Trước đây khi nói về mức công suất của một con CPU, chúng ta thường dùng thuật ngữ TDP (công suất tỏa nhiệt trên thiết kế). Tuy nhiên khi Intel cho ra mắt CPU thế hệ 12 thì họ đã loại bỏ TDP và dùng 2 thuật ngữ mới là PBP và MTP. Vậy PBP và MTP là gì và vì sao chúng thay thế TDP trong CPU Intel thế hệ 12? Mời các bạn cùng mình tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Định nghĩa của PBP và MTP
PBP là viết tắt của Processor Base Power (công suất cơ bản của CPU), cho biết mức công suất cơ bản của CPU ở các mức xung cơ bản. MTP là viết tắt của Maximum Turbo Power (công suất turbo tối đa của CPU), cho biết ngưỡng công suất tối đa mà CPU có thể chạm đến trong quá trình Turbo.
Mức PBP chỉ là một mức công suất sàn mà thôi, nếu đủ điện và tản nhiệt đủ khỏe thì CPU sẽ tự bỏ giới hạn PBP để đẩy xung cao hơn. Và mức công suất tối đa mà nó có thể đạt đến là mức MTP. Lưu ý là khi CPU chạm mức MTP thì đây chưa phải là ép xung vì nó vẫn nằm trong giới hạn quy định của Intel. Chỉ khi bạn bắt CPU bỏ luôn giới hạn MTP, ăn điện nhiều hơn để đạt mức xung cao nữa hơn thì mới gọi là ép xung.
Vì sao PBP và MTP thay thế TDP?
TDP là viết tắt của Thermal Design Power (công suất tỏa nhiệt theo thiết kế). Số TDP này sẽ cho biết công suất tỏa nhiệt tối đa của CPU tại các mức xung cơ bản (tương tự như khái niệm của PBP). Ngoài ra thì trong nhiều năm nay nó cũng thường được dân công nghệ xem như chỉ số tiêu thụ điện năng của CPU.
Tuy nhiên vấn đề của TDP là nó chỉ tính mức cơ bản thôi, nếu có đủ điện và tản nhiệt đủ khỏe thì CPU vẫn sẽ tiếp tục ăn điện để chạy với mức xung cao hơn. Và mức công suất tối đa mà CPU có thể chạm đến khi chưa ép xung thì trước CPU thế hệ 12, Intel không có đưa vào trong bảng thông số kỹ thuật chính thức.
Bây giờ Intel muốn mọi thứ rõ ràng hơn nên họ đã bỏ TDP và thay thế nó bằng PBP. Còn MTP thì chính là mức điện năng tiêu thụ tối đa của CPU khi chưa ép xung.
*Thông tin thêm:
Việc Intel đưa các thông số mới là PBP và MTP cũng mang đến lợi ích thiết thực cho người dùng vì nó giúp bạn build PC một cách chính xác hơn. Nếu muốn vừa đủ cân được CPU thì nguồn, mainboard và tản nhiệt của bạn phải đáp ứng mức PBP, muốn tận dụng được hết hiệu năng của nó khi chưa ép xung thì phải đáp ứng MTP, còn muốn ép xung luôn thì cao hơn nữa.
Thời gian mà CPU có thể đạt công suất MTP
Ngoài PBP và MTP ra thì Intel cũng có ghi thông số Tau Duration (thời lượng Tau) cho CPU của mình. thông số này cho biết thời gian tối đa mà CPU có thể duy trì khi chạm ngưỡng công suất MTP, trước khi nó trở về ngưỡng công suất bình thường (PBP). Đối với CPU thế hệ 11 thì Intel quy định Tau Duration là 58 giây. Tuy nhiên thông số này cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Các nhà sản xuất mainboard có thể tự ý thay đổi thông số này nếu mainboard của họ đủ sức cấp đủ điện cho CPU duy trì mức công suất MTP.
Hầu hết các nhà sản xuất mainboard thiết lập mức Tau Duration là vô hạn để có thể duy trì mức công suất MTP cho CPU trong khoảng thời gian vô hạn. Thế nên ở CPU thế hệ 12, Intel đã để Tau Duration thành vô hạn luôn cho tất cả các mẫu CPU dòng K (có thể ép xung). Đối với các CPU không ép xung được thì họ vẫn giữ Tau Duration là 58 giây.
Vì thế mà trên thực tế là mấy con CPU dòng K như Core i9-12900K hầu như sẽ luôn hoạt động ở mức MTP nếu đủ điện và tản nhiệt đủ khỏe. Lúc này thì PBP với MTP của nó xem như là cùng một thứ.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Tìm hiểu các thành phần bên trong nhân CPU
- Tìm hiểu về kiến trúc đồ họa Xe HPG bên trong chiếc card gaming đầu tiên Arc “Alchemist” của Intel
Nguồn: Tom’s Hardware
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!