Hầu hết thẻ SD hiện nay đều được in nhiều biểu tượng trên đó, và bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ các ký hiệu đó nghĩa là gì.

Thẻ SD giờ không còn là thứ gì đó quá xa lạ với chúng ta nữa rồi. Nếu hồi trước có thẻ microSD giúp bổ sung dung lượng cho điện thoại, thì bây giờ có thẻ SD để giúp máy chụp hình lưu trữ những tấm ảnh. Thế nhưng nếu bạn ra tiệm mua thẻ SD bây giờ thì sẽ thấy hơi choáng váng, vì nó có rất nhiều kích thước, dung lượng, và tốc độ khác nhau. Vậy thì rốt cuộc cái nào mới đúng là thứ bạn cần? Sau đây sẽ là lời giải đáp giúp bạn lựa thẻ SD đúng với nhu cầu của bản thân nhé.

Thẻ SD có 3 loại kích thước

Thẻ SD có 3 loại kích thước phổ biến, bao gồm SD bình thường, miniSD, và microSD. Thẻ SD bình thường là phiên bản SD đầu tiên luôn, và nó vẫn còn được sử dụng rất phổ biến trong những chiếc máy chụp hình ngày nay. Còn thẻ microSD thì được dùng nhiều cho những thiết bị di động như smartphone, Nintendo Switch, flycam, vân vân. miniSD bây giờ không còn phổ biến cho lắm do nó “nửa nạc nửa mỡ”, không quá to cũng không quá nhỏ nên chả có ai sản xuất nó nữa.

Cả SD bình thường lẫn microSD đều có dung lượng và tốc độ gần như tương đồng với nhau, cho nên trước khi mua thì bạn nhớ kiểm tra kỹ xem thiết bị mà bạn đang xài hỗ trợ kích thước thẻ SD nào nhé. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thẻ SD của mình chỉ đọc được thôi, không cho phép ghi thêm dữ liệu vào đó thì chỉ có thẻ SD bình thường là có nút gạt đó thôi. Tất nhiên, nếu bạn gắn thẻ microSD vào cái adapter (để biến nó thành thẻ SD bình thường) thì cũng sẽ có nút gạt đó đó, nhưng bạn sẽ tốn thêm tiền mua cái adapter đó, và lúc này microSD cũng không còn là microSD nữa rồi.

Dung lượng thẻ SD qua 4 loại biểu tượng

Theo lý thuyết, 1 chiếc thẻ SD bình thường có thể chứa đến 128 TB dữ liệu. Tuy nhiên, thực tế thì sẽ khó để có thể sản xuất ra chiếc thẻ như thế; giờ kiếm thẻ SD dung lượng hơn 1 TB cũng đủ lòi mắt rồi. Điều duy nhất mà bạn cần để tâm khi xét về dung lượng thẻ SD là những biểu tượng trong hình trên. Biểu tượng SD (Secure Digital) trơ trọi, không ghi thêm chữ gì khác thì nó là chuẩn cũ, chỉ lưu được tối đa 2GB mà thôi; SDHC (Secure Digital High Capacity) thì lưu được tới 32 GB; SDXC (Secure Digital Extended Capacity) cho phép lưu tới 2 TB (theo lý thuyết); và SDUC (Secure Digital Ultra Capacity) thì sẽ đạt tới 128 TB (nếu sau này có thẻ như thế).

Cũng cần lưu ý là một số thiết bị cũ có thể không hỗ trợ các chuẩn mới như SDXC và SDUC, cho nên trước khi mua bạn nhớ hỏi các bạn nhân viên để được tư vấn kỹ nhé. Thật ra, nếu bạn format thẻ SDXC hoặc SDUC cho nó thành định dạng FAT32 cũ thì vẫn cắm vào xài được đó, nhưng dung lượng thẻ lúc này sẽ bị giới hạn còn có 32 GB mà thôi, và dung lượng của 1 file cũng bị giới hạn ở mức tối đa là 4 GB.

Thẻ SD có nhiều chuẩn tốc độ khác nhau

Class

Tốc độ thẻ SD sẽ là 1 yếu tố quan trọng nếu bạn thường xuyên dùng nó để lưu trữ những tập tin có dung lượng lớn, chẳng hạn như lưu hình ảnh độ phân giải cao, file RAW, hoặc lưu video 4K hay 8K. Trên thẻ SD, bạn sẽ thấy có 1 con số được bao bọc bởi chữ C hoặc chữ U (hoặc có khi sẽ thấy cả 2 con số này luôn). Chữ C (Class) sẽ xuất hiện trên những chiếc thẻ có tốc độ chậm hơn so với thẻ có chữ U, với con số tượng trưng cho tốc độ ghi (MB/s).

UHS (Ultra High Speed)

Chữ U (UHS – Ultra High Speed) sẽ dành cho những chiếc thẻ có tốc độ nhanh hơn. Nếu bên trong chữ U là số 1 thì tốc độ ghi sẽ từ 10 MB/s trở lên, số 3 thì sẽ từ 30 MB/s trở lên. Thêm vào đó, mấy thẻ UHS còn có thêm 1 có số la mã đứng phía cuối chữ SDXC hoặc SDUC, biểu thị cho giao tiếp bus (tốc độ đọc nhanh nhất theo lý thuyết). Hầu hết thẻ SD trên thị trường hiện nay đều là UHS-I (104 MB/s) hoặc UHS-II (312 MB/s), nhưng trên lý thuyết thì sẽ có UHS-III với tốc độ lên đến 624 MB/s (tương đương SSD SATA). Còn nếu thay vì thấy số la mã, bạn thấy chữ EX (Express) thì thẻ SD đó hỗ trợ PCI Express, nghĩa là bạn có thể đạt được tốc độ lên đến 1 TB/s, và nếu nó hỗ trợ chuẩn PCIe mới hơn hoặc xài nhiều làn hơn thì con số này sẽ còn cao hơn nữa.

V (Video Speed Class)

Ngoài các biểu tượng ở trên ra, bạn có thể bắt gặp thêm 1 cái nữa, đó là chữ V với con số nằm bên cạnh. Chữ V tượng trưng cho Video Speed Class, và nó cho chúng ta biết tốc độ ghi (MB/s) của chiếc card đó. V30 sẽ phù hợp để ghi nội dung HD, V60 sẽ phù hợp cho 4K, và V90 sẽ phù hợp cho 8K.

Thay vì ghi mấy cái ký hiệu như vậy, nếu nhà sản xuất ghi thẳng con số ra luôn thì người dùng sẽ dễ hiểu hơn. Nhưng có lẽ vì mấy cái tên XC, ultra, express nghe nó xịn sò hơn, dễ marketing hơn nên người ta mới xài nó để thu hút người dùng. Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về các loại thẻ SD. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360