Hầu hết các mẫu xe tăng hiện nay đều thuộc kiểu xe tăng chủ lực nên chúng thường có mục đích thiết kế khá tương đồng nhau. Tuy nhiên, vào thời thế chiến thứ 2, khi mà học thuyết quân sự về xe tăng vẫn còn rất đa dạng thì mỗi nước đều có cho mình một phong cách thiết kế riêng, một số thì thành công, số còn lại thì không và sẽ làm bạn “té ngửa” khi biết được đấy.
*Bài viết mang tính chất giải trí vui vẻ, đưa thông tin thú vị và không gây war nha anh em.
OK, giờ thì bắt đầu nào.
Mỹ – Thoải mái trước đã, còn lại mọi thứ… từ từ tính sau
“Chẳng có lính nào sướng hơn lính Mỹ” câu nói này chẳng bao giờ sai cả. Với sức mạnh kinh tế cực kỳ bá đạo, chẳng lạ gì khi mà chính phủ Hoa Kỳ chăm chút cho những người lính trong quân đội của họ đến từng miếng ăn giấc ngủ, và lính xe tăng cũng không ngoại lệ.
Xe tăng của Mỹ tuy không được đánh giá cao về tính thực dụng như hàng của Liên Xô nhưng chắc chắn một điều rằng lính xe tăng của Liên Xô không bao giờ sướng bằng lính Mỹ. Xe tăng của Mỹ thường có không gian nội thất rộng rãi, được hoàn thiện tốt đến từng chi tiết, thoải mái và đầy đủ tiện nghi. Điển hình trong số những mẫu xe tăng của Mỹ chắc chắn phải kể đến M4 Sherman, chiếc xe tăng này không chỉ có những yếu tố vừa nêu mà còn có những thứ hay ho khác như ghế bọc da và có giảm xóc, xích xe được đệm cao su nên di chuyển êm và ít ồn. Màu sắc bên trong xe cũng bắt mắt hơn hàng Liên Xô, đến nỗi lính Hồng Quân còn phải công nhận lái con này sướng hơn bọn “gián” T-34 nhà mình nhiều.
Tuy nhiên, được cái này thì phải mất cái kia. Phần cao su trên bánh xích xe tăng của M4 Sherman rất kém bền và đã có những trường hợp nó bị chảy ra khi chạy trên đường nhựa giữa trời nắng gắt. Hậu quả là bánh xích bị kẹt cứng bởi cao su dẻo và chiếc xe tăng gần như tê liệt. Phần nội thất xe rộng rãi nên cũng làm thân xe to ra và dễ ăn đạn hơn. Giáp hông của M4 kém hiệu quả so với T-34 của Liên Xô do mỏng và không được vát nghiêng.
Tuy nhiên, tai tiếng của chiếc xe tăng này chỉ thực sự đến mức nghiêm trọng khi nó chạy bằng xăng nên rất dễ bắt cháy khi bị bắn trúng động cơ và thùng nhiên liệu. Đến nỗi lính đức đã gọi nó bằng cái tên “Tommy Cooker”, tức là “nồi nấu lính Mỹ”! Các mẫu xe tăng hạng nặng của Mỹ như T29 và T30 tuy đều rất mạnh nhưng do xuất hiện quá muộn nên chúng đã bỏ lỡ dịp lấy lại danh tiếng cho xe tăng Mỹ trong thế chiến thứ 2 rồi.
Đức – Cái sở thú đắt tiền nhưng không được việc của Hitler
Lực lượng tăng thiết giáp của Đức Quốc Xã trong giai đoạn đầu của thế chiến thứ 2 cực kỳ đáng sợ và hiệu quả, còn về sau thì đỡ nhiều rồi!
Không ai có thể chối cãi một điều rằng những chiếc xe tăng thuộc hàng “flagship” của Đức thời kỳ cuối thế chiến thứ 2 rất mạnh. Tuy nhiên chúng lại không đủ hiệu quả để mang về lợi thế cho quân đội Phát Xít trên chiến trường, đặc biệt là mặt trận phía Đông, khi mà những chiếc xe tăng Liên Xô làm đau đầu Hitler và đau đít lính của ông ta.
