuốc nhiệm vụ để kiếm thêm hoặc nạp tiền vào mua thêm. Dù là cách nào thì các nhà phát triển cũng sẽ có lời vì thu hút game thủ chơi game nhiều hơn hoặc kiếm thêm “chút” lợi nhuận.

Các game thuộc thể loại thể thao như series NBA 2k và FIFA chính là những ví dụ “sáng chói” các bạn ạ. Dù đã bỏ tiền ra để mua game nhưng chúng ta phải mua thêm các gói trong cửa hàng để có thêm cầu thủ xịn, áo đấu đẹp,…

Một số cách hút máu chúng ta thường gặp

Vấn đề lớn nhất của việc bán vật phẩm  là nó làm game mất cân bằng và các nhà phát hành tìm đủ mọi cách để có thể hút máu chúng ta. Với những tựa game miễn phí, các nhà phát triển sẽ dùng “chiến thuật” giới hạn thời gian chơi game hoặc chèn quảng cáo. Khi chơi các game trên điện thoại thì bạn sẽ thấy tình huống này rất nhiều và nếu muốn chơi tiếp thì phải nạp thêm tiền để mua thêm thời gian hoặc tắt những quảng cáo khó chịu đi.

Một số tựa game thì đi theo hướng “pay to win”, tạo ra các item siêu bá đạo nhằm thu hút game thủ bỏ tiền ra mua. Ví dụ cho thể loại hút máu này thì chúng ta có thể kể đến tựa game Fallout 76. Kể từ khi ra mắt thì game gặp rất nhiều lỗi nhưng nhà phát hành Bethesda không thèm sửa mà chỉ ra thêm nhiều vật phẩm giúp tăng lợi thế trong game nhưng có giá khá “chát”. Một bộ trang phục Santa Claus chỉ bán vào dịp giáng sinh có giá đến 20 USD (khoảng 460.000 đồng), trong khi game có giá khoảng 40 USD thôi các bạn.

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều game không thật sự “ép” chúng ta hiến máu, bạn có thể lựa chọn nạp hay không. Những game này thường yêu cầu game thủ bỏ thời gian luyện level, nếu bạn không có thời gian và muốn đi đường tắt thì có thể nạp tiền vào. Dù có vẻ đơn giản nhưng nếu phải bỏ ra 1000 giờ ngồi “cày cuốc” thì có lẽ đa số game thủ sẽ “ngậm ngùi” chọn nạp tiền cho nhanh.

Không phải game nào hút máu cũng là “Pay to Win”

Mặc dù có rất nhiều game bán item và làm mất cân bằng game nhưng chúng ta cũng không nên “vơ đũa cả nắm” các bạn ạ. Một số ví dụ về việc bán item hút máu nhưng không làm tăng sức mạnh là CS:GO, Fortnite, Apex Legends và có thể tính thêm cả Liên Minh Huyền Thoại.

Về bản chất thì item trong các game này chỉ để trang trí vũ khí, súng, tướng cho đẹp mắt  thôi. Mua item của những game này sẽ giúp phát triển kiếm thêm lợi nhuận và cũng là một cách để ủng hộ họ tiếp tục chăm sóc tựa game bạn yêu thích. Dù bạn có bỏ thêm nhiều tiền thì cũng không thể tăng sức mạnh của tướng và vũ khí lên được. Đến khi vào game choảng nhau thì chỉ có kỹ năng mới tạo nên sự khác biệt nhé.

Nguồn: How To Geek