Bạn nào đi học quân sự thì chắc cũng biết đa số các loại súng bộ binh hiện nay đều sử dụng nòng súng có rãnh xoắn, gọi là khương tuyến. Nhờ có nó mà độ chính xác, tốc độ, sức xuyên phá và tầm bắn hiệu quả của một viên đạn đã tăng lên rất nhiều so với súng nòng trơn cổ điển. Những những khẩu súng đầu tiên xuất hiện ở Châu Á và Châu Âu vào khoảng thế kỷ 13-14. Nhưng đến tận thế kỷ 19, khi công nghệ chế tạo súng giúp súng, pháo nòng xoắn trở nên thực dụng thì chúng mới được phổ biến trên chiến trường.
Tuy nhiên có một điều thú vị ở đây là các dòng xe tăng hiện đại như T90, T14 của Nga, M1 Abrams của Mỹ, Leopard 2 của Đức,… đều sử dụng pháo nòng trơn. Tại sao thế nhỉ?
*Để tìm hiểu một cách rõ ràng thì trước hết, mời các bạn cùng mình tìm hiểu một chút về ưu thế và nhược điểm của pháo nòng xoắn nhé.
Ưu thế và nhược điểm của súng nòng xoắn (nòng khương tuyến)
Đói với súng nòng xoắn, khi đầu đạn đi trong nòng súng, nó sẽ bị các rãnh khương tuyến cắt vào và định hướng xoay theo chiều xoắn ốc. Điều này sẽ giúp viên đạn đạt tốc độ xoay rất lớn, từ vài trăm đến vài nghìn vòng mỗi giây, giúp nó có động lượng quay rất lớn, và chính cái là động lượng quay này sẽ giữ cho chiều của viên đạn song song với hướng bắn. Ngoài ra thì viên đạn xoay với tốc độ cao cũng sẽ tạo ra hiệu ứng Spitzer, sinh ra một buồng chân không bao quanh viên đạn, giúp nó đi thẳng hơn và ít ma sát với không khí hơn.
Nhờ những đặc điểm đó mà đạn của súng nòng xoắn có thể bay chính xác hơn. Viên đạn dài của súng nòng xoắn cũng nặng hơn đạn tròn nên cho lực xuyên phá tốt hơn. Chính vì thế mà nòng xoắn trở thành tiêu chuẩn chung cho các loại súng ống quân sự, trong đó có cả pháo trên xe tăng cho đến sau Thế Chiến thứ 2.
Tuy nhiên pháo nòng xoắn cũng có nhược điểm là nó dùng một phần năng lượng của viên đạn để làm viên đạn xoay vòng, khiến sơ tốc đạn giảm đi, từ đó giảm khả năng xuyên phá. Sau thế Thế Chiến thứ 2, sức xuyên phá của pháo nòng xoắn gần như đã đạt đến giới hạn, trong khi đó thì giáp của xe tăng ngày một khó xuyên hơn. Thế là các kỹ sư quân sự phải tìm cách tăng sức xuyên phá cho khẩu pháo xe tăng, và pháo nòng trơn là câu trở lời của họ.
*Khẩu pháo nòng trơn đầu tiên trên thế giới được trang bị hàng loạt cho xe tăng là U-5TS cỡ nòng 115mm, trang bị trên xe tăng T-62 của Liên Xô từ năm 1961. Khẩu pháo này được đánh giá là mạnh hơn 30% so với pháo 100mm của T-54/55 và mạnh hơn 20% so với pháo 105mm trang bị trên xe tăng M60 Patton của Mỹ.
Những ưu thế chính của pháo nòng trơn trên xe tăng
Những tưởng pháo nòng trơn đã đi vào dĩ vãng nhưng không, thế giới hiện địa vẫn cần nó vì những ưu điểm mà pháo nòng xoắn không thể có được.
Pháo nòng trơn cho sơ tốc đạn lớn, xuyên phá tốt và tầm bắn xa hơn
Đạn của pháo nòng trơn không hy sinh sơ tốc để biến thành lực xoay, thay vào đó nó rời nòng với vận tốc lớn nhất có thể, từ đó cho sức xuyên phá lớn hơn. Pháo U-5TS có thể bắn đạn APFSDS đi với sơ tốc 1600m/s, xuyên được 300mm thép ở góc chạm 0 độ. Nhưng đó là thời thập niên 60 nhé. Pháo xe tăng hiện đại còn có sức xuyên lớn hơn thế rất nhiều.
Hiện nay xe tăng T-14 Armata được trang bị pháo nòng trơn 2A82 cỡ nòng 125mm, có thể bắn đạn APFSDS đi với sơ tốc 2050m/s, tạo sức xuyên 850–1000mm thép ở cự ly 2000m. Bao nhiêu đó là đủ để xuyên thẳng giáp trước của M1A2 Abrams của Mỹ hoặc Leopard-2A6 của Đức. Đây là những con số không thể đạt đến với pháo nòng xoắn thông thường.
Ngoài ra sức xuyên phá thì sơ tốc đạn lớn cũng giúp đường đạn căng hơn và tầm bắn hiệu quả xa hơn. Về phần ổn định đường đạn thì các loại đạn của pháo nòng trơn trên xe tăng hiện đại có cánh ổn định tương tự như cánh đuôi tên lửa, từ đạn nổ mạnh, đạn nổ lõm, đạn nổ mảng chống bộ binh… đều có cả. Chỉ trừ một số loại đạn đặc biệt như đạn ghém chống bộ binh của M1 Abrams là không có cánh ổn định mà thôi (vì về căn bản nó là một viên đạn shotgun cỡ siêu bự).
Pháo nòng trơn bền và rẻ hơn
Pháo nòng xoắn khó sản xuất ở khâu khắc rãnh khương tuyến cho nó, khiến nó trở nên đắt đỏ. Các rãnh này cũng hao mòn rất nhanh do phải chịu lực ma sát vô cùng lớn với viên đạn. Sau khi các rãnh này mòn thì pháo sẽ kém chính xác.
Trong khi đó thì pháo nòng trơn không gặp những vấn đề như thế. Nó dễ sản xuất hơn và không có khương tuyến để hao mòn nên độ chính xác giảm ít theo thời gian sử dụng.
Vì sao người ta không làm nòng trơn cho các loại súng khác?
Pháo nòng trơn bền và dễ sản xuất nhưng viên đạn của nó rất phức tạp và đắt đỏ nên không thích hợp với các loại súng cỡ nòng nhỏ. Hơn nữa, việc của pháo chính xe tăng là đục thủng giáp của xe tăng địch nên nó mới cần sức xuyên phá lớn như vậy. Các lại súng khác như súng bộ binh, pháo tự hành, pháo cối, pháo phòng không… thì không cần xuyên phá mạnh đến thế nên nòng xoắn vẫn đáng tin cậy và hiệu quả hơn.
Trên đây là lý do mà pháo chính trên các mẫu xe tăng hiện đại thường là pháo nòng trơn. Hy vọng đã mang đến cho các bạn những thông tin thú vị.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
Tham khảo: Wikipedia rifle, T-62, T14 Armata, M1 Abrams
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!