Bạn có cảm thấy bị “rối” mỗi khi nhìn vào hàng tá mẫu VGA trong cùng một dòng không? Nếu có thì bạn sẽ cần đọc bài viết này đấy.
Hiện nay, có 2 nhà phát triển VGA là nVIDIA và AMD. Cho bạn nào khi ra mắt một dòng VGA mới, các nhà phát triển thường sẽ phát hành một một bản Founder Edition (bản gốc) trước, sau đó bán GPU (nhân xử lý đồ họa) cho các bên khác như Asus, Gigabyte, MSI, Galax, Palit… để họ phát triển những phiên bản VGA custom với những GPU đó, dựa trên phiên bản gốc của nhà sản xuất. Các bản custom này thường chênh lệch so với bản gốc một chút về mức xung nhịp của GPU
Mỗi nhà sản xuất VGA đều sẽ có những phiên bản với mức giá và độ hoàn thiện và mẫu mã khác nhau để phù hợp hơn với nhiều nhu cầu của người dùng. Vậy, làm sao để lựa chọn VGA cho đúng, phù hợp với nhu cầu của mình ?
Một dòng nhưng nhiều giá, vậy chúng khác nhau chỗ nào ?
Tất cả các VGA cùng dòng đều sử dụng chung một GPU, ví dụ tất cả các mẫu VGA cùng dòng RTX 2060 đều sử dụng chung một GPU do nVIDIA cung cấp là TU106, nhưng có thể khác nhau ở những thứ còn lại.
Vẻ bề ngoài
Đương nhiên rồi, đây là điều dễ nhận thấy nhất. Ví dụ giữa 2 chiếc VGA của MSI một chiếc GTX 1660 dòng gaming X cao cấp và 1 chiếc dòng Ventus phổ thông thì chúng sẽ có vẻ ngoài khác nhau rất rõ ràng.
Không chỉ riêng MSI mà nhà sản xuất nào cũng vậy, các dòng VGA cao cấp hơn trong cùng một hãng thường sẽ có ngoại hình đẹp mắt hơn. Nếu những dòng VGA phổ thông chỉ cần đơn giản là đảm bảo mức hiệu năng của GPU là được thì những dòng VGA cao cấp hơn sẽ còn có ngoại hình bắt mắt để làm đẹp thêm cho dàn case của bạn. Chúng thường sẽ to hơn, nạc hơn, hầm hố hơn, nhiều quạt hơn, trang bị hệ thống LED đẹp hơn…
Hệ thống tản nhiệt
Những dòng VGA cao cấp hơn thường sẽ có dàn heatsink khủng hơn, hệ thống quạt hút khí mạnh hơn (đường kính quạt lớn hơn, thiết kế khí động học tốt hơn, số lượng quạt nhiều hơn để đảm bảo được khả năng tản nhiệt tốt hơn. Ví dụ cùng một nhà sản xuất là Asus nhưng 2 mẫu VGA dưới đây có hệ thống tản nhiệt khác nhau rõ ràng
Những dòng VGA càng cao cấp thường sẽ có hệ thống tản nhiệt càng mạnh. Một dàn tản nhiệt khủng không chỉ giúp chiếc VGA trông ngầu hơn mà còn giúp đảm bảo nhiệt độ vận hành lý tưởng, tăng tuổi thọ linh kiện.
PCB (Bảng mạch)
Đầu tiên, trước khi nói về bảng mạch thì chúng ta hãy điểm qua một chút về khái niệm cơ bản của VRM. VRM (Voltage Regulator Module) mô đun điều chỉnh điện áp là một hệ thống các IC, đèn mosfet, tụ điện … làm nhiệm vụ chuyển đổi, kiểm soát dòng điện trong bảng mạch của VGA. Vì VGA là một module độc lập và có cấu tạo cực kì tinh vi cho nên nó cần một dàn VRM nội bộ để tinh chỉnh dòng điện nhằm duy trì và phân phối dòng điện cho các linh kiện của VGA hoạt động.
