Một số lỗi đồ họa không nghiêm trọng như bạn nghĩ, nhưng cũng có cái đồng nghĩa với việc GPU của bạn sắp “về trời” rồi đó.

Cho dù bạn có “đập” một mớ tiền để tậu chiếc card màn hình đầu bảng về nhà để chiến game thì cũng chưa chắc là nó sẽ né được hiện tượng lỗi đồ họa (artifact) đâu nhé. Trong bài viết này, GVN 360 sẽ đề cập đến những lỗi đồ họa phổ biến, nguyên nhân gây ra chúng, và cách để phòng tránh những trường hợp này xảy ra với chiếc card đồ họa của mình nhé.

Lỗi đồ họa shimmering/flickering

Đầu tiên là một lỗi khá phổ biến mà nhiều bạn sẽ nghe nhắc đến với tên gọi là “flickering” hoặc “shimmering”. Cơ bản thì lỗi này là lúc bạn nhìn thấy một số texture có vẻ như là đang “di chuyển” ở phía đằng xa. Kiểu như là đang có các tia nắng phản chiếu trên bề mặt hồ nước như ở ngoài đời thực vậy.

Đúng là nhìn thì nó ngứa mắt thật đó, nhưng tin vui là lỗi này thường không liên quan đến chuyện card bạn bị hư hay là game bị lỗi. Thay vào đó, hiện tượng “shimmering” thường là một dạng của aliasing (răng cưa). Lỗi này cũng thường xuất hiện dưới dạng những đường thẳng bị răng cưa, lởm chởm.

Cách sửa là bạn có thể hạ các thiết lập trong game liên quan đến việc làm sắc nét hình ảnh “image sharpening”, hoặc là thử các chế độ khử răng cưa (anti-aliasing) khác. Temporal Anti Aliasing (TAA) được thiết kế một phần là để xử lý vấn đề nêu trên, cho nên bạn có thể thử chế độ này trước tiên nhé.

Trường hợp TAA vẫn không xi-nhê thì bạn có thể thử các chế độ khử răng cưa cao siêu hơn như Super Sample Anti Aliasing (SSAA) hoặc Multi Sample Anti Aliasing (MSAA) nhé. Tuy nhiên, chế độ khử răng cưa càng xịn thì nó sẽ càng đòi hỏi nhiều hiệu năng tính toán hơn, ảnh hưởng đến mức fps trong game. Vì thế nên bạn hãy thử các chế độ khử răng cưa rồi chốt 1 cái phù hợp nhất theo ý của bản thân nhé.

Lỗi đồ họa ghosting khi bật DLSS

Lỗi này khá là phiền đối với những ai sử dụng tính năng DLSS của Nvidia. Mặc dù DLSS giúp các chi tiết nhỏ trở nên nổi bật hơn mà không làm ảnh hưởng quá nhiều đến mức fps, nó lại có một tác dụng phụ là gây ra hiện tượng “ghosting”.

Nói một cách đơn giản thì DLSS hoạt động bằng cách so sánh hình ảnh trong game với hình ảnh “lý tưởng”, sau đó dùng máy học (machine learning) để ra lệnh cho GPU xuất hình ảnh với chất lượng tương tự như vậy. Phương pháp này nhìn chung hoạt động khá là ổn, nhưng nó cũng có mặt hạn chế là độ phân giải phải cao thì nó mới hoạt động tốt được, do AI phía sau tính năng DLSS được huấn luyện với các hình ảnh độ phân giải cao. Việc chơi game ở độ phân giải thấp có thể khiến AI khó xử lý hơn, khiến hình ảnh bị tình trạng “ghosting” hoặc “smearing” khá là khó chịu, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm khi chơi game.

Tin tốt là những phiên bản DLSS sau này đã cải thiện đáng kể tình trạng “ghosting”. Tuy nhiên, bản thân game vẫn phải hỗ trợ phiên bản DLSS mới thì tình trạng này mới thuyên giảm; cho nên bạn chỉ có thể ngồi chờ nhà phát triển cập nhật DLSS cho tựa game mà mình đang chơi thôi.

Lỗi đồ họa “artifact”

Kém may mắn hơn 2 trường hợp trên, có một số lỗi đồ họa là “triệu chứng” cho thấy linh kiện của bạn đang có vấn đề. Có thể lấy ví dụ như lỗi “artifact” trong hình minh họa bên trên. Bạn sẽ thấy bỗng dưng xuất hiện những vệt, những đốm có màu sắc kì quặc nằm rải rác trên màn hình, hay thậm chí là một số texture vật thể trong game biến mất hoàn toàn luôn.

Đôi lúc, lỗi này là do game không được tối ưu tốt lắm với phần cứng trong PC của bạn. Nhưng nếu bạn thấy lỗi này xuất hiện trong nhiều tựa game, hay thậm chí là lúc không chơi game cũng bị thì trước hết bạn nên thử cập nhật driver mới nhất và reset card đồ họa về trạng thái ban đầu (trường hợp bạn đang ép xung).

Còn nếu bạn đã làm những điều trên mà lỗi vẫn xuất hiện thì đây là lúc thích hợp để kiểm tra lại chiếc card đồ họa đó. Bạn hãy kiểm tra xem card đó được gắn chặt vào khe PCIe chưa và các cổng kết nối (tín hiệu, nguồn) có bị lỏng ra hay không. Ngoài ra, quá nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lỗi “artifact”. Vì thế nên nếu card của bạn đóng bụi quá nhiều thì bạn cũng nên vệ sinh để cải thiện hiệu quả tản nhiệt nhé.

Nếu lỗi vẫn còn thì bạn hãy thử cắm nó vào một chiếc PC khác, vì vẫn có trường hợp CPU, mainboard, RAM bị lỗi và cũng gây ra tình trạng “artifact” như trên. Bạn có thể cập nhật firmware (VBIOS) của card đồ họa, nhưng nếu tới nước này mà tình trạng vẫn không thuyên giảm thì tin buồn là GPU của bạn đang sắp sửa “gần đất xa trời” rồi đó. Nếu card vẫn còn trong thời hạn bảo hành thì hãy đem nó đi bảo hành càng sớm càng tốt nhé.

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360