Ưu nhược điểm của card WiFi gắn khe PCIe và USB WiFi là gì, và đâu là lựa chọn phù hợp? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.
Khi bạn muốn sử dụng mạng WiFi trên một chiếc máy tính không được tích hợp sẵn WiFi thì thường sẽ có 2 giải pháp: gắn thêm card mạng PCIe WiFi, hoặc là USB WiFi. Hầu hết USB WiFi đều nhỏ gọn, dễ mang theo, và giá thành thấp hơn so với card PCIe, nhưng liệu chúng có tốt hơn không? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu ưu và nhược điểm của mỗi loại nhé.
Card PCIe WiFi: mạnh hơn nhưng không linh hoạt bằng
Card PCIe WiFi sẽ cắm vào khe PCIe trên bo mạch chủ để hoạt động. Cơ bản thì nó cũng tương tự khe PCIe mà bạn gắn card màn hình nên cách lắp đặt cũng không quá phức tạp. Tuy nhiên, với một số bạn thì việc mở thùng máy ra, tìm khe PCIe để cắm card WiFi vào rồi siết ốc lại là công đoạn khá bối rối, nhất là khi phải chạm vào những linh kiện điện bên trong máy.
Khi lắp xong xuôi thì PC của bạn sẽ có khả năng kết nối với mạng không dây. Thường thì mỗi chiếc card PCIe WiFi sẽ đi kèm 2 ăng-ten giúp thu sóng tốt hơn. Cao cấp hơn thì có cả loại 3 ăng-ten để phục vụ cho những nhu cầu khắt khe hơn.
Card có nhiều ăng-ten sẽ có khả năng tận dụng công nghệ multiple-input-multiple-output (MIMO) để cải thiện trải nghiệm khi dùng mạng WiFi. Cơ bản thì công nghệ này có thể giúp tín hiệu WiFi trở nên mạnh hơn, nhanh hơn (tùy trường hợp). Ngoài ra, những chiếc card PCIe WiFi thường có luôn chức năng kết nối Bluetooth, trong khi USB WiFi thì không có nhiều mẫu mã hỗ trợ Bluetooth cho lắm.
Tuy nhiên, nhược điểm của card PCIe WiFi là nó không được linh hoạt cho lắm, vì một khi đã gắn vào trong máy tính rồi thì sẽ khá là phiền nếu bạn muốn tháo ra gắn cho máy khác. Nôm na thì bạn phải mở cả 2 thùng máy ra để lấy chiếc card từ thùng này gắn sang thùng khác.
Thêm vào đó, vì phía sau thùng máy thường là bức tường nên ăng-ten có thể bắt sóng không được tốt cho lắm, làm ảnh hưởng đến hiệu năng WiFi. Còn một vấn đề nữa là phía sau lưng PC bây giờ sẽ lòi ra 2 “cái râu”, tuy không quá quan trọng nhưng một số bạn ưu tiên sự tinh giản, gọn gàng sẽ không muốn 2 cái ăng-ten này lòi ra phía sau thùng máy.
USB WiFi: Không mạnh bằng nhưng tiện dụng
Cách sử dụng USB WiFi rất đơn giản: Bạn chỉ việc cắm thiết bị vào cổng USB trên máy tính và kết nối vào mạng WiFi là xong, và thường thì PC cũng sẽ tự nhận driver luôn chứ bạn cũng không nhất thiết phải lên mạng tải về.
Đó cũng là ưu điểm lớn nhất của USB WiFi – cực kỳ dễ sử dụng. Ngoài ra, bạn muốn cắm sang máy khác cũng dễ, không cần phải tháo lắp ốc rườm rà như card PCIe WiFi. Một điểm cộng nữa là USB WiFi thường sẽ khá là nhỏ gọn, không chiếm quá nhiều không gian, tương thích với desktop lẫn laptop; trong khi card PCIe WiFi thì hầu như chỉ gắn tên desktop được thôi.
