Giao tiếp VirtualLink được công bố hồi giữa năm 2018, hứa hẹn giúp kết nối các headset VR chỉ với 1 sợi dây. Tuy nhiên, giao tiếp này chưa bao giờ xuất hiện, và có lẽ là nó sẽ không bao giờ xuất hiện luôn. Lý do là vì NVIDIA quyết định sẽ không hỗ trợ VirtualLink trên dòng card màn hình GeForce RTX 30-series nữa, và đồng thời trang web của VirtualLink Consortium cũng đã “bay màu” luôn.

Thế hệ headset VR đầu tiên cần đến 3 dây cáp: DisplayPort hoặc HDMI dành cho tín hiệu hình ảnh/âm thanh, USB cho cảm biến, và dây cấp nguồn. Việc có 3 sợi dây lòng thòng trên đầu không hề thoải mái chút nào và vào giữa năm 2018 thì có một hiệp hội bao gồm những công ty công nghệ cao giới thiệu giao tiếp VirtualLink, một sợi dây USB Type-C duy nhất dùng để kết nối với headset VR. Tuy nhiên, yêu cầu của nó khá là “gắt”: phải là USB-C 1.3, cặp USB 3.0 phải được bảo vệ, và phải được kết nối theo chiều nhất định.

Hiệp hội và giao tiếp này được ủng hộ bởi những công ty có hứng thú với công nghệ AR và VR, bao gồm AMD, Facebook, HTC, Microsoft, Nvidia, và Valve. Nhưng có vẻ như nhiêu đây thôi vẫn chưa đủ để khiến VirtualLink đơm hoa kết trái.

Oculus Quest 128GB VR Headset: Amazon.co.uk: PC & Video Games

NVIDIA là công ty đầu tiên hỗ trợ VirtualLink trong thế hệ card màn hình GeForce RTX 20-series sử dụng kiến trúc Turing, nhưng đến GeForce RTX 20-series Super thì VirtualLink không còn xuất hiện nữa, và đến GeForce RTX 30-series (kiến trúc Ampere) thì vẫn không thấy VirtualLink đâu cả. Còn về phía AMD thì không thấy họ hỗ trợ VirtualLink trên dòng card màn hình Radeon RX 5000-series. Hơn nữa, những headset VR gần đây cũng không sử dụng VirtualLink. Valve có cố gắng làm ra adapter VirtualLink cho Index, nhưng cuối cùng cũng bị hủy vì không ổn định. Tính ra, chỉ có mỗi Oculus Quest – một trong những headset VR xịn sò nhất – là hỗ trợ cổng VirtualLink. Mà theo lý thuyết thì đây cũng không phải là kết nối VirtualLink, chỉ là nó tận dụng cổng VirtualLink có sẵn mà thôi.

Có vẻ như NVIDIA không phải là bên duy nhất mất hứng thú với giao tiếp này. Trang web của hiệp hội đã bị gỡ xuống và được chuyển về trang Wikipedia của VirtualLink được nhiều tháng nay. Mặc dù thông số của VirtualLink vẫn còn tồn tại và có thể được sử dụng bởi những công ty khác, nếu nó không được hỗ trợ bởi những ông lớn như NVIDIA và những hãng sản xuất headset VR thì VirtualLink cơ bản là đã chết.

Nguồn: tom’s HARDWARE