Yamato là tên của một con tàu, được đặt theo tên vùng đất mà nay là tỉnh Nara của Nhật bản. Nó chiếc siêu thiết giáp hạm được đánh giá là mạnh nhất lịch sử loài người, được thiết kế để có thể đối đầu với nhiều thiết giáp hạm địch cùng lúc và mang theo tham vọng của Hải quân Đế quốc Nhật Bản để trở thành bá chủ khu vực châu Á Thái Bình Dương. Phong quang là vậy nhưng đời nó lại là một câu chuyện buồn và nghiệt ngã – câu chuyện mà GVN 360 sẽ kể cho các bạn trong bài viết ngay sau đây.
Để mở rộng đế chế, người Nhật cần một thứ “thần binh”
Không phải tự nhiên mà người Nhật lại phải hao tiền tốn của để đi chế tạo một thứ vũ khí khủng khiếp như những chiếc thiết giáp hạm lớp Yamato. Mọi chuyện bắt đầu từ tham vọng mở rộng đế chế của người Nhật.
Trong những năm 1930, giới cầm quyền bắt đầu chuyển sang chủ nghĩa quốc gia cực đoan kiểu quân phiệt. Thứ họ muốn không chỉ là một nước Nhật ôn hòa phồn thịnh, họ muốn nhiều hơn thế. Đó sẽ một đế chế kiểm soát phần lớn khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Thực tế là họ đã làm được một phần việc đó. Lịch sử của nhiều quốc gia đã có những trang sử viết bằng máu và nước mắt về một nước Nhật trong quá khứ có quân đội hùng cường, hiếu chiến và vô cùng đáng sợ.
Muốn kiểm soát khu vực Thái Bình Dương thì hiển nhiên người Nhật phải có một hạm đội mạnh mẽ nhất trên vùng biển lớn nhất địa cầu. Họ bắt đầu sửa sang tàu chiến cũ, đóng thêm tàu chiến mới. Tuy nhiên bao nhiêu đó là chưa đủ khi mà những hành động bành trướng của họ bắt đầu làm người Mỹ “ngứa mắt”. Đứng trước nguy cơ phải khai chiến với gã khổng lồ bên kia đại dương, vốn có sức mạnh công nghiệp gấp gần 10 lần mình (Mỹ lúc đó chiếm 32,2% sản lượng công nghiệp của thế giới, so với 3,5% của Nhật), người Nhật cần một thứ “thần binh”, ít nhất là họ nghĩ như vậy.
Thiết giáp hạm Yamato – sinh ra để trở thành kẻ mạnh nhất
Lúc đó thì đa số giới cầm quyền Nhật Bản tin rằng để chiến thắng trên biển hay ít nhất là có thể “nói chuyện” được với người Mỹ thì họ cần có những chiếc siêu thiết giáp hạm, có cả năng một mình chống chọi với nhiều thiết giáp hạm đối phương cùng lúc. Đô đốc hải quân huyền thoại Yamamoto Isoroku và nhiều người khác, chủ yếu bên phe không quân thì không đồng ý, họ muốn tàu sân bay hơn.
Tuy nhiên do là thiểu số nên cuối cùng thì nước Nhật cũng bắt tay vào việc chế tạo thiết giáp hạm lớp Yamato – những chiếc thiết giáp hạm mạnh nhất lịch sử loài người nhưng lại “out meta” ngay từ lúc chúng được hạ thủy. Lẽ ra lúc đó người Nhật nên nghe lời Isoroku.
Bản thiết kế của thiết giáp hạm lớp Yamato được phát triển trong bí mật từ năm 1934 đến 1936. Yamato là con tàu đầu tiên của lớp thiết giáp hạm mang tên nó, được đóng từ tháng 11 năm 1937 đến tháng 8 năm 1940. Thiết giáp hạm chị em của nó là Musashi cũng được hoàn thành ngay sau đó. Đô đốc Yamamoto Isoroku được đưa lên làm thuyền trưởng của Yamato, con tàu mà chính ông đã từng kịch liệt phản đối.
Xét về thông số kỹ thuật, Yamato và chị em của nó là những siêu thiết giáp hạm khủng nhất mọi thời đại
Về vũ khí chúng được trang bị dàn pháo chính gồm 9 khẩu hải pháo cỡ nòng 460mm. Mỗi khẩu pháo dài 21,13m, nặng 147,3 tấn và có tầm bắn tối đa 42km. Chúng được đặt trên 3 tháp pháo 3 nòng mà mỗi chiếc còn nặng hơn cả khúc lượng trung bình của một con tàu khu trục cùng thời. Đó là còn chưa kể đến dàn pháo hạng 2 gồm 12 khẩu 155mm cùng vô số súng ống khác.