Tiếc rằng điểm mạnh của card PCIe WiFi lại là điểm yếu của USB WiFi. Do hầu hết những mẫu USB WiFi nhỏ gọn thường không được gắn thêm ăng-ten WiFi nên chúng sẽ không mạnh bằng. USB WiFi sẽ không thu sóng mạnh bằng card PCIe, và trong một số trường hợp thì tốc độ cũng không nhanh bằng. Vì thế cho nên nếu giữa máy tính và cục phát WiFi không có vật cản thì USB WiFi mới thật sự lý tưởng nhé.
Một điều khác mà bạn nên chú ý là băng thông của cổng USB nhé. Với USB 3.0 ngày càng trở nên phổ biến thì điều này không còn là vấn đề quá to tát nữa, nhưng nếu là USB 2.0 thì các bạn hãy cân nhắc trước khi mua nhé.
Card PCIe WiFi và USB WiFi, giải pháp nào sẽ phù hợp với bạn?
Nếu bạn sử dụng desktop và không có ý định chuyển card WiFi sang “nhà mới”, và có thể điều chỉnh ăng-ten WiFi để tối ưu đường truyền thì card PCIe WiFi sẽ cho bạn hiệu năng cao hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn cần giải pháp gọn nhẹ, xài dễ, có thể cắm sang máy khác trong 1 nốt nhạc thì USB WiFi sẽ là lựa chọn lý tưởng hơn nhé.
Cách chọn Card PCIe WiFi và USB WiFi
Hiện nay có rất nhiều mẫu mã card PCIe WiFi và USB WiFi trên thị trường. Thế nên để bạn dễ lựa chọn hơn thì sau đây là 1 số tiêu chí mà bạn có thể tham khảo nhé.
Bạn nên lựa chọn sản phẩm nào hỗ trợ kết nối cả 2 băng tần là 2,4 GHz và 5,0 GHz. 2,4 GHz sẽ tương thích nhiều thiết bị hơn, độ phủ sóng rộng hơn, xuyên tường tốt hơn; còn 5,0 GHz thì sẽ cho tốc độ kết nối nhanh hơn. Vì thế nên việc hỗ trợ cả 2 băng tần sẽ cho phép bạn chủ động hơn trong việc kết nối WiFi trong các tình huống khác nhau.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý chuẩn kết nối 802.11ac (AC – WiFi 5) hay 802.11ax (AX – WiFi 6) nhé. Chuẩn mới hơn sẽ cho chất lượng kết nối tốt hơn, nhưng bù lại giá thành thường sẽ cao hơn nên các bạn cân nhắc kinh phí cũng như router WiFi mà mình định kết nối sẽ hỗ trợ chuẩn nào nhé.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn lựa chọn được sản phẩm ưng ý. Nếu các bạn muốn quẹo lựa hoặc cần tư vấn thêm về card mạng thì có thể ghé qua website GearVN nhé.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao mạng WiFi ở nhà lại không nhanh như quảng cáo? Đây là câu trả lời cho bạn
- 10 thủ thuật giúp bạn tăng tốc độ wifi tại nhà
- Tổng hợp 10 cách sửa lỗi Wifi trên Windows 10
- Hướng dẫn tối ưu hóa tốc độ router và máy tính bằng cách đổi qua lại giữa Wifi 2.4GHz và Wifi 5GHz trên Windows 10
- Cảm thấy khó chịu khi Windows 10 liên tục bị mất kết nối wifi? Đây là cách bạn xử lý
- 5 điều cần lưu ý về nơi đặt router để có kết nối WiFi tốt nhất
- Hướng dẫn kiểm tra cường độ sóng Wifi trên Windows 10, lỡ xa cách nhau quá thì tự xích lại gần nhau hơn
- Những điều cần lưu ý khi chọn mua router WiFi
- Vì sao không cần tắt Wifi mỗi buổi tối, đây là câu trả lời cho bạn
Nguồn: MakeUseOf
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!