PCB của VGA chính là nơi chứa GPU, chip nhớ VRAM và dàn VRM. Thường thì những chiếc VGA cao cấp hơn sẽ có phần bảng mạch lớn hơn, cho phép chưa được nhiều linh kiện cho dàn VRM hơn, một dàn VRM mạnh sẽ có thể giúp một chiếc VGA có thể ép xung ổn định hơn, duy trì mức xung cao, đồng thời cũng đảm bảo hơn cho độ bền của các linh kiện trên VGA trước các tác nhân liên quan đến dòng điện.
Backplate
Backplate là tấm chắn bảo vệ phía sau của VGA, có nhiệm vụ chính là chống cong vênh cho bảng mạch, bảo vệ bảng mạch và các linh kiện bên trên trước các tác nhân bên ngoài, đồng thời hỗ trợ một phần khả năng tản nhiệt cho VGA. Cùng dòng VGA nhưng tùy mẫu cao cấp hay phổ thông mà những chiếc VGA này sẽ có thể có Backplate bằng kim loại, bằng nhựa hoặc không có backplate luôn.
Nếu bạn có một chiếc case kín và một chiếc VGA không quá to và nặng thì backplate cũng không quá quan trọng, nhưng một tấm backplate bắt mắt sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp cho VGA và cả dàn máy của bạn. Vì thế khi lựa chọn VGA thì bạn cũng nhớ nghĩ xem mình có cần một tấm backplate hay không nhé.
Trường hợp đặc biệt
Có những mẫu VGA mà bạn không thể phân biệt nếu chỉ dựa vào vẻ bề ngoài, điển hình là các mẫu VGA cùng dòng ROG Strix của Asus trong ví dụ dưới đây
Nếu chỉ nhìn cái mã bề ngoài thôi thì chắc chắn bạn sẽ chẳng phân biệt được những mẫu VGA cùng dòng như thế này đâu. Chúng giống nhau hoàn toàn từ phần “mặt nạ” cho đến backplate. Vậy, tại sao lại chúng lại có sự phân hóa về giá ?
Câu trả lời là Silicon Lottery (một thuật ngữ chỉ sự may rủi khi mua thiết bị bán dẫn công nghệ cao). Các đế bán dẫn (Silicon Die) của GPU được cắt ra từ những chiếc đĩa bán dẫn (Silicon Wafer), và trong quá trình sản xuất thì sẽ có xác suất tạo ra những sản phẩm không đồng đều với nhau. Những GPU có đế bán dẫn hoàn hảo hơn sẽ có thể dễ dàng đạt mức xung nhịp cao hơn, cho hiệu năng mạnh mẽ hơn đôi chút và đồng thời cũng hoạt động ổn định hơn.
Trong trường hợp các mẫu VGA cùng dòng của các hãng thì ngay từ khâu sản xuất họ đã lựa chọn những con chip có đế bán dẫn hoàn hảo nhất để gắn lên những chiếc VGA cao cấp hơn, những chiếc VGA này có mức xung nhịp cao hơn những mẫu còn lại một chút, vì thế hiệu năng của chúng cũng nhỉnh hơn.
Kết
Cùng một nhà sản xuất sản xuất, cùng một dòng VGA nhưng mỗi nhà sản xuất lại có những mẫu VGA với mức giá khác nhau. Về hiệu năng thì chúng không khác nhau đáng kể do cùng mã GPU và những thông số kĩ thuật quan trọng khác, sự chênh lệch về về mức giá này chủ yếu là do những chiếc VGA cao cấp hơn sẽ có thiết kế đẹp và độ hoàn thiện tốt hơn, GPU có đế bán dẫn hoàn hảo hơn và được trang bị thêm những tính năng độc quyền của hãng.
Nguồn: GEARVN (Axium Fox)