Về giáp, đai giáp chính chạy dọc theo thân tàu có độ dày 410 mm với các vách ngăn bổ sung dày 355mm phía sau đai giáp chính. Giáp mặt trước các tháp pháo thì còn dày khủng khiếp hơn nữa, đến tận 650 mm. Sàn tàu cũng được phủ giáp dày 75mm bằng nickel-chromium-molybdenum. Ngoài ra thiết giáp hạm lớp Yamato còn có đai chống ngư lôi thuộc hàng tốt nhất (nếu không muốn nói là vô địch) thế giới.
Với tất cả mớ súng ống, giáp, thủy thủ đoàn, nhiên liệu, đạn dược cùng nhiều thứ khác nữa, Yamato có lượng choán nước toàn tải lên đến 72.000 tấn, dài 263m, rộng 38,9m. Với những thông số kỹ thuật như thế, Yamato chính là chiếc thiết giáp hạm to nhất, nặng nhất, bọc giáp dày nhất và có cỡ nòng pháo chính lớn nhất mọi thời đại, đồng hạng với chị em của nó là chiếc musashi.
Tuy nhiên không vì thế mà Yamato trở nên quá chậm chạp. Chiếc siêu thiết giáp hạm được trang bị động cơ gồm 12 nồi hơi Kampon và 4 turbine hơi nước với tổng công suất 147.948 mã lực. Hệ thống động cơ khổng lồ này truyền động xuống 4 chân vịt có đường kính 6m, đẩy con tàu đi với tốc độ lên đến 50 km/h, một con số đáng nể với chiếc tàu cỡ đó.
Cuối cùng thì người Nhật cũng có thứ “thần binh” mà họ muốn. Chỉ tiếc là đôi khi cái chúng ta muốn và cái chúng ta thực sự cần lại không giống nhau.
Thần binh sinh nhầm thời
Không phải tự nhiên mà đô đốc Isoroku muốn đóng tàu sân bay thay vì những chiếc siêu thiết giáp hạm. Ông và một số ít đồng liêu của mình, ngay từ ngày đầu mà tàu sân bay bắt đầu tung hoành trên các đại dương đã nhận ra rằng chúng mới chính là biểu tượng của hải quân trong một thời đại mới. Tàu sân bay không có giáp dày hay mấy khẩu pháo to đùng, không phải vì chúng yếu đuối mà là vì căn bản là chúng không cần. Những con tàu sân bay có thể tấn công từ khoảng cách vài trăm km, nằm ngoài tầm bắn của bất kỳ thiết giáp hạm nào từng được chế tạo trong lịch sử, đương nhiên là cả Yamato nữa.
Trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng lịch sử, sự kiện đã châm ngòi cho chiến tranh Thái Bình Dương. Mục tiêu quan trọng nhất mà đô đốc Isoroku – người đã lập kế hoạch – vạch ra là phải tiêu diệt cho bằng được lực lượng tàu sân bay Hoa Kỳ. Nếu đạt được mục tiêu đó Người Nhật có thể bẻ gãy được lưỡi kiếm của hạm đội Thái Bình Dương để người Mỹ không chõ mũi vào việc chinh phạt Đông Ấn của mình nữa.
Trớ trêu thay, Isoroku tính, người Nhật tính không bằng trời tính. Ngày hôm đó chẳng có chiếc tàu sân bay nào neo ở căn cứ cả, chúng dắt nhau đi tập trận hết cả rồi. Đó cũng là lúc Isoroku biết rằng người Nhật sẽ cầm chắc thất bại trên mặt trận Thái Bình Dương, cuộc chiến mà Yamato và Musashi không thể níu kéo.
Sau này, chính những chiếc tàu sân bay như USS Enterprise, USS Yorktown và USS Intrepid của Lực lượng Đặc nhiệm TF 58 đã góp phần quan trọng trong việc đánh chìm siêu thiết giáp hạm Yamato.
Định mệnh nghiệt ngã
Yamato từng được làm soái hạm của Hạm đội Liên Hiệp Hải Quân Đế Quốc Nhật Bản. Nó chính là biểu tượng khoa học kỹ thuật cũng như sức mạnh của người Nhật trong Thế Chiến Thứ 2. Dẫu vậy nhưng binh nghiệp của Yamato chỉ kéo dài được vài năm ngắn ngủi cho đến khi bị đánh chìm bởi những chiếc tàu sân bay của Mỹ, vốn hiện đại và “hợp thời” hơn. Thứ định mệnh nghiệt ngã đó vốn đã đeo bám lấy con tàu kể từ ngày nó được hạ thủy rồi.