Những chiếc xe tăng Đức như Tiger, King Tiger, Panther, pháo chống tăng Elefant… tất cả chúng đều có một điểm chung là to, nặng, đắt tiền, chậm chạp, kém tin cậy, mạnh ở “đầu game” nhưng về “cuối game” thì lại yếu xìu. Chúng cực kỳ bá đạo đối với những đối thủ “nhẹ cân” hơn như M4 Sherman và T-34 nhưng lại rất dễ bị những đối thủ trang bị pháo chính cỡ nòng lớn của Liên Xô vả cho không trượt phát nào.
Vì “đặc sản” là kém cơ động và động cơ thường xuyên bị quá tải do xe quá nặng, khiến chúng trở thành mồi ngon cho hỏa lực hạng nặng và rất khó để rút lui khi gặp tình thế bất lợi. Điển hình là chiếc King Tiger nặng đến ngót nghét 70 tấn trong khi động cơ thì chỉ có 690 mã lực, gặp ổ phục kích thì xem như nằm chịu trận luôn, động cơ của nó cũng thường xuyên phải chạy hết công suất nên rất dễ hỏng hóc.
Liên Xô – Chủ nghĩa thực dụng
Đời không như game đâu các bạn ạ, mấy bác chơi War Thunder với World of Tanks hay than rằng xe tăng Liên Xô quá bá đạo (Russian bias) nhưng thật ra người ta đã phải giảm sức mạnh của chúng nhiều rồi đấy, không thì chắc chỉ có thành dead game.
Có thể nói học thuyết quân sự và công nghệ về chế tạo xe tăng của người Nga là thành công nhất trong giai đoạn cuối thế chiến thứ 2. Họ có những mẫu xe tăng xuất sắc đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân đội Phát Xít và nhận được sự kính nể của các kỹ sư quân sự phe Đồng Minh.
IS-2 được bọc giáp tốt và bố trí một cách tối ưu, độ cơ động vừa đủ, vận hành đáng tin cậy và hỏa lực cực mạnh với cỡ nòng 122mm. Khẩu pháo của IS-2 có thể khạc ra viên đạn nặng 25kg, đủ để xuyên thẳng mật bất kỳ mẫu xe tăng nào của Đức thời điểm đó. Đại tướng Heinz Guderian của Đức đã ước tính phải cần đến 3 chiếc Tiger để hạ được một chiếc IS-2. Và chiếc xe tăng này đáng sợ đến nỗi lính đức đã gọi nó bằng cái tên “Doom” tức là “Quỷ dữ”.
ISU-152, con này thì còn dã man hơn nữa. Như tên gọi của mình, ISU-152 trang bị pháo chính có cỡ nòng lên đến 152mm và mỗi viên đạn HE của nó nặng tầm 45kg, đủ sức để đấm bay màu bất kỳ xe tăng nào của Đức Quốc Xã tại mọi khoảng cách. Lính đức cũng đã đặt cho con quái vật này một cái tên thân thương là “Dosenöffner” nghĩa là “dụng cụ khui đồ hộp” vì chiếc xe tăng nào ăn đạn của nó thì coi như xác định toang như cái hộp bị khui luôn.
T-34 Thường được các dân chơi yêu lịch sử ở Việt Nam gọi bằng biệt danh trìu mến “con gián”. Đó là vì sức sống mãnh liệt của dòng xe tăng huyền thoại này. Tuy nó không có cái gì là nhất nhưng cái gì cũng làm được kha khá. Nó cực kỳ tin cậy, chi phí sản xuất cực thấp và rất cơ động. dòng xe tăng này cũng có cấu tạo đơn giản nên rất dễ bảo dưỡng và sản xuất hàng loạt, nếu một chiếc T-34 bị tiêu diệt thì Liên Xô lại có thể sản xuất ra nhiều chiếc nữa bằng sức mạnh công nghiệp khủng khiếp của mình. Đã có 57.000 chiếc xe tăng dòng T-34 gồm 34.780 chiếc nguyên mẫu và 22.559 chiếc T-34-85 được sản xuất trong thế chiến thứ 2, góp phần không nhỏ vào sự thành công của cuộc chiến tranh vệ quốc và tiêu diệt chủ nghĩa Phát Xít của Liên Xô.
OK, trên đây là những thông tin thú vị về phong cách thiết kế xe tăng của Mỹ, Đức và Liên Xô trong thế chiến thứ 2. Hy vọng là anh em thấy thích và có thêm chút gì đó để chém gió với bạn bè. Hẹn gặp lại anh em.