Switch quang học đang dần xuất hiện ngày càng nhiều hơn với những ưu thế vượt trội so với switch cơ truyền thống. Không thể chối cãi rằng chúng chính là công nghệ của tương lai. Tuy nhiên trên quan điểm cá nhân thì mình cho rằng chúngdù ưu việt vẫn chưa sẵn sàng để thay thế công nghệ switch cơ học truyền thống. Nếu có hứng thú thì mời các bạn cùng bàn luận với mình nhé.
Switch quang học mượt mà và đáng tin cậy, nhưng…
Mình không thể nào phủ nhận một điều là switch quang học rất đáng tin cậy. Thực tế đã chứng minh rằng chúng ít sợ nước hơn switch cơ, ít bị “mát” hơn switch cơ (do lá đồng tiếp xúc kém) và thường có độ bền ước tính lớn hơn switch cơ rất nhiều. Ngoài ra thì do loại bỏ được cơ chế lá đồng như switch cơ truyền thống, từ đó loại bỏ sự ma sát không cần thiết nên nó có hành trình phím cực kỳ trơn mượt.
Về điển hình chúng ta có thể nói đến switch quang học OPX của Corsair và Opto-Mechanical Red của Razer. Mình đã trải nghiệm kỹ 2 loại switch quang học này rồi và dám khẳng định một câu là nếu tính riêng về độ mượt thì Cherry MX Red với Gateron Black khó mà so sánh được. Ngoài ra thì các loại switch quang học còn có thể đạt điểm nhận phím rất ngắn (ví dụ: Corsair OPX là 1mm) và có tiềm năng điều chỉnh điểm nhận phím nữa
Tuy nhiên đó chỉ mới là những ưu điểm mà chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng mà thôi. Nó còn có những điểm hạn chế khiến mình từ chối xem nó là một công nghệ có thể thay thế switch cơ.
Switch quang học không có quy chuẩn chung, độ chế là cực kỳ khó và dân chơi đồ custom như mình không thích điều này
Switch quang học bây giờ không còn quá hiếm như cách đây khoảng 4 năm nữa. Bây giờ thì nhiều hãng gaming gear lớn như Razer, Corsair, ASUS, Zowie đều đã có bàn phím sử dụng switch quang học rồi (Steelseries thì phát triển công nghệ switch từ tính). Thậm chí Fuhlen còn dám mang công nghệ này xuống một con phím bình dân có giá chỉ hơn 1 triệu là Destroyer nữa. Tuy nhiên vấn đề là mỗi hãng họ lại có công nghệ switch quang học của mình, mỗi ông làm một kiểu.
Không như thị trường phím cơ, nơi mà hầu hết các mẫu bàn phím và các nhà sản xuất linh kiện phím cơ đều tuân theo quy chuẩn switch của Cherry, các hãng phím nắm giữ công nghệ switch quang đều có quy chuẩn của mình. Nếu như ở thị trường phím cơ, bàn phím có thể dễ dàng đổi switch cho nhau thì ở thị trường phím quang học, bàn phím hãng nào cũng chỉ có thể chơi với switch của hãng đó, nó hạn chế sự đa dạng, phong phú trong trải nghiệm của người dùng. Thậm chí đa số các hãng phím quang học còn không thèm bán lẻ switch của họ nữa chứ. Còn mạch của switch cơ thì thôi khỏi nói, mình lên mạng tìm chẳng thấy bên nào bán luôn.
Việc không có quy chuẩn switch chung không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm của người dùng bình thường, tuy nhiên với mấy thanh niên thích vọc vạch, chế cháo, custom bàn phím như mình thì việc này khá là có vấn đề đấy. Nếu như mình muốn có một con phím với các phím chức năng dùng switch clicky nhưng các phím ký tự thì dùng switch linear thì mình chỉ việc build một con phím cơ custom thôi. Nhưng nếu mình muốn build một con phím quang có chức năng tương tự thì mình sẽ không thể mua mạch switch quang và switch quang để build con phím đó.
Mình có thấy Gateron bán một số loại switch của họ có tương thích với vài mẫu bàn phím quang học giá bình dân của Fuhlen. Tuy nhiên vấn đề là sau khi đã gõ qua quá nhiều con phím cơ ngon lành, những con phím đó không còn khiến mình thấy thỏa mãn nữa. Thậm chí cả khi trải nghiệm các mẫu bàn phím quang học đầu bảng của các hãng lớn thì mình cũng thấy thiếu thiếu điều gì đó.
Các mẫu bàn phím quang học hiện tại chưa thể thỏa mãn cảm giác gõ của mình
Gọi môn chơi bàn phím custom là “mai thúy nhựa” nó đúng theo nhiều cách, điển hình như cái việc một khi đã gõ quen một con phím ngon rồi thì những con phím bình thường sẽ không còn làm chúng ta thỏa mãn nữa. Cũng như liều “mai thúy” chỉ có tăng chứ không có giảm, phím cũng phải ngày càng ngon hơn.
Đối với mình bây giờ thì switch mượt thôi là chưa đủ, cảm giác gõ xuống chạm đáy phím phải thật đanh, chất phím phải thật đặc, âm thanh phải thật chắc chứ không được vang, các thanh stab không được lọc xọc hay nghiêng, dù chỉ là một chút, ngoài ra thì còn nhiều lắm. Để có con phím cơ như thế thì, thì chúng ta phải lube switch, chỉnh stab, chèn foam hay thậm chí là đổ silicon vào, nghe thì khó nhưng vẫn có thể làm được. Còn switch quang học mà muốn làm được thế thì xem như vô phương. Không có một con phím quang bán sẵn nào có thể đạt được những thứ mà mình yêu cầu cả.
Thật ra trên lý thuyết thì cũng có thể làm được đấy, đó là mình sẽ mua một con phím quang xịn với giá đâu đó tầm 4-5 củ về, sau đó rã xác nó ra để lấy đồ làm hàng custom, tất nhiên là có kèm theo xác xuất hư đồ khá cao. Nhưng mà trò mạo hiểm đến vậy thì mình không dám chơi đâu.
Switch quang học không đa dạng, chưa đủ tạo thành một sân chơi hấp dẫn
Ngoài những lý do trên ra thì mình còn một lý do nữa để không công nhận switch quang là một công nghệ sẵn sàng thay thế switch cơ, đó là nó vẫn còn thiếu tính đa dạng. Nếu so với cả trăm lại switch cơ để dân chơi phím có thể lựa chọn thì số lượng đếm trên đầu ngón tay của switch quang học chỉ như muối bỏ bể mà thôi. Nó vẫn chưa thể tạo ra một sân chơi đủ lớn và đủ hấp dẫn để dân chơi phím dấn thân vào được. Ít nhất là mình cảm thấy vậy.
Trên đây là một số lý do khiến mình mình vẫn chưa chấp nhận chúng thay thế cho switch cơ dù vẫn biết là chúng rất đỉnh. Mình cho là chúng chưa sẵn sàng để làm việc đó, ít nhất là cho đến khi chúng đa dạng hơn và có một quy chuẩn chung mà hãng nào cũng áp dụng. Còn bạn, ý kiến của bạn thì sao? Nếu có thì đừng quên cho mình biết với nhé.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Bạn nghĩ Blue Switch đã là ồn nhất? Vậy là bạn chưa biết Kailh Box rồi
- Tiếng ồn của phím cơ blue switch – Chỉ khi là “nạn nhân” thì mình mới thấy nó mệt óc như thế nào
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!