Yamato rất mạnh, người Mỹ công nhận chuyện đó. Thế nên thay vì lôi lực lượng thiết giáp hạm của mình ra làm bia tập bắn cho Yamato thì người Mỹ dùng tàu sân bay và tàu ngầm để “trù dập” nó. Suốt quãng thời gian phục vụ của mình, con tàu chỉ tham gia được đúng một trận hải chiến duy nhất trước khi bị đánh chìm. Thiết giáp hạm Musashi thì còn khốn khổ hơn, nó chẳng những chìm trước cả Yamato mà còn không được tham gia bất kỳ trận chiến nào.
Yamato bắt đầu đi vào hoạt động là với vai trò soái hạm của Hạm đội Liên Hiệp. Nó đã được tham gia trận Midway vào tháng 6 năm 1942 nhưng chưa bao giờ có cơ hội được đọ pháo với tàu chiến Mỹ. Suốt cả một quãng thời gian dài sau đó, nó liên tục bị điều đi hết những căn cứ từ Truk đến Kure và Brunei để được bố trí phòng thủ trước những cuộc tấn công của Mỹ. Lần duy nhất nó được nã dàn pháo chính 460mm vào tàu đối phương là trong trận hải chiến vịnh Leyte vào tháng vào tháng 10 năm 1944, đánh chìm tàu sân bay USS Gambier Bay và tàu khu trục USS Johnston.
Hoạt động cuối cùng của Yamato là Chiến dịch Ten-Go (Chiến dịch Thiên Hiệu). Đây là một chiến dịch cảm tử, là cuộc tổng phản công cuối cùng của người Nhật nhằm vào lực lượng Đồng Minh tại Okinawa. Chiến dịch này có sự tham gia của Yamato cùng những con tàu trong Đệ nhị hạm đội, bao gồm tuần dương hạm hạng nhẹ Yahagi và 8 tàu khu trục khác. Về phần của Yamato, nó có nhiệm vụ tự mắc cạn gần bờ biển Okinawa, trở thành một pháo đài không thể chìm và dội pháo 460mm xuống lực lượng Mỹ trên đảo Okinawa. Về căn bản thì đây là hành động Harakiri (tự sát để bảo toàn danh dự) của Hải quân Đế quốc Nhật Bản theo truyền thống võ sĩ đạo. Tuy nhiên, người Mỹ cũng không để Yamato hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng của nó.
Khi đi ngang qua eo biển Bungo, đội hình của Yamato bị các tàu ngầm Mỹ là Threadfin và Hackleback phát hiện và báo về cho Lực lượng Đặc nhiệm TF 58 (gồm 11 tàu sân bay và 384 máy bay tại thời điểm đó). Lúc 12 giờ 32 phút ngày 7 tháng 4 năm 1945, Yamato đón đợt tấn công đầu tiên với sự tham gia của 280 máy bay và thêm một đợt nữa với 100 máy bay vào lúc 14 giờ.
Đến 14 giờ 23 phút, nó đã trúng 10 quả ngư lôi và 7 quả bom, hầm đạn phía trước phát nổ. Đám khói bốc lên từ vụ nổ cao đến 6,4 km và có thể trông thấy ở khoảng cách 160km từ đảo Kyushu. Con tàu lật úp mang theo 2.498 người thiệt mạng trong số 2.700 thành viên thủy thủ đoàn, kết thúc một câu chuyện đầy đau thương và cay đắng trong lịch sử nước Nhật. Và siêu thiết giáp hạm mạnh nhất lịch sử đã bị đánh chìm.
Trận chiến này không chỉ là một chiến thắng vang dội của Mỹ mà còn chứng minh rằng tàu sân bay mới là vua của biển cả, được xem như biểu tượng cho sức mạnh quân sự của các cường quốc cho đến tận ngày hôm nay. Còn những chiếc thiết giáp hạm khổng lồ thì đã lùi về quá khứ, nhường lại chiến trường cho những thế hệ vũ khí hiện đại và thông minh hơn.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Tàu ngầm ngoi lên lặn xuống như thế nào?
- Xe tăng gắn động cơ phản lực thì sẽ như thế nào?
- Vì sao máy bay chiến đấu phải vứt thùng nhiên liệu phụ khi lao vào không chiến?
- Vì sao những con chim trời nhỏ bé có thể làm hỏng cả máy bay hàng trăm triệu đô?
Nguồn: Wikipedia Thiết Giáp hạm Yamato, Chiến dịch Ten-Go, Lớp thiết giáp hạm Yamato, Isoroku Yamamoto, Trận Trân Châu Cảng
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!